Đi & Ở

Ngày 4 Myanmar: những nhà sư ở Salay 28. 02. 17 - 6:42 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo ngày 1, ngày 2, và ngày 3)

Các chú tiểu đi khất thực. Hình từ trang này 

Xem xong tu viện, ra đường mới để ý sư. Quả là có nhiều loại sư khác nhau. Có sư sung túc rõ ràng, béo tròn múp gáy, chân đi phăm phăm, tay cầm iphone, nhởn nhơ chụp ảnh selfie. Lại có sư gày gò, lưng còng tay run, vẻ mặt sầu thảm.

Thông thường, sư chỉ khất thực buổi sáng, vì chỉ dùng một bữa ngọ trai. Thế nhưng đến chiều vẫn thấy nhiều sư bưng bát đi xin, chẳng biết có phải vì xin mãi chưa đủ bữa, hay là phá giới ăn cả hai bữa chính.

Ở Luang Phrabang, quen thấy hình ảnh những đoàn sư đi thành hàng, trang nghiêm, im lặng, xuất hành khỏi tu viện từ lúc tờ mờ sáng, bước đi thoăn thoắt. Hai bên đường, phật tử quỳ rạp, hai tay nâng đồ cúng dường, xôi, oản, thức chay. Sư nào xin đủ thì đóng bát không lấy nữa. Hết giờ khất thực, đoàn sư lại về chùa và không xuất hiện nữa. Thế nhưng ở Myanmar, sư đi lang thang, ngồi lê la ngoài đường cả ngày, quần áo xộc xệch. Sư đi khất thực, vào quán xá, không mấy người cho, cũng không ai chắp tay chào hỏi. Có người cho cơm, thức ăn, nhưng đa số cho tiền lẻ. Sư cầm một nắm tiền trong tay, thỉnh thoảng lại giở ra đếm, chẳng khác gì ăn mày. Thỉnh thoảng thấy có ông sư, sau khi người ta bố thí, sư hỏi muốn cầu cúng gì. Người kia nói nguyện vọng, sư bèn nhắm mắt tụng một đoạn kinh đó, cũng còn là có dịch vụ hữu ích.

Ảnh từ trang này 

Nếu ngắm kỹ bề ngoài, thì có thể nói các chú tiểu nhỏ, dưới 20 tuổi thường cực kỳ đẹp đẽ, dễ thương. Các chú đều có thân hình mảnh mai, dáng thẳng tắp, được tôn lên rất nhiều nhờ bộ cà sa đỏ vắt lệch một bên. Những khuôn mặt thông minh mà vẫn ngây thơ, mắt sáng, tai to. Đặc biệt đại đa số có khuôn mặt rất giống tượng Phật trên chùa Myanmar: mặt thanh, trái xoan, nhẵn nhụi, không lưỡng quyền nổi, không có má phính, cằm xệ, trán lồi, mắt lộ. Tóm lại là những khuôn mặt rất thanh, không có cảm giác vương chút bụi trần, y như tượng. Thế nhưng đa số sư đã đứng tuổi, cho dù sư béo hay sư gày, thì thường có lộ vẻ xôi thịt hoặc u tối. Có một nét mà phải công nhận là đa số sư vẫn giữ được là cái dáng người thẳng thớm hơn người thường.

Các chú tiểu. Ảnh từ trang này 

Ngoài đường, thường thấy chăng pano quảng cáo những vị cao tăng chuẩn bị đăng đàn giảng pháp ở đâu đó. Trông các vị này thường gớm chết. Và chúng tôi đã một lần được mục kích một buổi đăng đàn ngoài phố ở Yangon. Cả một con phố dài tít tắp chăng đèn thắp nến rực rỡ, được ngăn lại thành giảng đường. Sư ngồi trên ngai vàng ở một đầu xa tít. Từ chỗ sư, hai hàng đèn nến lung linh chạy dài cả trăm mét mới đến chỗ người dân ngồi nghe. Dân ngồi bệt khắt mặt phố. Hai bên vỉa hè một đoạn lại có màn hình chiếu hình sư đang giảng và loa phóng lời của sư. Cảm giác như họ đang muốn tái hiện cảnh Phật tổ truyền giảng cho chúng sinh từ trên đỉnh cung Linh Thứu.

*

Ngày 5: câu chuyện quý phái và buồn của sơn mài Myanmar

*

Về Myanmar:

- Ngày 1 Myanmar: Bagan – xem thiêu thân nữ đợi mặt trời mọc

- Ngày 2 Myanmar: Bagan – như gặp muôn bạn Phật trong ngày tựu trường

- Ngày 3 Myanmar: Tu viện ở Salay – nơi nhà vàng, nơi ổ ăn mày

- Ngày 4 Myanmar: những nhà sư ở Salay

- Ngày 5 Myanmar: câu chuyện quý phái và buồn của sơn mài Myanmar

- Ngày 6 Myanmar: curry đâu cũng gặp, ăn trầu cứ sợ nôn

Ý kiến - Thảo luận

9:59 Tuesday,28.2.2017 Đăng bởi:  ABC
Dường như người dân ở các nước Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan ... họ có một niềm tin tâm linh theo Phật tuyệt đối, chân thành còn đạo Phật truyền qua ngả Trung Quốc lại nặng về suy nghiệm, chứng đắc hơn thì phải ? Vì chân thành, ngây thơ theo kiểu đại chúng nên theo thời gian, niềm tin ấy dễ bị dòng đời xô lệch.
...xem tiếp
9:59 Tuesday,28.2.2017 Đăng bởi:  ABC
Dường như người dân ở các nước Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan ... họ có một niềm tin tâm linh theo Phật tuyệt đối, chân thành còn đạo Phật truyền qua ngả Trung Quốc lại nặng về suy nghiệm, chứng đắc hơn thì phải ? Vì chân thành, ngây thơ theo kiểu đại chúng nên theo thời gian, niềm tin ấy dễ bị dòng đời xô lệch. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả