Tạp hóa - Xã hội

Vì có kẻ nhởn nhơ, vì nhân dân không phải là tòa án 14. 03. 17 - 9:24 pm

Phạm Tuấn Anh

Mình có viết một status tỏ ý ủng hộ cộng đồng gây sức ép và dư luận đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra các nghi phạm ấu dâm đã bị tố giác mà chưa bị điều tra. Khi viết mình không có ý đưa ra một quan điểm đối chọi, lên án gì những bạn có quan điểm ngược lại.

Mình thực ra là thích cách nhiều bạn quen trên Facebook phân tích sự vụ theo nguyên tắc cao thượng ai cũng vô tội cho tới khi bị (tòa án) kết tội. Nhiều bạn viết những bài phân tích hùng hồn, nhiệt huyết, đầy cảm xúc như tiếng kêu xé lòng bênh vực cho những nghi phạm bị phát tán hình ảnh và thông tin cá nhân.

Về nguyên tắc mình đồng ý với các bạn đó, nên khi viết status bày tỏ quan điểm của mình là hoàn cảnh chúng ta đang phân tích không phải là một ví dụ tốt minh họa cho nguyên tắc cao cả mà các bạn đề ra, mình cũng không lựa chọn lời lẽ cẩn thận hay lý lẽ chặt chẽ nhất có thể được.

Nói chung mình ủng hộ quyền được nói của cả hai bên. Những tranh luận công cộng thế này làm mình càng vững tin vào vai trò của FB và mạng xã hội trong tiến trình dân chủ hóa văn hóa và chính trị Việt Nam. Dù đồng ý hay không với các bạn mình cũng rất thích.

Minh họa của Lisa Payne

Nhân dân không phải là tòa, nên…

Một điểm mình để ý thấy dường như tất cả các bạn phản đối công khai thông tin nghi phạm đều vướng phải là việc họ đồng nhất cách cộng đồng phát tán thông tin nghi phạm với việc cộng đồng kết tội nghi phạm. Nguyên tắc phát biểu là ai cũng vô tội cho tới khi bị tòa kết tội. Nguyên tắc này trong hình hài nguyên thủy áp dụng trước hết ở tòa để đảm bảo người bị buộc tội được hưởng lợi tối đa trong trường hợp bên công tố không thể chứng minh được việc người đó phạm tội.

Nguyên tắc này nói chung không được áp dụng cho quần chúng nhân dân, do nhân dân nói chung không có năng lực để kết án ai. Nhân dân do không phải là tòa nên không bị trói buộc bởi nguyên tắc nghiêm khắc đề ra ở trên. Nhân dân vì thế có thể bày tỏ quan điểm của người ta về việc một nghi phạm là thủ phạm hay vô tội tùy thích. Khi nhân dân bày tỏ quan điểm ai đó là thủ phạm thì việc này không thể bị coi là nhân dân đang kết tội nghi phạm theo cách nói chặt chẽ của luật pháp; tương tự khi nhân dân bày tỏ quan điểm rằng một người bị kết án oan chúng ta cũng không thể đồng nhất việc đó với việc nhân dân đang tha tội cho thủ phạm. Pháp luật là công cụ thi hành công lý mà nhân dân trao vào tay nhà nước và muôn đời trước cũng như muôn đời sau nhân dân luôn có quyền bày tỏ quan điểm về cách nhà nước sử dụng công cụ này.

Theo ý mình, người quan sát không cần áp đặt một đòi hỏi quá chặt chẽ về luật pháp khi nhận xét về cách dư luận thảo luận về các sự vụ như vụ những kẻ ấu dâm. Nếu họ làm thế mình cho rằng họ có phần ngây thơ khi cho rằng (1) nhân dân đang kết tội; và (2) pháp luật sẽ làm đúng như nhân dân đòi hỏi.

Nguyên tắc chứng minh có tội chỉ được áp dụng tại tòa, sau đó có thể được một số cơ quan báo chí, truyền thông, cá nhân tiến bộ tự nguyện áp dụng, nhưng nó không phải là nguyên tắc mà dư luận xã hội bị buộc phải tuân theo.

Hí họa của Gina Vivinetto

Các cá nhân tiến bộ không nên bất mãn quá làm gì với cách dư luận xã hội bày tỏ ý nguyện của nó về hệ quả công lý, do họ cần hiểu biết là một tòa án có năng lực đầy đủ vẫn thực hiện đầy đủ quy trình tố tụng mà không quan tâm để dư luận xã hội định hướng cách luận tội và kết tội.

Vì tòa lè phè nên nhân dân phải nói?

Về một mặt khác, dư luận xã hội có thể hàm chứa nhiều cảm xúc hơn lý trí nhưng nó cũng có vai trò tích cực nâng cao nhận thức về một vấn đề đang gây bức xúc. Nhiệm vụ của nhà nước là có phản hồi cho đòi hỏi chính đáng của người dân. Các vụ phạm tội ấu dâm gây ra làn sóng phẫn nộ rộng khắp như thế không phải do người dân ngu ngơ dễ bị định hướng mà là do đã đến lúc nhận thức về một vấn đề trước đây bị xem nhẹ đã bắt đầu được nâng cao. Trong những trường hợp như các nghi phạm phạm tội ấu dâm này, việc yêu cầu người dân khi chia sẻ thông tin cần xóa mặt, viết tắt tên nghe có vẻ là cao thượng, có lý hơn nhưng theo mình không giải quyết được đến tận cùng của vấn đề làm các bạn tinh hoa bức xúc. Yêu cầu pháp luật điều tra NTD ở VT với ảnh mặt bị làm nhòa đi là làm khổ thêm các NTD khác ở VT chứ không bảo vệ được hữu hiệu sự riêng tư của các nghi phạm đó.

Tình huống tối ưu là ngay khi có đơn thư tố cáo vụ việc, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào việc ngay khi các bằng chứng còn đang chưa bị hủy hoại. Rõ ràng việc người dân bức xúc có lý do là do pháp luật đã lè phè. Ở Mỹ nơi nguyên tắc vô tội tới khi kết tội được tôn trọng thì ngay lập tức khi có đơn trình báo của gia đình thì kẻ bị tố cáo sẽ bị tống giam phục vụ điều tra chứ không được cho sống nhởn nhơ ở ngoài như đã xảy ra ở ta.

Hí họa từ trang này http://www.commonsenseevaluation.com/2013/05/30/cartoon-of-the-day-the-holder-investigation/#sthash.xSvrG03k.dpbs

Việc người dân chia sẻ thông tin về nghi phạm có lỗi trực tiếp là việc pháp luật không phản ứng ngay, nay chúng ta cũng không thể đòi người dân không chia sẻ thông tin cho tới khi pháp luật kết tội.

*

Nguồn: Từ Fb của Phạm Tuấn Anh

Ý kiến - Thảo luận

6:02 Wednesday,15.3.2017 Đăng bởi:  Candid
Nếu như vụ này ngày 12/3 công an bắt kẻ khốn nạn này thì làm gì có vụ 13/3.
...xem tiếp
6:02 Wednesday,15.3.2017 Đăng bởi:  Candid
Nếu như vụ này ngày 12/3 công an bắt kẻ khốn nạn này thì làm gì có vụ 13/3.  
23:54 Tuesday,14.3.2017 Đăng bởi:  Katty
Không có nút like trên Soi nhỉ!!
...xem tiếp
23:54 Tuesday,14.3.2017 Đăng bởi:  Katty
Không có nút like trên Soi nhỉ!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả