Văn & Chữ

Nunc Dimittis (phần 3) 29. 11. 16 - 1:12 pm

Roald Dahl - Hồ Như Mai dịch

 

(Tiếp theo phần 2)

Khi hắn đã đi khỏi, tôi buộc mình phải ngồi yên, hít thở sâu hai mươi lăm lần. Nếu không tôi đã nhảy cỡn, la hét như một gã ngốc. Trong đời mình tôi chưa bao giờ phấn khích đến thế. Kế hoạch đã vào guồng! Phần khó khăn nhất đã hoàn tất. Giờ phải chờ đợi, chờ đợi khá lâu. Cái kiểu vẽ vời của hắn, có khi phải mất vài tháng mới xong tranh. Tôi sẽ phải kiên nhẫn, thế thôi.

Rồi tôi quyết ngay lúc đó, rằng tốt nhất tôi nên ra nước ngoài một thời gian; ngay sáng hôm sau, khi đã gởi tin nhắn cho Janet (hẳn quý vị còn nhớ là tôi có hẹn ăn tối với ả hôm đó) nói có việc gấp phải đi nước ngoài, rồi tôi lên đường đi Ý.

Ở nơi đó, như thường lệ, tôi vô cùng thoải mái, chỉ có điều luôn canh cánh nỗi hồi hộp khi nghĩ đến ngày trở lại hiện trường.

Édouard Manet, “The Grand Canal of Venice, 1875”

Cuối cùng tôi trở về, bốn tháng sau đó, vào tháng Bảy, đúng ngày mở cửa triển lãm Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia, và tôi nhẹ nhõm khi biết rằng lúc tôi vắng mặt, mọi việc vẫn đâu vào đó. Chân dung Janet de Pelagia đã được vẽ xong và treo ở triển lãm, và chưa gì đã trở thành chủ đề tán tụng của cả giới phê bình lẫn công chúng. Tôi kiềm lòng không đến xem, nhưng Royden có kể trên điện thoại rằng đã có vài người hỏi thăm ngỏ ý mua, tất cả đều được báo rằng tranh không bán. Khi triển lãm đã xong, Royden chuyển bức tranh đến nhà tôi, nhận công xá.

Ngay lập tức tôi cho người mang nó vào phòng làm việc, càng lúc càng phấn khích, tôi bắt đầu kiểm tra nó thật kỹ càng. Hắn đã vẽ ả mặc đầm dạ tiệc màu đen, phông nền có một cái trường kỷ nhung đỏ. Bàn tay trái của ả đặt lên lưng một cái ghế nặng trịch, cũng nhung đỏ, trên trần nhà treo một chùm đèn pha lê to khủng.

Lạy Chúa, tôi nghĩ thầm, thật gớm làm sao! Bức chân dung không đến nỗi tệ. Hắn đã nắm bắt được vẻ mặt ả – cái đầu cúi xuống đằng trước, cặp mắt to màu xanh dương, khuôn miệng rộng, vừa xấu vừa đẹp phảng phất một nụ cười nơi khóe môi. Đương nhiên hắn đã tô vẽ thêm cho ả. Trên mặt ả không hề có một nếp nhăn, dưới cằm không một chút mỡ. Tôi cúi người xem lớp sơn xống áo. Đúng rồi… ở đây lớp sơn dày hơn, dày hơn hẳn. Đến lúc này, không thể chờ đợi được nữa, tôi cởi phăng áo khoác và chuẩn bị bắt tay vào làm việc.

Édouard Manet, “Thiếu phụ đi giày hồng, 1870”

Phải nói thêm rằng bản thân tôi là một chuyên gia làm vệ sinh và phục hồi tranh. Nhất là phần làm vệ sinh, một thao tác tương đối đơn giản, chỉ cần có sự kiên nhẫn và đôi tay nhẹ nhàng khéo léo, những kẻ hành nghề cứ lấp lửng bí kíp rồi ra giá cắt cổ chẳng bao giờ được tôi đoái hoài tới. Đụng đến tranh pháo của riêng mình, lúc nào tôi cũng đích thân ra tay.

Tôi đổ dầu thông ra, thêm vài giọt cồn. Tôi nhúng một mảnh bông gòn trong hỗn hợp đó, vắt khô rồi thật nhẹ nhàng, nhẹ nhàng vô cùng, với cử động xoay tròn, tôi bắt đầu xử lý phần sơn đen của chiếc áo. Tôi chỉ mong sao Royden đã để mỗi lớp sơn khô hẳn trước khi sơn lớp mới, nếu không, hai lớp trộn lẫn vào nhau và cái thao tác tôi định làm sẽ bất khả thi. Tôi sẽ sớm biết thôi. Tôi xử lý một inch trên chiếc đầm đen, chỗ gần bụng, tôi làm từ tốn, cẩn thận dò thử, bóc tách lớp sơn, thêm một hai giọt cồn, thử lại lần nữa, thêm một giọt nữa, cho đến khi dung dịch đủ mạnh để tháo rời lớp màu.

Trong chừng một tiếng đồng hồ tôi miệt mài xử lý khoảng vuông nhỏ màu đen, càng làm càng nhẹ tay dần khi chạm đến lớp sơn bên dưới. Thế rồi, một chấm hồng tí xíu hiện ra, và dần dần, nó lan rộng, cho đến khi cả khoảng vuông một inch ấy thành màu hồng rõ ràng, sáng bóng. Nhanh tay, tôi làm dịu mảng màu bằng dầu thông thuần.

Tốt rồi. Giờ đây tôi biết lớp sơn đen có thể được xóa mà không ảnh hưởng đến phần bên dưới. Chỉ cần tôi kiên nhẫn, miệt mài làm việc, tôi có thể dễ dàng xóa sạch nó. Thêm nữa, tôi đã biết được nồng độ dung dịch và áp lực tay thích hợp, vậy nên mọi thứ sẽ mau mắn hơn.

Phải nói rằng phi vụ này khá là hài. Tôi bắt đầu từ giữa thân mình ả rồi lần xuống dưới, khi phần chân váy bị lột ra từng mảng dưới những miếng bông gòn, một món đồ lót lạ lùng màu hồng bắt đầu lộ diện. Tôi chịu chết, chả biết món đấy gọi là gì, nhưng quả là một thứ đồ nghề trông đáng gờm, được chế tác từ nhựa dẻo, dày và dai, có công dụng túm lấy và ép chặt thân hình sồ sề của nái thành hình dáng gọn gàng khuôn khổ, tạo cảm giác mảnh mai. Di chuyển xuống dưới, tôi bắt gặp đám dây móc nịt tất rối rắm, cũng màu hồng, gắn với bộ giáp nhựa ở trên và thả xuống chừng bốn năm inch, móc vào đầu tất.

Cảnh tượng khá là choáng, khiến tôi phải lùi lại mà ngắm nghía. Tôi có cảm giác như mình đã bị lừa làm sao ấy; chứ chẳng phải, trong suốt chừng đó tháng, tôi đã ngây ngất trước thân hình thon thả như thiên thần của quý cô này? Ả đúng là đồ rởm. Không còn nghi ngờ gì cả. Nhưng liệu có lắm các bà các cô lừa đảo như thế chăng, tôi tự hỏi. Tôi biết, đương nhiên, trong thời coọc-xê giáp bó xa xưa thì chuyện các bà các cô bó giò chính mình cũng thường; thế mà tôi lại nghĩ ngày nay người ta chỉ phải ăn kiêng thôi.

Khi phần nửa dưới đã được tháo sạch, tôi lập tức tập trung vào phần nửa trên, chầm chậm di chuyển lên từ khúc giữa thân. Ngay đây, gần chỗ dưới ngực, có một khoảng thịt trần rồi cao hơn, ngay trên gò bồng đảo, bao lấy nó, tôi bắt gặp một phát kiến bằng một thứ nguyên liệu nặng nề màu đen có viền ren. Cái này, tôi biết rõ, chính là xu-chiêng – một thứ đồ nghề đáng gờm được giữ đứng bằng mớ dây nhợ màu đen, công phu và tính toán không khác gì dây cáp đỡ của cầu treo.

Giời ạ, tôi nghĩ thầm. Quả sống ngày nào mở mắt thêm ngày ấy.

Édouard Manet, “Chân dung một họa sĩ”

Nhưng giờ đây, khi việc đã xong, và tôi đứng lùi lại để ngắm bức tranh lần cuối. Thật là một cảnh tượng kinh ngạc! Người đàn bà này, Janet de Pelagia, gần cỡ người thật, mặc đồ lót đứng tồng ngỗng – trong căn phòng trông như kiểu phòng khách thưởng trà, tôi đoán hẳn thế… trên đầu là bộ đèn chùm vĩ đại, bên cạnh có ghế nhung đỏ, và bản thân cô ả – đây chính là phần quái chiêu nhất – trông hoàn toàn dửng dưng, với cặp mắt tròn xanh dương điềm tĩnh, khuôn miệng vừa xấu vừa đẹp, thoáng mỉm cười. Tôi cũng để ý, bàng hoàng nhận ra, rằng chân ả vô cùng vòng kiềng, như dân cưỡi ngựa. Nói thẳng với quí vị, tôi thấy bẽ bàng lắm. Tôi thấy như thể tôi không có quyền đứng đó, chắn chắn là không có quyền nhìn trân trối. Vậy là sau một hồi, tôi bước ra, đóng cửa lại. Dường như không thể làm gì khác. Rồi, bước tiếp theo và cũng là bước cuối cùng! Quý vị đừng nghĩ rằng chỉ vì tôi không nhắc đến mà mối khao khát trả thù trong tôi đã nguôi ngoai trong vài tháng qua. Ngược lại, nó còn mãnh liệt hơn nữa; và với động tác cuối cùng sắp được thực hiện, tôi nói thật, tôi thấy hưng phấn khó kiềm chế. Đêm đó, chẳng hạn, tôi còn không đi nằm.

Quý vị hiểu cho, tôi không thể đợi để mà đi gởi thiệp mời. Tôi thức suốt đêm chuẩn bị thiệp, viết địa chỉ lên phong bì. Tổng cộng có hai mươi hai cái, và tôi muốn từng cánh thiệp là một lời nhắn riêng tư. “Tôi sẽ làm tiệc nhỏ vào tối Thứ Sáu, ngày hai mươi hai, lúc tám giờ. Tôi hi vọng quý vị có thể đến dự…Tôi rất muốn gặp lại quý vị….”

Thiệp đầu tiên, cũng là tấm viết trau chuốt nhất, tôi dành cho Janet de Pelagia. Trong đó tôi rất lấy làm tiếc vì đã lâu rồi không gặp em… Tôi bận việc ngoại quốc… Đã đến lúc ta gặp nhau, vân vân và vân vân. Tiếp theo là gởi Gladys Ponsonby. Rồi một tấm cho Phu nhân Hermione Girdlestone, tấm nữa cho Công nương Bicheno, bà Cudbird, ngài Hubert Paul, bà Galbally, Peter Euan-Thomas, James Pisker, ngài Eustace Piegrome, Peter van Santen, Elizabeth Moynihan, ngài Mulherrin, Bertram Sturt, Philip Corneliis, Jack Hill, phu nhân Akeman, bà Icely, Humphrey King-Howard, Johnny O’Coffey, bà Uvary, và Bá tước quả phụ Waxworth.

Một danh sách chọn lọc kỹ càng, bao gồm các quý ông hạng nhất và các quý bà xuất chúng, có ảnh hưởng nhất trong giới thượng lưu.

Édouard Manet, “Vũ hội hóa trang ở nhà hát, 1973”

Tôi quá biết tiệc tối ở nhà tôi vẫn được xem là một dịp ra trò: ai cũng muốn đến. Và giờ đây, khi nhìn ngòi bút đang lướt trên giấy, tôi như thấy được các quý bà thư thả nhấc điện thoại cạnh giường ngay buổi sáng nhận được thiệp mời, những giọng the thé gọi những giọng còn the thé hơn … “Lionel làm tiệc tối đấy… có mời đằng ấy à? Ôi, hay thế… thức ăn chỗ đấy lúc nào cũng ngon tuyệt… người đâu mà đáng yêu thế chứ, nhỉ…”

Mà có thật là họ sẽ nói thế không? Tôi chợt nghĩ có khi chẳng phải. Nhiều khả năng là nói thế này: “Đồng ý, ừ, lão cũng chẳng đến nỗi… nhưng hơi bị chán nhỉ?… Đằng ấy nói gì kia?… Xoàng á? Nhưng mà tội nghiệp lắm cơ. Đằng ấy nói chính xác… mà đã bao giờ nghe Janet de Pelagia kể chuyện lão chưa?… Ừ, đây cũng đoán đằng ấy đã nghe… hài kinh nhỉ?… tội nghiệp Janet… làm sao mà ả chịu đựng từng đấy thời gian đây cũng chịu thôi…”

Đằng nào đi nữa, tôi đã gởi xong thiệp mời, và chỉ trong vài ngày tất cả khách đều đã vui vẻ nhận lời, chỉ trừ bà Cudbird và ngài Hubert Kaul hiện đang ở nước ngoài.

*
Tám rưỡi tối, ngày hai mươi hai, phòng khách lớn nhà tôi đầy người. Họ đứng quanh, ngưỡng mộ tranh pháo, uống Martinis, lớn tiếng trò chuyện. Các mụ sực nức nước hoa, các lão mặt mày hồng hào, cẩn thận cài cúc áo vét. Janet de Pelagia mặc chiếc đầm đen như trong tranh, và mỗi lần nhìn thấy ả, tôi lại có cái bong bóng ảo giác khổng lồ lềnh phềnh ngay trên đầu – như trong tranh biếm họa, trong đấy tôi thấy Janet mặc đồ lót, xu-chiêng đen, thắt lưng nhựa hồng, nịt tất, cặp chân vòng kiềng.

Tôi lượn lờ qua các nhóm, thân ái thăm hỏi, ân cần lắng nghe. Đằng sau lưng tôi nghe lỏm được bà Galbally kể cho ngài Eustace Piegrome và James Pisker vụ thằng cha bàn bên cạnh ở Claridges đêm trước bị dính son môi đỏ trên hàng ria mép bạc trắng. “Nhoe nhoét như quét vôi,” bà ta tiếp tục, “mà anh chàng tệ gì cũng phải chín chục cái xuân xanh…” Ở phía bên kia, phu nhân Girdlestone đang tiết lộ nơi phục vụ nấm truffle nấu trong rượu brandy, và tôi còn thấy được bà Icely thì thầm gì đó với ngài Mulherrin, quý ngài cứ chầm chậm lắc đầu từ bên này sang bên kia, trông như máy đếm nhịp đã hết hơi.

Tranh của Jean-Louis Forain, 1879

Đến giờ nhập tiệc, hết thảy ra khỏi phòng.

“Giời ạ!” họ thốt lên khi bước vào phòng ăn, “Tối đen mịt mù thế!”

“Khéo mà chả thấy được gì!”

“Nến nhỏ mới hay làm sao!”

“Ôi Lionel, thật là lãng mạn!”

Có sáu cây nến rất mảnh đặt cách nhau chừng hơn nửa mét dọc theo đường giữa bàn ăn dài. Những ngọn lửa bé tí xíu khiến bàn ănửng sáng, nhưng phần còn lại trong căn phòng thì tối om. Một sự sắp đặt ngộ nghĩnh, không kể đến ý đồ riêng của tôi, nó cũng tạo ra một sự thay đổi dễ chịu. Khách mời nhanh chóng an tọa, bữa tiệc bắt đầu.

Ai cũng có vẻ thích thú ánh nến, mọi việc tiến triển suôn sẻ, mặc dù chẳng hiểu sao bóng tối khiến họ nói lớn hơn bình thường. Giọng của Janet de Pelagia đặc biệt the thé bên tai tôi. Ả đang ngồi cạnh ngài Mulherrin, tôi nghe ả kể lại kỳ nghỉ chán chết tuần trước ở Cap Ferrat. “Chẳng có gì trừ đàn ông Pháp,” ả cứ nói đi nói lại. “Cả cái xứ đó chẳng có gì trừ đàn ông Pháp…”

Phần tôi, tôi trông chừng mấy cây nến. Chúng mảnh lắm nên tôi biết sẽ không bao lâu nữa sẽ cháy hết. Với cả tôi cũng hồi hộp lắm – tôi phải thú thật thế… nhưng cùng lúc tôi thấy cực kỳ hưng phấn, gần như đang say rượu. Mỗi lần tôi nghe giọng Janet hay nhác thấy gương mặt ả đổ bóng trong ánh nến, một quả cầu phấn khích như bùng nổ bên trong tôi, đốt lửa râm ran dưới da tôi.

Khách ăn đến món dâu tươi thì tôi quyết định đã đến lúc. Tôi hít một hơi sâu, lớn giọng lên tiếng, “Tôi e là ta phải bật đèn lên bây giờ. Nến cháy gần hết rồi. Mary,” tôi gọi. “Mary, phiền cô bật đèn lên cho.”

Một thoáng im lặng theo sau thông báo của tôi. Tôi nghe tiếng cô hầu bước qua cửa, rồi tiếng khảy nhẹ công tắc, và cả căn phòng ngập trong ánh sáng chói lòa. Cả hội nhắm nghiền mắt, mở ra lại, rồi nhìn trân trối.

Édouard Manet, “Chân dung…”

Ngay lúc đó tôi đứng dậy, khẽ lỉnh ra khỏi phòng, tôi đã thấy một cảnh tượng mà mình sẽ không bao giờ quên được cho đến chết. Janet, hai tay đưa đang huơ trong không khí tự dưng dừng lại, như bị đông đá, ả đang khua tay dở về phía ai đó bên kia bàn. Miệng ả há thõng xuống chừng hai inch, ả mang vẻ mặt choáng váng, như chưa hiểu mô tê gì của một người vừa bị bắn chết đúng một giây trước, bắn xuyên qua tim.

Trong lối sảnh bên ngoài tôi dừng bước, lắng nghe màn dạo đầu của giông bão, những tiếng hét the thé của các mụ và những câu cảm thán giận dữ, không tin nổi của các lão; và chẳng lâu sau là tiếng động râm ran, hòa quyện tiếng nói, tiếng hét cùng một lúc. Rồi… và đây chính là khoảnh khắc ngọt ngào nhất… tôi nghe giọng ngài Mulherrin, rống lên lấn át hết thảy, “Lại đây! Bớ người ta! Nhanh lên! Đưa nước cho cô ấy nào!”

Ra đến đường anh tài đỡ tôi lên xe, rồi chẳng mấy chốc chúng tôi rời London, bon bon chạy dọc phố Great North về cái nhà kia của tôi, chỉ cách Trung tâm có chín mươi lăm dặm.

Hai ngày sau đó tôi khoái trá tột cùng. Tôi thơ thẩn ra vào, mơ mơ mộng mộng, nửa chìm đắm trong sự tự mãn và ngất ngây sung sướng, đến độ cẳng chân cứ rần rật như có kim châm. Mãi cho đến sáng nay khi Gladys Ponsonby gọi điện tôi mới tỉnh ngộ, nhận ra mình không hề là người hùng, mà là một kẻ bị ruồng rẫy. Mụ báo tôi biết – trong giọng nghe như có thoáng đắc chí – rằng cả hội giờ đây đang điên lắm, ai cũng thế, những chỗ bạn bè thân thuộc lâu năm của tôi giờ đang rủa xả tôi hết lời, còn thề thốt sẽ không bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Trừ mụ, mụ tiếp. Ai cũng thế, trừ mụ ra. Và sẽ chẳng hay lắm sao, mụ hỏi, nếu mụ xuống ở với tôi vài ngày để yên ủi tôi?

Tôi e là đến lúc đó tôi quá đau đớn, còn không thể lịch sự đáp trả mụ được. Tôi thả điện thoại xuống, rồi khóc tấm tức.

Đến trưa hôm nay, cú đòn cuối cùng giáng xuống. Người đưa thư ghé lại, mang theo – tôi xấu hổ không viết ra nổi… tôi bẽ mặt quá… mang theo một lá thư, mấy dòng dịu dàng, ngọt ngào nhất gởi từ… không ai khác, mà chính là Janet de Pelagia. Nàng đã hoàn toàn tha thứ cho tôi, nàng viết, tha thứ cho tất cả những việc tôi đã làm. Nàng biết tôi chỉ có ý đùa, tôi đừng để tai đến những thứ ghê gớm người ta đang nói về tôi. Nàng yêu tôi, như xưa nay, yêu cho đến chết.

Tranh của Pierre-Auguste Renoir

Ôi, tôi thấy mình như một thằng vô lại, một gã vũ phu! Nhất là khi tôi nhận ra nàng còn gởi kèm một món quà nhỏ, để tỏ chút tình thân – một hũ nửa cân thứ đồ ăn tôi yêu thích nhất, caviar tươi.

Tôi chưa bao giờ từ chối caviar ngon. Có lẽ đấy là điểm yếu lớn nhất của tôi. Vậy là mặc dù đêm nay tôi chẳng còn lòng dạ nào mà dùng bữa, tôi vẫn phải làm vài thìa để tự an ủi mình. Chắc tôi đã hơi quá tay, bởi vì trong một tiếng đồng hồ qua tôi thấy hơi khó ở. Chắc tôi phải đứng dậy ngay mà đi uống chút soda. Khi nào khỏe hơn tôi sẽ quay lại viết loáng là xong.

Thế mà, quý vị ạ, giờ đây suy nghĩ lại, tự dưng tôi thấy mệt kinh người.

 

Ý kiến - Thảo luận

13:42 Friday,9.12.2016 Đăng bởi:  Phạm Minh Mẫn
Bác này thế là tiêu rồi. Khôn ngoan cũng không lại với đàn bà hiểm ác. Thật!
...xem tiếp
13:42 Friday,9.12.2016 Đăng bởi:  Phạm Minh Mẫn
Bác này thế là tiêu rồi. Khôn ngoan cũng không lại với đàn bà hiểm ác. Thật! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả