Soi học

Bài học thứ Tư: Achilles ra trận –
Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì? 19. 10. 11 - 1:11 am

GiGi và MM tổng hợp, bình tranh

 

 

Khi Patroclus, bạn thân của Achilles, bị Hector giết, người lo lắng nhất chính là nữ thần Thetis. Nàng biết rằng Achilles vô cùng yêu quý bạn mình. Chàng chắc chắn sẽ tham chiến, giết Hector để báo thù. Nhưng nếu Hector chết thì lúc đó mạng Achilles cũng tận.

Thetis ra sức khuyên giải con trai nhưng Achilles khăng khăng không nghe. Chàng nói nếu không tự tay giết chết Hector báo thù thì cũng không còn thiết sống trên đời. Chàng bảo, cứ đi, mặc kệ số phận bi thảm mà các nữ thần số mạng đã dành cho mình.

“Achilles và Thetis” của họa sỹ Y Mauro Conconi (thế kỷ 19). Trên giường vẫn còn xác Patroclus – người bạn, người yêu của Achilles. Mẹ Thetis không hiểu sao lại cởi trần (các họa sĩ ngày xưa rất là tự tiện), mặt tuy là cản con nhưng lại vui tươi! Bức tranh khá tươi tắn, điển hình của giai đoạn lãng mạn Ý. Chiếc áo choàng của Achilles đỏ rực rỡ nhưng có phần hơi đơn độc. Cảm giác sự liên hệ giữa hai mẹ con bị giảm bớt vì bộ váy áo của Thetis chả nhận được chút phản chiếu hồng hào nào từ cái áo choàng màu đỏ ấy. Bức tranh như được vẽ từng nhân vật riêng lẻ sau đó được cộng với nhau bằng câu chuyện.

 

Không khuyên được con, Thetis nước mắt chứa chan, đành bảo Achilles chờ đợi để lên Olympus nhờ thần thợ rèn Hephaestos (tức Vulcan) – chồng cũ của Venus – rèn cho một bộ giáp trụ mới, thay cho bộ giáp trụ vàng mà Patroclus mượn mặc đã bị Hector cướp mất.

Thetis ngày xưa vốn là ân nhân Hephaestos. Khi Hephaestos bị mẹ từ trên trời quăng xuống, chính chị em Thetis đã nuôi ông. Nay có dịp trả ơn, Hephaestos bèn trổ hết tài sức rèn một tấm khiên đặc biệt cho Achilles. Tấm khiên có dây đeo bằng bạc, ba vành, dày năm lớp, trên mặt chạm khắc vô số những hình vẽ tuyệt đẹp về bầu trời, mặt đất, cây cỏ, muông thú…

 

“Thetis xin Vulcan làm vũ khí cho Achilles”, tranh của họa sĩ người Áo Ludwig Beyfuss vẽ năm 1844. Nhân vật mặc áo trắng có lẽ là Charis, vợ sau của Vulcan, cũng là cô chị cả trong “Ba người đẹp” mà các họa sĩ hay vẽ, với ba cô vòng tay ôm eo nhau. Có người bảo đây là Venus, nhưng Pha Lê cho rằng đây không phải Venus, vì Venus thì thường là không mặc đồ và lúc nào cũng có Cupid bám đuôi (nhất là khi nhà có khách). Vả lại trong tranh, người phụ nữ này có vẻ âu yếm Vulcan, rất khác Venus. Trong tranh này, Thetis rất tâm lý: nhờ chồng nhưng mắt lại nhìn vợ. Nội thất là của thời đại họa sĩ sống… Cùng vẽ vào thế kỉ 19, cùng đề tài nhưng bức này không khai thác cái mượt mà của hội họa Ý. Tranh gây cảm giác mạnh và khúc chiết. Tính tương tác trong hòa sắc rất khéo (thí dụ: từ chiếc áo xanh chuyển sang chiếc áo đỏ bầm được bắc cầu bằng chi tiết cũng màu xanh của cái gối kê chân). Lưu ý: các họa sĩ thời đó rất thích vẽ gạch nền carô, là một cách để tạo chiều sâu không gian cho bức tranh.


“Thetis nhận vũ khí của Achilles từ Hephaestus”, Anton Van Dyck, một họa sĩ người Phổ sống vào thế thể 16 – 17. Van Dyck về sau trở thành họa sĩ cung đình chủ chốt của… Anh, nổi tiếng nhất với những bức chân dung vẽ vua Charles I cùng gia đình, với một phong thái ung dung, lịch lãm, khiến suốt 150 năm sau tranh chân dung của Anh cái nào cũng bắt chước ung dung, lịch lãm thế, bất kể chủ nhân có cục súc thế nào. Van Dyck cũng hay vẽ các tích Kinh Thánh và thần thoại. Ông còn là một nhà cải cách quan trọng trong lĩnh vực tranh màu nước và tranh khắc. Với đề tài Thetis nhờ vả Vulcan, bạn chú ý, tuy cũng là tên ấy, nhưng lại là đợt giáp trụ đầu tiên mà Vulcan rèn (trước khi Patroclus bị giết và Hector lột mất mấy món này). Đợt sau Thethis mới nhờ rèn thêm khiên.Có hai đợt Vulcan rèn cho Thetis tất cả… Trong tranh, từ các động tác cho đến sự phân bố các nhân vật đều rất tuyệt. Từ cách nén hành động của Vulcan bằng khoảng tối đặc đến khoảng trời mở ra với đám thiên thần, cho tới chiều hướng của các khối mây đều chứng minh bút pháp tài hoa của một bậc thầy. Sự tiếp giáp giữa các khối cơ thể với không gian xung quanh được làm mềm đi, càng tăng tính hoạt động của nhân vật và tính động của tranh.

 

“Thetis nhận khiên của Achilles từ Vulcan” của Sir James Thornhill, vẽ năm 1710. Theo Tate, đây có lẽ là một bức họa để trang trí cầu thang ở Hanbury Hall, Worcestershire. Vào cuối thế kỷ 17, vẽ các tích sử, tích thần thoại lên tường, lên trần là mốt (của nhà giàu, dĩ nhiên). Thornhill là nghệ sĩ quan trọng của Anh, được ưa chuộng với lối vẽ tranh theo phong cách Baroque lộng lẫy và “hoành tráng”. Tranh của ông được trang trí cho nhiều kiến trúc quan trọng ở Anh. Trong tranh, cảnh lò rèn với những người thợ già đang làm việc được trộn lẫn với cảnh sóng biển, nơi Thetis trồi lên nhận khiên. Cảm giác hoành tráng ở đây không phải là cỡ tranh to hay nhỏ mà do cách bố cục các nhân vật (chồng lớp theo chiều đứng), len nhiều lớp không gian tạo ấn tượng của sự to lớn. Chỉ có một khoảng trời bao quanh Thetis mà cũng đã được khéo léo chia thành bốn mảng khác nhau, bằng màu sắc, độ vần vũ, hướng chuyển động… của các đám mây, cho cảm giác tầng lớp và cuồn cuộn.


“Thetis mang vũ khí đến cho Achilles”, vẽ khoảng 1806-1808, của Benjamin West. Trên giường vẫn là xác Patroclus, trông như một cô gái, cổ và ngực dây vết máu. Màu sắc tươi sáng và sa đà vào diễn tả các nếp vải cho thấy tác giả chịu ảnh hưởng nặng của hội họa Ý. Nhưng về đường nét và tạo khối lại thiếu độ mềm mại của hội họa Ý, đặc biệt khi thực hiện các đường viền cơ thể. Cũng có thể tác giả cố ý để nhân vật Achilles thêm mạnh mẽ, nhưng hình như thủ pháp này thất bại vì cuối cùng trông như trong sách giải phẫu học.


“Thetis mang vũ khí đến cho Achilles” cũng của Benjamin West. West sống vào thế kỷ 19 nhưng ưa thích các đề tài cổ. Ông có thời làm nghề chép tranh của các danh họa như Titian và Raphael. Đề tài Achilles được mẹ đưa vũ khí được West vẽ lại, tuy cùng tên tranh nhưng lại một sắc thái khác. Trong tranh, Achilles giận dữ, đau buồn, tay đặt trên cánh tay của Patroclus một cách trìu mến. Thetis mang khiên, mũ sắt đến, lựa lời nói với con. Bức này có vẻ thú hơn bức trước của West. Vì được cái khiên che khuất một phần cơ thể nên nhân vật Thetis gây tò mò hơn về mặt thị giác. Achilles có phần vai nhìn hơi kỳ quái. Các chiến binh trông rất đẹp. Có lẽ với cách tạo hình hơi cứng như vậy, cứ cái gì có nhiều sắt thép đi cùng lại là thế mạnh diễn tả của West.


“Thetis đưa Achilles vũ khí” của Giulio Romano – một họa sĩ Ý nổi tiếng vào thế kỷ 14- 15, học trò của Raphael. Ông là nghệ sĩ Phục Hưng duy nhất được William Shakespeare nhắc tới trong kịch, với tư cách là điêu khắc gia, mặc dù ông không hề nặn tượng. Trong tranh này, bậc thầy không hiểu nghĩ gì mà vẽ như là Achilles đang đánh nhau với mẹ. Chất liệu vải trên người Achilles mặc cũng rất kỳ quái: những dải màu xanh bên dưới cho thấy đây là một thứ vải (da?) rất dày, nhưng phần trên lại chứng tỏ là một chất liệu rất mỏng, ôm được sát da thịt, bất chấp bên trong có lần áo lót trắng!. Nhưng có lẽ William Shakespeare cũng có phần đúng khi nhắc đến Giulio Romano như một điêu khắc gia. Có thể người ta chưa tìm thấy tượng của ông, hoặc ông bắt đầu bằng học điêu khắc. Nhìn cách tạo hình của ông quả giống với những phù điêu hơn là bố cục tranh.. Tuy nhiên, hãy nhìn cánh tay phải của Achille: do không diễn được độ sâu của cánh tay trong không gian nên có cảm giác nó bị ngắn.


“Vulcan – Thetis và vũ khí của Achilles”, tranh tường ở Pompeii. Trong tranh, Hephaistos giới thiệu vũ khí mới (tức cái khiên) cho Thetis xem. Khiên sáng bóng đến nỗi phản chiếu được Thetis trong gương luôn. Thetis ngồi cạnh Charis, là cô “già nhân ngãi non vợ chồng” với Vulcan sau khi Vulcan bỏ vợ. Cạnh Vulcan có hai người thợ, một người đỡ cái khiên, một người đang rèn tiếp.

 

Mang theo tặng vật của thần linh, Achilles tự tin họp lại các tướng lĩnh Hy Lạp, tuyên bố hết giận Agamemnon và sẽ ra trận để báo thù cho Patroclus. Người Hy Lạp dĩ nhiên là vô cùng mừng rỡ. Viên tướng “chiến” nhất của họ đã trở lại.

Achilles ra trận, chỉ có dân Hy Lạp vui, còn thần Zeus lo méo mặt. Achilles đánh thì Troy chắc chắn thua. Troy thua thì Achilles cũng đến lúc chết. Achilles chết thì mẹ Achilles là Thetis sẽ làm khổ thần mất thôi.

Giải pháp của Zeus, như Pha Lê từng phân tích, luôn luôn là… rút êm. Zeus triệu tập một cuộc họp trên đỉnh Olympus, ra lệnh cho các thần ai ủng hộ bên nào thì cứ tùy nghi chiến với nhau, còn ông sẽ nấp ở một nơi kín đáo trên đỉnh Olympus mà…quan sát

Được “xả láng”, các thần đã lao vào chiến đấu dữ dội ngay bên thành Troy, tạo nên một trường long tranh hổ đấu ghê rợn giữa các đấng thần linh.

Nhưng thần đánh không “dã man” bằng người đánh, cao trào cuộc báo thù này xin để tới bài sau, với nhiều tranh rất kịch tính.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

 

Ý kiến - Thảo luận

11:00 Saturday,6.4.2013 Đăng bởi:  Con nhà mẹ Đốp bố Đoành

Đang sống trong thế giới (thực ra chủ yếu là phần Á thôi) thấy xa thì vũ khí lăm lăm, gần thì nhường đường rồi mà cùi chỏ vẫn tua tủa... Tiếng mẹ đẻ mà nay tai nghe tưởng tiếng cannibal!
Vậy mà được vô đây, cảm nhận những: "mượt mà của họa Ý", rồi "tính tương tác trong hò
...xem tiếp

11:00 Saturday,6.4.2013 Đăng bởi:  Con nhà mẹ Đốp bố Đoành

Đang sống trong thế giới (thực ra chủ yếu là phần Á thôi) thấy xa thì vũ khí lăm lăm, gần thì nhường đường rồi mà cùi chỏ vẫn tua tủa... Tiếng mẹ đẻ mà nay tai nghe tưởng tiếng cannibal!
Vậy mà được vô đây, cảm nhận những: "mượt mà của họa Ý", rồi "tính tương tác trong hòa sắc", rồi "tiếp giáp thân thể với không gian" cứ như ngôn ngữ của thế giới khác, vừa triết lý vừa gần gũi. Hay quá trời không dám đọc tiếp, phải chờ ngấm xong phần cũ. Con nhà nghèo dạ dày (văn hóa) hẹp, đọc những bài này từ từ kẻo bục (mịa nó) cỗ lòng. Đa tạ và xin tha thứ vì ô trọc.

 
21:54 Monday,24.9.2012 Đăng bởi:  huong

ôi, tình cờ lọt vào trang này, tác giả viết bài hay quá, cảm ơn bạn GiGi!


...xem tiếp
21:54 Monday,24.9.2012 Đăng bởi:  huong

ôi, tình cờ lọt vào trang này, tác giả viết bài hay quá, cảm ơn bạn GiGi!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả