Văn & Chữ

Nunc Dimittis (phần 1) 27. 11. 16 - 6:31 am

Roald Dahl - Hồ Như Mai dịch

 

Tranh của Kathryn Freeman

Đã gần nửa đêm, tôi biết nếu không bắt tay vào viết lại câu chuyện ngay bây giờ, tôi sẽ chẳng bao giờ viết cả. Suốt buổi tối tôi ngồi đây, cố ép mình viết, nhưng càng nghĩ tôi càng thấy kinh hãi, xấu hổ và buồn khổ vì sự tình đã qua.

Tôi có chủ ý (tốt đẹp) rằng, tôi sẽ cố gắng, cố gắng thú tội và cắt nghĩa, làm sao tìm ra một lý do hoặc ít cũng tìm được một sự biện minh nào đó cho hành vi ác ôn của mình với Janet de Pelagia. Cốt yếu là, tôi muốn thổ lộ với một bạn đọc tưởng tượng giàu lòng cảm thông, một bạn đọc bí ẩn – một ai đó dịu dàng và thấu hiểu, kẻ khiến tôi không thấy xấu hổ mà kể lại cặn kẽ sự vụ xui rủi này. Tôi chỉ hi vọng mình không quá bức xúc đến độ không mở lời nổi.

Nếu thành thật, tôi phải thú nhận rằng điều khiến tôi bận lòng nhất không phải là nỗi hổ thẹn của chính mình, hay sự đau đớn mà tôi đã gây ra cho cô Jane đáng thương; mà là cái nhận thức rằng tôi đã tự biến mình thành một kẻ dại dột ác ôn, và rằng tất cả bạn bè tôi – nếu tôi vẫn còn gọi họ thế được – tất cả những con người nồng hậu dễ mến đã từng lui tới nhà tôi ấy; giờ đây hẳn họ nhìn tôi như một lão già cay cú hiểm độc. Vâng, ấy mới là chuyện khiến tôi đau lòng. Nếu tôi nói với quý vị rằng bạn bè là cả cuộc đời tôi – là hết thảy, tất tần tật mọi thứ trong đó, thì có lẽ quý vị sẽ bắt đầu hiểu ra.

Mà có hiểu được không? Tôi ngờ lắm… trừ khi tôi lại cà kê thêm một phút để kể quý vị nghe tôi là cái hạng người gì.

À thôi thì… Giờ đây khi ngồi nghĩ lại, tôi thấy, dù sao mình cũng là một hạng nhất định; hạng hiếm đấy thưa quý vị, nhưng dù sao cũng là một hạng rõ ràng: đàn ông trung niên bặt thiệp, có của, thảnh thơi. Gã được bạn bè trân quý (tôi không tùy tiện với con chữ đâu nhé) bởi gã lịch lãm, giàu có, học thức, lại rộng rãi, và biết đâu còn quý bởi chính con người gã nữa. Quý vị chỉ gặp hạng này ở các chốn kinh kỳ – London, Paris, New York, chuyện đó thì tôi chắc chắn. Của nả có được từ ông cụ thân sinh quá cố mà gã vẫn rẻ rúng. Nào phải lỗi của gã, bởi vì cốt cách buộc gã phải ngầm coi khinh những kẻ chưa bao giờ học được cách phân biệt Rockingham với Spode, Waterford với Venetian, Sheraton và Chippendale, Monet và Manet hay thậm chí là Pommard và Montrachet.

Thế nên, gã là một tay sành sỏi, kẻ có được trên hết là một con mắt tinh đời xuất sắc. Các bức Constable, Bonington, Lautrec, Redon, Vuillard, Matthew Smith của gã không thua gì món nào trong bảo tàng Tate, và bởi chúng quá tuyệt vời, quá đẹp đẽ, chúng tạo nên một bầu không khí căng thẳng ly kỳ bao quanh gã, tại nhà gã; một chút gì đó vừa trêu ngươi vừa rúng động, lại phảng phất nỗi kinh hãi. Kinh hãi khi nghĩ rằng nếu muốn, gã thừa sức đâm nát, xé rách, giáng nguyên quả đấm qua một cảnh thung lũng Dedham, núi Saint-Victore, đồng ngô xứ Arles, thiếu phụ Tahiti, chân dung Madame Cezanne. Và từ những bức tường treo các món báu vật ấy toát ra một sắc vàng lộng lẫy, một sự sang trọng tinh tế. Trong ánh hào quang ấy gã sinh sống, đi lại và chiêu đãi bè bạn với cái vẻ khinh khi ranh mãnh mà không hẳn là hoàn toàn tự nhiên.

Hạng ấy kiểu gì cũng độc thân, thế nhưng dường như không bao giờ dan díu gì với cánh phụ nữ vây quanh, các bà các cô vẫn đem lòng mến mộ. Biết đâu đấy… mà điều này quý vị có tinh mắt mới thấy được, rằng ở gã có nỗi niềm cay cú, một sự bất mãn, một nỗi hối tiếc thẳm sâu bên trong. Hạng này có khi còn hơi loạn trí.

Adrian Ghenie, “Nhà sưu tập”

Tôi nghĩ mình không cần phải nói thêm gì nữa. Tôi đã rất thẳng thắn. Đến giờ hẳn quý vị phải biết rõ về tôi, đủ để mà phán xét công tâm… và tôi trộm nghĩ, biết đâu đấy, quý vị sẽ thông cảm với tôi khi đã nghe đầu đuôi câu chuyện. Biết đâu đấy quý vị còn cho rằng tội lỗi phần nhiều không phải tại tôi, mà từ một phu nhân có tên Gladys Ponsonby. Suy cho cùng, chính mụ ấy châm ngòi câu chuyện. Nếu tôi đã không đưa Gladys Ponsonby về nhà đêm ấy, gần sáu tháng trước, và nếu phu nhân ấy đã không lắm lời ngồi lê về vài người, và vài thứ, thì có lẽ cái tấn bi kịch này đã chẳng bao giờ xảy ra.

Đó là tháng Chạp năm ngoái, nếu tôi nhớ không nhầm, tôi đến dùng bữa với gia đình Ashenden ở ngôi nhà xinh xắn nhìn ra rìa phía nam của công viên Regent’s. Hôm đó có khá nhiều người, nhưng trừ tôi ra thì chỉ có Gladys Ponsonby là đi một mình. Thế nên đến khi ra về, đương nhiên tôi ngỏ lời tiễn phu nhân tận nhà. Mụ nhận lời, chúng tôi lên xe, nhưng rủi thay, khi đến nơi mụ cứ nằng nặc mời tôi vào để “làm chén cho ấm bụng”. Không muốn bị coi là kênh kiệu, tôi dặn anh tài ngồi đợi rồi theo mụ vào trong.

Gladys Ponsonby là người thấp lạ thường, chỉ chừng thước bốn lăm hay bốn bảy, có khi còn thấp hơn, đến nỗi đứng gần thì tôi trông chênh vênh đến buồn cười, như thể tôi đang ngồi trên ghế. Phu nhân đã góa bụa, trẻ hơn tôi vài tuổi, có lẽ chừng năm ba năm tư gì đó, và có thể rằng ba mươi năm về trước cũng thuộc loại be bé xinh xinh ưa nhìn, nhưng giờ đây mặt mày đã nhão nhẹt dúm dó, chẳng còn gì hay ho cả. Những nét riêng, cặp mắt, cái mũi, cái miệng, cái cằm, đều bị chôn dưới những lớp mỡ bọng quanh gương mặt nhỏ thó dúm dó ấy, khiến người ta không thể nào nhận ra. Có lẽ trừ khuôn miệng, cứ khiến tôi nghĩ đến…, thực lòng tôi không kìm được… nghĩ đến con cá hồi. 

Pierre-Auguste Renoir, “Người đàn bà trong trang phục phương Đông”

Trong phòng khách, khi mụ đưa ly brandy, tôi để ý thấy bàn tay mụ đã hơi run run. Phu nhân đã mệt, tôi tự nhủ, thế nên tôi không được dền dứ nấn ná. Chúng tôi ngồi xuống trên trường kỷ, nói chuyện bữa tiệc ở nhà Ashenden và những người ở đó. Cuối cùng tôi đứng dậy ra về.

“Ngồi xuống, Lionel,” phu nhân nói. “Làm thêm chén nữa chứ.”

“Không, thực tình đấy, tôi phải đi thôi.”

“Ngồi đi, làm gì kiêu thế. Tôi làm thêm chén nữa đây, chí ít anh cũng phải ngồi lại cho tôi có bạn chứ”.

Tôi nhìn mụ bước đến tủ búp phê, người đàn bà lùn tịt, hơi chao đảo, cầm ly rượu bằng cả hai tay như đồ cúng bái; cảnh tượng phu nhân đi đứng như thế, vừa lùn vừa béo lại cứng đờ khiến tôi nảy ra cái ý nghĩ kỳ quặc rằng từ đầu gối trở lên mụ không hề có chân cẳng gì.

“Lionel, anh cười gì đó?” Phu nhân ngoái người nhìn tôi, vừa rót rượu, chút rượu chảy tràn ra thành ly.

“Đâu có, không có gì mà.”

“Vậy thì thôi đi, rồi nói tôi nghe anh thấy chân dung mới của tôi ra sao.” Mụ chỉ tay lên một bức tranh lớn treo trên lò sưởi mà tôi đã cố tình không liếc mắt tới. Tôi bước vào phòng. Một món gớm ghiếc, là tác phẩm của – tôi còn lạ gì – kẻ đang làm mưa làm gió ở London, một tay họa sĩ hạng xoàng tên John Royden. Tranh chân dung toàn thân của Gladys, tức Phu nhân Ponsonby, vẽ bằng một thứ trò mèo bếp núc nhất định, khiến mụ trông cao dong dỏng và khá thuận mắt.

“Trông hay đấy.”

“Hay thật chứ? Tôi mừng là anh cũng thích nó.”

“Khá hay.”

“Tôi nghĩ John Royden là thiên tài. Anh không nghĩ thế sao, Lionel?”

“À…nói thế hơi quá lời.”

“Hẳn ý anh là vẫn còn hơi sớm?”

“Chính thế.”

Pierre-Auguste Renoir, “Người đàn bà đứng”

“Nhưng nghe này, Lionel, tôi nghĩ anh sẽ ngạc nhiên đấy. John Royden giờ đây đắt khách đến độ dưới một ngàn đồng guinea thì đừng mất công nói năng!”

“Thật sao?”

“Đúng thế! Mà người ta xếp hàng, xếp hàng hẳn hoi nhé, chờ tới lượt mình.”

“Nghe thú phết.”

“Cái ông Cézanne gì gì của anh ấy, tôi cá ông ta sinh thời chưa bao giờ biết đến từng ấy tiền.”

“Chưa bao giờ.”

“Mà anh lại đi nói ông ta là thiên tài?”

“Đại để thế. Ừ.”

“Vậy Royden cũng thiên tài,” mụ đáp, thủng thẳng ngồi xuống trường kỷ. “Tiền nào của nấy.”

Mụ ngồi im lặng một hồi lâu, nhấp môi brandy, và tôi không kìm được mình, cứ để ý bàn tay run rẩy của mụ khiến miệng ly rượu cứ va đập vào môi dưới. Mụ biết đang bị tôi nhìn. Không quay đầu, mụ đưa đẩy cặp mắt, liếc lui nhìn tôi. “Nghĩ gì mà đăm chiêu thế?”

Tôi vốn ghét cái thể loại ăn nói sáo. Nghe đến là tôi thấy tức ngực thực sự, chỉ muốn húng hắng ho.

“Thôi nào, Lionel. Đăm chiêu thế, khai mau.”

Tôi lắc đầu, không biết nói kiểu gì. Mụ đột ngột quay đi, rồi đặt ly brandy lên cái bàn con ở bên trái; cung cách ấy khiến tôi nghĩ – tôi chẳng biết tại sao – rằng mụ đang thấy phật ý, chuẩn bị ăn thua đủ. Tôi đợi, khá là khó chịu trong sự im lặng theo sau đó, và bởi vì tôi đã hết chuyện nói, tôi màu mè hút điếu xì gà, trầm ngâm nhìn tàn thuốc rồi phả khói chậm rãi lên trần nhà. Nhưng mụ vẫn làm thinh. Tự dưng tôi thấy ở phu nhân có cái gì đó tôi không ưa nổi, một vẻ tinh quái mưu mô khiến tôi chỉ muốn đứng dậy mà đi ngay. Khi đảo mắt nhìn quanh lần nữa, mụ mỉm cười với tôi, cái cười đểu giả với cặp mắt ti hí bị chôn lấp, nhưng khuôn miệng, y như miệng con cá hồi, lại hoàn toàn cứng đơ.

“Lionel, tôi tính kể anh nghe một bí mật.”

“Thật tình, Gladys, tôi phải về.”

“Đừng sợ thế chứ Lionel. Tôi sẽ không làm anh xấu hổ mà. Tự dưng trông anh sợ sệt thế.”

“Tôi không giỏi mấy chuyện bí mật đâu.”

“Tôi đã nghĩ rồi,” mụ nói, “anh thật là chuyên gia tranh pháo vĩ đại, vụ này hẳn khiến anh quan tâm.” Mụ ngồi khá bất động, chỉ trừ mấy ngón tay cứ táy máy liên hồi. Mụ uốn éo vặn vẹo ngón này quanh ngón kia, trông chúng chẳng khác gì một búi rắn nhỏ màu trắng đang lúc nhúc bò trên đùi.

“Anh không muốn nghe bí mật của tôi sao Lionel?”

“Không phải thế, bà biết mà. Chỉ là giờ đã quá trễ…”

“Đây có lẽ là bí mật kín đáo nhất ở London. Bí mật của đàn bà. Tôi đoán hẳn chừng… để xem nào… chừng ba mươi, bốn mươi bà biết. Không một tay đàn ông nào cả. Trừ tay ấy, đương nhiên, chính John Royden.

Tranh của Pierre-Auguste Renoir

Tôi không muốn khích lệ mụ, vậy là tôi làm thinh.

“Nhưng trước hết, phải hứa… anh phải hứa sẽ không hé răng với ai chứ?”

“Giời ạ!”

“Anh hứa chứ, Lionel?”

“Được rồi, Gladys, được rồi, tôi hứa.”

“Tốt, vậy nghe đây.” Mụ với lấy ly brandy rồi đủng đỉnh ngồi trở lại trong góc trường kỷ ở phía xa.

“Tôi đoán hẳn anh biết John Royden chỉ vẽ phụ nữ?”

“Tôi không biết.”

“Mà lúc nào cũng là chân dung toàn thân, hoặc đứng hoặc ngồi, như bức của tôi ở đằng kia. Bây giờ nhìn cho thật kỹ nhé, Lionel. Anh thấy áo xống vẽ đẹp không?”

“À thì…”

“Đi lại đằng kia mà nhìn cho kỹ, đi đi.”

Tôi miễn cưỡng đứng dậy, bước lại, nhìn kỹ bức tranh. Tôi ngạc nhiên nhận ra nước sơn vẽ chiếc áo được phủ lên khá dày, tạo thành một lớp nổi trên mặt tranh. Một thứ mẹo, khá là hiệu quả, nhưng không khó mà cũng chẳng có gì độc đáo.

“Anh thấy không?” mụ nói. “Vẽ dày, phải không, lớp sơn vẽ áo ấy?”

“Ừ.”

“Nhưng chuyện chưa hết đâu, Lionel à. Tôi nghĩ hay nhất là kể lại đầu đuôi lần đầu tiên tôi đến ngồi mẫu.”

Ôi, thật là một con mụ đáng chán, tôi nghĩ thầm, rồi tôi đánh bài chuồn kiểu gì đây?

“Dạo ấy chừng một năm trước, tôi còn nhớ tôi đã phấn khích thế nào khi sắp được vào studio của họa sĩ tài ba. Tôi vận một món mới tuyệt đẹp vừa mua ở Normal Hartnell, thêm một cái mũ đỏ nho nhỏ xinh xinh, rồi cứ thế đi. Họa sĩ Royden ra đến cửa đón tôi, và đương nhiên, vừa gặp, tôi đã bị cuốn hút. Hắn để râu dê, có cặp mắt xanh tinh quái, mặc áo khoác nhung đen. Studio rộng lắm, có trường kỷ nhung đỏ, ghế bọc nhung – hắn chuộng nhung mà, rèm cửa cũng nhung, thảm sàn nhung tuốt. Hắn mời tôi ngồi, đưa đồ uống rồi vào thẳng vấn đề. Hắn kể rằng mình vẽ không giống những tay họa sĩ khác. Theo hắn thì chỉ có duy nhất một phương cách để đạt được sự hoàn hảo khi vẽ thân thể phụ nữ, hắn dặn tôi đừng sốc khi hắn nói ra. ‘Tôi không sốc đâu, ông Royden à,’ tôi đáp. –‘Tôi cũng nghĩ là là bà sẽ không sốc,’ hắn nói. Hắn có hàm răng trắng đẹp tuyệt vời, mỗi khi cười như lóe sáng qua bộ râu. ‘Bà hiểu cho, chuyện là thế này,’ hắn tiếp. ‘Bà xem bất kỳ một bức tranh vẽ phụ nữ nào… tôi không quan tâm ai vẽ, bà sẽ thấy rằng mặc dù áo xống được vẽ rất khéo, vẫn có một thứ hiệu ứng giả tạo, bằng phẳng toàn bộ, như thể áo xống được phủ lên một khúc gỗ. Thế bà có biết tại sao không?’- ‘Không, anh Royden à, tôi chịu.’ – ‘Bởi vì mấy tay họa sĩ đó không hề biết bên dưới có gì!’

(Còn tiếp)

*

Chú thích của người dịch:
Tên truyện “Nunc Dimittis” là tên một bài thánh ca thường dùng để kết thúc lễ. Bài này là lời của ông Simon “Xin Chúa cho con ra đi bình an, giờ con đã thấy sự cứu rỗi của Người”. Ông Simon trước đó từng nói sẽ nhìn thấy Chúa rồi mới chết.
Đã có khá nhiều tác phẩm văn học trong tiếng Anh lấy tựa này.

Ý kiến - Thảo luận

16:15 Tuesday,29.11.2016 Đăng bởi:  Katty

Chuyện quá hay . . và quá khó bình luận :)


...xem tiếp
16:15 Tuesday,29.11.2016 Đăng bởi:  Katty

Chuyện quá hay . . và quá khó bình luận :)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả