Ăn uống

Wakako Zake (tập 10): Xiên que chiên nhưng không có que 16. 10. 16 - 6:51 am

Pha Lê

(Tiếp theo tập 9)

Tập này, nàng Wakako vào quán thấy người bên cạnh ăn món gì ngon quá nên bảo phục vụ cho mình món giống thế, dù biết rằng dòm miệng người khác rồi gọi món có vẻ không được lịch sự lắm nhưng món trông ngon quá, biết làm sao được.

Hóa ra món bạn ngồi cạnh nàng Wakako ăn là món măng tây kushiage.

Món măng Tây trong tập 10.

Trong tiếng Nhật, kushi là que xiên làm bằng tre, thường dùng ghim thức ăn. Còn age có nghĩa là chiên, và nhiều món chiên cũng có chữ này, ví dụ như món karaage chẳng hạn. Vì thế nguyên cái tên kushiage là dùng để chỉ các món bọc bột, xiên que chiên ngập dầu.

Áo bột dùng trong kushiage thường là bột mì, trứng, với vụn bánh mì. Theo truyền thống, Nhật gần như không có món chiên, nếu có chiên họ cũng chiên ít dầu và không bọc áo bột. Họa hoằn lắm cần áo bột là người Nhật sẽ dùng bột gạo. Phải đến cuối thể kỷ 16, lúc người Bồ đào Nha sang Nhật với số lượng nhiều (để buôn bán cũng như truyền đạo) thì họ mới phổ biến cách bọc nguyên liệu trong bột mì và chiên giòn ngập dầu. Từ đấy xứ anh đào mới có những tempura cũng như các món chiên age này age kia.

Một đĩa kushiage với đủ thứ món xiên que chiên. (Hình từ trang này)

Tuy tempura bắt đầu thịnh từ thời Edo, kushiage phải chờ đến khoảng Thế chiến thứ 2 mới trở nên phổ biến. Tempura không có vụn bánh mì nên nhẹ, còn kushiage đắp vụn bánh mì ở ngoài thành thử món này nặng bụng hơn. Thời bình ăn món nhẹ thấy thoải mái, chứ chiến tranh nó khác. Chiến tranh là lúc phải biết tiết kiệm thực phẩm vì thời này thức ăn luôn khan hiếm, quý hơn vàng. Như hai anh em trong phim Mộ đom đóm ấy, chỉ vì trộm vài quả cà chua mà đã bị hàng xóm xung quanh xông vào tẩn cho một trận nhừ đòn. Với tình hình như vậy, một que tre có mấy mảnh thức ăn thôi nhưng nhờ bọc bột chiên lên mà nó… lắm calorie, ăn vào là bụng no, lại đủ sức để tầng lớp lao động làm việc thì nó trở nên phổ biến cũng phải.

Các kiểu kushiage, mỗi xiên một chút xíu xiu. Nhưng đồ chiên mà, ăn ít đã no căng rồi. (Hình từ đây)

Nguyên liệu để xiên kushiage bao gồm đủ thứ trên đời. Có từ hành tây, rau cải, củ sen, khoai lang tới thịt heo, thịt bò, cá trứng… tùy theo địa phương mà menu kushiage có nhiều rau ít thịt hoặc nhiều thịt ít cá tôm. Có thể gọi món này theo phần, trong phần là đủ thứ hầm bà lằng, hoặc gọi riêng từng xiên theo ý thích. Vài quán nếu siêng còn chế biến thêm, ví dụ thay vì chỉ xiên nguyên liệu “thô”, họ cuộn heo bò với hành rồi mới ghim vào que và chiên, hoặc cuộn gà với phó-mát.

Đủ loại nguyên liệu xiên que trước khi đem chiên. (Hình từ trang wasabi singapore)

 

Bò cuộn hành, xiên que chiên ra món kushiage. (Hình từ trang này)

Cái kushiage nàng Wakako gọi trong tập này là măng tây chiên. Do bản thân măng tây đã dài thòng nên dù tên vẫn là kushiage nhưng nó… không có xiên que tre. Người ăn chỉ cần cầm măng tây lên cắn. Wakako vừa nhìn món vừa nghĩ chắc tại măng tây đã bự chảng rồi nên trái với các món kushiage thịt rau khác, nó không cần que tre. Hay là tại người Nhật thấy măng tây to dài dùng làm món này hợp nên cứ thế trồng ra măng tây cỡ khổ để dành riêng cho món kushiage cho ngon nhỉ?

Wakako nói măng tây dài nên nó xem như một que xiên bằng tre cũng được.

 

Trong phần kushiage, có mỗi món măng tây là “lạc đàn”, bọc giấy bạc để cầm cắn chứ không có que tre. Hình từ đây)

Giống với gà karaage dùng bột mì chiên giòn nên hợp với bia, kushiage cũng hợp với bia nốt, thành ra lần này Wakako gọi bia uống kèm chứ không kêu sake. Nói thật thì đa số đồ chiên vốn bình dân nên gọi rượu cũng hơi bị phí. Ngoài bia ra, người Nhật còn hay dùng kushiage kèm với chút bắp cải sống – chắc tại thấy nhiều món chiên giòn quá, có chiên rau thì rau cũng mất chất nên ăn thêm bắp cải sống để nó “bù vào”? Wakako ăn kushiage nhưng không gọi bắp cải, chắc vì nàng xơi có mỗi một món măng tây thôi nên thấy không cần bổ sung.

Kushiage, bắp cải, và bia. (Hình từ trang beer japan)

 

Wakako xơi món chiên với bia cho nó đúng điệu.

Cắn miếng măng tây rồi uống bia, Wakako gật gù bảo rằng măng tây cỡ to thường có vỏ ngoài dai, nhiều xơ, khó cắn. Nhưng món nàng ăn chắc nhờ chiên ngập dầu nên măng tây vô cùng giòn, cắn cái là đứt. Đầu bếp là cố hết mình để phát huy hết vị ngon của măng tây nên Wakako vừa xơi vừa chết mê chết mệt vì thích. Nàng thử chấm măng tây với muối, sau đó chấm với sốt, rồi kết luận chấm gì cũng ngon. Nhìn chung muối tạo mặn, còn sốt dành cho kushiage thường là sốt chua – bên trong thành phần có dấm, chanh yuzu, nước tương, đường, cà chua, với đủ loại nước trái cây bào. Muối sẽ giúp món đậm đà hơn, còn sốt chua thì làm dịu độ nặng của món chiên.

Nàng Wakako vừa chấm sốt chua vừa gật gù.

Cuối cùng, món ngon lúc nào cũng lan nhanh. Wakako thấy người bên cạnh xơi măng tây nên gọi theo. Sau đó các anh nhân viên văn phòng ngồi trong quán nhìn cảnh Wakako ăn măng tây với tâm trạng vui vẻ hạnh phúc quá, không cầm được lòng thành thử cũng muốn kêu món y chang. Hữu xạ tự nhiên… ăn thôi, đâu cần ai ép.

*

Xem tập này tại đây 

Ý kiến - Thảo luận

17:32 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  phale
@Zin: Mình xem rồi nhưng thấy không có hay, do sở thích quan điểm cá nhân thôi.
...xem tiếp
17:32 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  phale
@Zin: Mình xem rồi nhưng thấy không có hay, do sở thích quan điểm cá nhân thôi. 
15:41 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  Zin
Chị Pha Lê có xem Wakakozake phiên bản live action không ạ. Nó còn xuất sắc hơn cả anime nữa.
...xem tiếp
15:41 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  Zin
Chị Pha Lê có xem Wakakozake phiên bản live action không ạ. Nó còn xuất sắc hơn cả anime nữa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả