Đi & Ở

Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối 20. 04. 17 - 6:09 am

Đặng Thái

Lịch sử của loài người gắn liền với sự di cư. Những người tối cổ đầu tiên tiến hóa từ linh trưởng xuất hiện ở châu Phi. Khoảng 100.000 năm về trước, con người đã tiến hành những cuộc di cư đầu tiên của mình bằng cách rời khỏi châu Phi. Sau khi đã đi hết châu Âu và châu Á, con người bắt đầu đi xa hơn nữa về phía Đông.

Vào kỉ Băng hà cuối cùng, tức là khoảng 12.000 năm trước, nước biển rút cạn đi, để lộ ra một con đường nối lục địa Á-Âu và châu Mỹ, loài người đã dùng “chiếc cầu” này để tiến sang làm chủ châu Mỹ. Nhưng rồi Băng hà tan đi, mực nước dâng lên và lục địa châu Mỹ bị cô lập hoàn toàn bởi vùng nước mà ngày nay ta gọi là Thái Bình Dương. Từ ấy, loài người ở các châu lục Á-Phi-Âu không hề biết đến sự tồn tại của những người anh em ở bên kia đại dương.

Con đường nối liền Siberia của Nga và Alaska của Mỹ ngày nay, phần đất nâu nhạt sau kỉ Băng hà sẽ chìm trong nước biển.

Loài người ở châu Âu và châu Á đã xây dựng những nền văn minh của riêng họ. Người châu Âu cho rằng họ ở phương Tây, và gọi châu Á là phương Đông. Những nền văn minh rực rỡ này tiến hành trao đổi hàng hóa, nông sản giữa Đông và Tây thông qua nhiều con đường (ví dụ như Con đường Tơ lụa).

Năm 1453, đế quốc Hồi giáo Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được thành Constantinople (nay là Istanbul) nối liền châu Âu và châu Á, cắt đứt con đường thông thương trên bộ. Các nhà hàng hải châu Âu buộc phải tìm cách đi đường vòng đến châu Á bằng đường biển. Trong số đó có một thuyền trưởng người Ý tên là Christopher Columbus (tiếng Ý: Cristoforo Colombo) tin rằng ông có thể đến được châu Á nếu cứ đi ngược mãi về hướng Tây. Ông không biết rằng mình sẽ “tìm ra” cho “nhân loại văn minh” một châu lục “mới” vào năm 1492. Từ đó châu Mỹ (bị lãng quên từ lâu) được mang tên là Tân thế giới (New World – thế giới mới), còn lục địa Á-Âu thì được gọi là Cựu thế giới (Old World – Thế giới cũ).

Ngày 3. 8. 1492, Christopher Columbus rời Tây Ban Nha với ba chiếc thuyền. Vào 12. 10. 1492 thủy thủ đoàn nhìn thấy đất liền. Đó là hòn đảo thuộc vùng mà ngày nay ta gọi là Bahamas. Hình và chú thích từ trang này 

Tại sao người ta lại coi việc Columbus tìm ra Tân thế giới quan trọng đến như vậy?

Bởi vì những sản vật được mang về từ Tân thế giới và những thứ con người đem sang đấy từ Cựu thế giới đã làm thay đổi một cách ghê gớm lịch sử nhân loại, chúng góp phần định hình nên thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay. Trong bài này, ta cùng tìm hiểu về những loại thực phẩm có mặt trong bữa ăn hằng ngày ở khắp nơi trên địa cầu mà thực ra chúng đều bắt nguồn từ việc trao đổi giữa hai thế giới ngày ấy. Các nhà sử học gọi sự trao đổi này là The Columbian Exchange (Cuộc trao đổi của Columbus).

Các bạn bấm vào hình để xem các “mặt hàng” trao đổi nhé. Minh họa từ trang này 

*

Nói đến ẩm thực Thái Lan là ta nghĩ ngay đến vị cay của trái ớt, ẩm thực Ý thì đem đến liên tưởng về quả cà chua; Ecuador là nước xuất khẩu nhiều chuối nhất, còn Brazil là nước đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê. Thế nhưng ớt và cà chua vốn không phải loài cây bản địa của Thái Lan và Italia mà được đem về từ Tân thế giới, còn cà phê với chuối cũng không phải loài vốn có của Nam Mỹ mà được mang từ Cựu thế giới sang… Còn biết bao nhiêu ví dụ về những sản phẩm vốn không sinh ra ở vùng đất này nhưng lại đạt đến đỉnh cao và trở thành thương hiệu quốc gia ở xứ sở mới ấy. Sô-cô-la của Thụy Sĩ, dứa ở Philippines, cao su của Indonesia hay bắp ngô ở Trung Quốc.

Từ khoai tây…

Những ai đã từng biết đến ẩm thực Nga, nhất là những người đã từng đi du học Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, hẳn không thể quên sự xuất hiện với tần suất dày đặc của khoai tây trong các món ăn. Khoai tây là loại củ được trồng nhiều nhất trên thế giới. Nó đã trở thành một loại lương thực quan trọng đối với người châu Âu và ngày càng trở nên phổ biến với cả các nền ẩm thực châu Á thông qua các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh. Loài cây này vốn là giống bản địa ở Peru (Nam Mỹ) được thực dân Tây Ban Nha mang về sau khi tiêu diệt đế chế của người Inca.

Khoai của vùng Andes. Hình từ trang này 

Khoảng những năm 1770, khí hậu châu Âu lạnh giá bất thường đã khiến mùa màng thất bát, khoai tây nhanh chóng trở thành nguồn lương thực thay thế vì nó là loài cây duy nhất không chịu ảnh hưởng của thời tiết lúc bấy giờ. Cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu vào cuối thể kỉ 18 đã làm dân số bùng nổ, khoai tây được ưa chuộng như một giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là với nông dân nghèo. Dần dà, loại củ ngoại lai này đã trở thành một thứ lương thực thiết yếu đến mức sự vắng mặt của nó sẽ gây nên thảm họa.

Năm 1845, một chứng bệnh xuất hiện trên khoai tây ở khắp châu Âu vì giống cây này chưa thể miễn dịch được hoàn toàn các loại sâu bệnh của Cựu thế giới. Khoai tây vì thế mà mất mùa. Tại Ireland (Ai-len), hàng triệu tá điền đi làm thuê cho địa chủ chỉ được trả bằng nông sản (chủ yếu là khoai tây), và những mảnh đất nhỏ bé của nông dân thì cũng chỉ có thể trồng được khoai tây. Khoai tây đã trở thành thức ăn quanh năm của hàng triệu người nghèo.

Những người ăn khoai (tây), Vincent van Gogh, 1885, sơn dầu trên vải, 82 × 114 cm. Danh họa mô tả những người nông dân nghèo với khuôn mặt khắc khổ và bàn tay chai sạn ngồi quây quần bên một mâm khoai.

Năm 1846, ba phần tư sản lượng khoai tây của Ireland mất trắng vì cả nước cùng trồng một giống khoai tây. Nạn đói kinh hoàng kéo dài đến tận năm 1852, cướp đi sinh mạng của hơn 1.5 triệu người, trong đó phần nhiều chết vì bệnh dịch. Một phần năm dân số chết, một phần năm nữa bỏ nước di cư sang Tân thế giới và châu Úc đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của Ireland và là khởi nguồn cho sự hình thành của cộng đồng người Ireland ở khắp các nước nói tiếng Anh ngày nay. Một loài cây mang từ nước ngoài về đã ảnh hưởng đến lịch sử một dân tộc như vậy đấy. (Lưu ý rằng khoai lang, mà người phương Tây gọi là “khoai tây ngọt”, cũng là một giống cây Nam Mỹ chứ không phải là “khoai ta” như nhiều người vẫn tưởng).

… đến cà phê…

Về những đồ uống phổ biến trên thế giới, không thể không nhắc tới cà phê. Loại hạt kì diệu này đã được trồng và thu hoạch để làm thức uống từ lâu đời tại Bắc Phi và bán đảo Ả Rập. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu cà phê thô lớn thứ hai thế giới nhưng sản lượng chỉ bằng một nửa nước đứng đầu là Brazil. Vậy lý do gì khiến một loại cây của Cựu thế giới lại được trồng nhiều như thế ở một xứ Nam Mỹ xa xôi?

Năm 1773, sự biến trà Boston (Boston tea party) đã châm ngòi cho cuộc cách mạng tư sản Mỹ. Người Mỹ (tức 13 thuộc địa Bắc Mỹ của Đế Quốc Anh) chống lại việc chính quyền thực dân Anh áp thuế lên mặt hàng trà bằng cách ném những thùng trà nhập khẩu đắt đỏ xuống nước tại cảng Boston, vùng đông bắc Mỹ.

Tranh thạch bản của Nathaniel Currier, tả cảnh phá hủy 342 rương đựng trà ở bến cảng Boston, 1846. Hình và chú thích từ bài này 

Chiến tranh giành độc lập nổ ra, nguồn cung cấp trà từ mẫu quốc Anh thiếu hụt nghiêm trọng, người Mỹ phải tìm một loại đồ uống thay thế mà vẫn giúp người uống tỉnh táo. Thế là cà phê lên ngôi. Vài chục năm trước đó, người Pháp đã đem giống cà phê đến trồng ở thuộc địa Martinique của họ trên biển Caribbean. Cà phê hợp với khí hậu nóng ẩm và thổ nhưỡng châu Mỹ nên phát triển rất tốt nhưng chưa bao giờ tranh giành được vị trí cao trên bảng xếp hạng các loại đồ uống, so với trà và rượu cồn. Vậy mà chỉ sau vài thập niên, nhất là từ khi người Mỹ bỏ trà, uống cà phê, vào năm 1788, cà phê tại thuộc địa Trung Mỹ của Pháp là Haiti đã chiếm một nửa sản lượng cà phê toàn cầu.

Các nhà buôn cà phê ở Mỹ luôn phải đầu cơ tích trữ cà phê, và giá của loại vàng nâu này tăng lên chóng mặt. Đến năm 1822, khi Brazil giành độc lập từ Bồ Đào Nha, một diện tích khổng lồ rừng mưa nhiệt đới đã bị phá để làm đồn điền cà phê. Brazil từ đó trở thành bá chủ về ngành xuất khẩu cà phê trong suốt mấy trăm năm cho đến tận ngày nay. Vào những thập niên đầu thế kỉ XX, Nam Mỹ sản xuất đến hơn 90% lượng cà phê trên toàn cầu, Cựu thế giới, nơi khởi nguồn của cà phê, lúc này chỉ còn chiếm 5% tổng sản lượng.

Tại một đồn điền cà phê ở Brazil. Hình từ trang này 

… đến ớt và chuối

Tương tự như vậy, quả ớt đỏ, cay, nhỏ xíu của người Mexico cổ đại đã được những nhà hàng hải người Bồ Đào Nha mang tới tận châu Á xa xôi. Ngày nay ớt trở thành một phần không thể tách rời của ẩm thực châu Á.

Ấn Độ là nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu ớt nhiều nhất trên thế giới. Ớt có mặt trong hầu như mọi món ăn của người Nam Á (Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka), Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) và cả Đông Á (vùng Tứ Xuyên Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên).

Hay quả chuối, vốn bắt nguồn từ Đông Nam Á lại được trồng nhiều nhất và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều nước đang phát triển ở Trung và Nam Mỹ. Hẳn bạn đọc không thể quên được hình ảnh “đồn điền chuối” và “công ty chuối” biểu tượng trong tác phẩm “Trăm năm cô đơn” của nhà văn Gabriel Garcia Marquez người Colombia.

Giờ thì mời bạn xem một bức tranh liên quan đến mặt hàng chuối:

“Chiến thắng vinh quang”, Diego Rivera, 1954, sơn dầu trên vải. Sưu tập của Bảo tàng mỹ thuật Pushkin, Mát-xcơ-va, Nga.

Bức tranh tường khổ lớn trên của danh họa Diego Riveria mô tả cuộc đảo chính quân sự do CIA tổ chức nhằm lật đổ chính phủ dân chủ cánh tả mới được bầu của Cộng hòa Guatemala. Ở giữa tranh là Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đang bắt tay với người cầm đầu cuộc đảo chính, Đại tá Castillo Armas. Tay kia của ông Dulles đang đặt trên quả bom có in mặt của tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower – người quyết định cho tiến hành đảo chính.

Chi tiết tranh

Sau lưng John Foster Dulles là cậu em trai Allen Dulles, mặc áo xanh tím than, đang chia tiền cho binh lính. Allen Dulles là Giám đốc CIA và đồng thời là thành viên ban giám đốc điều hành của Công ty hoa quả Mỹ:

Chi tiết chia tiền

Phần nền tranh có vẽ rất nhiều cây chuối và những buồng chuối đang được những công nhân còng lưng chuyển lên tàu hàng của Công ty hoa quả Mỹ (United Fruit Company):

Chi tiết tranh

Chuối ở Guatemala trở thành một thứ hàng hóa thiết yếu đến nỗi thuật ngữ “Cộng hòa quả chuối” (Banana Republic) ra đời nhằm chỉ những đất nước Mỹ La-tinh có nền kinh tế sản xuất yếu kém, phụ thuộc chính trị vào Mỹ và xã hội phân hóa bất công.

*

Mỗi một loại đồ ăn, thức uống giản dị đều mang trong mình cả một lịch sử lâu dài và thú vị hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Tìm hiểu về chúng mang lại cho ta những bài học lịch sử quý báu, hiểu thêm về giá trị của những sản phẩm nông nghiệp với con người và cả những câu chuyện khơi dậy đầy niềm cảm hứng.

*

Bài đã đăng trên Nhân Dân Hằng Tháng

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

23:39 Monday,12.11.2018 Đăng bởi:  abc
Các bác cho em xin email của a Đặng Thái ạ.
...xem tiếp
23:39 Monday,12.11.2018 Đăng bởi:  abc
Các bác cho em xin email của a Đặng Thái ạ. 
18:36 Thursday,19.7.2018 Đăng bởi:  Việt
ăn cũng ngon như dưa TQ
Không biết bạn Đặng Thái nói dưa này là dưa gì vậy?
...xem tiếp
18:36 Thursday,19.7.2018 Đăng bởi:  Việt
ăn cũng ngon như dưa TQ
Không biết bạn Đặng Thái nói dưa này là dưa gì vậy? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả