Thiết kế

Nước ta tham gia triển lãm thế giới từ khi nào (bài 3): xem kiến trúc thuộc địa để biết quy mô đế quốc 15. 07. 16 - 6:27 am

Nguyễn Trương Quý biên soạn

(Tiếp theo bài 1bài 2)

Marseille 1922

Sau Triển lãm thuộc địa năm 1906, Marseille lại tổ chức một cuộc triển lãm tương tự, nhưng trong bối cảnh Thế chiến I vừa kết thúc. Mục đích nhằm khôi phục lần nữa hào quang của nước Pháp thông qua cổ động một hình ảnh một đế quốc toàn diện. Marseille, cảng lớn nhất và là cửa ngõ của Pháp với thuộc địa ở châu Phi và Á, 22% lượng hàng nhập khẩu và 40% xuất khẩu thông qua cảng này. Với vai trò quan trọng trong giao lưu như thế, Marseille được tổng thống mới đắc cử chỉ định tiến hành làm triển lãm thuộc địa năm 1922. Có thông tin cho biết lẽ ra triển lãm này được dự kiến tổ chức năm 1916, tức là 10 năm sau lần thứ nhất, nhưng Thế chiến mãi đến năm 1918 mới kết thúc nên đã hoãn lại.

Nhân vật Việt Nam nổi tiếng nhất tại Đấu xảo Marseille 1922 chính là vua Khải Định. Trong ảnh, Khải Định đứng thứ 3 từ trái sang, cậu bé đứng giữa là Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại sau này, đứng cạnh Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut. Khải Định sau khi thăm Đấu xảo, được tổng thống Pháp đón tiếp tại Paris. Đây là vị vua người Việt đầu tiên có chuyến công du nước ngoài mang tính nghi thức ngoại giao quốc tế – cho dù là thuộc địa. Phan Chu Trinh lên án Khải Định ăn mặc lố lăng, còn Nguyễn Ái Quốc đã châm biếm chuyến công du này qua vở kịch “Con rồng tre” và truyện ngắn “Vi hành” viết bằng tiếng Pháp.

Albert Sarraut, Bộ trưởng Thuộc địa (sau này từng làm Thủ tướng hai lần, tên được đặt cho một trường trung học nổi tiếng ở Hà Nội), đã nhấn mạnh rằng, “từ khi chiến tranh kết thúc, công chúng đã cho thấy họ ý thức được về sự cần thiết và giàu có của các thuộc địa, cũng như nhận thức được giá trị đảm bảo của thuộc địa đối với tương lai nước Pháp”.

Albert Sarraut dẫn Khải Định đi thăm khu triển lãm Đông Dương. Ảnh: Gettyimages.

Trong phạm vi triển lãm, các thợ thủ công Đông Dương đã trưng bày các sản phẩm của mình. Các gia đình châu Phi thì thể hiện các sinh hoạt hàng ngày. Mỗi một gian triển lãm có một đội lính canh gồm những người từ thuộc địa sang. Việc này tạo nên cách trở cho việc giao lưu giữa khách tham quan và các “đối tượng thuộc địa”. Mặc dù sự tiến lại gần nhau giữa công chúng Pháp và các sắc dân thuộc địa chỉ diễn ra mang tính hình thức trong phạm vi triển lãm, nhưng cuối cùng chính quyền Pháp vẫn hân hoan công bố trên báo chí rằng đây là “một sự cải thiện có tính tiến hóa đầy tiềm năng, giúp cho việc điều chỉnh sự cai trị thuộc địa”.

Triển lãm cho phép người tham quan và tham gia có thể nhận diện toàn bộ đế quốc Pháp trong một ngày. Số khách tham quan khoảng hơn 3 triệu đã tạo nên thành công về tài chính cho triển lãm.

Trong Đấu xảo này, một số nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng đã có dịp ghé thăm như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Vĩnh. Phạm Quỳnh đã thuật lại chi tiết chuyến đi Pháp trong loạt ký sự đăng trên Nam Phong, từ số 58 (tháng 4.1922) tới số 100 (10-11.1925). Sau này đã được in thành sách Pháp du hành trình nhật ký (Công ty Phương Nam và Nxb Hội Nhà văn, 2004) và trong tập Phạm Quỳnh – tuyển tập du ký (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu – Nxb Tri thức, 2013). Phạm Quỳnh được “quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai trí tiến đức để dự cuộc đấu xảo Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn ở Paris”.

Phạm Quỳnh (ngồi) cùng Phạm Duy Tốn tại Paris năm 1922. Nhờ chuyến đi dự Đấu xảo này mà Phạm Quỳnh lần đầu tiên mặc Âu phục. Nguồn ở đây

 

Triển lãm chia làm các khu phố, đặt tên theo các địa danh. Ví dụ “phố Hà Nội”, với các ngôi nhà giống phố cổ Hà Nội.

 

Đầu kia của “phố Hà Nội” dẫn ra khu Trung Kỳ.

 

Bên cạnh là mô hình chùa Một Cột.

 Phạm Quỳnh thuật lại khung cảnh như sau:

“Ngày 16. 4. 1922 – 4 giờ chiều thời quan Sarraut đến khu Bắc kỳ, vào dẫy phố An Nam, gọi là phố Hà Nội. Bọn phái viên mình phải bày hàng đứng đón đó; các ông chủ hiệu, các thợ cũng họp cả đấy, cả thảy mấy chục người. Anh em có cử mình ra chúc mừng quan Thượng thư. Văn chương thù tạc, xưa nay mình vẫn không hứng, nhưng, thôi, cũng phải nói dăm ba câu cho tắc trách, vì không thời sang đây làm gì?

“Nói rằng: ‘Bẩm quan Thượng thư, tôi xin thay mặt các anh em đồng xứ, là những nhà thương mại, công nghệ và thân hào Bắc Kỳ có mặt tại đây, chúc mừng Ngài bước chân vào dẫy phố An Nam này. Những nhà tổ chức cuộc Đấu xảo đặt ra một dẫy phố An Nam ở giữa thành Marseille này, kể cũng là khéo nghĩ thật. Vừa vui vừa lạ con mắt cho người đi xem, mà lại vừa bày tỏ được cái xảo nghệ mĩ thuật của nước chúng tôi. Bọn chúng tôi sang đến đây, ở giữa cái thành phố Marseille to lớn này, bỡ ngỡ như người xa lạ, nhưng đến khi bước vào khu Bắc Kỳ này, thời phảng phất như có cái cảnh sắc chốn quê hương. Quan lớn trước khi trọng nhậm chức Thượng thư, ngài đã từng làm Toàn quyền bên Indochine, ngài trông thấy cảnh này chắc ngài lại nhớ lại thủa trước. Tôi xin nhân dịp đây thay lời anh em đồng xứ tỏ lòng kính mến ngài là quan Toàn quyền cũ của chúng tôi.

“Ấy văn chương “nước ốc” như thế mà cũng có người cho là nghe được, thời đủ biết người ta cũng dễ tính quá.” (Phạm Quỳnh – tuyển tập du ký)

Khu mô hình đền Angkor Wat trong triển lãm.

 

Mô hình đền Angkor Wat do KTS Auguste Émile Joseph Delaval chỉ đạo phục dựng.

Paris 1925: Cuộc giao tranh của Art-Deco và Constructivism

Triển lãm quốc tế về mỹ thuật trang trí và kỹ nghệ hiện đại (L’Exposition internationale des arts décoratifs et industriels modernes) đã sinh ra một phong cách nghệ thuật mới, Art-Déco, được rút gọn từ cụm từ arts décoratifs. Các tòa nhà có xu hướng dùng các hình khối lập phương, các đường diềm trang trí được tận dụng phong phú.

 

Tòa nhà của Đông Dương phản ánh đậm nét tính chất trang trí kết hợp với những họa tiết Á Đông đắp lên các khối hộp vuông vức, nhấn mạnh tính đăng đối nghiêm cẩn. Hệ thống sênô (máng thoát nước mái) được tận dụng biến thành hệ mái dốc có console kiểu kiến trúc truyền thống ảnh hưởng Trung Quốc. Phong cách Art-Déco này sau này rất được ưa thích ở Việt Nam nhằm tạo ra một sự kết nối với quá khứ trên cơ sở phương thức xây dựng và vật liệu mới (gạch đặc, bê tông cốt thép).

 

Áp phích về xứ Đông Dương tại triển lãm

 

Một chút rẽ ngang: Tại Triển lãm này, giới kiến trúc chú ý tới hai tòa nhà có ngôn ngữ thiết kế hiện đại. Đầu tiên là tòa nhà triển lãm của Liên Xô, do kiến trúc sư Konstantin Melnikov thiết kế. Phong cách Tạo dựng (Constructivism) tỏ ra hiện đại và mới mẻ, dùng các mảng kính lớn và hệ khung phóng khoáng, không dùng các phù điêu trang trí kiểu Art-Déco đang thịnh hành. Tuy nhiên, như ta đã biết, giai đoạn 1930 trở đi, Stalin ưa chuộng phong cách Tân cổ điển XHCN nên trường phái Tạo dựng không còn được sử dụng ở các triển lãm hay công trình lớn của Liên Xô nữa.

 

Tòa nhà thứ hai là Esprit Nouveau (Tinh thần Mới) của KTS Le Corbusier – nhân vật tiên phong của kiến trúc Công năng. Phong cách của ông đã ảnh hưởng mạnh đến chủ nghĩa Hiện đại.

Paris 1931: “Hội chợ Đế quốc Vincennes”

Sau 8 thập niên tiến hành công cuộc xâm lược thực dân, Pháp tổ chức một Triển lãm thuộc địa quy mô lớn nhất từ trước đến giờ, nhằm lấy lại tinh thần dân chúng khi cuộc Đại Suy thoái vẫn còn chưa chấm dứt hẳn. Lúc này, các đảng cánh tả như Xã hội và Cộng sản hoạt động mạnh mẽ trên chính trường, vì thế một cuộc triển lãm như thế này không dễ bị bỏ qua.

Các tờ báo cánh tả như L’HumanitéLe Populaire đã chỉ trích Triển lãm Thuộc địa là một sự che đậy cho công cuộc xâm lược nước ngoài, và gọi đây là “Hội chợ Đế quốc Vincennes” (tên khu rừng nơi tổ chức Triển lãm ở ngoại ô Paris). Các nhà thơ trường phái Siêu thực như André Breton, Paul Eluard, Aragon, Maxime Alexandre đã đi phân phát tờ rơi “Đừng đi thăm Triển lãm”. Aragon còn tổ chức một cuộc “phản triển lãm”, đặt trong một tòa nhà cũ từ thời Triển lãm 1925. Ở đây, ông cho bày các điêu khắc của châu Phi, châu Đại dương và châu Mỹ, theo cách để người xem có thể nhìn thấy nghệ thuật chân thực của các nước, cách biệt với không khí thực dân chủ nghĩa của “Bảo tàng Thuộc địa thường kỳ” tại Vincennes. Còn về Angkor Wat, nhà lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa Léon Blum bình luận cay độc: “Ở đây chúng ta tái tạo lại những bậc thềm tuyệt tác của đền Angkor Wat và chúng ta say mê xem các vũ công thần thánh, nhưng ở Đông Dương, chúng ta bắn giết, giam cầm và tù đày những con người đó”.

Trong khi áp phích của Pháp khuếch trương “Sứ mệnh khai hóa” ra thuộc địa khắp thế giới…

 

…thì áp phích của Đảng Cộng sản Pháp phản đối Triển lãm với các hình vẽ “Sự thật ở các xứ thuộc địa” – với rượu, thuốc phiện và máy chém.

 

Áp phích chính thức với các hình ảnh người ở các thuộc địa.

 

Tòa nhà trưng bày của xứ Nam Kỳ. Phong cách kiến trúc rất giống với phong cách kết hợp Hoa-Pháp mà các kiến trúc sư như Ernest Hebrard theo đuổi tại Hà Nội hay Sài Gòn, ví dụ các tòa nhà Bảo tàng Lịch sử hay trường Đại học Đông Dương mà nay vẫn còn. Tại Triển lãm này, tại khu Đông Dương, các tác phẩm của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương cũng được trưng bày như Nam Sơn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Georges Khánh, Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu.

 

Tòa nhà xứ Bắc Kỳ với lối dẫn vào có hàng lan can hình rắn Naga như ở khu đền Angkor.

 

Các nghệ sĩ gánh hát Việt Nam đi máy bay tới Triển lãm.

 

Tháp Angkor Wat trong quá trình xây dựng và khi chiếu sáng vào ban đêm.

 

Tòa triển lãm Trung Kỳ, rất giống Hiển Lâm Các ở Đại Nội, Huế

 

Khu Campuchia liền kế khu Bắc Kỳ.

Mặc dù bị chỉ trích và mang tinh thần củng cố sự ưu việt chủng tộc của Pháp, triển lãm đã rất thành công về thương mại khi đã bán ra được 33,5 triệu vé cùng 1 triệu vé mời – trở thành triển lãm lớn hai trong lịch sử cho đến nay tại Paris, và thu về lợi nhuận khoảng 33 triệu franc.  Sau hiệu quả tức thời là củng cố hình ảnh của đế quốc sau thời kỳ Đại Suy thoái, triển lãm cũng không giúp cho nước Pháp mạnh hơn về lâu dài. Những cuộc bầu cử mâu thuẫn giữa các phe cánh, sự lên ngôi của Đức Quốc xã, cuộc Thế chiến thứ Hai và sự tan rã của hệ thống thuộc địa ở Việt Nam và Algieria, khiến cho các triển lãm thuộc địa chỉ còn là một ảo ảnh phù phiếm của quá khứ.

Paris 1937

Triển lãm thế giới 1937 có lẽ là lần cuối cùng có sự xuất hiện của người Việt tại các gian triển lãm tại Pháp, vì cuộc chiến tranh ở Đông Dương kéo dài sau đó cắt lìa mối liên hệ.

Mặc dù chưa tìm thấy được những hình ảnh chụp gian hàng Việt Nam như các triển lãm trước, Triển lãm quốc tế 1937 có lẽ là lần đầu có những thước phim màu ghi lại, trong đó một vài cảnh quay tại khu triển lãm Đông Dương. Chúng ta có thể xem trong đoạn phim tư liệu này về Triển lãm Paris Expo 1937.

Một số hình ảnh chụp từ phim:

Phiên bản tượng Nữ thần Tự do của Frédéric Auguste Bartholdi và mô hình (có lẽ là) tháp chùa Thiên Mụ phía sau trong khu Đông Dương. Độ chính xác và chi tiết thua xa với mô hình ở Đấu xảo Thuộc địa 1931 cũng ở Paris đã giới thiệu ở trên.

 

Khu Đông Dương nhìn từ dưới sông lên: tháp chùa Thiên Mụ, nhà nông thôn không rõ vùng nào, quanh tháp Bayon có lẽ là các ngôi nhà kiểu Lào.

 

                      n
Tháp Bayon có lẽ là phần được đầu tư công phu nhất vì khá giống thực tế cũng như khá đồ sộ, cộng thêm người ta đã có thâm niên xây dựng các mô hình từ những triển lãm vài chục năm trước.

 

Nghệ nhân người Việt thêu. Phải nói là trông khuôn mặt ông rất thông minh, đặc biệt ánh mắt sắc sảo. Có lẽ ông là người gốc Quất Động, Thường Tín (Hà Nội bây giờ), nơi nổi tiếng về nghề thêu? Nếu còn sống, ông cũng phải trên trăm tuổi rồi.

San Francisco và New York 1939

Triển lãm thế giới tại San Francisco diễn ra đợt đầu từ 18. 2 đến 30. 10. 1939. Việc xây dựng khu triển lãm của Đông Dương tiến hành từ 2. 1 đến 16. 2. 1939. Trong danh sách phái đoàn Việt Nam do Toàn quyền phê duyệt có tên 3 người Việt: Thư ký phiên dịch, Cô Nguyen Thi Lien, hai thư ký là Ông Duong Xuan Lang và Thanh Thuong Cong, hai nghệ nhân.

Một dấu tích của Việt Nam – Chùa Một Cột – trên tem có quảng bá về Triển lãm thế giới tại San Francisco năm 1939. Triển lãm này có tên Golden Gate International Exposition, diễn ra hai đợt trong năm 1939 và 1940, nhằm kỷ niệm hai cây cầu lớn được xây dựng thời đó, trong đó cây cầu Cổng Vàng nổi tiếng. Năm 1939 cũng có một triển lãm thế giới nữa ở New York – con tem có tên Đông Dương với một số hình ảnh các thuộc địa.

 

Bản đồ Triển lãm thế giới Golden Gate, San Francisco 1939. Nhà triển lãm xứ Đông Dương là chỗ mũi tên xanh chỉ vào.

 

Tờ rơi quảng bá gian triển lãm Đông Dương, với hình ảnh đền Angkor, chùa ở Phnom Penh và vịnh Hạ Long.

Nội dung trên bìa sau của tờ rơi trên ghi: “Trong Phòng số 4 bạn sẽ thấy tác phẩm bản địa tinh tế cả bằng những chất liệu nhẹ lẫn nặng. Hàng thêu ren và đồ nhẹ như lông vũ hoàn toàn làm thủ công, cùng với các giỏ và nón lá cùng những chiếc quạt được trang trí lộng lẫy có thể tìm được ở đây.

“Các tủ trưng bày những tác phẩm đẹp đẽ bằng đồng, da thuộc, sơn mài, da rắn và kính lúp.

“Do không gian có hạn nên chúng tôi không thể bày hết những đồ quý báu chúng tôi đã mang tới đây, nếu bạn quan tâm đến dòng sản phẩm thủ công bản xứ nào, hãy cho phép chúng tôi cho bạn xem những mặt hàng mà chúng tôi không thể trưng bày được. Như đã thông báo từ trước, mọi mặt hàng được bán có sự đảm bảo chính hiệu của chính phủ. “

Tòa nhà này có hình thức bên ngoài rất giống tòa nhà ở Triển lãm Paris 1925.

 

Bên trong nhà triển lãm.

 

Sân trong nhà triển lãm Đông Dương

“Bước qua những lối vào của tòa nhà Đông Dương thuộc Pháp có cảm giác giống như vào một ngôi đền cổ. Những chạm khắc phù điêu từ Angkor, các bức tượng gỗ được đẽo bằng tay và những bức khảm men sứ, kết hợp với lối kiến trúc lạ lùng của người An Nam, tạo nên một tòa nhà hai tầng độc đáo và ấn tượng. Các đồ trưng bày được lựa từ Lào, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên và Nam Kỳ. Các hiện vật bao gồm những sản phẩm của các tộc người vùng cao cổ xưa, cũng như của đời sống thương mại, công nghệ và văn hóa phát triển của các trung tâm đô thị”. – Đảo châu báu: Thành phố Kỳ diệu 1939-1940 (Treasure Island: The Magic City 1939-1940), Jack James và Earl Weller (1941).

 

Ý kiến - Thảo luận

6:20 Thursday,13.5.2021 Đăng bởi:  Dinh Nguyen
Không biết các mô hình được xây dựng bằng loại vật liệu như nào , mà tỉ lệ 1: 1 , và trông như bản thật? Các tòa nhà có được xây dựng bằng gạch ,vữa, ngói.. với nền móng như nhà thật không? Có ai biết điều này không xin được chỉ giáo. Và sau hội chợ thì các tòa nhà đó sẽ được xử lý như nào?
Rất đẹp. Công phu hoành tráng thực sự. Tks!
...xem tiếp
6:20 Thursday,13.5.2021 Đăng bởi:  Dinh Nguyen
Không biết các mô hình được xây dựng bằng loại vật liệu như nào , mà tỉ lệ 1: 1 , và trông như bản thật? Các tòa nhà có được xây dựng bằng gạch ,vữa, ngói.. với nền móng như nhà thật không? Có ai biết điều này không xin được chỉ giáo. Và sau hội chợ thì các tòa nhà đó sẽ được xử lý như nào?
Rất đẹp. Công phu hoành tráng thực sự. Tks! 
14:39 Saturday,16.7.2016 Đăng bởi:  Le nhaque
Qua bài hiểu sự thán phục đối với người An Nam (nghệ nhân: kết hợp được sự khéo léo vô song với tỉ mỉ; cái tỉ mỉ bây giờ thấy thiêu thiếu, chắc do ảnh hưởng Đại nhảy, đại phong, đại trại...) - một thán phục loáng thoáng trong sách của Pháp, nhưng khá sâu. Còn về chút rẽ ngang trong bài. Hôm nọ đi qua ngoái nhìn tòa nhà Cung Hữu nghị Việt Xô, ngán ngẩm quá (
...xem tiếp
14:39 Saturday,16.7.2016 Đăng bởi:  Le nhaque
Qua bài hiểu sự thán phục đối với người An Nam (nghệ nhân: kết hợp được sự khéo léo vô song với tỉ mỉ; cái tỉ mỉ bây giờ thấy thiêu thiếu, chắc do ảnh hưởng Đại nhảy, đại phong, đại trại...) - một thán phục loáng thoáng trong sách của Pháp, nhưng khá sâu. Còn về chút rẽ ngang trong bài. Hôm nọ đi qua ngoái nhìn tòa nhà Cung Hữu nghị Việt Xô, ngán ngẩm quá (mắt của người dân thường, không phải KTS). Rồi hôm kia đi qua một tòa nhà bỏ hoang, thấy nói của Bộ Xây dựng, đá rửa, mái bằng, nằm trong lau lách ở đường hẻm từ cồng đoàn 295 đi tắt ra đường cái mới (không đi đường có 2 thằng trâu gại sừng nhau). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả