Nghệ sĩ Việt Nam

Khai mạc Mở Cửa: quần hùng 30 năm tụ hội 22. 09. 16 - 10:27 am

Bài và ảnh: Tịch Ru

(Lưu ý các bạn là triển lãm Today còn một bài nữa về các tác phẩm hội họa tham dự, nhưng xin nhường trước cho bài này nhé).

Tôi là thế hệ sinh sau đẻ muộn, nên khi nói đến thời kì “Đổi mới” 1986 thật lạ lẫm. Tra trên wiki về thời kì đó thì có những dòng như sau.

“Đổi Mới trên mặt văn hóa ở Việt Nam thì được biết dưới tên Cởi Mở, tương tự như chính sách Glastnost của Nga Xô. Quá trình này bắt đầu cùng với Đổi Mới Kinh tế nhưng sau đó dừng lại trong thập niên 1991”

.

Từ tháng 5, trên facebook xuất hiện một nhóm với tên gọi MỞ CỬA – TRIỂN LÃM MỸ THUẬT 30 NĂM THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1986 – 2016)

Muốn đọc chi tiết hơn về thông tin các nghệ sĩ,tham gia triển lãm, các bạn vào xem tại đây

Nhóm hoạt động rất đều đặn và thường xuyên đăng những bài phỏng vấn, trao đổi thông tin và ảnh chụp với các nghệ sĩ. Toàn các nghệ sĩ có tên tuổi, đã ghi những dấu ấn cá nhân đậm nét.

Với 50 nghệ sĩ tên tuổi đã thành danh như thế, liệu đây có phải triển lãm lớn nhất trong năm như Soi quảng cáo?

Không thể bỏ lỡ, 15h ngày 21 tháng 9 năm 2016, tôi có mặt tại bảo tàng Mỹ thuật để chờ đợi buổi khai mạc.

Với số lượng tác giả tác phẩm nhiều (mỗi người 3 tác phẩm), khoảng sân rộng của bảo tàng cũng là nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc.

 

Các phóng viên đến từ rất sớm (từ 14h) để phỏng vấn các họa sĩ.

 

Họa sĩ Lê Thiết Cương luôn được cánh phóng viên săn đón. Anh là người có nhiều ý tưởng, hay có những bài viết về văn hóa trên các báo.

 

Nhà phê bình nghệ thuật/họa sĩ Nguyễn Quân đang trả lời phỏng vấn. Ông là người của thời Mở cửa ấy. Có người kể, vào ngày ấy, với vốn ngoại ngữ, ông là cầu nối cho họa sĩ Việt Nam với người xem, người mua nước ngoài đến với mỹ thuật Việt Nam

 

Họa sĩ Phạm Hà Hải, một trong những giám tuyển triển lãm lần này. Dư luận trước triển lãm có nhiều người phản ứng, cho rằng anh chưa thể làm giám tuyển cho một triển lãm quan trọng như thế này.

 

Triển lãm lần này sử dụng hết cả hai tầng của bảo tàng với bốn phòng triển lãm

 

Triển lãm có ba loại hình: hội họa, điêu khắc, sắp đặt. Không có trình diễn.

 

Trước giờ khai mạc, người xem đã đến rất đông.

 

Mọi người xem tranh, nhận xét, bình luận rất rôm rả.

 

Đặc biệt rất đông người nước ngoài đến xem.

 

Và dĩ nhiên, không thể thiếu những gương mặt quen thuộc trong làng mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương (áo đỏ) – người với những bức tranh trâu nghiêng đầu đặc trưng ngày ấy, và họa sĩ Phạm Bình Chương – người chuyên vẽ Hà Nội với bút pháp tả thực tinh tế. Ngoài cùng, áo xanh hinh như là họa sĩ Phạm Luận.

 

Nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật Vũ Lâm đến từ sớm, anh đang xem các tác phẩm đổ composit của Vương Văn Thạo

 

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (áo xanh nhạt – người chuyên vẽ những khu tập thể và máy bay) và Lý Trần Quỳnh Giang thuộc “thế hệ trẻ”. Tiếc thay, không biết vì lí do gì, tranh của họa sĩ lứa này là Mai Duy Minh (Hải Phòng) lần này không được đem ra trưng bày. Anh có bức “Miền đất hứa” rất nổi tiếng

 

Từ trái qua phải: họa sĩ Phạm An Hải, điêu khắc gia Nguyễn Hải Nguyễn và điêu khắc gia Phan Phương Đông – người yêu thích sự tối giản.

 

Nhà điêu khắc gốm Nguyễn Khắc Quân –gốm Quân, nói chuyện cùng họa sĩ Lê Anh Vân (đeo kính), cựu hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam.

 

Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương

 

Hôm nay thấy toàn các cây đa cây đề ngồi như những sinh viên trẻ ở sân trường Yết Kiêu, tôi tự tưởng tượng ra họ 30 năm về trước…

 

Nhà thiết kế thời trang Diego Del Valle Gortizas đang nói chuyện với nhà phê bình/họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

 

Nghệ sĩ Saxophone Quyền Văn Minh hôm nay sẽ biểu diễn một tiết mục trước giờ khai mạc.

 

Họa sĩ Phạm An Hải và họa sĩ Đức nhà sàn – người với trung tâm Nhà sàn là cái nôi theo đúng nghĩa cho một lớp họa sĩ trẻ và mới mẻ.

 

Bà Meyer – Zollitsch giám độc viện Goethe và họa sĩ Đinh Quân (áo trắng)

 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn của Hội Mỹ thuật đang bắt tay họa sĩ Bùi Tiến Tuấn – người chuyên vẽ lụa nhưng mới đây có triển lãm… màu nước

 

Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn ngồi cạnh họa sĩ Hiếu Mường – người có ngôi nhà lang bị cháy oan uổng và bị xử oan ức

 

Họa sĩ Lê Quảng Hà (người có Factory và lý thuyết Hiện thực mù và diễn viên Như Quỳnh. Đằng sau (đội mũ) là họa sĩ Đinh Công Đạt

 

Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh, Nguyễn Lê Tân và nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo.

 

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung nói chuyện cùng họa sĩ Trần Văn Thảo (áo đỏ).

 

Họa sĩ Trịnh Tuân đang nói chuyện cùng bà Natasha. Bà Natasha là đại diện cho cố họa sĩ Vũ Dân Tân, một trong những họa sĩ tiêu biểu trong thời kì mở cửa.

 

Nhạc sĩ Xuân Sơn (Sơn X – đeo kính)

 

Ca sĩ Thanh Lam xuất hiện, sang cả một góc phòng

 

Ca sĩ Mai Khôi (tóc nhuộm bạc) hôm trước vừa gặp ở TODAY.

 

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế gặp ở hành lang, đang giúp ai đó đỡ cái ba lô

 

Các họa sĩ trẻ như Quách BắcPhạm Huy Thông cũng đến dự. Anh Thông rất chăm đi xem triển lãm của các đồng nghiệp, các bậc đàn anh và cả các bậc đàn em. Thỉnh thoảng có những bài ghi chép rất chu đáo.

 

Hai nhà điêu khắc: “người thép” Khổng Đỗ Tuyền và “người may mắn” Phạm Thái Bình (áo xanh)

 

Gia đình Trần Trọng Vũ chụp bên cạnh tác phẩm của anh.

 

Cục trưởng Vi Kiến Thành (đeo kính) tiếp đón các khách mời. Cục trưởng cũng là một trong ba giám tuyển của triển lãm này.

 

Các khách mời ngày hôm nay, một bên là đại sứ của các nước, bên này là (từ trái qua phải) thứ trưởng bộ văn hóa thể thao và du lich Vương Duy Biên (quay mặt), phó trưởng ban tuyên giáo Bùi Thế Đức, chủ tịch hội mỹ thuật Việt Nam mãi-không-chịu-nghỉ Trần Khánh Chương.

 

Các nghệ sĩ ngồi vào ghế trước giờ khai mạc.

 

16h bắt đầu khai mạc, nghệ sĩ Quyền Văn Minh lên thổi một bản Saxophone dạo đầu.

 

Phần phát biểu. Trước hết là ông Vi Kiến Thành. Ông cho biết, triển lãm Mở cửa: triển lãm mỹ thuật 30 năm thời kì đổi mới là cái nhìn toàn cảnh nghệ thuật Việt Nam đương thời. Ông cảm ơn các nghệ sĩ, các đơn vị. Ông đặc biệt cảm ơn gia đình cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã tặng cho triển lãm những cây bút lông để làm quà tặng cho các nghệ sĩ.

 

Tiếp đến là màn các nghệ sĩ lên nhận quà và cắt băng khánh thành. Ông Bùi Thế Đức và ông Vương Duy Biên lên trao quà tặng.

 

Họa sĩ Nguyễn Quân được cử lên thay mặt cho 50 anh em nghệ sĩ. Ông nói khá loằng ngoằng nhưng đại ý: rất xúc động, khi gặp lại những anh em họa sĩ trong và sau thời kì Đổi mới. Gặp lại cả những nhà điêu khắc từ những thập niên 90 – 2000. Được gặp những họa sĩ cao tuổi nhất và trẻ tuổi nhất cách nhau đến 60 năm. Ông cho rằng không một tác giả hay công trình nghiên cứu nào có thể phản ánh được hiện trạng nghệ thuật Việt Nam tại thời điểm này (?) Chính vì thế ông rất trân trọng triển lãm này, một triển lãm có chất lượng nghệ thuật rất cao, được đầu tư rất nhiều công sức và tâm huyết . Đời sống được xã hội Việt Nam được thể hiện rất rõ ràng qua triển lãm này.

 

Tiếp theo là nghi thức cắt băng và lễ khai mạc kết thúc. Mọi thứ được diễn ra theo đúng thủ tục nhưng nhanh gọn để triển lãm được tiếp tục.

Bỗng dưng tôi có mong ước nho nhỏ… Không biết các triển lãm, tác giả, tác phẩm ở thời điểm năm 1986 như thế nào nhỉ… Và các nghệ sĩ tại “Mở Cửa” 30 năm trước ra sao? 30 năm là một quãng thời gian dài với bao nhiêu là biến động xã hội trong khoảng thời gian đó. Giá như ban tổ chức có thêm một gian triển lãm với ít tư liệu về thời kì (cả giới nghệ sĩ lẫn xã hội chung) thì thật quý hóa cho đám hậu sinh này.

(Phần tiếp theo: Các tác phẩm điêu khắc và sắp đặt) 

 

Ý kiến - Thảo luận

21:24 Sunday,25.9.2016 Đăng bởi:  Vĩnh Nguyên
Em đi xem sáng hôm qua, khi vào thì do không để ý nên vẫn mua vé. Xem xong bên Mở cửa, thấy nhạt quá chẳng có gì ấn tượng cả. Ấn tượng duy nhất là tranh nào cũng khủng, ý em mói về kích thước. Còn về tranh thì giống như bác Thành Chương đến gần 3 chục năm nay vẫn vẽ tranh ngẹo đầu ( xin lỗi bác Chương, em chỉ lấy ví dụ về cái sự không ấn tượng). Xem xong đổi
...xem tiếp
21:24 Sunday,25.9.2016 Đăng bởi:  Vĩnh Nguyên
Em đi xem sáng hôm qua, khi vào thì do không để ý nên vẫn mua vé. Xem xong bên Mở cửa, thấy nhạt quá chẳng có gì ấn tượng cả. Ấn tượng duy nhất là tranh nào cũng khủng, ý em mói về kích thước. Còn về tranh thì giống như bác Thành Chương đến gần 3 chục năm nay vẫn vẽ tranh ngẹo đầu ( xin lỗi bác Chương, em chỉ lấy ví dụ về cái sự không ấn tượng). Xem xong đổi mới, tiếc cái vé em lại dẫn con nhà em lên xem tranh các cụ Đông Dương, đứng mãi ở bức Gặt ở Tây bắc, thấy cụ PKA vẽ sao tài thế, thấy như lúa lay động. Em dân ngoại đao, chỉ thích đi coi chùa, vài câu nói bậy, các bác lượng thứ. 
22:59 Friday,23.9.2016 Đăng bởi:  Vĩnh Phúc
30 năm qua, mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ cả về số lượng, chất lượng tác phẩm, tác giả so với các thời kỳ trước đó. Điều này rõ ràng do công cuộc Đổi Mới mang lại. Ngắn gọn là kinh tế khá lên,tinh thần cởi trói, việc hội nhập với thế giới đem đến nhiều yếu tố cả tinh thần, vật chất lẫn thông tin... Sự giao lưu, cọ sát với nghệ thuật
...xem tiếp
22:59 Friday,23.9.2016 Đăng bởi:  Vĩnh Phúc
30 năm qua, mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ cả về số lượng, chất lượng tác phẩm, tác giả so với các thời kỳ trước đó. Điều này rõ ràng do công cuộc Đổi Mới mang lại. Ngắn gọn là kinh tế khá lên,tinh thần cởi trói, việc hội nhập với thế giới đem đến nhiều yếu tố cả tinh thần, vật chất lẫn thông tin... Sự giao lưu, cọ sát với nghệ thuật thế giới...là thuốc kích thích cho nghệ thuật nước nhà.

Sự đổi mới phong cách cá nhân của lớp nghệ sỹ đã được biết đến ít nhiều trước 1986 như Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Đỗ Sơn, Nguyễn Quân, Lê Anh Vân, Thành Chương...là dễ nhận thấy. Các tác phẩm của họ giai đoạn sau có nhiều sự khác biệt cả về đề tài, cách thể hiện, ...so với trước 1986. Những Hoa Biển của Đỗ Sơn, Chiến lũy của Lê Anh Vân ghi đậm dấu ấn thời đó nhưng nghệ thuật của họ về sau này khác hẳn. Sự xuất hiện đầy mới mẻ của các lớp họa sĩ được coi là kế tiếp như Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Quốc Hội, Phạm Luận, Lê Quảng Hà, Đinh Quân, Đinh Ý Nhi, Lê Thiết Cương, Phạm An Hải, Lý Trần Quỳnh Giang...thực sự là thành quả của đổi mới nghệ thuật tạo hình giai đoạn 1990 đến nay.

Đời sống khó khăn, chuyển mình qua kinh tế thị trường, sự săn đón của thị trường cả trong nước và quốc tế bên cạnh là động lực lớn giúp các nghệ sĩ sáng tạo thì cũng hút đi của họ những tác phẩm có lẽ là tốt nhất. Bộ sưu tập của SAM (Singapore), nhiều tổ chức, cá nhân khác ...tuy không phải là tuyệt đối tiêu biểu nhưng cũng có thấy tác tác phẩm tinh hoa bị chảy máu rất nhiều đối với cả các tác giả trưởng thành từ chống Mỹ đến thế hệ 8x sau này.

Nếu như trước đây, các họa sĩ chỉ có "cửa" chơi với nhau ở giải thưởng của Hội, triển lãm mỹ thuật toàn quốc (5 năm lần), các triển lãm vào dịp kỷ niệm và một số ít triển lãm cá nhân, nhóm do Hội Mỹ thuật tổ chức...thì giai đoạn sau này, cuộc chơi là của từng cá nhân. Họ trở vễ bản ngã của mình theo tiếng gọi của con tim họ, không phải cân nhắc xem vẽ cái gì, vẽ thế nào để được hội đồng này chọn hay nhắm đến giải thưởng A, C, C...Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự đổi mới lẫn dấu ấn nghệ thuật 30 năm Đổi mới.

Nhiều năm qua, chưa cần nói đến tận thập kỷ thứ hai của thế kỷ hai mốt này, việc triển lãm ở đâu, làm thế nào đối với các nghệ sỹ, đặc biệt là 50 họa sĩ tham gia Mở cửa càng không còn quá quan trọng. Nhiều người chỉ tham gia trưng bày ở triển lãm quốc tế, cả chục năm qua, họ không trưng bày trong nước hay có không ít người chỉ âm thầm bán, không xuất hiện ở triển lãm cả trong nước, quốc tế, thậm chí bặt tăm trên phương tiện truyền thông.

Mở cửa là một cuộc nghi nhận tác giả có dấu ấn chứ chưa phải triển lãm các tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam 30 năm qua. Những người được chọn, chắc chắn, họ không lao động nghệ thuật để tranh nhau một suất trong Mở cửa. Nhã ý của Ban Tổ chức là chỉ chọn tác giả, chứ không chọn tác phẩm, nhường quyền chọn tác phẩm cho nghệ sỹ nên được nhìn nhận ở hai khía cạnh: sự tôn trọng đối với các cá nhân này và "bóng" nằm trong chân cầu thủ. Chính vì thế những cá tính trong nghệ thuật cũng thêm một lần được bộc lộ qua việc gửi tác phẩm: người thích to, người thích nhỏ, người thích sơn mài, kẻ sơn dầu; người chọn cái tốt, kẻ chỉ đưa ra cái khá...

...Vài triển lãm, với quy mô lớn hơn Mở cửa chắc chắn cũng không thể tổng kết thấu đáo thành tựu của nghệ thuật tạo hình giai đoạn này. Đòi hỏi tác giả, tác phẩm tiêu biểu ở Mở cửa là hoàn toàn đúng nhưng không thể thực hiện. Rất có thể, tác phẩm tiêu biểu đã nằm ở bảo tàng, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Mở cửa nói gì thì nói cũng là việc làm đáng mừng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Nhà nước vẫn dành kinh phí nghi nhận những nghệ sỹ tạo hình.

Nó cũng gợi ra nhiều bài học cho công tác sưu tập của Nhà nước, bảo tàng lẫn các nhà sưu tập trong nước đối với tác phẩm nghệ thuật. Đây là điều hoàn toàn không mới nhưng dường như chưa có bước tiến nào thực sự đáng kể.



Vĩnh Phúc 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả