Điện ảnh

Wakako-zake: ngắn thôi nhưng ngon bổ rẻ và chững chạc 01. 07. 16 - 7:40 am

Pha Lê

Một số bạn ngỏ ý muốn biết thêm về anime hoạt hình Nhật có đề tài ẩm thực, hiện nay nổi nhất có Shokugeki no Souma nhưng series này bậy quá, cứ hở đùi hở eo hở loạn xạ, báo hại những ai muốn tìm hiểu thêm về anime ẩm thực bị chùn chân. Quả thật giới thiệu về anime ẩm thực hơi khó, vì một số tác phẩm kinh điển như Sazae-san hoặc Mr Ajikko gần như không chiếu ở đâu ngoài nhật, thậm chí còn không có cả bản lậu phụ đề tiếng Anh.

Cảnh trong series “Sazae-san” (Hình từ Japanupdate). Series kể về bà nội trợ Sazae, không hoàn toàn là anime ẩm thực nhưng các món ăn và bữa cơm đóng vai trò quan trọng trong series. Các nhân vật trong phim đều có tên đặt theo nguyên liệu thực phẩm (Sazae trong tiếng Nhật nghĩa là ốc xà cừ).

Nhưng cũng may là bây giờ vài anime ẩm thực nghiêm túc cũng đã “xuất khẩu”. Một trong những series hay, càng xem càng thấy phấn chấn là Wakako-zake.

Tờ quảng cáo cho “Wakako-zake”. (Hình từ myanimelist)

Nhân vật chính trong Wakako-zake là cô Wakako Murasaki, một nhân viên văn phòng 26 tuổi. Thói quen của cô nàng là đi ăn một mình sau khi tan sở. Vừa ăn cô vừa ngẫm về hương vị, về mùa màng, về cả rượu bia.

Đối với wakako, vừa uống bia vừa xơi món chiên là tuyệt vời. (Hình từ trang Mocorochi)

Nguyên series chỉ có vậy, tức không gì khác ngoài chuyện Wakako đi ăn sau khi đi làm. Gọi là series chứ mỗi tập chỉ độ… 2 phút. Khỏi nói cũng biết series có kinh phí cực thấp, và lại thuộc chủ đề “đời thường”. Dạo gần đây, dân mê hoạt hình Nhật luôn tự véo nhau bảo rằng anime hành động nghiêm túc dạo này hơi khó tìm, còn anime đời thường lại nhan nhản. Nhìn chung tình hình kinh tế trong làng hoạt hình Nhật bây giờ không được như xưa, đa số các họa sĩ manga/anime không kiếm đủ tiền để sống, đạo diễn thì hay bị nhà sản xuất nhốt vào… chuồng, bắt làm việc liên tục để kịp ngày ra mắt. Vừa eo hẹp kinh phí, vừa phải đua thời gian để cạnh tranh nên làm hoạt hình với chủ đề đời thường cho dễ thở. Các kiểu đầu tư chỉ dành cho mấy tác phẩm “chắc ăn” như Naruto. Dù rằng series hành động giống Naruto lâu lâu cũng phải chêm vào vài màn hở hang hoặc xen tập nhiều đánh đấm với tập toàn cảnh… nói chuyện cho nó đỡ tốn.

“Đời thường” tất nhiên chẳng có vấn đề gì, đời thường làm tốt còn hơn hành động làm dở. Nếu có ai đủ khả năng cắt một góc nhỏ xíu “đa số không ai thèm nhìn vào” của cuộc sống và biến góc ấy thành phim hay thì đó là Nhật. Xem Wakako-zake, trong khoảng thời gian 2 phút thôi là khán giả có thể hiểu tường tận về bữa cơm Nhật sau một ngày làm việc và những suy nghĩ của Wakako khi ăn. Thế đã đủ để lôi kéo khán giả do sự thèm thuồng muốn được “chiều chuộng” bằng món ngon khi đã mệt lử là điều ai cũng hiểu được.

Wakako thích thú nhai khổ qua, lý do là sau nhiều hôm làm việc túi bụi, cô thấy sức khỏe xuống dốc, da mặt cũng xấu hơn nên đi ăn món khổ qua đắng cho bổ.

Kinh phí ít ỏi nên các nhà làm phim gần như dồn phần lớn vào vẽ món ăn, đến từng vết lằn trên con nghêu hay màu đỏ lún phún của món gan cá chày đều nom rất hấp dẫn. Còn thiết kế nhân vật và cảnh nền lại đơn giản. Lúc Wakako vừa ăn vừa ngẫm nghĩ, cảnh nền đôi lúc còn đơn sắc và tĩnh, chẳng chuyển động gì mấy.

Món gan cá chày ăn cùng với sake nóng, vẽ giống tới mức nhìn hình là thấy thèm.

 

Nghêu asari hấp rượu. (Hình lấy từ anime evo)

Nhưng series về ăn uống tập trung năng lượng cũng như kinh phí vào vẽ món ăn là điều dễ hiểu. Với lại, lúc Wakako nghĩ ngợi mông lung là lúc hấp dẫn nhất. Ví dụ như hôm cô bị sếp quở vì lỗi của đồng nghiệp chứ không phải của mình, cô bực bội đi tìm quán uống sake nóng và gọi món ăn hợp với sake nóng, vừa ăn uống vừa tưởng tượng ra ngày mai cô sẽ “bóp cổ” cái thằng đổ lỗi bừa cho mình để hả giận. Hoặc lúc Wakako nhâm nhi con cá thu hokke và nghĩ đến chuyện ăn con cá này thế nào là ngon nhất, nhưng ăn kiểu gặm gặm ấy hơi bất lịch sự nên cô kết luận rằng xơi một mình thú hơn xơi chung với người khác. Bị cuốn vào dòng suy nghĩ dễ thương của Wakako, người xem không còn màng đến chuyện cảnh nền có đơn sắc hay không, họ chỉ thấy phấn chấn và vui vẻ khi món ăn giúp Wakako phấn chấn và vui vẻ sau một ngày đi làm căng thẳng.

Wakako vừa ăn gạch cua vừa mơ màng về thói quen ăn uống của người Nhật, vừa xỉn lên xỉn xuống. Chả là gạch cua rất hợp với sake nóng, cô nàng khoái quá nên gọi sake liên tục, thành thử lảo đảo hồi nào không hay.

Chỉ với 2 phút mà xem được một tập hay, học về món ăn, văn hóa, lối sống của dân văn phòng ở Nhật, do người Nhật nổi tiếng luôn làm việc tới khuya và sau đó mệt quá nên ít khi lết về nhà nấu gì được mà toàn ra quán. Người xem tiện thể cũng có cớ suy nghĩ đến vấn đề an toàn thực phẩm, khi một nhân viên văn phòng bình thường của Nhật có thể ra ngoài ăn những món vừa đồng lương khá thường xuyên mà không sợ ung thư hay đau bụng.

Ngoài ra, tôi thích việc Wakako-zake nhắm vào đối tượng khán giả trưởng thành. Đa số anime lại phục vụ thành phần thiếu niên mới lớn, anime có đề tài nấu ăn thường toàn diễn ra ở… trường học, nhân vật chính là một em học sinh mặt búng ra sữa bò. Trừ một số tác phẩm hiếm hoi như Bartender thì anime gần như chẳng có rượu có bia. Nhưng Wakako-zake lại dành cho người lớn, nên ngoài một số thông tin về món ăn, văn hóa, khán giả còn có thể tìm hiểu xem bia hợp với món gì, rượu sake nóng uống chung với gì, sake lạnh dùng kèm với món nào. Wakako-zake dù là hoạt hình ngắn, kiểu vẽ nhân vật dễ thương, nhưng nó lại toát lên một vẻ chững chạc đến bất ngờ.

Wakako vừa uống rượu, ăn nghêu, và tưởng tượng rằng mình đang ở biển. Hình từ marinasauce)

Một series ngắn, chẳng tốn thời gian xem, học được nhiều thứ, lại chín chắn dễ thương chứ không nhoi nhoi những cảnh đội này nấu ăn đọ với đội kia mà không xem thì quá uổng.

*

Xem phim:

Trang anime47 có Wakako-zake phụ đề tiếng Việt, nhưng mới có đến tập 10, còn tập 11, 12 chưa thấy (chưa dịch kịp?). Chất lượng dịch không tệ, nhưng không phải hay lắm, xem được.

Kissanime có đủ 12 tập, dù phụ đề tiếng Anh. Chất lượng hình ảnh của kissanime cũng tốt hơn.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

9:06 Saturday,23.7.2016 Đăng bởi:  candid
Bộ đầu bếp cung đình hay, những món trên Soi đã kể như thịt Tô Đông Pha, bún qua cầu hay bánh bao canh... ngày xưa mình đọc ở trong bộ này.
...xem tiếp
9:06 Saturday,23.7.2016 Đăng bởi:  candid
Bộ đầu bếp cung đình hay, những món trên Soi đã kể như thịt Tô Đông Pha, bún qua cầu hay bánh bao canh... ngày xưa mình đọc ở trong bộ này. 
21:43 Friday,22.7.2016 Đăng bởi:  Đỗ Minh Anh
À đấy chết quên ạ, bộ Mister Ajikko đã được NXB Trẻ thầu mua, dự kiến cuối năm nay sẽ xuất bản ạ. Tương tự với bộ Tiểu đầu bếp cung đình cũng đã được dự kiến mua :D
...xem tiếp
21:43 Friday,22.7.2016 Đăng bởi:  Đỗ Minh Anh
À đấy chết quên ạ, bộ Mister Ajikko đã được NXB Trẻ thầu mua, dự kiến cuối năm nay sẽ xuất bản ạ. Tương tự với bộ Tiểu đầu bếp cung đình cũng đã được dự kiến mua :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả