Nghệ sĩ Việt Nam

Tại The Factory: “Những can thiệp nối dài” của Lê Phi Long 13. 12. 16 - 7:11 am

Dương Mạnh Hùng

NHỮNG CAN THIỆP NỐI DÀI CỦA LÊ PHI LONG

Thời gian: 10. 12. 2016 – 22. 1. 2017
Địa điểm: The Factory Contemporary Arts Centre, 15 Nguyễn Ư Dĩ, P.Thảo Điền, Q2, Tp. Hồ Chí Minh.

.

Dự án này bao gồm các bức ảnh và sắp đặt của nghệ sĩ Lê Phi Long, kèm theo một video phim tài liệu do Madeleine Cao – nhà sáng lập của doanh nghiệp xã hội OpenM Corp – sản xuất và ủy thác cho Lê Phi Long đạo diễn và thực hiện.

Lê Phi Long là một nghệ sĩ nhạy cảm với những thể hiện và can thiệp vào địa điểm. Vốn được đào tạo về thiết kế nội thất, anh cho rằng nơi chốn có tác động quan trọng lên trải nghiệm của người xem với một tấm ảnh hay một sắp đặt. Đồng thời, các đồ vật này có thể nắm giữ chìa khoá để tiếp cận những vấn đề liên quan đến một nơi chốn, hay thách thức những quy chụp của xã hội về nơi chốn đó. Một trong các chủ đề khiến Phi Long quan tâm trong thực hành nghệ thuật là ảnh hưởng của chất thải từ con người lên địa điểm. Do đó, dự án Những Can thiệp Nối dài của Phi Long ở trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory sẽ vừa là không gian khám phá những đam mê với địa điểm sắp đặt, vừa là nơi anh đi sâu vào mối trăn trở về sự hiện diện tràn lan của rác thải trong môi trường đô thị và nông thôn ở Việt Nam.

.

Sê-ri Tương lai ẩn khuất tái hiện một dự án đặc sắp đặt địa điểm (site-specific) của Phi Long, nằm trong khuôn khổ một dự án lớn hơn về môi trường mang tên ‘Clean Up the Beach[1] do OpenM Corp tổ chức. Được sắp đặt trên đảo Lý Sơn, một địa danh du lịch đang ngày càng nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi, những bức ảnh này là thành quả của sự hợp tác giữa nghệ sĩ và hơn 70 tình nguyện viên của dự án trong việc thu gom rác xung quanh đảo, phân loại chúng theo hình dạng, kích thước, và màu sắc, sau đó sử dụng dây để đan kết rác lại với nhau tạo thành những tấm lưới rác thải, quấn thắt lấy cổng Tò Vò – một mái vòm đá có tuổi thọ hàng triệu năm, được kiến tạo từ dung nham núi lửa và sóng biển bào mòn, đồng thời là biểu tượng du lịch của Lý Sơn.

Trong các bức ảnh, điểm nhìn của ống kính tương tự như những bức ảnh chụp cổng Tò Vò của khách du lịch. Tuy nhiên, sự hiện diện của tấm lưới rác sặc sỡ gần như nuốt chửng chiếc cổng biểu tượng và phá vỡ không gian thơ mộng nơi này. Tác phẩm diễn tả những quan ngại về việc một tạo vật thiên nhiên đang bị bóp nghẹt bởi rác thải do khách du lịch và cư dân địa phương để lại. Với Tương lai ẩn khuất, Phi Long đặt ra sự tương phản giữa một kỳ quan thiên nhiên và rác thải nhân tạo, nhằm đưa ra câu hỏi về những hệ quả của việc tiêu thụ và xả rác của con người lên môi trường sinh thái.

Video phim tài liệu Tương lai ẩn khuất, do Madeleine Cao sản xuất và ủy thác cho Phi Long đạo diễn, ghi lại quá trình các tình nguyện viên dọn sạch hòn đảo, hỗ trợ nghệ sĩ với sắp đặt ở cổng Tò Vò, và tổ chức các buổi workshop về xử lý rác thải và bảo vệ môi trường cho người dân địa phương ở Lý Sơn.

Khách tham quan xem phim tài liệu “Tương lai ẩn khuất”

Dị bản Xâm Lăng là một sắp đặt ở The Factory, mang hình dáng một núi rác vô cơ tràn qua cửa và xâm chiếm không gian bên trong. Khối rác khổng lồ này ngập ngụa, đan xen vào cả đồ dùng nội thất[2], xoá nhoà ranh giới giữa ‘rác’ và ‘đồ vật’, giữa ‘hữu dụng’ và ‘vô dụng’. Ở đây, Phi Long muốn đặt câu hỏi về định nghĩa thế nào là ‘rác’, và về vòng đời của một món đồ trong xã hội tiêu dùng ở các đô thị đang phát triển. Khi tất cả chúng ta đều được khuyến khích mua đồ mới, thay vì sửa chữa đồ cũ, đồ vật biến thành ‘rác’ một cách nhanh chóng hơn. Với Dị bản Xâm lăng, nghệ sĩ muốn mời khán giả xem và chiêm nghiệm mối tương quan giữa quá trình tạo ra rác thải và thói quen tiêu thụ quá mức của con người, đồng thời suy nghĩ một cách sâu sắc hơn về nền kinh thế thị trường và những tác động của chủ nghĩa tiêu thụ.

Sắp đặt “Dị bản xâm lăng”

Các bức ảnh và sắp đặt trong Những Can thiệp Nối dài sử dụng các nguyên lý của thực hành ‘đặc thù địa điểm’ (site-specificity) trong nghệ thuật thị giác, có lịch sử từ những năm 1970 ở Hoa Kỳ và châu Âu. Tác phẩm ‘sắp đặt địa điểm’[3] (site-specific art) là một tác phẩm được tạo ra với mục đích phản hồi tới một nơi chốn nhất định. Phong trào thực hành nghệ thuật này khởi nguồn từ những bất mãn của giới nghệ sĩ với những luật lệ cứng nhắc mà các bảo tàng và phòng triển lãm áp đặt lên nghệ sĩ và người xem lúc đó. Họ cũng chỉ trích các tác phẩm nghệ thuật ‘hiện đại’ như những món hàng dễ dàng vận chuyển và chỉ tồn tại trong những không gian trưng bày thiếu sinh khí. Vì thế, các nghệ sĩ bắt đầu chuyển sự tập trung sang đại điểm sắp đặt của tác phẩm và những căn tính bản địa của nó, nhằm tạo ra các tác phẩm neo bám vào một nơi chốn nhất định và bóc tách những yếu tố lịch sử, địa lý, và xã hội gắn liền với nơi chốn đó. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của phong trào này như sắp đặt Noviembre 6 y 7 (2002) của Doris Salcedo, sử dụng những chiếc ghế ngồi treo lơ lửng trên tường ở Palace of Justice ở Bogotá, Colombia; bức tượng khổng lồ bọc đường A Su tubtlety (2004) của Kara Walker, đặt ở nhà máy đường Domino (Brooklyn, New York); hay sê-ri tác phẩm sắp đặt công cộng Untitled (2013) của Ibrahim Mahama, sử dụng các bao bố từ sợi đay để che phủ những khu chợ ở Accra, Ghana.

Tác phẩm “Noviembre 6 y 7” của Doris Salcedo. Hình từ trang này

Ở Việt Nam, nghệ thuật sắp đặt địa điểm là một trào lưu khá mới mẻ. Những nghệ sĩ đầu tiên thử nghiệm với loại hình nghệ thuật này có thể kể đến Trần Lương, với các tác phẩm trình diễn ở các mỏ than ở miền Bắc Việt Nam (Dự án mỏ than Mạo Khê, 2001 – 2014) nhằm đưa ra quan điểm về các trại sáng tác nghệ thuật quốc gia; và nhóm Zenei Gang of Five, với các tác phẩm sắp đặt trong những ngôi chùa Phật giáo hẻo lánh, ca thán về sự khan hiếm kiến thức và tự do văn chương (Book Grave, 2008). Gần đây hơn, chúng ta có dự án Thuần sắc phiêu lưu (2014) của nhóm Art Labor, sử dụng các đường nét lấy cảm hứng từ tranh vẽ của các bé ở bệnh viện Mắt TPHCM để biến đổi không gian bên trong của khoa Nhi với những bức tranh trên tường và trần nhà. Thông qua dự án này, Art Labor muốn đề cập và phân tích khả năng chữa lành vết thương tâm lý của nghệ thuật và sáng tạo.

Thực hành nghệ thuật của Lê Phi Long bắt đầu từ năm 2011 và tiếp nối dòng chảy thử nghiệm với nghệ thuật đặc thù địa điểm ở Việt Nam. Các dự án trước đây của anh đều làm việc với những yếu tố lịch sử liên quan đến rất nhiều nơi chốn khác nhau ở Huế (quê hương anh), sông Hồng ở Hà Nội, và khu vực Yamingshan ở Đài Bắc, Đài Loan. Qua những tấm ảnh chụp, sắp đặt, và trình diễn của mình, nghệ sĩ Phi Long muốn ghi nhận và mở ra những cuộc đối thoại về ảnh hưởng đa chiều của lối sống con người trong mối tương quan với môi trường, hướng tới sự kết nối hoà thuận hơn giữa nhân loại và thiên nhiên. Tiêu đề của dự án ở The Factory – Những Can thiệp Nối dài – thể hiện quan điểm này của nghệ sĩ trong việc mở rộng và kéo dài cuộc thảo luận trên, đề cập sâu hơn về rác thải và hậu quả của nó, thông qua việc thiết lập một không gian, trong đó chúng ta phải đối diện với những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra cho hành tinh này.

.

Nghệ sĩ Lê Phi Long muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến The Factory, Madeleine Cao, tất cả các tình nguyện viên và cộng đồng đã chung sức để dự án lần này được trở thành hiện thực.

*

[1]Clean Up the Beach là một dự án tình nguyện về quản lý rác thải do Madeleine Cao khởi xướng. Phi Long được mời tham gia dự án với tư cách nghệ sĩ để chế tạo một sắp đặt đặc thù nơi chốn ở đảo Lý Sơn từ 17 đến 28. 7. 2016, nhằm gửi một thông điệp về tình trạng xử lý rác thải kém hiệu quả ở trên đảo
[2] Các món đồ nội thất này là đóng góp của cộng đồng và được nghệ sĩ sắp đặt lại như một phần của không gian The Factory.
[3] Khái niệm này được một nhà thiết kế nghệ thuật hiện đại ở California tên Robert Irwin trau chuốt và sử dụng, và chính thức được nhà phê bình kiến trúc Catherine Howett dùng làm tên gọi cho một phong trào nghệ thuật đượng đại vào năm 1977.

Trung tâm Nghệ Thuật Ðương đại The Factory là một không gian sáng tạo nghệ thuật có kích thước hơn 1000m2 tạo lạc tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh, kết hợp không gian triển lãm quy mô chuẩn quốc tế, thư viện nghệ thuật, phòng họp, không gian làm việc nhóm, bar ngoài trời và khu vực nhà hàng với ý tưởng đầy sáng tạo, sử dụng nguyên liệu organic để chế biến. The Factory nuôi kỳ vọng được đóng góp vào nền giáo dục và phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam, nhằm tạo cơ hội khám phá, làm việc và giao tiếp cho cộng đồng hiện nay.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả