Vì sao “Tiết nguyên đán” thì chỉ nên nghỉ một ngày như với Tết dương lịch hiện nay? Vì:
1. Hiện nay với lịch mặt trăng tức âm lịch, ta sử dụng thường chỉ với ngày giỗ chạp, xem cưới hỏi tang ma, ngày sinh để xem tử vi tướng số kiểu Tàu và tính ngày lễ hội theo “gánh nặng truyền thống”, chứ không dùng trong việc sống thường ngày của cả chính phủ, công chức, dân buôn, dân kỹ thuật, lẫn nông dân. Người nông dân xưa ngoài “nước phân cần giống” còn trợn mắt lên mà “trông trời trông đất trông mây”. Nhầm một cái, chậm nhanh một cái là mất mùa đói lồi mắt ra. Còn người nông dân ngày nay thì ngoài “nước phân cần giống ra thì còn hai yếu tố nữa là “đài, sâu” nên cũng chẳng lo (đài là nghe đài, xem ti vi dự báo thời tiết; sâu là phun thuốc trừ sâu). Giống lúa cũng dịch từ 6 tháng thành 3 tháng một vụ, nên cái “nông lịch” cũ họ cũng không còn mấy quan tâm.
Trần Văn Cẩn, “Tát nước đồng chiêm”, sơn mài. Nguồn từ trang này
Tức là chỉ khổ cho con người Việt hiện đại nay bị sống trong hai loại thời gian: đa phần sinh hoạt, đi làm đi học, tức một đời sống phụ thuộc thực sự vào những ngày lịch đó – thì theo lịch mặt trời “của Tây”. Còn cúng bái, giỗ chạp, lễ tiết phần tâm linh và tâm linh tinh – một đời sống “âm” không phụ thuộc thực sự vào những ngày lịch đó – thì theo lịch mặt trăng “của Tàu”. Rất mệt mỏi vì tâm hồn cũng bị chia ra hai nửa.
Thế nên việc chuyển sang ăn cái ngày Tết dương cho người sống là đúng, còn lịch kia chỉ nên là phụ, là cho việc “âm”, cho người chết, cho “truyền thống”… Dưng mà, những ngày Tết là những ngày “điên rồ kỳ dị” cả mấy chục triệu người xao xác nhao nhác”, có cái thú vị, cũng có cái không thú vị lắm như là xem tin tức về số người chết vì ngộ độc rượu cồn, hoặc tai nạn giao thông. Những lý do về kinh tế học thì đã có các chuyên gia như bà Phạm Chi Lan và các bạn hải ngoại, tôi không kể nữa.
2. Tết dương lịch vẫn trùng vào thời gian hai tháng quá độ mùa đông Một, Chạp của lịch âm, nên ăn tết bất kỳ ngày nào vào thời gian này luôn là hợp lý. Tôi ở Tây Bắc bốn năm, quan sát đào rừng Tây Bắc, là đào tự nhiên trong rừng, luôn nở vào dịp tết Dương lịch, đến Tết âm lịch là tàn. Bà con Tây Bắc (người Mông, người Hà Nhì) cũng thường đón tết vào dịp này, sớm hơn Tết âm lịch một tháng, tức là trùng vào khoảng thời gian Tết dương lịch.
3. Dân tộc nào trình độ phát triển văn minh một chút đều có lịch của riêng dân tộc ấy. Người bản địa ở đất Việt Nam, tức là phần lớn phía Bắc Việt Nam, là người Mường (nhóm Việt-Mường) và người Thái. Người Mường cũng tự tính ra được lịch riêng của nhóm Việt Mường, và nếu xét ra thì ăn theo Tết cổ truyền nhất của người Việt Mường trên mảnh đất này thì đó mới là đúng văn hóa, đúng truyền thống và thật là cảm động nếu xét theo ý nghĩa nhân văn!!! (đề nghị đọc thêm ở đây)
4. Tất cả những thứ truyền thống tâm lý mà nay đa số người Việt hiện sinh coi như là trong gốc rễ, ví dụ Tiết nguyên đán và các sự “ăn tiết” hàng tháng của người Trung Hoa nói chung, mới chỉ ăn chắc vào Việt Nam trong khoảng non năm trăm năm nay mà thôi. Cuộc Hán hóa toàn diện mới bắt đầu từ thời Hậu Lê chứ không phải thời Bắc thuộc đâu, sau khi cụ Lê Lợi người Mường uýnh bỏ quân Minh về nhà họ. Các con cháu cụ sáng láng kế thừa như cụ Lê Thánh Tông chẳng hạn, lôi luôn nền tư tưởng và hành chính Nho giáo tam cương ngũ thường thường… về để nhằm củng cố vững chắc chế độ quân chủ chuyên chế.
Oải cái là, sau mỗi lần thống nhất đất nước, do chống Tàu hoặc do uýnh lẫn nhau, thì việc lệ thuộc lại nặng hơn về văn minh Nho giáo, lễ tiết khoa cử lằng nhằng áp nguyên từ Tàu. Đó là cái việc “chuốc vào khổ dân” từ cái mô hình hành chính Khổng giáo của các vị vua đầu triều Hậu Lê và đầu triều Nguyễn đã làm. Mục đích đầu tiên thì cũng chỉ để dòng họ nhà họ nắm quyền bền vững. Nhưng than ôi, vua Lê hưởng quyền một lúc thì lại gặp chúa Trịnh. Vua Nguyễn hưởng quyền thống nhất đất nước một lúc thì lại gặp anh Pháp, khổ thế…
Sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Nguồn từ trang này
5. Hồi tôi còn sinh viên trong trường Mỹ thuật, khoảng năm 97, 98 gì đó, có một bạn gái người Nhật ở đảo Cửu Châu (Kyushu) thích sơn mài Việt nên đăng ký làm sinh viên nước ngoài hiếm hoi sang Việt Nam học. Bạn tên là Emi Okubo, dịch ra tiếng Hán Việt là: Đại-Cửu-Bảo-Hội-Mỹ. Một ngày Tết dương lịch, được nghỉ học một ngày như thường lệ, tôi đi chơi đâu đó về, thấy bạn gái Nhật đang ngồi thơ thẩn giữa vườn trường, lông mày dài quành mắt, mắt một mí lông mi cũng dài như mắt phượng, mặt dài, chân ngắn lưng dài, da trắng gần như tuyết đúng kiểu người Nhật thuần chủng, đang buồn bã. Tôi ghé vào hỏi chuyện, tại sao em buồn thế, Ê-mi ta bảo, em nhớ nhà, hôm nay là ngày tết ở nước em. Tôi hỏi, thế à, Tết dương chứ có phải Tết cổ truyền đâu. Ê-mi nói, à người Nhật nhà em đổi ăn Tết âm theo Tàu sang ăn Tết dương theo Tây cả trăm năm nay rồi. Ngày này là cả họ nhà em sum họp, ôi em nhớ bố mẹ em quá, đại khái thế…
Những người bàn chuyện đổi việc ăn tết “ta” sang ăn tết “tây” hay lấy người Nhật làm ví dụ. Người Nhật muốn “thoát Trung” từ rất sớm, khi nhận ra sự tiến bộ, sức mạnh nguy hiểm của văn minh phương Tây, nên họ bỏ ăn Tết âm lịch từ lâu mà đổi sang ăn Tết dương lịch.
Tuy việc đổi ngày, đổi lịch sống cũng chỉ là “tấm áo thầy tu”, nhưng con người là một giống động vật kỳ lạ, khi quỷ mặc áo thầy tu, quỷ cũng tử tế ra đôi phần. Và ngược lại, khi thầy tu mặc áo quỷ, thầy tu cũng sinh ra vài phân mưu chước bố láo. Sống ở một không gian bừa bãi, cẩu thả, thì người nguyên tắc nề nếp đến mấy cũng sinh ra bừa bãi, cẩu thả, gây bẩn cho nó khoái. Còn khi sống ở một không gian quá sạch sẽ, bóng loáng, thì người cẩu thả bừa bãi đến mấy cũng tự nhiên sinh ra… sạch thành bệnh.
Người Nhật có một đặc điểm dân tộc khác hẳn dân ta. Dân ta học cái gì là học nửa mùa, vừa học vừa thêm thắt xuyên tạc ngay trong quá trình học. Còn người Nhật thì khác hẳn (trong một quyển sách của một học giả có tiếng của Nhật tự nhìn nhận về họ, tôi đọc từ hồi sinh viên đã lâu, quên cả tên tác giả lẫn tên sách) khi họ học cái gì mới đầu bao giờ cũng là quá yêu, thiên tả, máy móc, dập khuôn. Nhưng sau khi họ học xong, học kỹ rồi thì họ quay trở lại là chính họ, bỏ đi những cái dở, cái không hợp từ việc học người khác, giữ lại cái hay, cái văn minh của người khác để bồi bổ cho cái hay, cái văn minh, cái khác biệt của riêng họ.
“Phụ nữ ăn mặc như người dạy khỉ cho một điệu múa mừng Năm Mới,” tranh của Utagawa Toyokuni (Nhật), khoảng 1800. Tranh từ Wikipedia
Câu hỏi đơn giản nêu lên là: Chúng ta có giữ được truyền thống, mà vẫn hiện đại bậc nhất giỏi như người Nhật không? Ngày xưa, các cụ Việt ta không đặt ra khái niệm “thoát Trung”, hay “bài Trung” như bây giờ. Quan điểm của các cụ ta là chống kịch liệt về áp đặt chính trị, nhưng tiếp thu bằng hết “văn minh nhà nó”, nhưng nhiều khi chẳng tiếp thụ được hết “văn minh nhà nó” mà còn bảo hoàng hơn vua, hoặc vừa dập khuôn cái này, lại vừa xuyên tạc cái kia.
Họ học tử tế, bài bản còn người Việt mình thì ... Mình vẫn nhớ khi người bạn TQ hỏi mình VN có tết Trung thu không, mình buộc lòng phải trả lời là cũng có như TQ, nhưng chủ yếu là trẻ con chơi thôi chứ không có ý nghĩa gia đình đoàn viên như TQ .
Nói chung bi kịch của người Việt hiện nay là họ không nhận thức được bản sắc của mình, vừa muốn chối bỏ nó l ...xem tiếp
23:22Thursday,9.2.2017Đăng bởi: ABC
Họ học tử tế, bài bản còn người Việt mình thì ... Mình vẫn nhớ khi người bạn TQ hỏi mình VN có tết Trung thu không, mình buộc lòng phải trả lời là cũng có như TQ, nhưng chủ yếu là trẻ con chơi thôi chứ không có ý nghĩa gia đình đoàn viên như TQ .
Nói chung bi kịch của người Việt hiện nay là họ không nhận thức được bản sắc của mình, vừa muốn chối bỏ nó lại vừa muốn bám vào nó để vươn lên.
19:56Thursday,9.2.2017Đăng bởi: Candid
Hàn quốc không bỏ Tết Âm nhưng phát triển cũng kha khá. Liệu Bắc Triều có nên bỏ âm lịch? ...xem tiếp
19:56Thursday,9.2.2017Đăng bởi: Candid
Hàn quốc không bỏ Tết Âm nhưng phát triển cũng kha khá. Liệu Bắc Triều có nên bỏ âm lịch?
Nói chung bi kịch của người Việt hiện nay là họ không nhận thức được bản sắc của mình, vừa muốn chối bỏ nó l
...xem tiếp