Đi & Ở

Thăm nhà Hầu tước Cerralbo: vừa vui vừa đáng đồng tiền 27. 04. 17 - 7:20 am

Pha Lê

Nếu đến Madrid và không có nhiều thời gian, tốt nhất không nên đi những cái lớn.

Cái lớn chỉ hay ho khi chúng ta có dư thời gian hoặc đến với nó bằng một mục đích, mong muốn rõ ràng. Ví dụ như ấp ủ muốn xem tận mắt bức tranh nào đấy ở Bảo tàng Prado từ lâu, hoặc cần tham quan cái nhà thờ cổ xây trong cung điện của vua Tây Ban Nha do muốn tham khảo kiến trúc của nó. Còn nếu mình chỉ hiểu lờ mờ về những thứ to, bản thân cũng chẳng yêu thích chúng lắm mà chỉ muốn đến vì chúng nổi tiếng, hay muốn người khác biết rằng ta đây cũng có văn hóa, thì tốt nhất đừng có đi. Cái lớn rất tốn thời gian, nếu chúng ta không rảnh, không yêu thích hay trang bị kiến thức trước là lúc đi xem sẽ bị tình trạng qua loa, xem xong chỉ thấy mỏi chân là chính.

Bởi vậy nếu eo hẹp thời gian ở Madrid, đi thăm villa của Hầu tước Cerralbo sẽ vừa vui vừa đáng đồng tiền hơn.

Cerralbo là một gia tộc quyền quý, được phong hầu tước vào năm 1533. Nói cho công bằng, các gia đình quý tộc có chức nọ tước kia ở châu Âu tuy không nhiều nhưng cũng chẳng phải quá hiếm. Những họ tộc này thời nay không còn là thứ người bình thường biết tới hay quan tâm, trừ trường hợp thật đặc biệt, ví dụ như nhà quý tộc X có công trạng gì đấy, làm thay đổi lịch sử theo cách gì đấy, có cống hiến gì đấy… thì dân chúng ngày nay mới nhớ hoặc thích thú tìm tòi. Một trong những gia đình như thế là nhà Cavendish ở Anh, từng nổi tiếng là giàu với quyền lực nhất nhì vương quốc, có cơ ngơi xa hoa còn hơn cung vua, và là liệt tổ liệt tông của công nương Diana quá cố.

Một góc tư dinh Chatsworth của nhà Cavendish – một trong những tư dinh đẹp nhất nước Anh cũng như thế giới. Vườn của nó “chỉ” rộng chừng 425 ngàn mét vuông. Hình từ trang này

Tại Tây Ban Nha thì có gia tộc Cerralbo. Người giúp gia tộc này lưu truyền tiếng thơm – cũng như cơ ngơi – cho tới tận hôm nay là Hầu tước Cerralbo đời thứ 17: ông Enrique de Aguilera y Gamboa. Người đời gọi ông bằng từ “Curieux” hoặc “Connoisseur” – ý chỉ những nhà quý tộc giàu, thừa tiền và vô cùng… dư thời gian, không phải kiếm cơm hay làm gì nhiều ngoài đeo đuổi thú vui sưu tầm đồ cổ, vật dụng quý giá, mua bán tác phẩm nghệ thuật từ tranh đến tượng. Ông hăng say khảo cổ và sưu tầm đến mức ông dành cả đời cho việc này, nó thậm chí còn ảnh hưởng đến việc cưới vợ của ông.

Ông Enrique. Hình từ trang web của Cerralbo

Hơi khác so với những thanh niên quý tộc trẻ thích vợ cũng trẻ đẹp, ông Hầu tước Enrique phải lòng… mẹ của bạn mình, một góa phụ tên Inocencia Serrano y Cerver. Bà hơn ông những 30 tuổi và đã có hai đứa con riêng: con trai Antonio (chính là bạn của Enrique) và con gái Amelia. Ông mê mệt Inocencia do bà có cùng sở thích với mình. Bà thích khảo cổ, thích sưu tập, không hề ngại đi chu du đến những miền xa cho dù thời của hai ông bà là thời không có máy bay, không có tiện nghi. Sau khi cưới, ngay lập tức đôi vợ chồng dắt nhau đi hết nước nọ tới vùng kia, rồi vác về bao nhiêu là tranh tượng, vật dụng quý báu.

Bà Inocencia. Hình từ đây

Hai con riêng của bà Inocencia có mối quan hệ tốt với cha dượng. Chính Amelia cùng Antonio đã mua mảnh đất để xây nên tòa biệt thự Cerralbo tại Madrid. Hai anh em đánh giá rằng mảnh đất ấy tốt, ngay trung tâm, rất gần cung điện nhà vua, lại đủ to để bố dượng bày đủ món mà ông ôm về. Biết mình không thể có con ruột với vợ đã cao tuổi, Enrique giao hết tài sản và các vật dụng sưu tập được cho hai con riêng. Đổi lại, cô con gái Amelia – người cuối cùng còn sống trong gia đình Cerrablo sau khi bố dượng, mẹ, cũng như anh trai lìa trần – đã ra sức giữ gìn vật quý bố và mẹ sưu tầm được. Để tư dinh luôn “bền”, Amelia biến nó thành “bảo tàng”, mở cửa đón khách, giúp khách tham quan chiêm ngưỡng hầu như toàn bộ cơ ngơi, đồ đạc của gia đình với giá rất rẻ. Tiền thu về sẽ dùng để bảo tồn tư dinh Cerralbo cũng như vật dụng trong đó, và hoạt động này kéo dài cho tới tận hôm nay.

Tư dinh Cerralbo ngày nay. Hình từ wiki

Vì vậy, villa (hay “bảo tàng”) Cerralbo vừa là tư dinh, vừa là chỗ ông bà Hầu tước đời thứ 17 bày biện đủ món cổ quý của thế giới. Khách tham quan sẽ xem nhà, xem nội thất quý, cũng như chiêm ngưỡng kiến trúc, lối sống quý tộc của Tây Ban Nha thời thế kỷ 19. Tầng trệt có lối đi thông ra vườn, nằm ở góc thôi do lối đi này mùa hè mới mở cửa, Madrid mùa đông cũng khá lạnh nên mở cửa vườn suốt chỉ tổ tốn củi sưởi ấm. Dù vậy, lối đi tuy nhỏ nhưng đã treo đầy tranh, có cả một chiếc đồng hồ cổ từ thời thế kỷ 18 vẫn đang chạy ngon lành.

Lối đi ra vườn với đồng hồ cổ. (Toàn bộ hình từ đây trở xuống là do Pha Lê chụp)

 

Góc vườn có tượng bày bên ngoài.

Tầng trệt cũng là nơi có phòng khách ngay gần sảnh, dùng để tiếp những nhân vật không quan trọng, ví dụ như cấp dưới, lái buôn, hoặc bạn bè không thân. Kết cấu kiểu này cũng khá thịnh trong tư dinh tầng lớp quý tộc thời bấy giờ. Lý do là họ không muốn người chẳng liên quan hay chẳng thân thích đi quá sâu vào tòa nhà, để rồi những vị khách ấy lại thấy được đồ đạc, phòng ốc thì phiền. Thế nên phòng khách tầng trệt sẽ chặn họ lại và đón họ ngay sảnh ra vào.

Phòng khách tầng trệt.

Phòng vé dành cho du khách cũng ngay tầng trệt, giá vé rẻ bèo có 3 Euro một mạng, đã vậy còn chu đáo phát cho khách bản đồ với đủ loại tài liệu hướng dẫn, phải tội nhân viên ở đây tiếng Anh một chữ bẻ đôi cũng không biết, nên khi mua vé cần múa tay ra dấu. Nói cho cùng cũng vì khách du lịch thường thích chui vào những thứ to và nổi tiếng, nên mấy cái nho nhỏ này toàn dân địa phương đi xem là chính, bởi vậy nhân viên biết tiếng Anh mà làm gì. Tài liệu hướng dẫn với bản đồ có tiếng Anh là được. Nhìn vào bản đồ, thấy tầng trệt còn có phòng ngủ của Hầu tước.

Dường như ông Enqrique chỉ dùng phòng ngủ tầng trệt khi về già, lúc ông chẳng thể leo lên leo xuống cầu thang nên ở dưới đất luôn cho khỏe. Trái với sự xa hoa hoành tráng của căn biệt thự, phòng ngủ Hầu tước nom đơn giản, với mỗi chiếc giường nhỏ, chậu và bình sứ để đựng nước rửa mặt, gương để cạo râu. Phòng ngủ bé xíu nên tủ quần áo cũng là loại tiết kiệm chỗ: ba ngăn dưới dùng chứa đồ, ngăn trên kéo ra sẽ thành bàn viết để Hầu tước ngồi soạn thư.

Chậu và bình đựng nước rửa mặt bên giường trong phòng ngủ.

 

Tủ áo kiêm bàn viết.

Rời phòng ngủ đơn giản để lên tầng trên là sự xoa hoa lại tràn mắt. Phòng khách ngay lầu một là dành cho khách… VIP, trái với phòng khách tầng trệt dùng để chặn khách không quý, khách quý được mời lên nhà và thăm thú các kiểu phòng ốc vật dụng. Thời ông Enrique, Tây Ban Nha khá chuộng phong cách gothic (bắt đầu vào thế kỷ 12, kết thúc vào thế kỷ 16. Nhưng lại trở nên phổ biến lần nữa vào thế kỷ 18, 19) nên ông trang trí phòng khách VIP theo phong cách này: hằng hà áo giáp, súng ống, kiếm, tranh vẽ màu tối tăm. Khách tham quan ngày nay vừa xem vừa tủm tỉm cười, thì biết gothic lúc ấy là “mốt” thật nhưng chọn ngay phòng đón “khách lớn” để theo mốt này, phơi súng gươm trên tường như thế thì nhìn bằng con mắt hiện đại nom cứ như chủ nhà đang “dọa”.

Phòng đón khách VIP với áo giáp, súng gươm.

Đùa thôi, như bao quý tộc thời ấy, ông Enrique là người hiếu khách và thiết kế của villa lúc nào cũng ra dáng là nơi tiếp khách chu đáo chứ chẳng có ý dọa ai. Lầu một có phòng hút thuốc và chơi bi-da cho các ông. Enrique gọi phòng hút thuốc là “phòng Ả Rập” vì ông dùng đủ món sưu tầm từ phương Đông để trang trí cho nó: nào là thảm kilim – một loại thảm truyền thống của các nước Bắc Phi, Iran, Pakistan – phủ đầy tường, nào là áo giáp samurai Nhật, súng Morroco, gươm cong của dân Trung Đông. Toàn mấy món nam tính để các ông ngắm khi hút thuốc.

Phòng Ả Rập dùng để hút thuốc với thảm kilim trên tường và các vật dụng, áo giáp Á đông.

Phòng dành cho các bà các cô lại nhiều đi-văng hồng, rèm thêu hoa, đặc biệt nhiều gương đặt ở đủ góc để các cô ngắm nghía bản thân, chỉnh sửa son phấn. Phòng này trưng lắm bình lọ có chủ đề thần thoại Hy Lạp, La Mã; trên bình khắc hoặc vẽ thần Vệ nữ hay thần Cupid tình yêu.

Phòng ngồi nghỉ, chỉnh sửa phấn son dành cho phụ nữ.

Thế mới nói trang trí xa hoa hay hiếu khách không phải là cái gì cũng trưng, ai cũng lùa vào một chỗ như lùa vịt rồi khoe của. Phòng của đàn ông khác, phòng cho phụ nữ khác. Tranh vẽ chủ nhà sưu tập rất nhiều nhưng treo đúng nơi. Ví dụ phòng ăn ông Enrique chỉ treo tranh tĩnh vật, vẽ nho, vẽ trái cây, vẽ thịt thỏ gà mà thôi. Trái lại, phòng khiêu vũ bày đầy tranh ca múa đủ màu sắc, ông Enrique còn cho vẽ cảnh đàn hát ở trên trần, nom rất vui vẻ hoành tráng.

Phòng ăn với tác phẩm “Tĩnh vật trong nhà bếp”, vẽ năm 1710.

 

Loạt tranh tĩnh vật vẽ các kiểu trái cây và rau ở phòng ăn. Nổi tiếng nhất là bức “Tĩnh vật với dưa hấu, bí ngô và hoa” của Giuseppe Recco, 1675.

 

Cảnh đàn hát nhảy múa trên trần nhà của phòng khiêu vũ.

Lầu một cũng là nơi có đến ba hành lang trưng bày vật quý. Sau khi hút thuốc, trang điểm, ăn uống no nê xong, khách của Enrique có thể thong thả ra hành làng “kiêm” gallery thưởng thức nghệ thuật. Tranh, tượng, rương cổ, đồng hồ đặt dọc lối đi. Chủ nhà còn đặt rất nhiều tủ trưng bày ở đây. Có tủ gỗ hình chữ nhật như tủ trưng bày hiện đại, có tủ dát vàng, to bè còn hơn cái bàn ăn lớn, có tủ nhỏ nhưng họa tiết chạm trổ uốn éo kỳ công đến mức không thể hiểu hồi xưa hầu gái lau chùi sao cho sạch. Trong tủ bày nhiều đồ gốm sứ cổ, tượng mini tạc cảnh trong Thánh kinh. Vật sưu tầm có cả đồng xu, nữ trang, mề đay với gạch ốp lát cổ khai quật từ Hy Lạp, La Mã.

Hành lang thứ nhất, có bàn trưng bày to.

 

Trong bàn trưng bày bày đủ các kiểu nữ trang, đồng xu, mề đay… Đâu ra nguyên chiếc vòng cẩm thạch của châu Á.

 

Hành lang thứ hai, đa số tranh treo trên tường là tranh vẽ vào khoảng thế kỷ 17, bàn làm ở Ý vào thế kỷ 17, chiếc bình dài nằm cạnh tủ trưng bày là do Thái tử Pháp đặt làm ở Trung Quốc vào thế kỷ 18.

 

Cận cảnh hai chiếc bình Thái tử Pháp đặt làm tại Trung Quốc và tủ trưng bày, bên trong chủ yếu là đồ gốm sứ.

 

Góc giữa hành lang thứ hai và hành lang thứ ba, có tượng nữ thần Hy Lạp Artemis và hộp nữ trang.

 

Hành lang thứ ba, tủ trưng bày ở đây thì nhỏ nhưng nom cũng chạm trổ nặng nề như mấy tủ to khác.

Nhưng hỏi thích nhất gì ở villa cổ hoành tráng này, câu trả lời là thích nhất thư viện cùng phòng làm việc của ông Enrique. Đây là một trong những thư viện có đầy đủ sách về khảo cổ nhất Tây Ban Nha – âu cũng là sở thích của cố chủ nhân. Tất nhiên sách quý thế thì người đến tham quan chỉ được ngắm thôi chứ đâu được rớ vào đọc. Có điều càng nhìn thư viện sách chất đụng trần càng đem đến cho khách tham quan một cảm giác ông Enrique đã để lại nhiều cái quý hơn tòa villa với mấy món dát vàng bày ngoài hành lang kia – những thứ tuy biết hồi xưa nó thế, tuy thấy nó cũng thú vị nhưng nhìn kiểu gì cũng ra diêm dúa. Còn thư viện như thế chẳng hơn khối villa to thời nay, với tủ sách hoành tráng nhưng trên tủ chẳng bày cuốn sách nào.

Thư viện, đến bàn ở thư viện cũng là chỗ để sách. Đồng hồ tạc tượng thần Hy Lạp Apollo, khoảng năm 1800.

 

Phòng làm việc của Hầu tước, bàn gỗ khoảng năm 1775.

Ờ thì, hồi xưa không ti-vi, không internet nó vậy, đọc sách thôi chứ sao, thời nay nó khác rồi, cần đọc gì là lôi Ipad ra mà. Nói cũng đúng, và quả thật kiểu kiến trúc xa hoa châu Âu, kiểu villa này chỉ nên là nơi du lịch, là đồ cổ cho chúng ta ngắm. Trong khung cảnh ấy, nội thất chạm trổ cùng các thể loại dát vàng dát ngọc nom mới hợp. Mình bưng phong cách ấy về theo kiểu không suy nghĩ, xong chêm vào đấy một ti-vi màn hình phẳng, một modem internet wifi, một dàn máy nghe đĩa than với đủ loại loa, một máy tính Apple… là chẳng còn thể thống gì. Còn nếu nó là bảo tàng, chúng ta chỉ việc đến xem cho thỏa cái thú ngắm món cổ quý đắt tiền. Sau đó ta đủng đỉnh đi về, để chuyện chùi rửa quét bụi, dọn dẹp cho nhân viên bảo tàng lo.

Ý kiến - Thảo luận

22:06 Friday,22.3.2019 Đăng bởi:  Phùng Thu Hương
Tình cờ lạc vào sau khi google cheese founde, khám phá ra bao nhiêu thứ thú vị. Cảm ơn bạn nhiều!
...xem tiếp
22:06 Friday,22.3.2019 Đăng bởi:  Phùng Thu Hương
Tình cờ lạc vào sau khi google cheese founde, khám phá ra bao nhiêu thứ thú vị. Cảm ơn bạn nhiều! 
3:25 Tuesday,6.3.2018 Đăng bởi:  ThuyD
Hay quá, sao bây giờ mới lạc vào trang này nhỉ 
...xem tiếp
3:25 Tuesday,6.3.2018 Đăng bởi:  ThuyD
Hay quá, sao bây giờ mới lạc vào trang này nhỉ  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả