Kiến trúc

Khách sạn 6 sao sát Hồ Gươm (phần 2): chọn tân cổ điển, chọn cái huy hoàng của kẻ mạnh hơn mình 26. 01. 17 - 8:54 pm

Nguyễn Trương Quý

(Tiếp theo bài 1)

Đây là một cuộc trao đổi nho nhỏ giữa tôi và Nguyễn Thụy Phương – một bạn nghiên cứu về vấn đề di sản văn hóa giáo dục thời hậu thuộc địa Pháp tại Đông Dương.

Tôi nêu một dẫn chứng mà tôi thích nhất ở các kiến trúc quan Bờ Hồ là Tòa nhà bưu điện mới (Nouvel Hôtel des Postes) xây năm 1942, nay là Bưu điện quốc tế. Tôi rất thích phong cách kiến trúc hiện đại (modern) có kế thừa Art-Deco này.

Vừa hiện đại vừa đủ chi tiết để hài hòa với không gian thoáng đãng, và nhất là khối tích vừa đủ, không đồ sộ cũng không cỏ giả mà vẫn toát lên vẻ đường hoàng, lịch lãm. Đường nét mạch lạc có hình khối, thể hiện sự minh bạch về tư duy, tòa nhà bưu điện do kiến trúc sư Henri Cerutti (1899-1972) thiết kế, có sự tham gia của kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1910-1989).

Tòa nhà bưu điện Bờ Hồ

Thôi thì cái nào cũng là đồ thuộc địa cả – kể cả tòa nhà bưu điện. Nhưng nếu lựa chọn, tôi thích một phong cách hiện đại, có thể có chiết trung, nhưng khối tích vừa phải thôi, như tòa nhà bưu điện năm 1942 – một cái gạch nối thể hiện được ngôn ngữ đương thời tiên tiến khi đó. (Theo nhà văn Lê Phương Liên, sau này, năm 1954-1956, tòa nhà là trụ sở của Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát hiệp định Geneve ở Việt Nam với đại biểu của Canada , Ấn Độ và Ba Lan. Khi ấy trẻ con gọi là nhà quả bóng vì có hai quả cầu xi măng ở lối vào).

Một cái nhìn bao quát hơn: Không ảnh khu Hồ Gươm khoảng thập niên 1940 cho thấy các công trình xung quanh hồ không quá cao, nên Tháp Rùa vẫn hiện ra không quá lép vế. Dãy nhà dọc phố Lê Thái Tổ ngày nay đều chỉ có chiều cao 2 tầng, trong đó có dãy nhà Intimex. Tổng thể gọn gàng xinh xắn với các rặng cây dường như nhiều tương đương nhà cửa.

Câu chuyện những công trình mới xây quanh Hồ Gươm hay rộng ra ở Hà Nội quá nặng nề phong cách tân cổ điển làm tôi nhớ đến một quyết tâm của giới quản lý khi định ban hành quy định “Không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp-châu Âu”, công văn ngày 23.5.2013 của Bộ Xây dựng gửi các tỉnh, thành phố do KTS Nguyễn Đình Toàn, thứ trưởng Bộ Xây dựng ký. Tuy nhiên, 3 tuần sau, Bộ đã phải rút lại quyết định  này trước sức ép của nhiều phía, có lẽ là từ truyền thông, các nhà đầu tư và chính khá nhiều… kiến trúc sư! Đây dường như là sự đầu hàng của nhà quản lý mà lẽ ra có khả năng tạo được một sự tiến bộ về thẩm mỹ.

Có thể giải thích cho trường hợp này như sau. Với giáo dục kiến trúc ở trường kiến trúc ngay từ khi còn nằm trong hệ thống trường Mỹ thuật Đông Dương và lớn hơn là trường Mỹ thuật Paris, các giáo sư Pháp đã chú trọng đến tính đương đại của kiến trúc trong hoàn cảnh chủ nghĩa hiện đại lên ngôi, cũng như khá tích cực trong việc khai thác kiến trúc bản địa Việt Nam. Bằng chứng là các kiến trúc của các kiến trúc sư Cerutti và Tạ Mỹ Duật ở ví dụ nhà bưu điện đã nêu, hoặc các kiến trúc kết hợp của kiến trúc sư Hebrard cho tòa nhà Bảo tàng Lịch sử, Bộ Ngoại giao hay giảng đường Trường đại học Tổng hợp ngày nay. Có thể thấy, cuộc giải thực dân (decolonisation) đã bắt đầu ngay từ cách tiếp cận hiện đại. Sau thời các kiến trúc cổ điển cuối thế kỷ 19 đầu 20, các công trình lớn ở Hà Nội từ cuối những năm 1920 đã không còn theo xu thế cổ điển nữa như Ngân hàng Đông Dương, Bách hóa Tràng Tiền, Bệnh viện Bạch Mai.

Hình ảnh “hiện đại” của phố Tràng Tiền những năm 1940.

 

Bệnh viện Bạch Mai (1930), một trong công trình lớn theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên ở Hà Nội.

Đầu những năm 1950, các trường kiến trúc (chuyển địa điểm nhiều lần giữa Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn) không còn thuộc hệ thống giáo dục Paris, mà đi theo hướng phục vụ các cuộc kiến thiết theo chính thể mới ở cả hai miền Bắc-Nam. Ở các trường kiến trúc, các thầy không thích tân cổ điển, vì các thầy là đầu ra của giáo dục giải thực dân, cho đến tận ngày nay. Đó là mâu thuẫn rất lớn với thực tế xã hội khi chưa dứt cơn sốt thực dân, thậm chí là tái thực dân (re-colonisation). Những gì xảy ra với dự án khách sạn tại khu Intimex cũng như tòa nhà Bảo Việt hay Tràng Tiền Plaza (đều quanh Hồ Gươm) là bằng chứng Việt Nam vẫn chưa thể giải thực dân xong.

Thụy Phương đặt tiếp câu hỏi: “Chuyện giải thực dân trong kiến trúc và đô thị có lẽ là điểm lạ lùng nhất, vì giải thực dân trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục đã diễn ra ở thập niên 1950 rồi, nó đã được giải quyết khá căn bản qua cuộc chiến tranh Đông Dương rồi. Nhưng em đang đặt một câu hỏi, rằng đây là sự giải thuộc địa chậm chạp hay chính là sự tái thuộc địa trong bối cảnh tài phiệt tài chính chi phối vào kinh tế, khiến cho giá trị thẩm mỹ của người Việt đương đại đang bị “hồi cổ”? Em sẽ trao đổi với các đồng nghiệp chuyên gia về kiến trúc thuộc địa xem họ nghĩ thế nào. Đây thực sự là một đề tài nghiên cứu khá thú vị và “quyến rũ” vì để hiểu được nó, mình có thể soi chiếu qua nhiều chuyên ngành kiến trúc đô thị, lịch sử, kinh tế, xã hội học…”

Những tòa nhà giả Pháp cổ điển ở khu Bà Nà, Đà Nẵng. Ảnh từ anandi.vn

Rồi bạn đặt tiếp một lô câu hỏi: Vậy thì những kiến trúc sư thực hiện những công trình thiết kế tân cổ điển này ở “lò” nào ra? Họ là ai, người Việt hay ngoại quốc, được đào tạo theo trường phái kiến trúc nào? Liệu các tập đoàn bất động sản có nghiên cứu thị hiếu tâm lý của khách hàng chưa để mạnh dạn dập khuôn tân cổ điển ở khắp nơi? Em tự hỏi là người Việt có nhiều tiền thực sự muốn chứng tỏ đẳng cấp ở việc sống trong những công trình tân cổ điển hay thế nào? Hay các nhà đầu tư đang áp đặt suy nghĩ, “bán” cho người mua cái ý tưởng rằng ông/bà phải ở trong dạng kiến trúc này thì mới là “đẳng cấp”? 

Tòa nhà Bảo Việt xây 2004 theo phong cách tân cổ điển, đằng trước là Thủy Tạ với phong cách phục cổ khai thác hình thức kiến trúc Trung Quốc (kiến trúc sư Võ Đức Diên thiết kế năm 1937). Khu đất tòa nhà Bảo Việt vốn rất ầm ĩ năm 1994 với dự án khách sạn Hà Nội vàng cao 10 tầng (35m), sau bị đình lại và rồi cuối cùng như hiện giờ với 7 tầng (25,3m), tức là tòa nhà khách sạn Four Seasons sắp xây cũng cao ngần ấy.

Tôi thì nhận thấy, câu hỏi “chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc đã thất bại” không còn mới gì, nó đã thua từ lâu trên toàn cầu, nhưng ở các nước phát triển, họ đi tìm các loại hình hậu hiện đại hoặc định nghĩa lại cái cũ. Còn ở Việt Nam, xu hướng thoái trào quay về phục cổ trong cơn sốt địa ốc được thổi bùng lên, có thể từ những lý do sau:

1 – Xu hướng phục cổ (retro) lên ngôi, và hình mẫu “nhà Pháp cổ” là một sở cứ chắc chắn để dựa theo. Nó lại là thứ nhập khẩu từ một nền văn hóa từng “mạnh” hơn bản địa nên ấn tượng về cái huy hoàng và vĩnh cửu vẫn đậm.

Quảng cáo du lịch Bà Nà với hình tổng thống Mỹ D.Trump và các công trình giả Pháp cổ điển của khu du lịch. Nguồn: tuannguyen.travel

2 – Retro lên ngôi vì nó cung cấp một phức cảm “tradition” dù cái truyền thống hãy còn rất gần. Ở đây tôi muốn nhắc tới lý thuyết “truyền thống được chế tạo” (invented tradition) của Hobsbawm vốn cho thấy nhiều thứ được coi là bản sắc thực tế chỉ mới được tạo ra vài mươi năm. Gần đây, những cuộc cãi cọ về trùng tu di tích, quét vôi làm mất đi sự cổ kính, thực tế đều chỉ giải quyết nhu cầu muốn định nghĩa cái cổ xưa bằng thiên kiến chủ quan.

3 – Thiết kế retro có độ an toàn về “giống mẫu” cao. Đây cũng chính là một giải pháp cho ý số 2. Vì thế một xu thế là hòa trộn cổ-cũ-xưa-tiền chiến-bao cấp thành một khối dễ lọt qua cái lưới tiêu chí có vẻ chặt chẽ nhưng mắt lưới lại quá to.

4 – Là sự phản ứng với chủ nghĩa hiện đại vốn xóa đi các đầu nối của chủ nghĩa dân tộc (nationalism). Nó cũng là sự phản ứng với chủ nghĩa xã hội vốn đặc trưng bởi các mô hình kiến trúc Xô-viết. Xét một cách chung thì chủ nghĩa xã hội cũng là một loại chủ nghĩa hiện đại, khi nó xóa nhòa các đặc tính của chủ nghĩa dân tộc lẫn thực dân.

 

Ý kiến - Thảo luận

19:47 Saturday,4.2.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Bill Gates đến Hà Nội không ở Four Seasons hơi phí vì Bill cùng một ông hoàng tử Arab đang chính là đồng sở hữu dây chuyền khách sạn này. Còn Trump mà qua thì chắc phải xây cái Trump Hotel cạnh Hồ Tây chứ không có chuyện thăm suông. :))


...xem tiếp
19:47 Saturday,4.2.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Bill Gates đến Hà Nội không ở Four Seasons hơi phí vì Bill cùng một ông hoàng tử Arab đang chính là đồng sở hữu dây chuyền khách sạn này. Còn Trump mà qua thì chắc phải xây cái Trump Hotel cạnh Hồ Tây chứ không có chuyện thăm suông. :))

 
18:49 Saturday,4.2.2017 Đăng bởi: 

Em trèo lên nóc nhà 16 Lê Thái Tổ, vốn là nhà Khai Trí Tiến Đức xưa, từ đây nhìn bao quát được Bờ Hồ và cả dãy Four Season tương lại, với Phú Gia nay đã là Apricot. Tầm nhìn có thì kiến giải có, em xin cmt thế này :
Việc xây lại để cập nhật sự tân tiến tiện nghi, cho một thế giới phẳng , là đương nhiên. Ngài Bill Gate hay ngài Trump đến Hanoi ngủ Bờ Hồ cũ
...xem tiếp

18:49 Saturday,4.2.2017 Đăng bởi: 

Em trèo lên nóc nhà 16 Lê Thái Tổ, vốn là nhà Khai Trí Tiến Đức xưa, từ đây nhìn bao quát được Bờ Hồ và cả dãy Four Season tương lại, với Phú Gia nay đã là Apricot. Tầm nhìn có thì kiến giải có, em xin cmt thế này :
Việc xây lại để cập nhật sự tân tiến tiện nghi, cho một thế giới phẳng , là đương nhiên. Ngài Bill Gate hay ngài Trump đến Hanoi ngủ Bờ Hồ cũng như ngủ Paris thôi, cùng ở Four Season đấy sáu sao đấy, không rẻ hơn và bông hoa trên bàn cafe có màu hơi lạ, và nụ cười người phục vụ răng hơi hô... đó là hương vị riêng, nhưng vẫn phải dựa trên một nền móng chuẩn. Chuẩn ớ đây đã được ghi nhận rồi, đừng cố gắng chống trả cái đương nhiên ấy nữa. Xây lối nào để cái chuẩn ấy hài hoà đan cài xâm chiến được thì xây, kiến trúc phục vụ con người xã hội khác với kiến trúc dành cho những cá thể sáng tạo.
Mong các bác kts cứ ủng hộ cho đào móng và xây nhanh chóng đi ạ, bên em đỡ bụi đỡ ồn. Và sau khi xây xong lững lừng nga nguy một toà dài ngoằng như vậy, thể nào mặt tiền chẳng chị chít các cửa tiệm cho thuê , thu về cho nhân sách thôi rồi tiền tỉ. Và thế là nhà đấu giá Lý thị sẽ về bên cạnh Chọn Auction, cafe Nhân sẽ ngay bên Cà Phê Cộng, tranh Hàng Trống bày bán cạnh tranh DC... Thế có nghĩa là thắng lợi rồi.
Vấn đề là phải rất nhanh, kẻo sau 2020 thì lứa chúng em khéo phải rút về quê chăn vịt hết, ngày ngày lắt lẻo cầu ao mà chờ những kẻ mạnh đồng bào, sẽ xây cho một niềm tin và hy vọng.
Mong lắm ...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả