|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhTừ câu chuyện bức ảnh “ma” bán giá trên trời… 10. 11. 16 - 8:47 amHoa Hoa lược dịch, Sáng Ánh thêm thắt
Một chuyện đã cũ nhưng rồi sẽ không bao giờ cũ, trong thế giới mua bán nghệ thuật điên đảo này. Bức ảnh đắt nhất thế giới đã bán được với giá 6.5 triệu USD cho một nhà sưu tập tư nhân. Đó là “Phantom” của nhiếp ảnh gia Peter Lik. Và không chỉ bán được một bức, Lik còn bán được thêm bức “Eternal Moods” (1.1 triệu USD) và “Illusion” (2.4 triệu USD), lúc ấy thu về tổng 10 triệu USD chẵn tròn. Và theo đại diện của Lik, hồi 2012, nhiếp ảnh gia này còn bán được bức “One” với giá 1 triệu USD, tức là giờ đây Lik chiếm 4 trong 20 bức ảnh đất nhất lịch sử. “Phantom” (6.5 triệu USD) là một phiên bản của bức “Ghost” (Ma). Và mặc dầu Lik không thường rửa ảnh trắng đen lắm, nhưng trong trường hợp này anh cảm thấy bị thôi thúc phải rửa ra đen trắng vì thấy ngoài việc nhiều đường viền, chi tiết khi chụp ảnh trắng đen không đã đẹp, thêm đậm độ tương phản và những khoảng tối thì càng đẹp sững sờ… Người mua đề nghị giấu tên, nhưng đó là một nhà sưu tập lâu năm các tác phẩm của Lik. Nghi vấn lập tức dậy lên quanh việc một bức ảnh thế này mà bán những 6.5 triệu USD. Trước hết, ta không hề được biết danh tính của người mua. Nếu tin vào giám đốc tài chính của Lik thì cho đến năm ngoái, nhà nhiếp ảnh này đã bán được tổng cộng là 100.000 bức với giá tổng cộng là 440 triệu USD! Nên biết là Lik chuyên trị những nơi du lịch nổi tiếng và khách của ông không phải là sưu tập nghệ thuật mà là khách nghỉ mát rủng rỉnh áo hoa quần cộc, ít hiểu biết trong lãnh vực này nhưng dư tí tiền đầu tư nhảm và đua đòi lịch lãm, lại hám lợi. Xác minh được cho đến nay là 1 bản “Ghost” (tức “Phantom” màu) của Lik đạt mức đấu giá 15.860 USD vào năm 2008. Đây là bức duy nhất cho đến giờ bán trên giá 3.000 USD theo Arnet pricedatabase. Cách làm ăn của Lik là treo ảnh 3.000 USD, và in 995 phiên bản. Khi bán được dần dà thì giá các phiên bản chót sẽ cao lên vì ngày càng hiếm, khiến quần chúng dại dột sưu tập nghĩ là bỏ 3.000 ra sớm thì có ngày bán lại được 15.000. Trên thực tế, ảnh của Lik bán lại không có người mua và vắng mặt trên thị trường mua lại, khiến chính ông phải giải thích là “Cũng như một con Mẹc thôi, lái ra khỏi đại lí thì giá mất toi một nửa”. * Đó là hẻm núi Antelope Canyon (còn gọi là hẻm núi linh dương do xưa có nhiều linh dương sống), ở Arizona, Mỹ. Địa danh này đã được mọi người chụp đến nát nhừ, vì được liệt vào một trong những nơi “phải đến” trước khi nhắm mắt. Từ nhiều năm nay dư luận đã quẩn quanh chuyện các nhà đầu tư của Lik “mua” ảnh của ông với giá trên trời để làm dư luận chú ý tới tác phẩm của Lik giữa một đại dương nhiếp ảnh gia và hằng hà tác phẩm. Bản thân Lik có nhiều phòng trưng bày tại Mỹ và nước Úc quê nhà, và chiến lược bán ảnh của ông như đã nói là phải thật đúng kiểu gallery. Giá của bức “Phantom” dĩ nhiên là vô lý. Người ta có thể bảo những kẻ dèm pha là do ghen tị. Nhưng theo Allen Murabayashi, Chủ tịch và đồng chủ tịch của PhotoShelter, phải thành thật mà nói, bức ảnh chẳng có gì đặc biệt, về mọi phương diện. Mặc dù phó chủ tịch của Christie’s là Sara Friedlander đã giải thích rằng giá của một bức ảnh trong thế giới nghệ thuật là dựa trên sự tổng hòa của sự độc đáo, tác giả ảnh, và khổ ảnh, nhưng trong trường hợp này, theo Allen Murabayashi, bức ảnh của Lik chẳng có yếu tố hợp phần nào trong mối tổng hòa trên. Về độc đáo, hẻm núi Lik chụp thì có đầy rẫy trên các bưu thiếp. Ảnh của Lik thường rửa ra hàng trăm bức (bức “Phantom” chỉ là một phiên bản đen trắng chuyển từ một bức màu đã có). Về kích cỡ: mặc dầu khổ ảnh không được tiết lộ, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nó có kích thước quá khác so với các bức vẫn treo trong các gallery của Lik. Và Lik trước kia cũng không thuộc hàng nhiếp ảnh gia đình đám hay tác giả tên tuổi lớn. Allen Murabayashi cho rằng, sự thiếu minh bạch của (những) phiên đấu giá chỉ khiến người ta nghi ngờ những tuyên bố, những con số. Quả thật, hiệu ứng “ông vua cởi truồng” ngày nay khó tồn tại được trong môi trường nhiều tiếng nói cùng được cất lên. Phiên đấu giá có thể gọi là thành công về mặt tiền nong. Tác giả có thể được truyền thông nhắc tới ít ngày, nhưng không thể làm thay đổi sự đánh giá từ công chúng có con mắt công bằng. Vì tiền, nghệ sĩ có thể phản bội, đánh lừa công chúng, nhưng chẳng công chúng nào lại có thể tự phản bội mình đi khen ầm lên một tay “gọi là nghệ sĩ” mà mình thấy rõ chẳng tài gì mấy. Tài của Lik, nói trắng ra là tài lừa đảo trưởng giả học làm sang, làm ra những tác phẩm với một cái giá dễ chịu và nội dung dễ hiểu theo thị hiếu bình dân. Chiêu 6.5 triệu (bản duy nhất) là một chiêu mới, khiến ai trót dại bỏ mấy ngàn treo lên tường cũng nở mặt được với bạn gái mới quen ngoài quán rượu, kiểu anh mới sắm một cái ảnh Lik bày trong phòng ngủ nhưng mà treo ngược trên trần, này, em phải nằm ra trên giường thì mới nhìn thấy, này loại này giờ mấy triệu cơ đấy. Tuy nhiên, mặc dù ông người Úc này tự phong ông là nhà nhiếp ảnh kiếm được nhiều nhất thế giới nhưng thực ra không phải vậy. Vô địch phải là nghệ sĩ bấm máy người Pháp Francois-Marie Banier. Ông này chẳng cần buôn bán gì cả, cũng chẳng cần chụp, mà chỉ theo bà tỉ phú Liliane Bettancourt (l’Oreal) kể chuyện cười. Vậy là bà vui, tự ý bà tặng quà cho ông trên 1 tỉ USD.
Ý kiến - Thảo luận
11:24
Friday,11.11.2016
Đăng bởi:
Robyn
11:24
Friday,11.11.2016
Đăng bởi:
Robyn
Nếu mình nhớ không nhầm thì đây là chỗ quay video "I'm not a girl, not yet a woman" của Britney Spear. Hồi đó xem cũng thấy khá ấn tượng chỗ này. Chỗ này đẹp và đặc biệt như vậy người ta chụp nát nước ra rồi chứ đâu đến ông này mà đòi bán giá cắt cổ thế này nhỉ? Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Nếu mình nhớ không nhầm thì đây là chỗ quay video "I'm not a girl, not yet a woman" của Britney Spear. Hồi đó xem cũng thấy khá ấn tượng chỗ này. Chỗ này đẹp và đặc biệt như vậy người ta chụp nát nước ra rồi chứ đâu đến ông này mà đòi bán giá cắt cổ thế này nhỉ?
...xem tiếp