Văn & Chữ

Nunc Dimittis (phần 2) 28. 11. 16 - 6:19 am

Roald Dahl - Hồ Như Mai dịch

(Tiếp theo phần 1)

Gladys Ponsonby ngừng lại, nhấp thêm vài ngụm brandy. “Đừng hoảng hết cả hồn thế Lionel,” mụ nói với tôi. “Chẳng có gì ghê gớm cả. Để yên tôi kể nốt nào. Vậy là Royden mới nói, ‘Thế nên tôi yêu cầu khi bắt đầu vẽ, người mẫu phải khỏa thân’ – ‘Ối giời, ông Royden!’ tôi thốt lên. – ‘Nếu bà không đồng ý thì tôi cũng sẽ nhân nhượng, thưa phu nhân Ponsonby,’ hắn đáp. ‘Nhưng tôi thích vẽ kiểu kia hơn.’- ‘Thật tình, ông Royden à, tôi chẳng biết ra sao nữa.’ – ‘Và khi đã vẽ xong đoạn đầu ấy,’ hắn tiếp, ‘ta phải đợi vài tuần cho nước sơn khô hẳn. Rồi bà trở lại đây để tôi vẽ đồ lót. Khi lớp đấy khô tiếp, tôi sẽ vẽ xiêm y lên trên. Bà thấy đó, đơn giản mà.’

Pierre-Auguste Renoir, “Người nữ khỏa than đứng”

“Thật là cái đồ bông lơn vớ vẩn,” tôi thốt lên.

“Không, Lionel, không. Anh nói sai rồi. Giá mà anh nghe được hắn nói, duyên lắm, thật lắm, đến kiến trong lỗ cũng bò ra. Ai tận mắt chứng kiến cũng sẽ cảm nhận được điều hắn nói.”

“Tôi nói cho bà biết, Gladys à, tay ấy là hạng bông lơn dấm dớ.”

“Đừng nói thế chứ, Lionel. Với cả, để tôi kể nốt nào. Đầu tiên tôi nói với hắn là chồng tôi (khi đấy vẫn còn sống) sẽ không bao giờ đồng ý. ‘Ông nhà sẽ không bao giờ phải biết cả,’ hắn đáp. ‘Tại sao phải phiền ông ấy. Không ai biết bí mật của tôi, trừ các bà các cô tôi vẽ.’ Và khi tôi phản đối thêm chút nữa, tôi nhớ hắn nói rằng, ‘Thưa phu nhân Ponsonby đáng mến, chuyện này chẳng có gì trái đạo đức cả. Nghệ thuật chỉ trái đạo đức khi những đứa a-ma-tơ nhúng tay vào. Giống trong y khoa vậy. Bà hẳn sẽ không từ chối cởi áo cho bác sĩ khám chứ?’. Tôi nói rằng tôi sẽ không viện đến hắn nếu bị đau tai. Hắn bật cười. Nhưng hắn cứ nằng nặc thuyết phục tôi, mà tôi phải nói rằng hắn rất dẻo mồm. Vậy là sau một hồi tôi đầu hàng, chịu thua. Vậy nên bây giờ, Lionel đáng mến, anh đã biết bí mật rồi đấy.”

Mụ đứng dậy, đi lấy thêm brandy.

“Gladys, chuyện này thật không đấy?”

“Đương nhiên là thật.”

“Ý cô là hắn vẽ ai cũng thế sao?”

“Ừ. Buồn cười ở chỗ các đức ông chồng không bao giờ biết gì cả. Họ chỉ thấy một bức chân dung xiêm y tử tế của các bà. Đương nhiên, vẽ khỏa thân thì có gì sai, họa sĩ xưa nay vẫn làm vậy. Nhưng các ông chồng ngớ ngẩn của tụi tôi kiểu gì cũng viện được lý do để phản đối.”

“Lạy Chúa, tay này gan thế là cùng!”

“Tôi nghĩ hắn là thiên tài.”

“Tôi đoán hắn chôm ý tưởng của Goya.”

“Tầm bậy, Lionel.”

“Đương nhiên hắn chôm chỉa rồi. Nhưng Gladys này. Tôi muốn hỏi cô một việc. Trước khi đến gặp Royden, bà có biết gì trước về thứ… thứ kỹ thuật kỳ quái này không?”

Khi tôi hỏi câu đó mụ đang rót brandy dở tay, mụ ngập ngừng, quay đầu nhìn tôi, một thoáng mỉm cười nhẹ như lụa khẽ động đậy khuôn miệng.

“Quỷ sứ, Lionel,” mụ nói. “Anh khôn hết phần thiên hạ. Tôi chẳng thể nào qua mắt được anh.”

“Vậy là bà biết trước sao?”

“Đương nhiên. Hermione Girdlestone kể với tôi mà.”

“Đúng y như tôi đoán!”

“Nhưng vẫn chẳng có gì sai cả.”

“Không có gì sai,” tôi nói. “Chẳng sai gì cả.” Đến nước này tôi đã tỏ tường. Tay Royden đúng là hạng ưa nỡm, chuyên dùng một đòn tâm lý khá là khôn. Hắn biết quá rõ rằng ở chốn thành thị có hẳn một lớp các bà giàu có rửng mỡ, chuyên ngủ nướng đến trưa rồi bày trò giải khuây bằng bài bridge, bài canasta, hay đi mua sắm cho đến giờ uống cocktail. Họ chỉ thèm một chút phấn khích, chút gì đó ngược ngạo, càng đắt tiền càng tốt. Mà cớ sao chứ… một trò giải khuây như thế hẳn đã được lan truyền khắp cả hội như bệnh thủy đậu. Tôi hình dung ra Hermione Girdlestone phốp pháp cúi đầu trên bàn canasta, rù rì kể chuyện… ‘Nhưng mà, vô cùng thú vị… Tôi không thể nói hay thế nào đâu… hay hơn nhiều so với đi bác sĩ…’

Pierre-Auguste Renoir, “Khỏa thân ngồi, từ phía sau”

“Anh sẽ không kể với ai chứ, Lionel, nhé? Anh đã hứa rồi.”

“Đương nhiên là không rồi. Nhưng bây giờ tôi phải ra về, Gladys à, thực tình tôi phải đi ngay.”

“Đừng vớ vẩn thế. Tôi chỉ mới thư thái được chút. Ngồi đấy đợi tôi uống hết ly này chứ.”

Tôi kiên nhẫn ngồi lại trên trường kỷ khi cứ mụ nhâm nhi brandy, tưởng chừng không bao giờ dứt. Cặp mắt ti hí bị chôn vẫn láo liên dõi theo tôi, cái kiểu tinh ranh, đểu giả ấy, và tôi có cảm giác mụ còn đang ấp ủ thêm âm mưu xấu xa nào đấy. Cặp mắt đó có ánh nhìn như rắn độc, khuôn miệng cong cớn kỳ lạ; và bầu không khí… mà có khi là tôi chỉ tưởng tượng ra… như phảng phất mùi hiểm họa.

Rồi đột nhiên, bất ngờ khiến tôi giật nảy người, mụ nói, “Lionel, chuyện anh với Janet de Pelagia là sao thế?”

“Thôi, Gladys, làm ơn…”

“Lionel, anh đỏ mặt rồi kìa!”

“Bậy nào.”

“Đừng nói với tôi là anh trai tân lão luyện cuối cùng cũng bị đốn ngã đó chứ?”

“Gladys, thật quá thể.” Tôi bắt đầu chớm ra về, nhưng mụ đặt bàn tay lên đầu gối tôi, chặn lại.

“Chẳng lẽ đến giờ mà anh vẫn không biết sao Lionel, làm gì có bí mật nào?”

“Janet là con gái nhà lành tử tế.”

“Làm sao anh gọi ả là con gái được.” Gladys Ponsonby dừng lại, cúi nhìn chằm chằm xuống ly brandy ôm bằng cả hai bàn tay. “Nhưng đương nhiên, tôi đồng ý với anh, Lionel, cô nàng tuyệt vời, xét một cách toàn diện. Chỉ trừ chuyện,” và giờ đây mụ nói chậm rãi, “trừ chuyện thi thoảng ả lại nói vài thứ hơi kỳ khôi.”

“Nói gì kia?”

“Thì nói linh tinh ấy mà, anh biết không, nói chuyện người khác ấy. Chuyện anh nữa.”

“Cô ấy nói gì về tôi?”

“Thật không đáng lặp lại, thật lòng ấy. Chỉ có điều lúc đó tôi thấy hơi kỳ kỳ.”

“Gladys, cô ấy nói gì thế?” Khi đợi mụ trả lời, tôi thấy mồ hôi như vã ra khắp thân mình.

“À thì, để xem nào. Đương nhiên là cô ả chỉ đùa thôi, chứ không thì tôi nào dám kể lại cho anh nghe, nhưng cô ả kể rằng thực tình là hơi chan chán.”

“Cái gì chán kia?”

“Chuyện gần như đêm nào cũng đi ăn với anh ấy… kiểu thế.”

“Cô ấy nói chuyện đó chán sao?”

“Ừ.” Gladys Ponsonby tu một hơi hết ly brandy, rồi ngồi thẳng dậy. “Nếu anh tha thiết muốn biết, ả nói đi chơi với anh chán kinh hồn. Và rồi…”

“Cô ấy nói gì kia?”

“Nghe này, Lionel, đừng cuống lên thế chứ. Tôi kể lại là vì anh thôi.”

“Vậy thì kể nhanh lên.”

Tranh của Pierre-Auguste Renoir

“Chỉ là chiều hôm nay tôi có chơi bài canasta với Janet, tôi hỏi cô ả tối mai có rảnh đi ăn với tôi không. Ả nói không rảnh.”

“Kể tiếp đi.”

“À… thực tình thì chính xác cô ả nói là “Tôi bận đi ăn với Lionel Lampson, cái lão già chán kinh hồn ấy.”

“Janet nói vậy thật sao.”

“Đúng thế, Lionel thân mến.”

“Rồi sao nữa?”

“Thôi chừng đó đủ rồi. Tôi nghĩ mình không nên kể hết.”

“Kể hết đi, tôi năn nỉ bà đấy.”

“Tại sao thế, Lionel, đừng la lên với tôi thế chứ. Đương nhiên nếu anh đã tha thiết thì tôi sẽ kể. Thực tình, nếu không kể ra tôi nào dám xem mình là bạn bè chân chính của anh. Anh không nghĩ chỉ có bạn bè thật sự như hai ta…”

“Gladys! Làm ơn nhanh lên nào.”

“Giời ạ, anh phải cho tôi thời gian suy nghĩ chứ. Để tôi xem nào – như tôi nhớ, chính xác là cô ả nói thế này…” thế rồi, Gladys Ponsonby, ngồi thẳng thớm trên trường kỷ, chân chưa chạm sàn, cặp mắt tránh tôi, nhìn vào bức tường, bắt đầu giả lại cái giọng trầm mà tôi đã biết quá rõ… “Thật đúng chán, chị của em à, bởi vì với Lionel ta luôn biết được chính xác từ đầu đến cuối. Bữa tối nào cũng đi nhà hàng Savoy Grill – lúc nào cũng là Savoy Grill – rồi trong hai tiếng đồng hồ phải dỏng tai nghe cái lão già kênh kiệu… Em phải nghe ông ta ra rả chuyện tranh pháo, rồi gốm sứ, lúc nào cũng tranh pháo và gốm sứ. Rồi trong xe taxi về nhà lão sẽ nắm lấy tay em, dựa sát vào, vướng vất mùi xì gà lâu ngày và mùi brandy, rồi lão bắt đầu bi bô rằng ước gì … ôi, ước gì lão trẻ hơn hai mươi tuổi. Khi đấy em thường nói, ‘Anh mở cửa sổ giúp cho, được không?’ Và khi về đến nhà em, em thường nói lão cứ giữ lấy taxi mà về, nhưng lão giả vờ không nghe thấy, mau mắn trả tiền. Rồi đứng trước cửa nhà, khi em loay hoay tìm chìa khóa, lão sẽ đứng cạnh em, cặp mắt như chó Tây Ban Nha tai rũ, và rồi, thật nhanh, trước khi lão kịp di chuyển – em nói chúc ngủ ngon, lẻn ngay vào trong, đóng cửa lại…’ Ấy, Lionel, có chuyện gì thế? Trông anh không khỏe chút nào…”

Ngay lúc đó, ơn giời, hẳn là tôi đã ngất đi luôn. Tôi không nhớ được phần còn lại của cái đêm kinh khủng ấy trừ cảm giác nghi ngờ mơ hồ mà khó chịu rằng khi tỉnh ra, tôi đã suy sụp hoàn toàn, đã để Gladys Ponsonby an ủi bằng nhiều kiểu khác nhau. Sau đó, tôi nhớ mình ra về, lái xe đưa tận nhà, nhưng tôi mê mê man man đến khi tỉnh dậy trên giường sáng hôm sau.

Tôi tỉnh dậy, thấy yếu ớt và rúng động. Tôi nằm yên, nhắm mắt, cố gắng chắp vá lại những sự kiện đêm hôm trước… Phòng khách của Gladys Ponsonby, Gladys trên trường kỷ nhấp brandy, gương mặt nhỏ thó dúm dó, khuôn miệng như miệng con cá hồi, những thứ mụ nói. Mụ ta nói gì nhỉ? À đúng rồi. Về tôi. Lạy Chúa, đúng rồi! Về Janet và tôi! Những lời chối tai không tin nổi ấy! Chẳng lẽ Janet đã nói vậy thật sao? Lẽ nào..?

Tôi nhớ rõ mối hận Janet de Pelagia đã trỗi dậy nhanh chóng đến kinh hoàng như thế nào. Chỉ trong vai phút đồng hồ – một nỗi hận trào dâng dữ dội, đột ngột, choáng ngập cho đến khi tôi tưởng mình sắp bùng nổ. Tôi cố gạt đi, nhưng người cứ ngây ngây sốt, và chẳng mấy chốc, tôi đã lăm le tính toán, như một tay anh chị gớm ghiếc, tìm phương cách trả thù.

Một cách hành xử kỳ lạ, quý vị có thể nhận xét như thế, với một người đàn ông như tôi; vậy để tôi nói luôn; không, chẳng lạ gì đâu, nếu quý vị nghĩ đến hoàn cảnh khi ấy. Trong tâm trí tôi, đây là chuyện có thể đẩy người ta đến chỗ giết người. Thực tế là, nếu không phải vì sẵn một chút thú tính, khiến tôi tìm kiếm một hình phạt đau đớn mà tinh vi hơn cho nạn nhân, có khi tôi đã thành kẻ sát nhân rồi. Nhưng chỉ giết thôi, tôi nghĩ, thì vẫn còn quá tử tế với con đàn bà ấy, và quá thô thiển với cái thẩm mỹ của riêng tôi. Vậy là tôi bắt đầu tìm phương án ưu việt hơn.

Pierre-Auguste Renoir, “Người đọc sách”

Thường tôi không phải là kẻ mưu mô lắm kế; tôi vẫn cho rằng mưu mô là thứ hạ đẳng, chẳng đáng cho tôi nhúng tay vào. Nhưng cơn giận và mối hận có thể khiến con người ta tập trung trí óc đến kỳ lạ, và chẳng mấy chốc, một âm mưu đã thành hình, phát triển trong đầu tôi – một âm mưu quá ưu việt và thú vị, khiến tôi hứng thú mê say khi nghĩ đến. Tới lúc nghĩ ra được đầy đủ chi tiết và vượt qua một hai sự phản kháng yếu ớt, tâm trạng nung nấu trả thù của tôi đã trở thành nỗi hoan hỉ tột đột, và tôi nhớ ra mình đã nhún nhảy trên giường, vỗ tay khoái trá ra sao. Ngay sau đó tôi đã mở cuốn danh bạ điện thoại trên đùi, háo hức tìm kiếm một cái tên. Tôi tìm ra, nhấc điện thoại, gọi số đó.

“A lô,” tôi lên tiếng. “Royden? Anh John Royden phải không?”

“Nghe đây.”

À, đâu có khó gì để thuyết phục hắn ta ghé qua nhà gặp tôi. Tôi chưa bao giờ gặp hắn, nhưng đương nhiên, hắn biết tên tôi, vừa là một nhà sưu tập tranh quan trọng, vừa là một kẻ có số má trong xã hội thượng lưu. Với hắn, tôi đúng là con cá to.

“Để tôi xem thử, ông Lampson,” hắn nói. “Chừng hai tiếng nữa tôi sẽ rỗi. Như thế được không?”

Tôi nói vậy tốt lắm, đưa địa chỉ, rồi dập máy.

Tôi nhảy ra khỏi giường. Tự dưng tôi thấy phấn khích lạ thường. Mới đây thôi tôi đã đau đớn tuyệt vọng, suy tính chuyện giết người và tự tử, vậy mà, chẳng hiểu sao, nhoáng một cái, tôi đã huýt gió một khúc aria của Puccini trong bồn tắm. Thi thoảng, tôi thấy mình xoa xoa hai bàn tay theo kiểu tinh quái ác ôn, và có một lần, trong khi đang tập thể dục, khi gập gối hai lần bị mất thăng bằng, tôi ngồi bệt xuống sàn, cười khúc khích như một cậu học trò nhỏ.

Đến giờ hẹn, John Royden được dẫn vào thư phòng của tôi, tôi đứng dậy chào. Vóc người hắn gọn gàng nhỏ nhắn, cằm để râu dê hơi hung hung. Hắn mặc áo khoác nhung đen, thắt cà vạt nâu đỏ, áo len đỏ, mang dày da lộn đen. Tôi bắt lấy bàn tay nhỏ nhắn của hắn.

“Thật quý hóa, anh đến được ngay, anh Royden à.”

“Không có gì, thưa ngài.” Cặp môi của hắn – như cặp môi của gần hết thảy bọn đàn ông để râu, trông ươn ướt và trần trụi, hơi tục tĩu, hồng tươi giữa chừng đó râu ria. Sau khi nói thêm lần nữa rằng tôi ngưỡng mộ tác phẩm của hắn ra sao, tôi vào thẳng vấn đề.

“Anh Royden này,” tôi nói. “Tôi có một đề nghị hơi khác thường dành cho anh, một chuyện khá là riêng tư.”

“Vâng, thưa ngài Lampson?” Hắn đang ngồi trên ghế đối diện tôi, hất đầu về một bên, nhanh và lanh như chim.

“Đương nhiên, tôi biết tôi có thể tin tưởng rằng anh là người kín đáo.”

“Đúng vậy, thưa ngài Lampson.”

“Được rồi. Đề nghị của tôi là thế này: tôi muốn nhờ anh vẽ chân dung một quý cô trong thành phố này. Tôi rất muốn có được một bức thật đẹp của nàng. Nhưng có vài khó khăn nhất định. Chẳng hạn, tôi có lý do riêng để không muốn nàng biết chính tôi đặt hàng bức chân dung…”

“Chính xác, anh Royden à. Ý tôi chính xác là thế. Là chỗ đàn ông với nhau, tôi chắc anh sẽ hiểu.”

Hắn mỉm cười, một nụ cười đểu giả nho nhỏ, như thoáng hiện ra trên mớ râu ria, rồi hắn gật đầu lên xuống, ra chiều hiểu ý.

“Chẳng lẽ không có chuyện,” tôi nói, “một người đàn ông… tôi phải nói sao nhỉ… vô cùng ngưỡng mộ một quý cô, đồng thời lại có lý do riêng để chưa muốn nàng tỏ chuyện?”

“Hoàn toàn có thể chứ, ngài Lampson.”

“Đôi khi ta phải rình mò con mồi thật cẩn trọng, kiên nhẫn chờ đợi đến đúng lúc mới xuất hiện.”

“Chính xác, thưa ngài Lampson.”

“Thiếu gì cách hay ho để bắt chim mà lại đi đuổi theo nó khắp khu rừng.”

“Vâng, quả có thế, thưa ngài Lampson,”

“Rắc muối lên đuôi nó chẳng hạn.”

“Ha ha,”

Pierre-Auguste Renoir, “Vườn trong phố Cortot Montmartre”

“Được rồi, anh Royden này. Tôi nghĩ anh hiểu đấy. Bây giờ… liệu anh có biết một quý cô tên Janet de Pelagia không?”

“Janet de Pelagia? Để tôi nghĩ xem. À có đấy. Ý tôi là tôi đã nghe tên. Tôi biết chứ không thể nói là quen được.”

“Thật đáng tiếc. Vậy sẽ khó hơn chút đỉnh. Anh nghĩ anh có thể tìm cách gặp nàng được không… ở tiệc cocktail chẳng hạn?”

“Sẽ không quá khó, thưa ngài Lampson.”

“Tốt, vì tôi đề nghị thế này: anh đến gợi chuyện với nàng, nói rằng nàng là kiểu người mẫu anh đã tìm kiếm hàng năm trời – đúng từ khuôn mặt, đến vóc dáng, màu mắt. Anh biết phải nói gì rồi đấy. Rồi nhờ nàng cảm phiền ngồi mẫu cho anh miễn phí. Nói rằng anh muốn vẽ tranh nàng cho triển lãm ở Viện Nghệ Thuật sang năm. Tôi chắc rằng nàng sẽ sẵn lòng giúp anh, còn cảm thấy vinh dự nữa là khác. Rồi anh vẽ nàng, triển lãm tác phẩm và giao cho tôi sau khi triển lãm xong. Không ai ngoài anh biết chuyện tôi đã mua nó.”

Cặp mắt tròn nhỏ của John Royden dè dặt quan sát tôi, tôi nghĩ, cái đầu lại hất về một bên. Hắn đang ngồi ở mép ghế, trong cái tư thế đó, với chiếc áo len làm thành vệt đỏ trước ngực, hắn khiến tôi nghĩ đến một con chim sẻ ức đỏ đang đậu trên cành, dỏng tai nghe báo động.

“Việc chẳng có gì sai trái cả,” tôi nói. “Nếu muốn, anh cứ gọi đó là một thứ âm mưu nho nhỏ vô hại của một… một… lão già hơi lãng mạn.”

“Tôi biết, ngài Lampson, tôi hiểu mà…” Hắn vẫn còn có vẻ ngập ngừng, vậy là tôi nhanh miệng, “Tôi sẵn lòng trả gấp đôi chi phí thông thường.”

Thế là xong. Hắn còn liếm môi. “Vậy thì, thưa ngài Lampson, tôi phải nói rằng những chuyện này chẳng phải sở trường của tôi. Nhưng dù sao thì, tôi phải là loại nhẫn tâm lắm mới đi từ chối một… cho tôi nói là, một phi vụ lãng mạn đến thế”

“Tôi muốn một bức chân dung toàn thân, anh Royden à. Toan thật lớn, để tôi nghĩ xem, chừng gấp đôi kích cỡ bức Manet trên tường đằng kia.”

“Chừng sáu mươi nhân ba mươi sáu inch?”

“Vâng. Và tôi muốn nàng ở thế đứng. Với tôi, đó là vẻ duyên nhất của nàng.”

“Tôi hiểu, ngài Lampson. Được vẽ một quý cô như thế quả là sung sướng.”

Còn chẳng sướng, tôi nhủ thầm. Cái kiểu vẽ vời của chú em, tôi đoán hẳn sướng lắm. Nhưng tôi nói, “Được rồi, anh Royden, vậy mọi việc tùy anh. Và đừng quên nhé, đây là bí mật nho nhỏ giữa hai ta.”

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

9:24 Monday,28.11.2016 Đăng bởi:  Phạm Minh Mẫn
Truyện quá gay cấn, Soi post nhanh phần 3 đi.
...xem tiếp
9:24 Monday,28.11.2016 Đăng bởi:  Phạm Minh Mẫn
Truyện quá gay cấn, Soi post nhanh phần 3 đi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả