Trường phái

Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha 20. 02. 17 - 10:57 pm

Hieniemic

Tiếp tục chủ đề “anh đào đêm”, kỳ này mời các bạn xem thêm hai bức:

1. “Anh đào đêm ở Yoshiwara” của Utagawa Kuniyoshi

Kuniyoshi cũng là một bậc thầy ukiyo-e, cùng thời (sinh cùng năm) với Hiroshige, thuộc cùng họa phái Utagawa, là thầy của Yoshitoshi (là ông vẽ trăng).

Khác với Hiroshige chuyên về phong cảnh, hay Yoshitoshi thiên về yếu tố tự sự, Kuniyoshi đặc tả về phục trang và nhân vật.

Chủ đề chính yếu của Kuniyoshi là võ sĩ. Ông vẽ rất nhiều tranh samurai, về tuồng xưa tích cũ, thần thoại, về các trận đánh lịch sử. Ông cũng vẽ nhiều tranh phụ nữ, mỹ nhân, hay các nhân vật nữ trong truyền thuyết.

Utagawa Kuniyoshi, “Vui tuyết đầu mùa” (1847-52), thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Boston

Trang phục trong tranh của ông rất chi tiết và cầu kỳ, đôi khi lên đến mức bất thường. Tuy vậy, đó lại là thị hiếu thẩm mĩ của thị dân Edo thế kỷ 18 (thể hiện rõ nét nhất qua phục trang của kịch Kabuki), phô trương và màu mè, tuy rõ ràng rất mang tính kịch, nhưng lại đẹp và hài hòa, không mang vẻ kệch cỡm.

Utagawa Kuniyoshi, “Anh đào đêm ở Yoshiwara”

Bức tranh trên là một ví dụ. Mang tiếng là tranh “anh đào đêm” song nhân vật chính lại là các cô “anh đào” di động xiêm áo sặc sỡ bên dưới cành hoa. Ba cô này trông có vẻ đều là oiran cả. Cô ở giữa có lẽ là chị đại, có áo (hay khăn?) hình hổ, lại đội cả đống trâm trên đầu. Còn cô bên trái thì lại không rõ là đội hay búi tóc kiểu gì mà nhìn giống như chùm nho.

Chi tiết ba kiểu đầu

 

2. “Cảnh anh đào đêm ở Tân Yoshiwara” của Inoue Yasuji

Đây là tranh thời Minh Trị, khác với hai bức trên là Yoshiwara thời Edo. Tân Yoshiwara thật ra cũng chính là khu Yoshiwara mà thôi. Còn Yoshiwara cũ thì lại là một khu khác, vốn đã bị cháy từ thế kỷ 17.

.

Ta thấy nét hiện đại hóa cuối thế kỷ 19 đã hiện rõ trong tranh. Nhà trên phố đã sáng đèn điện. Tuy vậy, bên ngoài vẫn còn đèn lồng.

Chi tiết người trên phố với áo quần đã hiện đại

Màu tranh không cho ta thấy rõ sắc hoa anh đào, song ta vẫn nhận ra dáng hoa đang nở. Lại còn một chiếc xe kéo tay rất “ngựa người người ngựa”.

Chi tiết xe kéo của thời “hiện đại hóa”

*

Phụ lục:

Về Geisha

Trong hai bài qua chúng ta chỉ toàn nghe đến từ oiran. Thế khác gì với Geisha?

Geisha là từ mà ai cũng bật lên trong đầu khi nghe nói về “kỹ nữ Nhật Bản”. Thế nhưng, nhiều sách du lịch của Tây khi viết về Nhật đã phải nhắc đi nhắc lại: geisha không phải gái điếm (nhẽ sợ khách đi vòi vĩnh các cô?). Vậy geisha là như thế nào?

Thời xưa có những cô gái hát hay, múa giỏi, biết đánh đàn, thường được gọi đến nhà các quý tộc để biểu diễn (dịch vụ này có từ thời xa xưa, trước cả khi thị dân phát triển rất lâu). Các cô này gọi là odoriko (dịch là con múa, tương tự như con hát trong tiếng Việt). Dĩ nhiên nếu các cô này đẹp thì sẽ được quý tộc mua thêm dịch vụ ngủ cùng.

Khi các khu “phố vui” phát triển vào thời Edo, các cô này trở thành các oiran như nói ở bài trước. Nhiều cô kĩ nữ cấp thấp hơn, cũng hát hay múa giỏi, nhưng không có địa vị cao để làm oiran, thì tự gọi mình là geisha (nghệ giả, theo tên gọi những nghệ sĩ nam giới chuyên phục vụ mua vui cho giới nhà giàu).

Tuy nhiên, khi nói tới geisha, người ta nhắc đến Ngũ hoa nhai (Gokagai), năm khu phố hoa, ở Kyoto, chứ không nói đến Yoshiwara ở Edo. Hai khu phố hoa nổi tiếng nhất là Gion và Ponto-chō, với rất nhiều kỹ phường đào tạo maiko (cũng có nghĩa là con múa, từ này dành riêng cho geisha tập sự ở Kyoto).

Tranh của Tsuchiya Kōitsu vẽ ba geisha ở trà quán.

 

Chi tiết hai cô dưới nhà

 

Chi tiết một cô trên gác với dáng đầu duyên dáng

Dần dần, geisha tách riêng ra thành một giới kĩ nữ thuần túy kĩ, không có dịch vụ đi kèm về đêm. Các cô geisha sẽ phục vụ trong các trà quán, còn ai muốn dịch vụ thêm thì vào thanh lâu (seirō). Đến sau Thế chiến thì chính quyền mới của Nhật(–Mỹ) cấm mại dâm, nên dù muốn dù không, geisha cũng chỉ được phục vụ nghệ thuật thuần túy. Còn các thể loại biến tướng trá hình (ví dụ soapland) thì là một câu chuyện khác.

 

*

Tranh cổ Nhật Bản:

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”

- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”

- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha

- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về

- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii

- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui

- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa

Ý kiến - Thảo luận

14:01 Thursday,23.2.2017 Đăng bởi:  dilletant

Bài hay ạ. Văn phong duyên dáng như mái đầu của cô geisha trén gác (hồi trẻ cũng có khi mình từng ngơ ngẩn như thế khi rơi vào cảnh tương tự). VN xưa có câu lấy vợ Nhật, ở nhà Tây, ăn cơm Tàu (dilettant không cho câu này đúng cả, chỉ trích để các anh chị liên tưởng một tẹo).


...xem tiếp
14:01 Thursday,23.2.2017 Đăng bởi:  dilletant

Bài hay ạ. Văn phong duyên dáng như mái đầu của cô geisha trén gác (hồi trẻ cũng có khi mình từng ngơ ngẩn như thế khi rơi vào cảnh tương tự). VN xưa có câu lấy vợ Nhật, ở nhà Tây, ăn cơm Tàu (dilettant không cho câu này đúng cả, chỉ trích để các anh chị liên tưởng một tẹo).

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói qua một tí về múa vậy

Nghệ sĩ Trần Lương

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả