Gẫm & Bình

Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 2): nên bỏ đi khoảng 25 ông và thêm vào 10 ông. Ba vị curator không nên cùng một Cục. 25. 10. 16 - 7:05 am

Vũ Lâm

(Tiếp theo bài 1)

Tại khai mạc triển lãm. Ảnh từ bài này

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Sắc mắc thứ hai tôi muốn nói, cũng chính là cái sắc mắc của số đông với các “giám tuyển” và việc “chọn 50 nghệ sĩ”. Cá nhân tôi thì thấy việc chọn người của Ban tổ chức là không có gì phải đáng bàn nhiều. Nó thể hiện quan điểm và tầm nhìn của nhà tổ chức, họ cũng đã trả lời công khai trên báo chí rằng sự lựa chọn này là khách quan, và họ chịu trách nhiệm cũng như lý giải được cách chọn lựa ấy. Tôi cho rằng không chỉ 50 người, mà có chọn đến 100 người người thì vẫn có 100 người khác xí nhằng cái tên Nhảy Chồm Chồm của tôi lên mà phản đối. Kỳ cuộc nào mà chả thế…

Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Ờ thì đồng ý với anh là “cờ trong tay ai người đấy phất”, nhưng cũng phải rành rẽ chỗ này nhé. Đã đẻ ra một cơ quan nào đó thì họ phải “sáng tạo” việc ra làm, bằng các cái gọi là “dự án”, hay “kế hoạch”. Mỗi năm, cũng phải có “dự án” khác nhau chứ. Hết dự án quốc hoa, rồi đến dự án quốc phục… đại khái thế. Họ cứ làm cho hết dự án, xong nhiệm vụ. Chứ còn bàn xong thì có in “quốc hoa” lên tiền, hay có đăng ký bản quyền quốc hoa lên quốc tế không là chuyện khác. Bác cháu nhà ta có dùng “quốc phục” họ nghĩ ra để đi ăn cỗ hay không thì kệ.

Bạn cứ coi triển lãm vừa rồi cũng là một “dự án” triển lãm như mọi triển lãm khác đi, rồi hát: Ồ ô ố ồ ô…Treo xong xuôi tất cả lại về. Tất nhiên, trong các nhà tổ chức thì cũng có người mượn tên tớ: Lập Lờ Đánh Lận… để tâm sự riêng! Nhưng có sao đâu. Còn cái vụ “giám tuyển”, thì tớ công nhận là họ dùng chữ này rất đúng. Cái chữ “curator” bị một tay “ú ớ Việt gian” dịch ra là “giám tuyển”, làm sai hết cả ý nghĩa tử tế “phục vụ nghệ sĩ” của từ này. Mới đầu tớ phản đối, sau càng thấy tay kia đúng hơn mình, là nó nhắm trúng cái tâm lý của người mình khi đi tập sự công việc này. Là thích “giám” thằng này, “tuyển” thằng kia, ban phát cho thằng nọ. Ờ thì ông “dám”-“tuyển” cái đó đấy, làm gì được ông nào… Ồ ô ố ồ ô… treo xong xuôi tất cả lại về!!! Về về về…

Nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật Vũ Lâm đang xem các tác phẩm đổ composit của Vương Văn Thạo tại triển lãm “Mở Cửa”. Ảnh: Tịch Ru, Soi lấy lại từ bài này

La Hán Nhăn Như Bị: Hừ hừ hà hà! Tôi xem xong cái danh sách, mới nghĩ vui. Trong cái triển lãm như thế này, thằng nào được chọn mời cũng đều nghĩ rằng nó chọn mình là đúng rồi, còn mấy thằng khác thì cần phải xem lại… Khi BTC chuẩn bị cho triển lãm, họ có gặp tôi, tôi có trao đổi với họ rằng nên mời một số tác giả gắn chặt tên tuổi với sự nghiệp Đổi Mới-Mở Cửa như các họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Đặng Thị Khuê. Nhưng quan điểm của BTC là “không”, và họ bảo lưu quan điểm đó.

Nói cho thực ra thì triển lãm lần này “vơ vào” không ít thằng khá là nhạt nhẽo, và chẳng liên quan đếch gì đến Đổi Mới cả. Nếu là tôi làm, tôi sẽ bỏ đi khoảng 25 ông rồi mời thêm 10 ông, bà khác vào… Nhưng tôi cũng thấy được nhất lần này là Cục đã tự đứng ra dũng cảm làm, gạt bỏ chuyện hội đồng nọ kia, cũng không liên quan gì đến Hội Mỹ thuật… Thế cũng là cải cách, thế cũng là được lắm rồi! Việc nhà nước mà, đâu phải dễ mà “cách” cái “mạng” ngay được như trong nhà ông.

“Bên trong” (chi tiết) của Khổng Đỗ Tuyền. Sắt hàn, 60 x 40 x 22cm, tác phẩm có trong triển lãm “Mở Cửa”. Ảnh: Tịch Ru

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Dạ vâng ạ! Cũng phải nói cho cùng là mỗi người đứng ra tổ chức thì sẽ có quan điểm và cách làm khác nhau, ta buộc phải tôn trọng điều đó. Bởi nếu họ sai, nhầm thì các tác giả không sao cả, nhưng họ sẽ là những người phải hứng búa rìu dư luận…

Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Trong vụ này thì gọi là bị “đánh cả hai đầu”. Trên cũng quở mà dưới cũng phang. Cái gọi là “búa rìu dư luận” thì chả sợ đâu, vì đâu có phải là búa rìu thật, lương lĩnh nguyên không sứt mẻ gì. Để đỡ rức đầu thì cùng lắm là không đọc báo và tắt mạng đi là xong. Trên quở mới là đáng sợ, vì có thể mất chức hoặc về hưu non như chơi, tệ hơn nữa là đẩy đến chỗ nào đó ngồi chơi xơi nước… Đồng ý hoàn toàn về thái độ dũng cảm của nhà tổ chức khi tổ chức dự án triển lãm… khá là khoai, đúng là ngô này!

“Nhà sư” của Hồng Việt Dũng. Sơn dầu, 155 x 155cm, tác phẩm có trong triển lãm “Mở Cửa”. Ảnh: Tịch Ru

Nhảy Chồm Chồm Xảm Xí: Tuy nhiên, thưa cụ và anh bạn mê lô đề, cháu vẫn lăn tăn, việc ôm một trường đoạn nghệ thuật trong một thời gian quá dài (30 năm) có giống như “đi ủng cho voi” không ạ? Sơ hở, bục toạc ra nhiều lắm. Lại còn tác phẩm, tác phẩm tốt nhất ở đâu để những tên tuổi tai tiếng cảm thấy đáng mặt? Gái có thì, hoa trái có mùa. Một số các tác giả nghe tăm tiếng vang rền đó, nhưng nếu để họ tự chọn, đưa ra những tác phẩm khi mà vào thời điểm Kiều tái hồi Kim, “sự đời đã tắt lửa lòng/ còn chen vào chốn bụi hồng làm chi” thì có phải dở cho họ không?

Lập Lờ Đánh Lận Con Đề: Ấy ấy ấy, chỗ này là chỗ gút mắc đấy nhé. Lại có chỗ để tôi giải thích cho rõ việc “giám tuyển” của ta khác “curator” Tây thế nào. Curator là một nghề chuyên môn của đời sống nghệ thuật trời Tây, được đào tạo chuyên ngành trong các trường đại học nghệ thuật hẳn hoi đã lâu. Họ có thể làm thuê cho các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân, hoặc độc lập, thi thoảng đem đội của mình tới các hội chợ nghệ thuật hai, ba, năm năm một lần… Mỗi triển lãm họ tổ chức đều có lý do, lý luận kèm lý “châu chấu”… Có nghĩa là họ có nghiên cứu, câu chuyện, lý thuyết dài dằng dặc cho một dự án nghệ thuật. Họ ăn tiền và ăn uy tín từ các dự án đó; được ăn cả, ngã về không (nếu như bộ sưu tập “curated by XYZ” không bán được, hoặc không gây được tiếng vang từ các nhà bình luận chuyên môn). Điều đó khác hẳn với việc ăn lương nhà nước và lên khung dự án, thành hay bại đều không ảnh hưởng mấy.

Khác nhau thế nên không thể so sánh “curator” với “giám tuyển nhà nước” được. Ví dụ, hai tiêu chí của triển lãm Mở Cửa là
1. Tư duy sáng tạo mới
2. Dấu ấn và bản sắc cá nhân
… đều khá chung chung. Không có lý luận nào đằng sau cả. Mà nếu áp hai cái đại dương tiêu chí này thì có thể chọn gần tất cả hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, trừ mấy ông chép tranh ở Nguyễn Thái Học. Vì làm nghệ thuật, có ai không tự nhận mình là tư duy mới, có cái riêng?

Chinh Phu (trích từ bộ tác phẩm Chinh Phu-Chinh Phụ) của Thái Nhật Minh. Gỗ, sắt, nhôm đúc, 80 x 80 x 140cm, tác phẩm có trong triển lãm “Mở cửa”. Ảnh: Tịch Ru

Việc nhà tổ chức lập một hội đồng ba người thay vì một hội đồng mười một người, tính chất cũng không khác gì nhau lắm. Đành rằng ít “thầy” thì “ma” sẽ tươi hơn, nhưng bản chất là không khác nhau. Vả lại, hai “giám tuyển” nhỏ đều là cấp dưới của “giám tuyển” lớn, tức là ông Cục trưởng. Nên việc quyết cuối cùng sẽ do giám tuyển lớn quyết. Điều đó làm mọi sự dễ dàng hơn rất nhiều cho… ông Cục trưởng. Chứ còn hai “giám tuyển” kia mà đồng cấp với ông Cục trưởng chẳng hạn, thì sẽ cãi nhau to đấy. vì ai chẳng có bạn thân, có quan hệ, có chỗ tình nghĩa, có mắt nhìn đánh giá riêng…

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, và Triển lãm – họa sĩ Vi Kiến Thành (mặc áo ca-rô) tại họp báo về triển lãm “Mở Cửa”. Ông là một trong ba giám tuyển của triển lãm này. Bên tay trái ông, mặc áo trắng, là nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đức Bình. Bên tay phải ông là họa sĩ Phạm Hà Hải. Cả ba đều là cán bộ của Cục và đều là giám tuyển của “Mở cửa…” Ảnh: T.A, từ trang này

Còn cái sự để cho tác giả tự chọn tác phẩm. Mặt này thì có thể coi là trân trọng, nâng niu. Mặt kia thì lại có thể bị công chúng nhìn nhận như một sự “đẩy hạ” khéo léo (đấy, tên tuổi ông nổi tiếng thế mà ông lại đưa ra tác phẩm nhạt toẹt, chẳng ra gì, ông tự chịu nhé).

Thứ ba, việc ôm một thời gian quá dài mà không phân cảnh ra tiền, trung, hậu, suy đồi, biến chuyển… hoặc phân thế hệ rồi lựa chọn một cách có lý luận, có nghiên cứu hậu thuẫn, thế nên “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” là phải…

(Còn tiếp)

 

*

Vũ Lâm đi xem triển lãm:

- Từ rác cũng đẹp

- Nỗi buồn hậu triển lãm

- Not Memory: sự đối diện cá nhân với ký ức tập thể

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 1): Rào đón hơi dài để tương ở bài sau

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 2): nên bỏ đi khoảng 25 ông và thêm vào 10 ông. Ba vị curator không nên cùng một Cục.

- Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 3): rút lại là làm chưa hay nhưng mà đừng có sợ chê

Ý kiến - Thảo luận

22:55 Tuesday,25.10.2016 Đăng bởi:  LC
Đúng đấy ạ
thôi em chẳng viết nữa
đôi ba năm nữa, nghĩ kỹ rồi em sẽ viết vậy. Đành ngâm thơ rằng:

Hà Nội trong một đêm mưa cuối thu, đầu đông năm ấy...
Mưa Rừng đã bắt được con chấy còn sót ở Bảo tàng
Rồi viết trường ca hài về một miếng giữa làng
Càng phân giải thì lúa càng tươi tốt
Bác Gia Phạm ơi, xin đừng hốt ..
Lúa hay phân thì cũng ph
...xem tiếp
22:55 Tuesday,25.10.2016 Đăng bởi:  LC
Đúng đấy ạ
thôi em chẳng viết nữa
đôi ba năm nữa, nghĩ kỹ rồi em sẽ viết vậy. Đành ngâm thơ rằng:

Hà Nội trong một đêm mưa cuối thu, đầu đông năm ấy...
Mưa Rừng đã bắt được con chấy còn sót ở Bảo tàng
Rồi viết trường ca hài về một miếng giữa làng
Càng phân giải thì lúa càng tươi tốt
Bác Gia Phạm ơi, xin đừng hốt ..
Lúa hay phân thì cũng phải đầu tư
thôi. 
20:56 Tuesday,25.10.2016 Đăng bởi:  gia phạm
Về Mở cửa. Tôi đồng ý rằng đây là một sự kiện không hề tồi, chỉ có những người thực thi nó chưa hẳn là không tồi thôi. Câu chuyện to như cái đình khi đề cập 30 năm đổi mới mà chỉ dựa vào 3 vị giám tuyển thì hoặc là các vị đã cứ làm vì biết có thể kém hoặc là dám làm vì chả lẽ mình lại không thể là thước mực, hai cái đó đều tỏ ra chưa đủ ch
...xem tiếp
20:56 Tuesday,25.10.2016 Đăng bởi:  gia phạm
Về Mở cửa. Tôi đồng ý rằng đây là một sự kiện không hề tồi, chỉ có những người thực thi nó chưa hẳn là không tồi thôi. Câu chuyện to như cái đình khi đề cập 30 năm đổi mới mà chỉ dựa vào 3 vị giám tuyển thì hoặc là các vị đã cứ làm vì biết có thể kém hoặc là dám làm vì chả lẽ mình lại không thể là thước mực, hai cái đó đều tỏ ra chưa đủ chín chắn.
Cá nhân tôi rất lấy làm tiếc khi đã đi xem triển lãm này mặc dù cũng có một số ấn tượng.
Vụ này đề nghị soi không cho bàn nữa vì sẽ làm nản lòng các nghệ sĩ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả