Gẫm & Bình

Vì sao “Mở cửa” thất bại (bài 2):
từ curator không chuyên nghiệp đến tác giả đã “đóng băng” 05. 10. 16 - 10:17 am

Phạm Quốc Trung

(Tiếp theo bài 1)

Triển lãm Mở cửa mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới 1986-2016 do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Ban tổ chức giới thiệu như “dịp tổng kết, đánh giá thành tựu của Mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm qua (1986-2016). Triển lãm giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về đời sống Mỹ thuật Việt Nam 30 năm đổi mới của đất nước”, được face book, truyền thông công bố rộng rãi khá lâu nên sự tò mò của dư luận quan tâm đến sự kiện khá lớn, với mong chờ sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm, tác giả tiêu biểu đã từng góp mặt vào sự sôi động của hoạt động mỹ thuật trong 30 năm qua.

Thế nhưng, thực tế chưa được như kỳ vọng.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, và Triển lãm – họa sĩ Vi Kiến Thành (mặc áo ca-rô) tại họp báo về triển lãm “Mở Cửa”. Ông là một trong ba giám tuyển của triển lãm này. Bên tay trái ông, mặc áo trắng, là nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, cũng là một giám tuyển của “Mở cửa…” Ảnh: T.A, từ trang này

Bước ra từ bao cấp

Thời cuộc đã khác. Các cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (5 năm /lần) gần đây của Việt Nam do duy trì cách tổ chức, xét chọn tác phẩm kéo dài hàng chục năm từ thời bao cấp, đã không tạo ra được sự thu hút nhiều nghệ sĩ có tài năng tham gia và không hấp dẫn đối với công chúng nên xuất hiện nhiều ý kiến yêu cầu phải thay đổi triệt để mô hình Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, không gian trưng bày, có quy trình tuyển chọn tác phẩm, tác giả thông qua các curator độc lập như thế giới đang thực hiện.

Việt Nam vốn không giống ai. Khi tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, một thành viên có trách nhiệm của ban tổ chức đã trả lời đại ý rằng không cần có curator độc lập vì bởi mỗi thành viên của hội đồng nghệ thuật cũng đã, đang làm những công việc như của curator rồi. Một hội đồng curator?

Có lẽ với suy nghĩ đơn giản như vậy về công việc curator nên để tổ chức triển lãm Mở cửa, một ban curator gồm ba cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước là Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm được thành lập. Nhóm Curator (trừ họa sĩ Hà Hải đã có kinh nghiệm với công tác trưng bày, bảo tàng) còn lại (cục trường Vi Kiến Thành và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình – S) khá lúng túng trong khâu tổ chức.

Họa sĩ kiếm giám tuyển Phạm Hà Hải trả lời phỏng vấn trong lễ khai mạc. Ảnh: Tịch Ru

Curator cần là những người lịch duyệt về thẩm mỹ, có kiến thức và am hiểu sâu về đối tượng triển lãm và trên hết cần có một quan niệm nghệ thuật, bản lĩnh nghề nghiệp độc lập, không bị dẫn dắt bởi các mối quan hệ cá nhân và lợi ích nhóm. Có thể từng cá nhân ban curator triển lãm Mở cửa từng có kinh nghiệm riêng về tổ chức triển lãm kiểu phong trào trong cơ chế bao cấp, thế nhưng áp dụng vào tổ chức mô hình triển lãm mới lại hoàn toàn khác.

Từ việc curator không có phẩm chất curator…

Tiêu chí chọn tác giả của Triển lãm Mở cửalà những người có tư duy sáng tạo mới; có dấu ấn và bản sắc cá nhân”, rất chung chung trong khi đây là một việc quan trọng, bởi mỹ thuật thời kỳ Hậu hiện thực XHCN ở Việt Nam 30 năm qua rất đa dạng, thực hiện bởi 3- 4 thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau với những tác giả, tác phẩm thành công ở nhiều khuynh hướng nghệ thuật, chất liệu khác nhau. Lựa chọn tác giả và sau đó “mỗi tác giả cũng được quyền tự chọn tác phẩm của mình để triển lãm”, tưởng như là cách làm mới “dân chủ” nhưng thực chất là mơ hồ về mục đích. Ban curator đã không có bản lĩnh, đánh mất đi thiên chức và trách nhiệm của mình, dẫn đến triển lãm Mở cửa thiếu một chủ đề mạch lạc và một ý tưởng xuyên suốt kết nối câu chuyện giữa các tác phẩm trong một quan niệm nghệ thuật riêng như các curator quốc tế đã làm ở những sự kiện nghệ thuật lớn.

Mặt khác, việc lựa chọn danh sách tác giả và trưng bày đã không nêu bật được các tác giả tiên phong, những tác phẩm nổi bật của từng giai đoạn mỹ thuật, từng khuynh hướng sáng tác, tạo cảm giác “một chiều” khi số lượng các tác phẩm hội họa- điêu khắc chiếm phần lớn, lấn át các hình thức nghệ thuật đương đại. Trong khi đó, thực tế hoạt động mỹ thuật khoảng năm 2000 trở lại đây, các hình thức nghệ thuật đương đại là nơi đang có nhiều năng lượng sáng tạo, và chính ở những tác giả, tác phẩm của nó, thực sự có nhiều thực nghiệm dấn thân tìm tòi “đổi mới” ngôn ngữ nghệ thuật hơn cả.

Nhều tác giả quan trọng của các vùng ngoài Hà Nội đã không có tác phẩm ở triển lãm. Trong hình là sắp đặt “Mây Biến Thể” trên hồ Tịnh Tâm của Trần Tuấn (curator Trần Lương). Ảnh: Tú Miu

Ban curator đã chú ý đến vấn đề khả năng thương mại của tác phẩm trong xác định vị thế của tác giả mỹ thuật, (điều này, hoàn toàn cần thiết và mới trong quan niệm tổ chức triển lãm so với trước đây), thế nhưng, giá cao và khả năng thương mại hóa tác phẩm nghệ thuật chỉ là một khía cạnh để xác định giá trị nghệ thuật và dường như, các curator không chú ý phát hiện những tác phẩm có tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt mới, sự hoàn thiện công phu kỹ thuật tạo hình, thẩm mỹ mới, tiến bộ và chiều sâu tư tưởng.

… đến những tác giả đã “hóa thạch” từ đời nào

Thiếu vắng hơi thở và những bức xúc, vật vã của cuộc sống xã hội hiện tại, phần lớn các tác phẩm hội họa trong triển lãm trì trệ, dừng mạch cảm xúc, suy nghĩ, thậm chí cả kỹ thuật sơn dầu lầy lội, hời hợt ở đúng khoảng thời gian 15- 20 năm trước đây. Có những tác giả bày tác phẩm ghi năm sáng tác 2016 nhưng tư duy tạo hình đã cũ mèm, “đóng băng” “hóa thạch” ở thời gian 20 năm về trước.

“Tuổi thơ tôi” của Thành Chương. Sơn mài, 200 x 250cm, tác phẩm bày trong triển lãm

Vào giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã viết Một thế hệ không mặc cảm để chỉ những họa sĩ lớp đầu tiên, tự tin, háo hức đầy khát vọng sáng tạo, mở đường cho nghệ thuật những năm đầu Đổi mới. Mặc dù giai đoạn trước đây đã có nhiều khẳng định rằng thành tựu của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới chủ yếu ở sự bùng nổ tưng bừng của hội họa, nhưng nếu chỉ đánh giá thành tựu hội họa Việt Nam 30 năm qua, như được bày trong triển lãm Mở cửa thì có thể kết luận rằng: Một thế hệ đã mệt mỏi. Cái cảm giác này không phản ánh đúng hoàn toàn thực tế hoạt động mỹ thuật đang diễn ra ở Việt Nam mà do triển lãm Mở cửa mang lại.

Trong làng mỹ thuật, chiếu hoa đã trải giữa đình, chỗ đã có, như thời kỳ bao cấp, nhiều “cụ” chỉ vơ tạm viên gạch, mảnh sành mang đến để khẳng định “chủ quyền”, xếp hàng chỗ ngồi trong chuyến tàu vào lịch sử, chứ không thực sự mang những tác phẩm tâm đắc, đẹp nhất cho sự kiện tổng kết mỹ thuật 30 năm đáng lý phải quan trọng và chất lượng nhất này.

Có hai lý do, sang trọng nhất là các tác phẩm đẹp, quan trọng nhất đều đã bán cho các sưu tập nước ngoài? Còn một lý do khác, mơ hồ nhưng có thật là tâm lý ngại đụng chạm, tránh những vấn đề không đáng có, “nhạy cảm” của kiểm duyệt nên một số họa sĩ đã mang đến trưng bày những tác phẩm thuận mắt, trang trí bình dân, không phải là tâm đắc nhất cho “lành”.

Cũng không nên cho rằng, các tác phẩm đẹp nhất, quan trọng nhất của các tác giả mở đầu thời kỳ mỹ thuật Hậu hiện thực XHCN đều đã bán hết ra nước ngoài… nếu bình tĩnh đôi chút có thể nhận thấy thực trạng, tại sao hiện nay điều kiện sống, vật chất khá hơn, thông tin nghệ thuật nhiều, họa phẩm dễ kiếm hơn, sơn tốt, canvas“xịn”, có cả quãng thời gian dài 30 năm nghiền ngẫm mà các họa sĩ lại không thể sáng tạo ra những tác phẩm khác đẹp hơn, sâu sắc hơn thời kỳ đầu hầu như chỉ vẽ bằng bột màu, sơn rẻ tiền?

“Hoa đời” của Nguyễn Xuân Tiệp. Sơn dầu, 180 x 120cm, tác phẩm bày trong triển lãm

Cảm giác chung là chưa thỏa mãn, thiếu sức thuyết phục về chuyên môn nếu đánh giá triển lãm Mở cửa là sự kiện tổng kết đánh giá thành tựu mỹ thuật Việt Nam sau 30 năm từ 1986. Bởi thiếu một concept nghệ thuật riêng, thiếu khả năng thẩm định và một ý tưởng triển lãm xuyên suốt có thể bao quát tác phẩm, cá nhân nghệ sĩ tiêu biểu diễn ra trên phạm vi không- thời gian suốt 30 năm nên sự tuyển chọn thiếu hụt nhiều gương mặt nghệ sĩ đã khẳng định dấu ấn riêng nổi trội, đóng góp vào hoạt động sôi nổi của mỹ thuật thời kỳ vừa qua.

Nếu như ba curator tổ chức triển lãm theo dự án riêng, bằng tiền cá nhân thì vấn đề thành, bại của sự kiện chỉ là uy tín của nhóm. Với danh nghĩa đơn vị tổ chức là Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, triển lãm Mở cửa và một cuốn sách về triển lãm như một sự kiện tổng kết mỹ thuật 30 năm qua do ba cán bộ – curator thực hiện bằng tiền nhà nước, hiển nhiên đã mang tính chất như đánh giá chính thống của nhà nước. Danh tiếng, thành tựu của các tác giả, tác phẩm được lựa chọn trong triển lãm sẽ được dư luận trong nước, quốc tế nhìn nhận như đại diện ở tầm mức quốc gia. Chẳng lẽ thành tựu, chất lượng đại diện mỹ thuật Việt Nam 30 năm nay lại chỉ là như vậy?

*

Bài tiếp theo: “Đáng ra có thể làm tốt hơn, nếu…

Ý kiến - Thảo luận

11:30 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  Không nên chọn

Curator như một nhạc trưởng, ngoài vấn đề am hiểu về thẩm mỹ, thì vấn đề nội dung, ý niệm và triết học là công việc nghĩa vụ trách nhiệm của Ông bà Curator.
1. Curator tham gia sâu nặng và tên của triển lãm, từng tên tác phẩm.
2. Curator chọn các bức tranh được bày thế nào, tại sao đặt đối diện tại sao cái này trước cái kia. Ở Tate london khi curator
...xem tiếp

11:30 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  Không nên chọn

Curator như một nhạc trưởng, ngoài vấn đề am hiểu về thẩm mỹ, thì vấn đề nội dung, ý niệm và triết học là công việc nghĩa vụ trách nhiệm của Ông bà Curator.
1. Curator tham gia sâu nặng và tên của triển lãm, từng tên tác phẩm.
2. Curator chọn các bức tranh được bày thế nào, tại sao đặt đối diện tại sao cái này trước cái kia. Ở Tate london khi curator muốn chuyển một cái tranh từ trái sang phải họp lên họp xuống 3 tuần là ít. Và không ít curator nản chí.
3. Curator có nhận thức được việc kinh doanh nghệ thuật nhưng không phải đó là việc chính để được trả công và ghi nhận.
4. Việc của Curator là tối ưu hóa quá trình trưng bày và liên kết các nội dung.
5. Ở Việt Nam làm quá thô sơ, và còn nhầm lẫn về các hiểu.
Két luận:
1. nghĩ đúng, làm đúng, kiên trì không dao động nhưng ta nghĩ chưa đúng, cố làm nhiệt tình để gây ấn tượng, không kiên trì nên mất đoàn kết đổ trách nhiệm.
2. Nhà nước đang nợ 120 tỷ, các cán bộ nhà nước cố làm làm gì, có tiền đâu mà làm, có lợi dụng được gì đâu.
3. còn hai anh tham mưu phó ham danh phận thử bước ra cửa kinh doanh kinh tế thị trường tư nhân xem, đừng mượn danh nhà nước, đừng làm khổ ông Thành tốt bụng, việc của ông là cấp phép, đã là mệt lắm rồi. Sống hãy có tâm, có râu không phải là nghệ, có chữ không phải đầu to. Hãy nhìn lại bản chất của sự việc.

 
10:42 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  candid
Bác Nguyễn Đức Bình trông quen quen hình như là admin nhóm Đình Làng Việt?
...xem tiếp
10:42 Thursday,6.10.2016 Đăng bởi:  candid
Bác Nguyễn Đức Bình trông quen quen hình như là admin nhóm Đình Làng Việt? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả