Gẫm & Bình

Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 3): rút lại là làm chưa hay nhưng mà đừng có sợ chê 27. 10. 16 - 6:05 am

Vũ Lâm

(Tiếp theo bài 2)

“Biển nắng” của Đỗ Sơn. Acrylic, 120 x 160cm. Tác phẩm có trong triển lãm “Mở cửa”.

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Ấy, việc gì mà hăng tiết vịt lên thế, hay là bác định đổi tên với tôi đấy. Có cái đỡ lại là nhà tổ chức sẽ in sách. Trong sách ngoài tác phẩm tự chọn đem triển lãm ra còn 2 tác phẩm nữa. Biết đâu ta có thể lại thấy được tác phẩm đã làm nên tên tuổi đó… qua ảnh. Bởi như nhiều ý kiến ý cò đã cho biết, rất nhiều tác phẩm tốt hoặc “động chạm” của thời Đổi Mới mà bảo tàng không dám sưu tập đã bị bán sang SAM, sang Hồng Kông hoặc đâu đó. Nhưng chắc phải còn lại ảnh chứ.

Vả lại, tôi nói với bạn rằng, nghệ thuật thời Đổi Mới khác hẳn tính chất của thời Đông Dương, hay thời Kháng chiến. Tức là không có chuyện tác giả chỉ dồn sức cho một “chưởng” khai sơn phá thạch để đời. Mà phải qua cả một loạt tác phẩm, hàng loạt “sê-ri” như giờ hay gọi. Thế nên, một tác phẩm bất kỳ của tác giả thời kỳ đó, dù là tác phẩm hay đến mấy, cũng không thể hiện đủ chân dung lồng lộng của họ đâu…

La Hán Nhăn Như Bị: Để tổng kết Nghệ thuật Đông dương, Nghệ thuật Kháng chiến, bao cấp thì khá dễ. Mỗi thời kỳ chỉ có một vài người giỏi và một nhóm các tác giả hạng hai, hạng ba, theo cùng một trục. Còn đến Nghệ thuật Đổi Mới là cả một khu rừng phong phú, lẫn lộn cổ thụ với hoa cỏ, cây dại, lung tung beng. Hoa thì sớm nở tối tàn thôi, nhưng nó là một cánh rừng, sống chung cả với nhau.

“Đường đi lấy kinh” của Phan Cẩm Thượng. Sơn khắc, 120 x 180cm. Tác phẩm có trong triển lãm “Mở cửa”.

Có vẻ như nhà tổ chức muốn đưa ra một dự án lớn, nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu hoạch định kỹ lưỡng. Đáng nhẽ phải phân ra từng thời điểm của hơn 30 năm, có thời kỳ “tiền khởi nghĩa” chuẩn bị, khởi động “đề-pa” cho Đổi Mới. Có thời kỳ “hào hùng” hưởng thành quả của Đổi Mới và phát triển là khoảng những năm 1990- 2000. Có thời kỳ “hậu Đổi Mới” với những vệt sáng đuôi sao chổi, và suy thoái, nghệ thuật bước sang một giai đoạn khác.

Như lời phát biểu của một tác giả tại buổi khai mạc: Nghệ thuật Đổi Mới-Mở Cửa là một thành tựu lớn của mỹ thuật đóng góp vào văn hóa Việt Nam thời kỳ ấy. Nó có đặc điểm nổi trội là phân mảnh và chồng lấn các thang giá trị, tạo ra một nền nghệ thuật mới đa dạng phức tạp hơn nhiều nghệ thuật của hai thời kỳ trước. Nó còn động đến, đề cập, khai phá đến khá nhiều những “mảnh đất hoang” trong tâm hồn người Việt chưa được khai hoang trước đó, nhưng lại chạm tới được một số phần tâm hồn của nhân loại nói chung, và đặt ra hầu hết các vấn đề của đời sống người Việt trước ngưỡng cửa của một xã hội hiện đại… Chính vì vậy cho nên, không một triển lãm riêng lẻ nào, không một cuốn sách nào có thể nói đủ về thời kỳ đó. Mà phải là nhiều triển lãm, nhiều cuốn sách mới có thể làm được việc ấy…

“Sapa” của Trần Lưu Hậu. Acrylic, 80 x 110cm. Tác phẩm có trong triển lãm “Mở cửa”.

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Dạ, đúng là gừng càng già càng cay. Cụ tổng kết hay quá ạ. Cứ theo như lời cụ, thì nhà tổ chức chớ có nản đúng không ạ. Giống như một bức tranh, có vẽ ăn ngay được đâu, phải ký họa, phải phác thảo, phải tìm hiểu chán, rồi dựng đi dựng lại mới mong có tuyệt tác. Nhà tổ chức nên lập dự án tiếp theo cho năm sau, năm sau nữa kiểu như: “Mở Cửa – 31 năm nghệ thuật Đổi Mới”, rồi 32, 33… Nhưng chỉ sợ trên không cấp xèng nữa thì biết làm thế nào?

Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Đúng đấy, đừng có sợ chê. Thói thường người ta cứ làm được nhiều việc thì mới bị khen chê. Còn thằng lười vô tích sự chẳng làm nên trò trống gì thì có ai chê hay khen được đâu. Mà đúng là bây giờ người ta (cánh trẻ chúng ta) ấy, hay chê quá. Ít thấy ai khen ai cái gì mấy. Mỗi cá nhân một cái tài khoản FB được cho không (một cái loa miễn phí), lên chê người và khen mình loạn xạ. Cái gì cũng chê. Xưa thì mới mở cửa rồi đổi mới là dừng. Nay thì có vẻ như đến thời cứ muốn cởi tất và lật nhào phủ định hết cả (Giai đoạn 1: mở cửa –đổi mới/ giai đoạn 2: cởi tất – lật nhào). Cũng hy vọng là từ cái cớ này sẽ có sự tức khí nghiêm túc và có kiến thức, để ra nhiều triển lãm Mở Cửa tốt hơn nữa, ra nhiều nghiên cứu Đổi Mới hay hơn nữa, càng lùi càng nhìn rõ. Chứ không phải chỉ để tụi Tây nó soi ta, nó bứng cái ngon của ta về nó dùng. Còn ta thì ngồi ăn cá “thép” và uống nước lụt…

“Đối thoại” của Hoàng Phượng Vỹ. Sơn dầu, 120 x 150cm. Tác phẩm có trong triển lãm “Mở cửa”.

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Ừ, mình không rõ tụi Tây nó xài FB thế nào. Có hay lên chê loạn như quân ta không? Liệu có khảo sát nào về tính cách dân tộc qua cách dùng mạng xã hội không nhỉ? Có lẽ người Việt ta từ nay muốn lớn nên bỏ chê, học khen người khác đi nhỉ…

Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Mà học là học khen cho tử tế ấy, đừng có khen đểu. Khen đểu thì chẳng cần phải học, có sẵn trong máu rồi…

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Là có mà có sẵn trong máu anh í, không phải máu tôi

Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: À, anh thì không cần học khen hay học chê, mà chỉ cần học cách đừng có Nhảy Chồm Chồm…

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Á, á…….(Đến đây thì âm thanh trở nên tùng xoèng, lẫn cả tiếng kim khí và tiếng xoong nồi bát đĩa vỡ, nên không ghi lại được nữa)

 

*

Vũ Lâm đi xem triển lãm:

- Từ rác cũng đẹp

- Nỗi buồn hậu triển lãm

- Not Memory: sự đối diện cá nhân với ký ức tập thể

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 1): Rào đón hơi dài để tương ở bài sau

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 2): nên bỏ đi khoảng 25 ông và thêm vào 10 ông. Ba vị curator không nên cùng một Cục.

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 3): rút lại là làm chưa hay nhưng mà đừng có sợ chê

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả