Văn & Chữ

Truyện của Xuân Quỳnh:
Tìm bố (phần 2) 06. 11. 16 - 7:21 am

Đặng Thái giới thiệu và sưu tầm

(Tiếp theo phần 1)

Tranh của Phạm Luận

Trưa hôm sau, khi tan học tôi rẽ qua nhà nhân lúc mẹ và bác Thành chưa đi làm về, tôi nhét một mảnh giấy đã viết sẵn vào khe cửa: “Mẹ ơi, con xuống chơi bố Hải, mẹ đừng lo”. Sau đó tôi chạy ngay xuống phố nơi trạm đỗ tàu điện, vừa kịp chuyến tàu. Tôi leo lên tàu và len lỏi vào trong. Lúc này tôi hơi lo, vì trong túi tôi chẳng có xu nào, nhưng hy vọng là tôi thấp bé, tàu lại đông, người soát vé không trông thấy.

– Ê nhóc con, vé mày đâu?

– Cháu không có vé – Tim tôi đập thình thình – Xin chú cho cháu đi nhờ.

– Không nhờ vả gì cả, lấy vé đi.

– Cháu không có tiền!

– Không có tiền thì xuống! Tao lạ gì bọn mày, chuyên môn trốn học lêu lổng nhảy tàu, lang thang ở ngoài phố.

– Cháu không lêu lổng – Tôi ức muốn khóc được – Cháu đi thăm bố Hải cháu đấy.

– Tao biết bố Hải mày là ai? Thôi đến trạm đỗ rồi, xuống đi!

Tôi tủi nhục len ra ngoài định xuống rồi đi bộ dọc theo đường tàu đến nhà bố Hải. Bỗng chú soát vé lại thay đổi ý kiến.

– Thôi, tao cho chú mày đi nhờ lần này, lần sau phải lấy vé. Có lẽ thấy tôi không phải là đứa láo lếu nên chú thương tình.

Vừa xuống tàu tôi đã nhận ra ngay cái cột đèn hàng nước chè, số nhà bốn mươi lăm. Nhìn vào bên trong là phòng của bố Hải. Nhưng tôi nhận thấy phòng bố khóa cửa, bố Hải vẫn chưa về. Tôi cứ đi lại loanh quanh bên ngoài, chả dám hỏi ai xem bố Hải đi đâu. Tôi đặt cái cặp sách bên chân cột điện, rồi rút dép ra ngồi, tôi đợi bố Hải.

Trong hàng nước có một ông mặc quần đùi, cởi trần, béo tròn và đen bóng. Tôi thấy ông luôn để mắt tới tôi suốt từ lúc tôi đến. Ông vừa xỉa răng vừa nhìn tôi chòng chọc. Có một lần ông vào trong nhà rồi lại ra ngay, tay cầm cái khăn mặt ướt cứ lau đi lau lại hai bên nách rồi đưa lên mũi ngửi ngửi. Mắt ông vẫn không rời khỏi tôi. Cuối cùng, ông đến thẳng chỗ tôi ngồi và đuổi:

– Này, đi chơi chỗ khác đi! Con cái nhà ai mà giờ này chưa về lại còn lang thang? Ăn cắp à? – Ông giận dữ – Thấy tao phơi mấy mẹt sấu ở đấy lại sắp sửa nhón đấy.

Lúc ấy tôi mới để ý thấy có hai mẹt sấu khô đặt phơi trên mấy cái ghế đẩu. Tôi ức lắm, nhưng biết là chả làm gì được nên đành phải nhịn nhục mà nói cho ông yên tâm:

– Cháu không lấy sấu của ông đâu, cháu chờ bố Hải cháu đấy.

– Hải với chả Hà – ông lầm bầm – Tao chưa thấy chú Hải ấy có con bao giờ đấy. Đừng có mà vờ vịt – lừa tao không được đâu!

Hình như cuộc đối thoại giữa tôi và ông béo đã lọt đến tai bà hàng nước nên bà đã cất tiếng gọi:

– Này ông ơi, đừng nạt nộ cháu bé mà tội nghiệp. Chắc là con chú Hải thật đấy. Cháu vào trong này ngồi ghế hàng bà cho đỡ mỏi. Nào vào đây, đừng sợ.

Ông béo gườm gườm rút vào trong nhà còn tôi thì len lén đến ngồi sát cạnh bà hàng nước.

Tranh của Phạm Luận

– Bố Hải!

Tôi reo lên khi bố vừa bước chân vào cửa. Bố Hải quay lại ngỡ ngàng rồi chợt nhận ra tôi bố cũng mừng rỡ.

– Thân của bố đấy à, ai đưa con xuống chơi với bố thế.

– Con nhớ bố Hải, con xuống một mình đấy.

– Ôi, tội nghiệp, bận sau con đừng liều thế nhé, nào vào đây với bố.

Bố vừa nói vừa ôm vai tôi, hai bố con đi vào phòng. Bữa cơm tôi ăn với bố Hải thật vui và ngon lành. Trong bữa ăn tôi kể cho bố nghe tất cả mọi chuyện trong nhà tôi. Kể cả cái tính tình ky bo bủn xỉn của bác Thành mà mẹ con tôi phải chịu. Kể cả những cuộc va chạm, cãi vã giữa mẹ tôi và bác Thành và kể cả lý do vì sao hôm nay tôi tìm đến bố Hải. Tôi còn nói với bố là tôi muốn xin phép mẹ cho tôi về đây ở hẳn với bố Hải…

Nghe tôi nói, bố Hải im lặng một lát rồi nói:

– Bố hiểu cả, bố rất thương con, nhưng về cái ý định con muốn ở đây thì bố cần phải xem thêm đã, phải bàn với mẹ con đã. Chưa chắc mẹ đã bằng lòng đâu, vì mẹ chỉ có con là vui thôi. Bây giờ thì con cứ ở chơi đây với bố. Con ngủ đi một giấc. Bố đi làm về, sẽ đưa con đi chơi, đi xem phim rồi mai bố đưa về nhà.

Trước khi đi làm bố mua cho tôi bánh khảo, bánh rán, kẹo bạc hà… bao nhiêu là quà. Bố còn bảo “Ngủ dậy, lúc nào chán thì lấy các họa báo ra mà xem. Trong đó có cả truyện tranh thiếu nhi đấy”.

Bố Hải đi rồi, tôi chả ngủ được tí nào, tôi dậy lấy họa báo ra xem, xem chán tôi lục cả các loại sách của bố ra đọc. Toàn những sách mà tôi chẳng hiểu gì: Bộ mặt thật CIA, Văn minh Ấn Độ, Lịch sử Mỹ học; Tâm thần học…. Bỗng nhiên tôi thấy trong một quyển sách rơi ra một lá thư đã ố vàng, tôi giở ra xem. Đó là thư gửi cho mẹ tôi, ngoài phong bì đề địa chỉ: Phạm Tùy, nhà 202/3A hẻm BC Quận P Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thư viết:

Gửi cho Lan (tức mẹ tôi)

Chắc Lan không ngờ là tôi lại viết thư này. Đã từ lâu giữa tôi và Lan chả có một liên hệ nào. Sở dĩ tôi phải im hơi lặng tiếng là vì hạnh phúc gia đình Lan, nhưng tôi vẫn dò hỏi và biết được mọi tin tức cần thiết. Vì hoàn cảnh chúng ta không lấy được nhau, nhưng dù sao thì cũng đã có với nhau một đứa con…” (đọc tới đây tôi bàng hoàng tự hỏi “Không hiểu mẹ tôi còn một đứa con nào khác nữa mà tôi không biết”). Tôi đọc tiếp “Đứa con đó là của tôi, thuộc về tôi, tôi không cho ai có quyền mạo nhận là bố nó. Trước sau rồi tôi cũng đón nó về với tôi. Tôi mong Lan nói cho con biết ai là bố đẻ của nó. Nếu như Lan không nói, khi nó lớn lên tôi sẽ tìm cách cho nó biết rõ sự thật. Ôi! cái thằng Thân, thằng con trai tội nghiệp của tôi!…”.

Ký tên: Phạm Tùy

Đọc xong lá thư tôi cứ run lên không hiểu ra sao. Tôi cứ ngỡ là tôi đang ngủ mê. Mà có lẽ không phải mê. Tôi đang ngồi đây, trong phòng của bố Hải, lá thư trong tay, sách báo bừa bãi trước mặt tôi. A bây giờ thì tôi hiểu ra rồi. Tôi hiểu vì sao mà bố Hải lại bỏ đi. Thật không thể nào tưởng tượng được là tôi lại không phải là con của bố Hải mà lại là con của ông Phạm Tùy nào đó, mà tôi chưa hề biết mặt. Tôi úp mặt vào gối khóc nức nở một mình. Trời ơi, sao tôi lại khổ thế. Mọi người lớn đều nói dối tôi hết, cả mẹ cả bố Hải cũng vậy, chỉ lo cho cái vui, cái buồn của mình mà chả ai nghĩ đến tôi, biết là tôi khổ đến thế nào. Hay là người lớn nghĩ rằng trẻ con thì không biết khổ. Có lẽ vì tôi mà bố Hải và mẹ tôi phải sống xa nhau. Vì vậy mà hai người chả thương tôi. Bố Hải thì bỏ mẹ con tôi mà đi. Còn mẹ tôi thì lấy bác Thành cho “có chỗ dựa” (như mẹ tôi đã nói). Những người lớn chỉ nghĩ về mình, tính cho mình, chẳng ai thèm để ý đến tôi. Có lẽ là trên đời này chỉ còn có ông ấy, ông Phạm Tùy, bố thật của tôi thương tôi thôi. Ông ấy viết thế nào nhỉ: “Thằng Thân, con trai tội nghiệp của tôi…”. A đúng rồi, bố tôi đấy, chỉ có bố đẻ ra tôi thật mới thương yêu tôi thế. Ước gì tôi được biết mặt bố. Nếu bố tôi chưa tìm được cách đón tôi về thì tôi sẽ tìm cách đến với bố. Bố ơi, chờ con, thế nào con cũng đến được với bố. Trong tôi từ đấy dạt dào một tình cảm mới lạ. Tôi giấu phong thư vào túi áo ngực rồi cẩn thận cài khuy túi lại.

Tranh của Lê Thiết Cương. Bột màu trên giấy báo

Có tiếng gõ cửa, tôi mở cửa ra thì hóa ra là chị Tươi. Vừa trông thấy tôi chị nói liền:

– Mẹ bảo chị xuống đón em về. Sao em liều thế, một mình đi xuống tận đây.

– Chị ơi vào đây đi, vào đây em cho chị xem cái này.

Tôi rút thư trong túi áo ra cho chị xem, tôi kể cho chị nghe đầu đuôi mọi chuyện, vừa kể vừa khóc nức nở. Cuối cùng tôi cầu xin chị giúp đỡ tôi sao cho tôi có thể gặp được bố tôi. Chị Tươi thương tôi lắm. Chị dỗ dành tôi và hứa là sẽ tìm cách cho tôi đi tìm gặp bố!

– Nhưng bây giờ thì chị phải đưa em về nhà đã.

Chị nói rồi viết mấy chữ để bàn cho bố Hải. Chị khóa cửa, gửi chìa khóa bà hàng nước rồi hai chị em lên tàu điện đi về.

*

Tôi trở lại nhà tiếp tục sống những ngày buồn chán. Tôi giấu biến lá thư và không cho ai biết ý định đi Sài Gòn tìm bố! Tôi gói sẵn hai bộ quần áo và mảnh vải nhựa. Ngày nào tôi cũng chờ đợi chị Tươi có phép lạ nào đấy làm cho tôi tìm gặp được bố tôi. Thế rồi phép lạ ấy đến thật. Một hôm chị Tươi gọi tôi ra thì thào: 

– Chị vừa gặp một người anh họ, tên là Phúc, anh là bộ đội quân bưu, nghĩa là bộ đội đi đưa thư. Đường thư của anh là Sài Gòn – Hà Nội. Anh ra đây công tác mấy hôm rồi lại vào. Chị đã kể mọi chuyện với anh ấy và nhờ anh ấy đưa em đi. Anh sẽ mang em đi máy bay quân sự không mất tiền. Anh sẽ lo liệu cho em mọi việc.

Nghe chị nói tôi vừa mừng lại vừa lo. Tôi cuống lên hỏi chị:

– Nhưng nói với mẹ em thế nào để em có thể đi được?

– Mai anh Phúc đến đây, chị sẽ nói với mẹ là anh Phúc sẽ đưa em về quê chơi mấy hôm. Với lại em cũng đang được nghỉ học kỳ. Nhưng em nhớ là chỉ đi mấy hôm thôi, tìm được bố rồi thì ra ngay. Lúc ấy sẽ nói thật hết. Anh Phúc lại gửi máy bay cho em ra, đi máy bay nhanh lắm.

Mọi kế hoạch chị Tươi đề ra xem chừng có vẻ thuận lợi. Mẹ tôi đã bằng lòng cho tôi đi với anh Phúc.

Anh Phúc năm ấy đã mười tám tuổi mà tôi cứ ngỡ anh chỉ bằng tuổi chị Tươi. Mặt anh đầy lông tơ, mép anh cũng lún phún hàng lông tơ mà anh gọi là ria mép. Anh rất vui vẻ, cởi mở, vừa thấy tôi anh đã chuyện trò như quen từ lâu rồi.

– Thế nào đi chơi với anh chứ. Rồi em sẽ rất thích cho mà xem.

Trước khi đi mẹ tôi chuẩn bị cho tôi những thứ cần thiết: quần áo, khăn mặt, thuốc đánh răng, xà-phòng… mẹ lại mua cho một gói bánh quy để ăn đường. Tất cả xếp gọn gàng vào trong một cái túi du lịch nhỏ. Mẹ còn đưa cho anh Phúc ba trăm đồng, để chi tiêu dọc đường, anh Phúc không cầm anh bảo anh cũng có tiền rồi.

Sân bay rộng mênh mông, chả có cây cối gì mà chỉ toàn là gió và nắng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bao nhiêu là máy bay đậu dưới đất, những chiếc máy bay sơn xanh như những con châu chấu khổng lồ. Xung quanh tôi không lúc nào ngớt tiếng ầm ầm của những động cơ máy bay. Gió từ những cánh quạt thổi mạnh như bão. Trước những chiếc máy bay thì tôi thật là bé nhỏ và yếu ớt, bé tí xíu bằng hạt trấu thôi. Tôi cứ túm chặt lấy cánh tay anh Phúc, sợ gió các cánh quạt thổi bay đi mất.

Lên máy bay, tôi được ngồi gần cửa sổ nên nhìn rất rõ phong cảnh bên ngoài. Khi máy bay cất cánh, càng lên cao cảnh vật càng nhỏ dần. Những người đứng trên sân bay cũng nhỏ dần, đầu tiên bằng người thật rồi bằng quả bí đao, bằng cái phích, bằng cái bánh mì, bằng bắp ngô cuối cùng chỉ là những cái chấm di động. Nhà thì bằng bánh xà-phòng, ô tô như những con cánh cam các màu chạy nhằng nhịt trên những con đường chỉ hẹp bằng cái thước kẻ. Tôi cố hình dung xem ngôi nhà của mẹ tôi ở vào chỗ nào, nhưng giữa những vật li ti nhằng nhịt như vậy làm sao mà phân biệt được. Tất cả phía dưới chỉ là những mặt phẳng có những đường kẻ ngang dọc. Những ô xanh là cây cối, ruộng vườn, những ô trắng là ao hồ… Giá như có mẹ tôi ở dưới đất, thì trông mẹ cũng chỉ bằng một cái chấm mà thôi. Nhưng lúc này mẹ ở đâu, làm sao trông thấy mẹ được bây giờ? Tự nhiên tôi thấy nhớ thương mẹ quá. Tôi muốn quay về, nhưng máy bay đã lên cao và đang bay xa, xa lắm…

– Thân có buồn ngủ không? – Chắc trông mặt tôi đờ đẫn nên anh Phúc hỏi – Nếu buồn ngủ thì anh bấm cái ghế ngủ ra cho em tựa mà ngủ.

– Không, em không buồn ngủ đâu, anh cứ mặc em.

– Em nhớ mẹ hay sao mà mặt cứ ngơ ngác ra thế kia?

– Vâng. Với lại em đã nói dối mẹ. Nếu mẹ biết em đi Sài Gòn thì mẹ lo lắng lắm đấy. Khổ thân mẹ!

– Không sao. Vào tới nơi khi tìm gặp được bố em rồi, anh sẽ gửi máy bay cho em ra ngay. Em sẽ nói lại hết với mẹ, xin lỗi mẹ. Chắc mẹ chả giận nữa đâu.

– Mà có khi anh chả cần gửi em ra, bố em sẽ đưa em ra tận nơi ấy chứ.

Trong đầu óc non dại của tôi lúc ấy hiện lên những hình ảnh thật là dịu dàng, đầm ấm: “Bố Tùy, bố thật của tôi sẽ mừng phát khóc lên khi được gặp tôi. Hai bố con sẽ đưa nhau đi chơi Sài Gòn. Bố tôi sẽ mua sắm cho tôi nào quà bánh, nào quần áo, bao nhiêu thứ mà tôi thích. Rồi bố giữ tôi ở lại chơi với bố. Ở với bố thì cũng thích đấy nhưng nhớ mẹ lắm, mà mẹ tôi cũng nhớ tôi lắm. Không, tôi phải về với mẹ, tôi không để cho mẹ tôi phải ở một mình với cái bác Thành cau có và ky bo ấy…”. Nghĩ tới đấy hình như tôi đã khóc, anh Phúc vỗ vai tôi và bảo:

– Này Thân, phải cứng rắn lên chứ, mình là “đàn ông” cơ mà, chín tuổi rồi còn gì. Hồi anh bằng tuổi em, anh cầm đầu cả “đội quân chăn trâu” làng anh chơi đánh nhau với “đội quân chăn trâu” làng bên cạnh đấy. Thế mà đứa nào cũng tuân lệnh anh răm rắp, kể cả những đứa lớn tuổi hơn anh. Năm mười sáu anh đã xung phong vào bộ đội, thật ra thì mười bảy tuổi mới là tuổi nghĩa vụ quân sự, anh chưa đủ tuổi thế là nhà nước cho vay một tuổi, được đi liền.

– Tuổi mà cũng vay được à – tôi thắc mắc – Ví dụ như anh có hòn bi, anh cho em vay, thế là anh không còn hòn bi ấy nữa mà em thì lại có bi. Khi nào em trả lại anh thì anh lại có, còn em không có. Đằng này tuổi có giống như hòn bi đâu mà anh vay một tuổi, tức là nhà nước bớt đi một tuổi, nhà nước sẽ trẻ lại, còn anh thì lớn lên phải không? Ôi, mọi việc cứ lung tung, em không sao hiểu nổi!

– Thật ra chả có gì khó hiểu đâu Thân ạ. Vì đấy chỉ là một cách nói thôi chứ chẳng phải chuyện vay mượn rõ ràng rành mạch như em nghĩ đâu. Chẳng hạn như anh mới mười sáu, anh xin đi bộ đội, nhà nước cho anh vay một tuổi, có nghĩa là chấp nhận anh như người mười bảy tuổi. Thế thôi.

– Dễ thế thôi à?

– Dễ thế thôi!

– Nếu như em bây giờ, em mới có chín tuổi, em muốn vay nhà nước tám tuổi để đi bộ đội thì nhà nước có cho em vay không?

– Vay nhiều thế không được đâu nhóc con ạ.

– Tuổi chứ có phải tiền đâu mà nhà nước ky bo thế?

– Không phải là chuyện ky bo, mà là em còn quá bé chưa đủ sức khỏe, trí khôn để nhận em vào bộ đội được. Người ta chỉ chấp nhận những người kém nửa tuổi hoặc một tuổi, đủ điều kiện để nhập ngũ.

Thế là tôi tắt ngấm cái ý định thoáng qua trong đầu vừa rồi. Vì khi nghe anh Phúc nói về chuyện cho vay tuổi. Tôi nghĩ tôi có thể vay tuổi nhà nước để đi bộ đội, tự nuôi thân cho bác Thành khỏi nói là: “Nhà tôi nặng gánh lắm. Thằng này ăn khỏe hơn người lớn…”

Máy bay đã hạ cánh xuống Sài Gòn. Đây là sân bay Tân Sơn Nhất (anh Phúc bảo thế). Nhìn xuống, tôi thấy những cô gái mặc áo dài màu da cam, nhẹ nhàng đi lại trên sân bay như những cánh bướm màu phấp phới.

Một góc phố Sài Gòn, tranh của Lê Hưng Trọng (Trọng Lee)

Anh Phúc đưa tôi đến số nhà mà bố Phạm Tùy đã ghi trên phong bì gửi cho mẹ tôi, tôi vô tình bắt được. Phía trước nhà là hàng rào chắn song sắt, bên trong hàng rào lại có những mảnh tôn che kín nên chả nhìn thấy gì. Cửa cũng bằng sắt kín bít. Anh Phúc bấm chuông. Chúng tôi đứng đợi, hồi hộp! Một lát sau nghe tiếng dép, miếng sắt chắn lỗ cổng vuông được đẩy ra, hai con mắt nhìn vào chúng tôi và hỏi bằng một giọng đàn bà:

– Các cậu hỏi ai?

– Chúng cháu hỏi ông Phạm Tùy, anh Phúc nói.

– Đây không có ai là Phạm Tùy cả.

Lập tức miếng sắt đóng lại. Hai cánh cổng lại bít kín. Tôi thấy choáng váng cả người y như hôm bác Thành cho tôi cái tát ấy.

– Thôi về đi anh – tôi nói – mai anh gửi máy bay cho em về với mẹ.

– Cứ bình tĩnh – anh Phúc nói – để anh xem xem thế nào.

Anh Phúc lại bấm chuông. Lần này thì cánh cổng mở hẳn. Đấy là một người đàn bà tóc đã bạc, nét mặt hiền lành – bà hơi cau mày và nhắc lại.

– Không có ai là Phạm Tùy, tôi đã nói rồi. Thế các cậu muốn gì nữa.

– Thưa bác – anh Phúc lễ phép – anh em cháu đường sá xa xôi, từ ngoài Bắc vào đây. Chú em đây (anh chỉ tôi) nhờ cháu đưa vào trong này để tìm bố. Bố em tức là ông Phạm Tùy, theo như lá thư cũ ông để lại thì địa chỉ là ở đây.

Nói rồi, anh rút phong thư cũ đưa cho bà chủ nhà xem. Bà nhìn lướt qua cái phong bì, suy nghĩ một chút rồi nói:

– Tôi là chủ sau, nhà này do em trai tôi nhượng lại. Nhưng ông em tôi thì không phải tên là Tùy mà chả có con cái nào ngoài Bắc cả.

– Thưa bác – anh Phúc nói – số là thế này, cháu xin trình bày tất cả để bác xem có thể giúp đỡ gì được không! Chú bé này không phải là con chính thức của ông Tùy mà là con riêng do cuộc tình của ông Tùy trước kia với một người đàn bà đã có gia đình. Ông Tùy rất tha thiết muốn được nhận con, có lần ông đã viết thư xin đón chú nhỏ này về… nhưng vì hoàn cảnh… Bác thông cảm…

– Ra là như vậy – nét mặt bà chủ tươi lên – có thể em trai tôi có chuyện gì rắc rối, bí mật trước kia mà không cho ai biết. Cũng có thể khi ấy, em tôi đã lấy một tên khác. Nếu đúng như vậy thì cũng là cái phúc cho cậu ấy. Cậu ấy đã lấy vợ gần mười năm mà chưa có con. Hai vợ chồng đang muốn đi tìm con nuôi ấy. Thôi bây giờ thì thế này! Hai cháu cứ ở đây (bà đổi cách xưng hô) lát nữa bác trai về, bác sẽ trao đổi với bác trai, rồi sẽ tìm hỏi cho các cháu.

Lòng tôi lại tràn đầy hy vọng và chờ đợi, lát sau ông chủ về, đó là một người đàn ông phúc hậu, tóc bạc trắng, đuôi mắt lúc nào cũng như cười. Hai ông bà trao đổi với nhau rồi bà đi. Đến bữa ông già cứ giữ chúng tôi cùng ăn cơm.

Anh Phúc giúp ông nấu cơm, xong anh chạy ra phố mua thêm khúc giò. Ông già trách:

– Các cháu chê cơm nhà bác không có thức ăn hay sao mà lại đi mua thêm.

Chiều tối, bà chủ nhà về, nét mặt bà trở lại buồn buồn, bà nói:

– Bác hỏi em bác rồi, chưa bao giờ cậu ấy có cái tên là Phạm Tùy. Nhưng cậu ấy nhớ hình như là người đã nhượng nhà cho cậu ấy trước kia tên là Tùy. Cậu ấy hứa là trong hai ngày tới cậu sẽ tìm đến địa chỉ ông Tùy cho các cháu. Hay là cháu ở lại làm con nuôi em bác đi (bác âu yếm nắm tay tôi và nói).

– Không – tôi òa lên khóc – cháu đi tìm bố cháu thôi, cháu cũng còn mẹ cháu ở ngoài Bắc nữa.

– Tội nghiệp – bà vuốt tóc tôi – bé bỏng thế này mà phải vượt đường xa dặm thẳm đi tìm bố.

– Thưa bác – anh Phúc nói – cháu xin có một ý kiến này bác có thể giúp cho anh em cháu được không?

– Cháu cứ nói, bác sẽ cố gắng hết sức.

– Đáng ra thì cháu mang em đây về đơn vị cháu, nhưng vì em đang phải nhờ bác tìm bố cho em, nên trong những ngày chờ đợi, cháu nghĩ để em ở đây tiện hơn. Thấy hai bác có lòng thương, cháu muốn phiền hai bác. Hai ngày nữa cháu sẽ quay lại đón em và thanh toán với hai bác đầy đủ mọi chi phí!

– Được rồi, được rồi – bà chủ nói – cháu khỏi lo cứ yên tâm về đơn vị. Có em nó ở đây càng vui thôi. Nhà bác vắng vẻ, các anh các chị đều đi xa cả.

Trước khi về đơn vị, anh Phúc chạy ra phố mua quà bánh cho tôi lại cả ô tô, máy bay bằng nhựa để tôi chơi cho đỡ buồn (anh bảo thế) anh dỗ dành tôi đủ thứ và hứa là sau hai ngày nhất định anh sẽ quay lại. Anh còn biên lại địa chỉ của đơn vị anh để lại cho bà chủ đề phòng có việc gì cần bà có thể tìm đến đấy!

Tranh vẽ Sài Gòn của Barbara Pellizzari Anchisi

Ngày hôm sau, có một người đàn ông đến hỏi bà chủ, người này trông độ bằng tuổi bố Hải. Có thể đấy là ông Tùy, bố tôi (tôi nghĩ). Nhưng sao không thấy ông gọi tôi ra mà chỉ rì rầm trao đổi riêng với bà chủ rất lâu – đang suy nghĩ lung tung thì tôi nghe có tiếng gọi của bà chủ nhà:

– Thân ơi, cháu ra đây bác bảo – tôi run rẩy bước đi không nổi vì ý nghĩ là “Mình sắp được gặp bố đây”. Như chợt hẫng đi và suy sụp tất cả sau lời giới thiệu của bà:

– Đây là chú Hoàng, em trai bác – rồi quay sang chú Hoàng bà bảo – bây giờ chú cứ nói hết với cháu cho cháu nó biết rõ sự thật. Chả nên dối trẻ con làm gì, tội nghiệp.

– Cháu ngồi xuống đây – chú Hoàng thân ái kéo tôi ngồi cùng ghế với chú – số là thế này, chú cứ nói thật cháu đừng buồn. Hôm nay chú đã tìm được ông Tùy, chú đã kể mọi chuyện về cháu, nhưng ông Tùy cứ khăng khăng là không hề có đứa con riêng nào ở miền Bắc cả. Thế là chú phải đưa cái thư của ông mà cháu cầm vào, cho ông ta coi: cuối cùng là ông cũng phải nhận là trước kia khi chưa có gia đình, ông có một đứa con riêng thật, khi ấy ông cũng muốn nhận cháu. Nhưng bây giờ thì không thể được. Ông ấy đã có vợ con rồi. Vợ ông tuyệt đối mảy may không biết gì về chuyện này, vì ông coi chuyện này là “một sai lầm của tuổi trẻ” nên ông đã giấu kín. Nếu chuyện này vỡ lở ra thì có thể hạnh phúc gia đình nhà ông bị tan vỡ. Ông đã van xin chú đừng hở ra chuyện này, ông nói đi nói lại “đấy là sai lầm tuổi trẻ”.

Ôi “sai lầm tuổi trẻ” ông Tùy ấy sai lầm còn tôi có sai lầm gì đâu mà tôi khổ thế này – nghe chú Hoàng nói, tôi cứ khóc ròng mà không sao hở miệng được.

– Cái con người bạc ác – bà chủ nói – sao chú không đề nghị ông ấy gặp riêng cháu, hai bố con nhận nhau, biết riêng với nhau thôi cho thằng bé đỡ khổ. Tội nghiệp, nó từ ngoài Bắc lặn lội vào đây!

– Em đã đưa ra ý ấy – chú Hoàng nói – nhưng ông ta kiên quyết không chịu gặp. Ông bảo cần phải cắt đứt mọi quan hệ bất chính cũ để bảo vệ hạnh phúc gia đình ông. Ông còn hai đứa con và bà vợ. Gia đình rất thuận hòa.

– A – bà chủ kêu lên – quân dã man, đồ hùm beo, rắn rết. Nó gọi đứa bé này là “quan hệ bất chính” à. Chính hắn đã hành động bất chính mà hắn lại mở mồm ra nói thế, hắn đạp lên hạnh phúc gia đình người khác, làm tan nát cả, bây giờ lại quyết ruồng bỏ thằng bé này. Đồ bất nhân.

Bà chủ tức tối chửi rủa một thôi, một hồi còn tôi thì cúi mặt xuống nước mắt ròng ròng vì tủi cực. Bà kéo tôi vào lòng và an ủi:

– Thôi con ạ. Con người đã bạc ác thế cũng chẳng xứng đáng là bố mình. Con còn bé chưa biết hết: máu mủ chả có nghĩa gì đâu. Ai thương yêu mình đấy là cha mẹ. Bác nói thế cháu có hiểu được không nhỉ. Ví như con vịt ấy, chỉ đẻ thôi mà không ấp trứng. Con gà mái thì lại ấp cả trứng của con vịt thế là gà có thêm con mà vịt lại chẳng bao giờ có con để mà nuôi.

Nghe bà chủ giảng giải tôi nghĩ đến bố Hải tôi, người đã nuôi dạy chăm sóc tôi từ những ngày tôi còn rất bé. Thế mà đã có lúc tôi oán trách bố, ghét bố vì bố đã lừa dối tôi, có lẽ tôi không hiểu gì hết… Ôi, sao lúc này thấy nhớ bố Hải và thương mẹ tôi thế. Tôi muốn trở về nhà bây giờ. Nhưng tôi đang ở xa, rất xa mà anh Phúc thì chưa đến đón tôi. Đêm hôm ấy tôi thao thức không sao ngủ được chỉ mong sáng, mong anh Phúc. Thế mà suốt buổi sáng anh Phúc chả đến. Chả lẽ anh Phúc cũng nói dối tôi nốt. Tôi cứ thắc thỏm, thỉnh thoảng lại nhìn qua lỗ nhòm ở cổng, không chịu vào nhà.

Thật là một việc bất ngờ với tôi, chiều hôm ấy anh Phúc đã đến và còn dẫn theo cả bố Hải tôi nữa. Làm sao mà bố lại biết được tôi ở trong này.

– Con xin lỗi bố, xin lỗi bố. Tôi ôm cổ bố mà nước mắt cứ giàn dụa – sao bố biết con ở đây?

– Chị Tươi đã kể ngay mọi chuyện với mẹ – bố nói – mẹ đang bị tim cấp cứu ở bệnh viện, mẹ bảo bố vào đón con ra ngay. Thôi đừng khóc nữa. Mẹ và bố không giận con đâu, con chả có lỗi gì. Lỗi tại bố, mẹ. Thế con đã gặp bố con chưa?

– Không, con không gặp – ông ấy đã không nhận con. Ông ấy không phải là bố con. Bây giờ con chỉ có bố Hải của con thôi. Bố đưa con về với mẹ con đi. Con sẽ ở với mẹ mãi mãi. Bác Thành có đánh mắng con, con cũng chịu được hết, chỉ cần được gần mẹ. Rồi bố Hải sẽ đến với con luôn, và con cũng đến nhà bố Hải luôn.

Thấy bố con tôi ríu rít bà chủ nhà nhìn chúng tôi mỉm cười mà lại lau nước mắt.

Chúng tôi ngủ nhờ nhà bà chủ một đêm nữa. Sáng hôm sau anh Phúc gửi bố con tôi đi máy bay quân sự, bay về Hà Nội.

Năm sau bác Thành và mẹ tôi đã ly dị nhau. Bố Hải về chơi luôn. Có lần tôi nói với bố là muốn bố về nhà ở cùng với hai mẹ con tôi như ngày trước, bố Hải chỉ mỉm cười và trả lời một câu chẳng rõ ràng:

– Để còn xem mẹ con có bằng lòng không đã chứ?

Tranh của Lê Thiết Cương.

Ý kiến - Thảo luận

10:10 Saturday,19.11.2016 Đăng bởi:  HNP
Kết có hậu, vâng, nhưng thật khó để tìm một cái kết như vậy trong đời sống, có lẽ vì đây vẫn là truyện viết cho thiếu nhi
...xem tiếp
10:10 Saturday,19.11.2016 Đăng bởi:  HNP
Kết có hậu, vâng, nhưng thật khó để tìm một cái kết như vậy trong đời sống, có lẽ vì đây vẫn là truyện viết cho thiếu nhi 
16:39 Friday,11.11.2016 Đăng bởi:  Anh Dinh
Hồi xưa mình có quyển Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh (cũng là truyện thiếu nhi). Ngôn ngữ bình dị nhưng rất cảm động và nhân văn. Cảm ơn tác giả đã đăng truyện này, đọc làm mình nhớ hồi xưa quá.
...xem tiếp
16:39 Friday,11.11.2016 Đăng bởi:  Anh Dinh
Hồi xưa mình có quyển Bến tàu trong thành phố của Xuân Quỳnh (cũng là truyện thiếu nhi). Ngôn ngữ bình dị nhưng rất cảm động và nhân văn. Cảm ơn tác giả đã đăng truyện này, đọc làm mình nhớ hồi xưa quá. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả