Kiến trúc

Khách sạn 6 sao sát Hồ Gươm (phần 1): phá tân cổ điển để tái thuộc địa ở Bờ Hồ 24. 01. 17 - 12:47 am

Nguyễn Trương Quý

Việc khách sạn 6 sao sát Hồ Gươm có 100 phòng hạng sang mang thương hiệu Four Seasons (Canada) được khởi công ngày 17. 1. 2017 được chú ý bởi nằm trên một khu đất “vàng” nhìn thẳng ra Hồ Gươm. Theo thông tin trên VnExpress thì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam (thuộc Tập đoàn BRG) tiến hành tại khu đất trước đây là siêu thị Intimex và khu tổ hợp chạy suốt từ số nhà 22 đến 32 phố Lê Thái Tổ.

,

Ngày 8.3.2016, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đã đánh giá dự án khách sạn, có điểm chú ý: “Nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.”

Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và mầu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.” (Văn bản xem tại đây)

Đánh giá của Hội KTSVN có lẽ dựa trên phương án được in trên pano bọc mặt tiền tòa nhà này:

.

Báo VnExpress cũng đưa tin: “Phía chủ đầu tư sau đó đã làm việc với Hội Kiến trúc sư để đảm bảo vấn đề này. Giữa năm 2016, UBND TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án với yêu cầu có thiết kế hài hòa, phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận; bố trí cây xanh và chiếu sáng mặt tiền nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc…”

Tóm lại, theo đó thì vấn đề đã được xử lý xong xuôi để hôm qua công trình được khởi công với hình thức mặt tiền được công bố như trên hình này

.

So với hình vẽ trên pano dựng che mặt tiền cả hai năm nay thì bản phối cảnh đăng trên báo có thay đổi chút ít. Trước hết là chiều cao. Theo Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận của UBND TP Hà Nội thì cụm công trình này thuộc lô L7, quy định mật độ xây dựng là 80%, tầng cao trung bình là 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất là 2,14. Nhưng trên phối cảnh thì thấy ít nhất là 7 tầng.

Nếu không xét tới các quy chế về chiều cao, khối tích, thì hình thức cũng là điều gây thắc mắc khi kiến trúc đương có của ba khối nhà cũng là kiểu cổ điển Pháp, mà vốn dĩ do người Pháp xây từ vài chục năm trước (riêng khối sát cạnh khách sạn Phú Gia cũ, nay là Apricot thì đã sửa chữa gần đây), trông cũng còn khá nguyên vẹn, giờ đập đi để xây một hình thức… cổ điển mới. Hãy xem lại hình ảnh các công trình đã ở trên khu đất này từ khi người Pháp bắt đầu xây dựng ngay khi vừa tiến hành chiếm đóng Bắc Kỳ vào năm 1883.

.

Khu nhà cũ này gồm ba khối, với hình thức cơ bản là cổ điển theo phong cách kiến trúc Beaux-Arts Pháp những năm 1880, nghĩa là bê nguyên kiểu cách từ Pháp sang Hà Nội. Đây cũng là phong cách chủ đạo thời Pháp dành cho các công trình công cộng khi mới bình định Hà Nội.

Ba khối đó ngày nay gồm: số 32 Lê Thái Tổ, cách một cổng là khối số 30-28 là khách sạn Grand, lại cách một cổng nữa là khối số 26-22 cũng vẫn khách sạn Grand.

Khối nhà ở số 32 Lê Thái Tổ ngày nay, khi người Pháp mở đường lấy tên là Jules Ferry thì nó là Phòng Thương mại và Nông nghiệp. Cho đến trước khi bị quây lại để làm dự án khách sạn Four Seasons, kiến trúc cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Khối nhà (nay là số 32) này cách một cái cổng là đến hai khu nhà kế tiếp – thuộc khách sạn Grand. Khách sạn này được khánh thành tháng 11.1885 thay cho khách sạn đầu tiên của Hà Nội là dãy nhà đất ở sát bờ hồ đối diện, nhưng sau đó bị phá bỏ để làm vườn hoa. Vì thế đây cũng coi như khách sạn xưa nhất Hà Nội còn lại.

Theo mô tả của André Masson thì khách sạn Grand ngày nay xưa nằm trên phố Hàng Thêu, sau đổi là Jules Ferry (theo tên nguyên Thủ tướng Pháp), “có phòng ăn năm mươi người, phòng bi-a được nhập đầu tiên vào Hà Nội, tất cả được lắp kính và ban đêm sáng choang”, “có phòng xông hơi và tắm bằng vòi sen”. Khi quân Nhật chiếm đóng, nó trở thành trụ sở Công ty Thương mại Utra Ymada của người Nhật. Đến thời bao cấp, nó là cửa hàng Giao tế bán hàng tiêu dùng cho cán bộ cao cấp. Cán bộ từ thứ trưởng trở lên được cấp sổ (theo Nguyễn Ngọc Tiến).

Phần dãy nhà Intimex sau này, là hai khối 30-28 và 26-22 của tổ hợp nhà 3 khối cũ. Nguồn: nguoidothi.vn

Ta có thể so sánh chiều cao của dãy nhà này thời Pháp với các công trình quanh Hồ Gươm khi nhìn từ bên kia hồ sang: dãy nhà khách sạn Grand ở rìa bên trái, rồi đến dãy nhà nay là khách sạn Apricot, Nhà thờ Lớn và Tháp Rùa ở giữa.

.

 

Qua vài lần sửa chữa cho đến trước khi đóng cửa hoàn toàn, 2014. Nguồn: cafef.vcmedia.vn

 

Sân khấu Hồ Gươm Xanh, quán cà phê I-Box thời còn hoạt động. Nguồn: diadiem.com, vietnamnet.vn.

 

Hình ảnh cho thấy kiến trúc nguyên dạng so với kiến trúc năm 1885. Rõ ràng cho đến khi vũ trường Hồ Gươm Xanh được mở ở đây, cùng một số quán cà phê thời thượng như I-box, thì kiến trúc vẫn giữ nguyên. Nguồn: vietnamnet.vn

Đến đây, vấn đề là tại sao người ta lại có thể dễ dàng đập bỏ một loại kiến trúc tân cổ điển (Neoclassical) – cho là kiến trúc thực dân đi – thay bằng một kiến trúc cổ điển hồi phục (New Classical)? Tại sao năm 2017 rồi mà vẫn lại đập đi một thứ kiến trúc Pháp tạm coi là xịn để thay bằng thứ kiến trúc giả Pháp nhìn to thô lố, chỉ có mỗi một mặt đứng như tấm bìa đang dựng mai kia hiện thực hóa mà thôi. Nó vừa yếu đuối vừa bệnh tật, như một sự dai dẳng của liều kháng sinh hậu thuộc địa mãi không thuyên giảm. Cho dù nhà thiết kế có cố gắng lùi cái khối cao tầng vào và trồng đủ thứ cây lên cái sân trời đằng trước thì cũng chẳng giảm được cái sự thật xôi thịt.

Ở bài tiếp theo là một cuộc trao đổi nho nhỏ giữa tôi và một bạn nghiên cứu về vấn đề di sản văn hóa giáo dục thời hậu thuộc địa Pháp tại Đông Dương.

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả