Thiết kế

Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền 22. 03. 17 - 6:44 am

Đặng Thái tổng hợp và ghi chép. Ảnh: Đặng Thái

.

Vậy là đã “nửa thập kỷ” từ ngày mình đi Hàn Quốc, xem các quốc bảo của họ và cũng là lúc Việt Nam bắt đầu công nhận các “bảo vật quốc gia”. Đến hai năm trở lại đây, khi Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam thúc đẩy để ký thêm liền ba quyết định, nâng tổng số bảo vật quốc gia lên 118, thì truyền thông và công chúng mới bắt đầu quan tâm đến những vật này.

Tuy nhiên nước mình làm cái gì cũng không đến đầu đến đũa, tất cả các nước Đông Á họ đều đánh số lần lượt các quốc bảo từ 1 trở đi, rất dễ gọi, rất ngắn gọn, còn Việt Nam không có đánh số nên lung tung cả, bản thân mình đành nghĩ ra cách gọi theo đợt được công nhận (hiện có 5 đợt) và số thứ tự trong mỗi đợt vậy. Lại còn “truyền thống” thích đặt những cái tên dài lòng thòng khó viết như “bảo vật quốc gia” để cuối cùng báo chí lại viết tắt thành “bờ vờ quờ gờ” (BVQG), nhẽ ra dùng “quốc bảo” thì có phải vừa súc tích, vừa theo tiêu chuẩn quốc tế không (Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc đều dùng “quốc bảo”).

Các bảo vật quốc gia được công nhận đã được vài năm, đơn vị lưu trữ nhiều nhất chính là Bảo tàng lịch sử quốc gia (18 bảo vật), nhưng đến gần đây mới có triển lãm trưng bày các cổ vật quý giá này. Trưng bày đặc biệt Bảo vật quốc gia Việt Nam (tại Bảo tàng lịch sử quốc gia) có 15 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia đang lưu trữ tại bảo tàng (chưa tính 2 cái đặt ngoài trời, 1 cái đi Đức), trong đó 11 cái được trưng bày hằng ngày nhưng cũng có 7 cái chỉ dịp này mới đem ra.

Bảo tàng lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Bảo tàng lịch sử quốc gia được hợp nhất từ Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Thú thực là mình cũng chưa vào Bảo tàng Cách mạng bao giờ! Ảnh toàn bài: Đặng Thái

Năm ngoái mình có đi xem triển lãm linh vật và đã góp ý một chút với bảo tàng, cũng như trong phần comment với anh Hữu Vy (có lẽ là cán bộ bảo tàng) về việc trưng bày các Bảo vật quốc gia. Tuy là người ngoại đạo, nhưng lại khá thích thú với những báu vật nằm rải rác ở khắp mọi miền đất nước này, nên nghe hơi nồi chõ có trưng bày là mình đi xem ngay.

Đầu tiên là những đồ đồng Đông Sơn quý giá, có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng cổ đại (tất cả các phần trong dấu ngoặc kép là chú thích của Bảo tàng).

Bảo vật quốc gia số 5 – đợt 1: “Cây đèn đồng hình người quỳ. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm. Dài 30cm, Rộng 27cm, Cao 40cm.”

“Nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse khai quật tại khu mộ gạch cổ Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa năm 1935.” Cây đèn này quý ở chỗ nó là hiện vật duy nhất cho đến nay được tìm thấy có tạo dáng hình người quỳ. Nếu xét về mặt đồ gia dụng thì phải nói là một món đồ nội thất rất cầu kỳ và đắt tiền. Các phim cổ trang của ta gần đây rất hay dùng bản sao của cây đèn này đặt vào hậu cảnh, trong cung vua phủ chúa. Nói về bản sao, khách tham quan hẳn sẽ băn khoăn ghê gớm khi chỉ quá bộ thêm một chút vào phần trưng bày thường xuyên sẽ bắt gặp một… cây đèn “quốc bảo” nữa!

Một cây đèn nữa vẫn trưng bày thường xuyên với chú thích y hệt nhưng có dán nhãn “Bảo vật quốc gia”.

So với năm ngoái thì năm nay Bảo vật quốc gia đã được dán thêm một cái nhãn màu vàng “Bảo vật quốc gia – Viet Nam National Treasure” nhưng có đến hai cái đèn thì thật là kì cục, chẳng cái nào chịu nhận là “bản sao”. Cây đèn ở phần trưng bày thường xuyên này có lẽ là… hàng nhái. Quả là thật giả khó lường vì cây đèn này lại có đủ ba chạc, nhưng cái đĩa đèn thì bị mẻ.

Bảo vật quốc gia số 4 – đợt 1: “Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm. Rộng 9,5cm.Cao 8,5cm.”

“Do Louis Pajot khai quật tại di tích khảo cổ học Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm 1929.” Mọi lần mình chỉ nhìn thấy nó bé xíu trong tủ kính, đặt cạnh cái đèn giả nói trên nên không bao giờ chú ý và ngạc nhiên lắm khi được xếp hạng là quốc bảo. Bây giờ được nhìn rõ mới thấy đúng là tuyệt tác của nghệ sĩ thời cổ. Từng cái chân, cái tay đều rõ ràng, nếu nặn bằng đất sét thì dễ nhưng làm bằng đồng thì không đơn giản tí nào. Hai khuôn mặt đều có đủ mắt, mũi, miệng và biểu cảm trên mặt, thấy rõ là đang biểu diễn rất vui vẻ. Tả thực chi tiết thấy rõ người đằng sau hình như để tóc mai rất dài hai bên hoặc là đeo một loại tóc giả trang sức, còn người đằng trước có đeo hai khuyên tai rất to, trông như kiểu thanh niên bây giờ nong lỗ tai. Sau gáy hai người có hai cái lỗ tròn đúc nổi, có lẽ là để luồn dây qua rồi đeo như kiểu netsuke vậy.

Bảo vật quốc gia số 3 – đợt 1: “Thạp đồng Đào Thịnh. Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm.Đường kính miệng 61cm. Đường kính đáy 60cm. Cao 98cm.”

“Thạp được phát hiện bên bờ sông Hồng bị sạt lở thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1960. Sau khi phát hiện, thạp được đưa về Ty Văn hóa tỉnh Yên Bái, sau đó được bàn giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia) quản lý, lưu giữ. Chức năng sử dụng chính của thạp là đồ đựng cất trữ lương thực, của cải.Thạp Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, tinh xảo và độc đáo nhất trong hàng trăm chiếc thạp Đông Sơn đã phát hiện. Thạp có nắp hình nón, thân hình trụ thuôn nhỏ về đáy. Hoa văn trang trí dày đặc khắp mặt nắp và thân thạp với độ tinh mỹ sánh ngang những trống đồng Đông Sơn đẹp nhất.”

Dù thuôn nhỏ về đáy nhưng thực ra kích thước miệng và đáy chỉ chênh nhau có 1cm, mình nghĩ rằng những người thợ Đông Sơn chắc hẳn phải có một hệ thống đo lường chính xác trước khi tiếp thu hệ đo lường của Trung Hoa. Phần tiếng Anh không có ghi mục đích sử dụng nên một bạn Tây đã hỏi mình là có phải cái này dùng đựng xác người chết không, sao mà nó to thế. Mình cười, chỉ lên nắp thạp trả lời: “Ông có muốn nắp quan tài của ông đúc cái hình này không mà ông lại hỏi thế?”

Bốn cặp trai trên gái dưới trên nắp là điểm đặc biệt của thạp Đào Thịnh.

Nói về quan tài, trong triển lãm không mang ra một bảo vật là chiếc mộ thuyền Việt Khê. Thuyền vẫn để trong tủ kính bày thường xuyên nhưng các đồ tùy táng trong ruột thì đã mang đi Đức triển lãm. Triển lãm mang tên (theo báo Việt Nam) “Báu vật khảo cổ của Việt Nam” (tiếng Đức: Aus dem Land des aufsteigenden Drachen, schätze der archäologie und kultur Vietnams, dịch là: Từ vùng đất rồng bay lên, những bảo vật khảo cổ học và văn hóa của Việt Nam). Triển lãm rất dài ngày, 400 cổ vật đi chơi chuyến này mệt nghỉ vì sẽ diễn ra tại 3 bảo tàng của Đức là Bảo tàng khảo cổ học LWLtại Herne (7. 10. 2016 – 26. 2. 2017), Bảo tàng khảo cổ học quốc gia Chemnitz (30. 3 -20. 8. 2017) và bảo tàng Reiss – Engelhorn (16. 9. 2017 – 7. 1. 2018).

Bảo vật quốc gia số 3 – đợt 2: Mộ thuyền Việt Khê. Phần thuyền bên ta không dám đưa đi vì sợ hỏng.

Đưa các cổ vật đi nước ngoài triển lãm là xu hướng đúng đắn và văn minh. Nhưng đúng là do kinh phí và trình độ bảo quản kém nên trước giờ vẫn hạn chế. Như chương trình đi Đức này phải lên kế hoạch từ gần 10 năm trước. Đến giờ mới phát sinh thêm việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Đọc trình tự, thủ tục cho bảo vật xuất ngoại thấy mệt mỏi ra trò, phải có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ! Nhưng phức tạp cũng phải làm vì các nước đều quy định như vậy cả.

Cuối cùng là hai đỉnh cao của đồ đồng Đông Sơn. Phần trình bảy của bảo tàng rất đẹp, có in to rõ từng hoa văn dùng máy chiếu lên tường.Xem ảnh chụp thì triển lãm bên Đức cũng thể hiện như thế.

Bảo vật quốc gia số 1 – đợt 1: “Trống đồng Ngọc Lũ. Đường kính mặt 79,3cm. Đường kính chân: 80cm. Cao 63cm.”

Bảo vật quốc gia số 2 – đợt 1: “Trống đồng Hoàng Hạ.Đường kính mặt 78,5cm. Đường kính chân: 79,9cm. Cao 61,5cm.”

Mặc dù có hàng nghìn chiếc trống đồng được tìm thấy nhưng hai cái này được tôn vinh là bởi vì hoa văn trên mặt trống đa dạng và tinh xảo nhất. Tiếc rằng hai chiếc trống đồng này không phải lớn nhất; cái trống đồng lớn nhất lại được tìm thấy ở Indonesia. Indonesia có đến hơn 50 cái trống đồng (gọi là Nekara) cùng kiểu hoa văn và hình dạng như ở Việt Nam. Điều đấy chứng tỏ nền văn minh này còn mở rộng đến tận các đảo xa xôi của Indonesia, và nếu như chúng ta chịu gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc sang một bên thì đã có thể cùng nhau nghiên cứu và chia sẻ những di sản quý báu này.

Mặt trống đồng Ngọc Lũ vẫn hằng ngày hiện diện trên mình (tạp dề) các tiếp viên Vietnam Airlines và còn được phóng đại đến khổng lồ trong tiền sảnh tòa nhà Trung tâm Truyền hình Việt Nam của VTV. Các hình ảnh hoa văn họa tiết dưới đây có kèm theo chú thích luôn trong hình. Nếu in những hình đơn lẻ này lên áo phông thì thực ra rất đẹp, đỡ rối hơn là in cả cái mặt trống lên.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

(Còn tiếp bài 2: “Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ”)

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

15:13 Saturday,25.3.2017 Đăng bởi:  Linh Vũ
Về thạp Đào Thịnh thì em nghĩ câu hỏi bạn Tây đó không phải là sai đâu ạ. Theo như trang này, nó giải thích như sau:

- Về ngôn ngữ học thạp biến âm với tháp, Đại Hàn ngữ tap, Hán Việt ta tất cả có gốc từ Phạn ngữ stupa, có nghĩa là mồ mả (Ý Nghĩa Của Tháp Phật). Ta cũng th
...xem tiếp
15:13 Saturday,25.3.2017 Đăng bởi:  Linh Vũ
Về thạp Đào Thịnh thì em nghĩ câu hỏi bạn Tây đó không phải là sai đâu ạ. Theo như trang này, nó giải thích như sau:

- Về ngôn ngữ học thạp biến âm với tháp, Đại Hàn ngữ tap, Hán Việt ta tất cả có gốc từ Phạn ngữ stupa, có nghĩa là mồ mả (Ý Nghĩa Của Tháp Phật). Ta cũng thấy rất rõ tháp (kim tự tháp) dùng làm mộ cho giới vương quyền ví dụ như Ai Cập cổ, Thổ dân Mỹ châu (Aztec, Maya) chẳng hạn. Điều này cho thấy thạp có một khuôn mặt liên hệ với chôn cất, mai táng.
- thạp là "jar" là dạ có một nghĩa liên hệ với dạ con. Thạp có một khuôn mặt là dạ con của vũ trụ vì thế mới dùng trong mai táng trong Vũ Trụ giáo. Người chết chôn trong túi vũ trụ, dạ con vũ trụ, trở về với nguồn cội vũ trụ sinh tạo, để được tái sinh hay về miền hằng cửu.
Thạp dùng trong mai táng tương đương với vò chum, thạp đất nung (Sa Huỳnh), đá (Cánh Đồng Chum), kim loại (văn hóa Đông Sơn), thạp gỗ mạ vàng (của vua chúa Myamar, Thái Lan, Lào…) dùng trong mai táng (Lào: Vén Màn Bí Mật Cánh Đồng Chum).
- Còn hình tượng phồn thực, nam nữ (ÂM-Dương) trên thạp biểu trưng cho sinh sản, tái sinh, hằng cửu liên hệ với thượng đế

Và em thấy ở nhà mồ Tây Nguyên cũng có biểu tượng như này và được nghe giải thích biểu tượng phồn thực là do người ta quan niệm sẽ được tái sinh sau khi chết.... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả