|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhThánh Christopher: kẻ bơ vơ cõng Chúa và cả thế giới qua sông 21. 11. 16 - 7:06 amAnh NguyễnThỉnh thoảng trong các bức tranh thánh, chúng ta lại bắt gặp một ông trung niên cao lớn có chòm râu rậm ẵm đứa trẻ lội qua sông. Đứa bé đó chính là Chúa Hài Đồng, còn người đàn ông kia là thánh Christopher. Tên của người có nghĩa “Christ-bearer” (người mang Chúa Jesus), dựa theo truyền thuyết nổi tiếng nhất liên quan đến vị thánh này. Sự tích về cuộc đời của thánh Christopher rất thú vị. Theo truyền thuyết, ông là một người khổng lồ gốc Canaan với chiều cao 2.3m. Tên cúng cơm của ông là Reprobus, nghĩa là kẻ bơ vơ, bị xã hội ruồng bỏ. Nếu Reprobus là người có thật trong lịch sử thì rất có khả năng ông bị mắc chứng Gigantism (rối loạn nội tiết khiến người bệnh trở nên cao lớn đột biến). To cao hoành tráng là thế nên Reprobus có khát vọng phục vụ một vị vua thật vĩ đại. Ông tìm đến nhà vua được truyền tụng là xuất chúng nhất, nhưng phát hiện ra vua sợ … quỷ Satan, thế là ông bỏ đi. Tìm thấy quỷ Satan rồi, ông định dốc lòng phục vụ hắn, nhưng lại phát hiện ra quỷ cũng biết sợ – sợ Chúa Jesus. Ông bèn lang thang đi tìm Chúa. Theo hướng dẫn của một nhà tu hành mộ đạo, Reprobus làm nhiệm vụ đưa mọi người qua một con sông hiểm trở. Nhà tu hành khuyên ông rằng việc thiện này sẽ làm Chúa hài lòng. Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có sự tích Thủ Huồng đưa đò chở người qua sông để cải ác hóa thiện, Tây Du Ký lại có Sa Tăng ẩn mình tại sông Lưu Sa chờ người lấy kinh, kể cũng có chút giống nhau. Ông khổng lồ Reprobus miệt mài cõng người qua con sông dữ cho tới một ngày, một đứa trẻ xuất hiện. Bé nhưng là …bé hạt tiêu, nặng như chì, ông khổng lồ vốn khỏe mà bưng em nhỏ qua sông cũng mệt bở hơi tai. Đọc đến đây cũng có thể đoán được đứa trẻ này chính là Chúa Jesus. Sức nặng siêu phàm ấy là do đâu? Chính là từ cả thế giới mà ngài đỡ trên tay. Vì thế trong những bức tranh miêu tả sự tích này, có khi ta còn thấy Chúa nâng một quả địa cầu nho nhỏ. Sau khi hé lộ danh tính của mình cho Reprobus, Chúa biến mất trong chớp mắt. Như ta đã biết, Thiên Chúa giáo vay mượn rất nhiều yếu tố truyền thuyết và biểu tượng của các dị giáo có trước nó, vừa để dễ “dụ dỗ” dân chúng cải đạo, vừa làm giàu thêm kho tàng iconography. Trong câu chuyện của thánh Christopher, ta có thể thấy hơi hướng thần thoại Hy Lạp, cụ thể là vị khổng lồ Atlas nâng đỡ bầu trời, và người hùng Jason cõng nữ thần Hera qua sông. Sau cuộc gặp mặt với Chúa, khổng lồ Reprobus rũ bỏ tên gọi cũ, đổi thành Christophoros (kẻ nâng đỡ Chúa,) lâu ngày mọi người đọc trại thành Christopher cho dễ gọi. Và cái tên Christopher trở thành một cái tên thánh phổ biến dùng đặt cho các trẻ con trai trong thế giới phương Tây. Ông Christopher bắt đầu sự nghiệp rao giảng, truyền đạo, thu phục những con chiên về dưới trướng Thiên Chúa giáo. Điều này đương nhiên không làm vừa ý nhà vua đương thời – hoàng đế La Mã Decius (trị vì từ 249 đến 251). Thời gian ngồi trên ngai vàng ngắn ngủi là thế nhưng hoàng đế Decius đạt được rất nhiều thành tựu trong việc… đàn áp các tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong số các nạn nhân bị Decius thanh trừng có cả Giáo hoàng Fabian. Ngày nay, Toà thánh La Mã vẫn lên án Decius là một “tên bạo chúa tàn ác.” Đương nhiên hoàng đế Decius không để cho Christopher được yên. Ông bị bỏ tù, tra tấn, và cuối cùng là xử tử. Mặc dù bè lũ tay sai của Decius không giết được ông một cách dễ dàng, cuối cùng Decius vẫn bị chặt đầu. Câu chuyện này hơi giống với sự tử vì đạo của thánh Menas người Ai Cập. Theo truyền thuyết, sau khi ông Menas bị tử hình, quân lính đốt xác ông ba ngày ba đêm nhưng di thể của ông vẫn vẹn nguyên. Vì thế nhiều người cho rằng thánh Christopher và thánh Menas chẳng qua chỉ là một người, do nhiều nguồn thông tin khác nhau truyền lại mà trở thành tam sao thất bản, một hóa thành hai.
Câu chuyện của thánh Christopher có nhiều màu sắc truyện anh hùng hiệp sĩ thời Trung cổ, lại dính chút khí khái của lính tráng, vì thế ngài trở thành vị thánh bảo trợ đặc biệt cho các du khách và binh sĩ khi ra trận. Cả đời ngài đã đưa người qua sông an toàn, thế nên từ Âu sang Á, những người lữ hành thường mang theo dây chuyền có mặt hình thánh Christopher lấy khước, xe cộ du lịch cũng hay có tượng ngài để phù hộ cho khách đi. Ở Tiểu Á, thánh Christopher đặc biệt được trọng vọng. Lần đầu tiên tôi đọc về quyền lực của thánh Christopher là trong cuốn Middlesex của nhà văn Jeffrey Eugenides. Khi Milton vì thất tình liều mình ra trận trong Thế chiến thứ hai, bà Desdemona cầu thánh Christopher phù hộ cho con trai trở về an toàn, với lời hứa “sẽ bắt Milton tu sửa lại nhà thờ của thánh.”
Thân thuộc và gần gũi như vậy nên thánh Christopher được nhân dân sùng kính chỉ sau Chúa và Đức Mẹ. Theo thống kê riêng ở Anh quốc, số lượng tranh, tượng miêu tả thánh Christopher nhiều ơi là nhiều, chỉ kém mỗi hai vị kia mà thôi. Nãy giờ ngắm thánh Christopher chắc độc giả cũng đã quen mắt, thế nên nhỡ có lúc nào thấy thánh Christopher được vẽ với … cái đầu chó thì xin đừng té ngửa! Lý do rất trời ơi đất hỡi. Thánh Christopher là người gốc Canaanite (Cananeus,) mà dân Byzantine lại đọc nhầm thành canine (canineus,) thế là thỉnh thoảng tranh thánh Christopher xuất phát từ đế quốc Đông La Mã lại mình người đầu chó là vì vậy. Thông điệp về sự giáo hóa của thánh Christopher mang ý nghĩa biểu tượng sâu đậm. Theo Jacobus de Voragine, thánh Christopher đã nâng đỡ Chúa Jesus bằng bốn cách: trên vai khi ngài cõng Chúa qua sông, trong cơ thể khi ngài chịu sự tra tấn của nhà vua, trong tâm khảm khi ngài tận tuỵ hiến dâng lòng mộ đạo, và bằng miệng khi thuyết pháp. Vì thế mỗi con chiên đều có thể trở thành một “Christopher – người nâng đỡ Chúa” nếu dốc lòng thành tâm yêu kính Chúa và chăm làm việc thiện. Ý kiến - Thảo luận
19:51
Monday,21.11.2016
Đăng bởi:
Khánh
19:51
Monday,21.11.2016
Đăng bởi:
Khánh
Một bài viết hay. Cám ơn tác giả.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp