Gẫm & Bình

Không đủ liên can nên thành ballad 18. 12. 10 - 8:40 pm

Người xem Hà Nội

 

 

*

KHÔNG VÔ CAN VÀ BALLAD BIỂN ĐÔNG

Triển lãm của họa sĩ Lý Trực Sơn và nhà điêu khắc Đào Châu Hải
Từ 11. 12 đến 17. 12. 2010
Viet Art Centre
42 Yết Kiêu, Hà Nội

*

 

Được biết đến như một kết quả của chuyến đi cùng các chiến sỹ Trường Sa và dự lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hi sinh trên biển để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của tổ quốc, sự ra đời triển lãm chung của hai họa sỹ Lý Trực Sơn và Đào Châu Hải đã chọn được cái tên khá trúc trắc nhưng cũng gây tò mò không kém: Không vô can và ballad biển Đông – một cái tên thích hợp với sự đau đớn mà mập mờ của tình thế nước ta. Với sự nổi tiếng sẵn có của hai tác giả, với cương vị của họ trong những hội đoàn, với sự “đẹp” và dễ xem của các tác phẩm, nên hình như rất nhanh, triển lãm đã khiến người ta rất dễ thả lòng, tung hô hay trút bầu tâm sự vào nó, mà nhiều lúc sao nhãng thực sự cái thông điệp im lặng của hội họa, của điêu khắc, của màu sắc, của hình khối nằm trong chính ngôn ngữ nội tại của nó.

Tất nhiên, cái đề tài hay cái duyên cớ mà hai nghệ sĩ theo đuổi trong triển lãm này cũng rất quan trọng. Có thể liên tưởng đến viên ngọc trai. Để có một viên ngọc hoàn hảo, con trai rất cần đến một mẩu vật chất nào đó: một hạt cát, một mẩu đá để chất ngọc bám quanh. Nếu thiếu nó, không có ngọc, hoặc cái nhân không đủ cứng, viên ngọc trở nên dị hình. Một nghệ sỹ cũng vậy: hắn ta cần một cái nhân cứng để kết tinh thành một tác phẩm hoàn hảo. Thế nhưng hãy nhìn viên ngọc: cái chất ngọc lấp lánh hoàn toàn che phủ cái lõi. Nghệ sĩ rồi cũng phải giống thế: anh ta phải thực hiện công việc đó một cách tuyệt vời, để cho người thưởng thức vô tình nhận luôn cả “cái lõi” kia, cùng với lớp áo đẹp của nghệ thuật.

Trong cuộc triển lãm Không vô can và ballad biển Đông, hai nghệ sĩ đã có được một cái lõi khá cứng và quá đủ (kể cả về mặt thời điểm) để tạo ra một viên ngọc lấp lánh. Thế nhưng, hình như triển lãm mới có được tố chất để tạo nên sự lấp lánh nhưng chưa là một viên ngọc.

 

Đối với hai ông, như đã được giới thiệu trong nhiều bài báo, là những người đã từng du học nhiều năm ở xứ người (lại là những xứ có một nền nghệ thuật phát triển) thì việc tạo ra một không gian lấp lánh có lẽ không khó. Điều đó chứng minh ngay trong không gian triển lãm vừa rồi. Ai cũng phải thừa nhận đó là một không gian được sắp đặt đẹp và hợp lí. Người ta rất dễ cảm tình với sự qua lại, tương tác giữa các chất liệu: tạo đối chọi nhưng vẫn nhường nhau để cuối cùng tạo sự bắt mắt.

Thế nhưng sau từng ấy năm tháng, việc say mê cái cảm giác của “bề nổi” – cảm giác về một vật thể – như: xù xì hay mịn màng, đậm đặc hay trong suốt…, sau từng ấy năm lên ngôi của trào lưu “nghệ thuật thị giác” với mối quan tâm đến hiệu ứng tương tác của các hình thể, màu sắc, làm cho chúng “ăn” với nhau một cách chói lói mạnh mẽ hay ảo ảnh chập chờn, thì việc tạo ra hiệu ứng thị giác “nhã nhặn” trong các chất liệu ở triển lãm này để “xem được” tưởng không còn là một phát hiện mới mẻ nữa chứ! Chẳng phải sự nhã nhặn đó đã trở thành cổ điển rồi sao? Được dùng khá nhuần nhuyễn trong các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, cho đến các không gian nội thất, nhà hàng, cửa hiệu? Và đẹp đấy, hài hòa đấy, nhưng hình như có cái gì đó rất an toàn, chừng mực của những người từng trải, đã mất nhiều và nay không muốn làm gì quá đà để mất thêm nữa.

Nhưng hãy tiến gần hơn và thực sự cảm nhận từng tác phẩm của hai nghệ sĩ. Tôi chợt nhận ra rằng: hình như có điều gì bất ổn khi tiếp cận chúng một cách trực tiếp, thật gần: Chúng (có vẻ sẽ) không còn sức sống nội tại nếu ta bóc ra khỏi cái tổng thể “sắp đặt chung”.

Khi nói về tranh của Lý Trực Sơn, người ta thường nhắc đi nhắc lại việc ông dùng những màu sắc tự nhiên từ thảo mộc để vẽ, thay cho việc nói về sự đẹp-xấu của tác phẩm. Cái việc dùng màu tự nhiên ấy không nói được gì nhiều. Bởi với tôi, Lý Trực Sơn có thể dùng bất cứ cái gì, chất liệu gì để có thể truyền đạt cho tôi rằng đấy chính là khúc ballad (trữ tình) về biển, như ý định của ông. Nhưng ở đây tôi thấy, biển và đảo đối với ông chỉ là cái cớ nhạt nhòa cho ông tìm kiếm một sự khác biệt nào đó của riêng ông. Ông dùng hình tam giác tượng như mũi tàu; đảo thì tròn, trời và nước lúc vồng lên, vồng xuống dập dình, những vệt sóng…Với từng ấy thứ ông có thể rất yên tâm tung tẩy để chơi trên tờ giấy dó, tìm kiếm những độ loang bất ngờ khá hình thức…

Thực ra phải nói, sức ép với các nghệ sỹ hiện đại luôn bắt họ phải thay đổi, bắt họ tìm kiếm trong cả mớ lí thuyết cũ và mới về bản tính nghệ thuật, tìm cho mình một chỗ đứng cá biệt. Trong lúc làm thế, họ sáng tạo ra vô vàn giải pháp thông minh, nhưng cũng trong quá trình đi tìm sự khác biệt đó (đôi khi cũng thật thú vị), với thời gian, nhiều khi sự theo đuổi ấy lại làm mất đi cái hồn nhiên của nghệ thuật. Cho dù bị phản đối hay bị hiểu sai thì cuối cùng người xem vẫn muốn được nhìn thấy thiên nhiên, họ cũng chả sợ bị bảo là “sến” khi nói rằng nghệ thuật là mô phỏng thiên nhiên. Ở đây, tôi chả nhìn thấy biển. Xét cho cùng, dù những bức tranh này có chỉ là những vệt màu, đốm màu, những đường kẻ hay gì gì đi nữa của trừu tượng, thì tôi vẫn mong được “cảm giác thấy” biển, như những tương quan tỉ lệ của nó trong không gian mà tôi biết, như những cảm xúc mà nó từng tạo nên trong tôi. Tôi chả muốn nhìn sự kì diệu của giấy dó hay sắc màu nghiền từ hoa để chỉ thấy rằng đó là giấy dó và hoa. Tôi muốn thấy biển cơ! Biển ở đây yếu đến mức những vật liệu thanh tao và tinh tế như giấy dó và màu hoa cũng nhấn chìm lỉm được…

Cũng vậy, với Đào Châu Hải, ông say mê với sắt, và cũng được nghe là ông đang đi đầu trong việc sự dụng vật liệu sắt với vô số học trò. Ông đã thật dũng cảm khi dùng những tấm sắt với sự nặng nề vốn có của chúng để diễn tả sự mềm mại và biến đổi khôn lường của sóng. Nếu điều này thành công, nó sẽ cho người xem một xúc cảm thẩm mỹ thực sự bởi chính sự đảo chiều đột ngột. Ở đây, Đào Châu Hải cũng đã mô phỏng được hình dạng của sóng, nhịp điệu của sóng, ông cũng đã dùng những biểu tượng sóng trong truyền thống mà trông không hề sáo mòn; thế nhưng, tôi vẫn chưa cảm thấy bị áp chế ngay bởi sóng (nói ra mà không sợ bị cười thì phải cảm ơn rất nhiều bài giới thiệu của Nguyễn Quân dán ngay cửa để tôi nhận ra đó là sóng!). Các khối tác phẩm của Đào Châu Hải hơi vụn và hơi ngắn, nhịp điệu chưa đủ hình thành thì đã cắt, nên sự giận dữ của sóng chưa kịp hiện ra… Không đủ cảm xúc để khẳng định sự “không vô can”. Nặng và mạnh thì có rồi đấy, sắt mà. Nhưng còn nhịp điệu, phải rồi, sự thiếu hụt nhịp điệu của các lớp khối (sắt ) đã không làm nên nhịp điệu, bản chất của sóng.

 

 

Sau rất nhiều bài học, nhất là từ sau bài học của các nhà phê bình ban đầu đã tỏ ra thù nghịch với các họa sỹ Ấn tượng khi họ ra đời, rồi sau đó bẽ mặt ê chề khi chính các nghệ sỹ Ấn tượng lên ngôi với giá tranh cao ngất ngưởng, hình như các phê bình gia đã rút kinh nghiệm rất nhanh. Để không bị hố, khi cổ súy cho tác phẩm nào đó, họ tặng nó chữ “đương đại”. Để an toàn chờ cho đến khi đủ số người khẳng định là nó đẹp hay xấu, họ tặng nó chữ “thể nghiệm”. Để khỏi khó nói về đẹp xấu, họ bàn về đạo đức sống của tác giả, kể những giai thoại quanh tác phẩm. Và dần dần, các nhà phê bình đang trở thành những người ghi chép kí sự hơn là một người phê bình, bình luận. Thế nhưng các nghệ sỹ (thực sự) lại rất cần các nhà phê bình biết chấp nhận mình có thể thất bại (trong tương lai) để cho các tác phẩm không thành nhạt nhẽo (vì bài viết của chính các nhà phê bình). Ai bẽ mặt, ai thiệt hại thì không biết, nhưng chắc chắn nghệ thuật và công chúng sẽ là những đối tượng được hưởng lợi. Mà thế thôi thì cũng đáng để làm rồi.

*

Bài liên quan:

– “Không Vô Can và Ballad Biển Đông” Triển lãm đôi đẹp nhất trong năm
– Tuyên ngôn mới của sự đối thoại
– Ý kiến quanh một triển lãm về biển Đông
– Không đủ liên can nên thành ballad
– Phê và Bình – Vĩnh biệt Soi
– Giống và khác: Xe đạp & Sóng biển Đông

– Phỏng vấn ĐÀO CHÂU HẢI: Về “Không vô can…” và nhân “Không vô can…”

Ý kiến - Thảo luận

22:29 Tuesday,21.12.2010 Đăng bởi:  red_pencil_000
Các bạn nên đi xem triển lãm: Biển Đảo Quê Hương... tôi vừa đi dự khai mạc về. Các bạn cứ viết những điều tốt điều xấu ở bài này đi. Nhưng... là bạn, là người xấu, người tốt, là tôi...vv có muốn tranh của mình được treo ở hành lang cầu thang như tranh Bác Sơn không??? Hãy tưởng tượng cảm giác của bạn khi mọi người đổ xô vào trong khi khai mạc nữa, bên n
...xem tiếp
22:29 Tuesday,21.12.2010 Đăng bởi:  red_pencil_000
Các bạn nên đi xem triển lãm: Biển Đảo Quê Hương... tôi vừa đi dự khai mạc về. Các bạn cứ viết những điều tốt điều xấu ở bài này đi. Nhưng... là bạn, là người xấu, người tốt, là tôi...vv có muốn tranh của mình được treo ở hành lang cầu thang như tranh Bác Sơn không??? Hãy tưởng tượng cảm giác của bạn khi mọi người đổ xô vào trong khi khai mạc nữa, bên ngoài hành lang là gì??? TRIỂN LÃM KÉO DÀI ĐẾN HẾT 31-12-2010 tại 16 Ngô Quyền Hà Nội. 
13:55 Tuesday,21.12.2010 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
admind có vẻ giận dỗi vì thành công (khơi được chuyện lên) nhưng cũng có không ít nhiếc móc khó nghe, đúng không? Nhưng đồng chí lại chạm đến một điểm đúng đấy: Nghệ thuật là thứ độc tài hơn chính trị nhiều. Về sự độ lượng thì nó cực độ lượng, không bắt bớ, bỏ tù, áp chế, xử tử được ai. Nhưng về khắt khe thì nó cực kỳ khắt khe - vì nó là nhữn
...xem tiếp
13:55 Tuesday,21.12.2010 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
admind có vẻ giận dỗi vì thành công (khơi được chuyện lên) nhưng cũng có không ít nhiếc móc khó nghe, đúng không? Nhưng đồng chí lại chạm đến một điểm đúng đấy: Nghệ thuật là thứ độc tài hơn chính trị nhiều. Về sự độ lượng thì nó cực độ lượng, không bắt bớ, bỏ tù, áp chế, xử tử được ai. Nhưng về khắt khe thì nó cực kỳ khắt khe - vì nó là những thứ duy nhất có thể còn lại sau khi con người bị xóa sổ đi. Giỡn chơi thì cứ giỡn cho khoái. Chứ còn nó có những đai đẳng mà chỉ hơi tầm thường thôi cũng không thể động đến được. Nói gì đến tư cách để mà bàn. À, trong đời thực thì nó thế, còn trong đời ảo thì cứ quậy thoải mái lên thôi, đa chiều thoải mái thôi, cho vui mà. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả