Gẫm & Bình

Guggenheim có cần phải gỡ bỏ các tác phẩm nghệ thuật động vật gây tranh cãi? 18. 10. 17 - 11:16 am

JJ Charlesworth - Thúy Vy dịch

Tuần trước, bảo tàng Solomon R. Guggenheim tại New York vừa tuyên bố sẽ gỡ bỏ ba tác phẩm nghệ thuật từ triển lãm lớn sắp tới của họ – “Art and China after 1989: Theater of the World” (Nghệ thuật và Trung quốc sau 1989: Nhà hát của thế giới). Họ làm thế là do mắc phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ quyền động vật. Theo một thỉnh nguyện thư đã thu hút được hơn 700,000 chữ kí trên mạng, các tác phẩm này là “ví dụ rõ rệt cho sự tàn nhẫn không thể chối cãi đối với động vật dưới danh nghĩa nghệ thuật”.

Thế những tác phẩm “tàn độc không thể chối cãi” này là gì?

Tác phẩm sắp đặt của Hoàng Vĩnh Phanh (Huang Yong Ping), mang tên của triển lãm “Nhà hát của thế giới”(1993), là một chiếc lồng có mái vòm bên trong chứa nhiều côn trùng và bò sát; chúng sống, chúng chết và đôi khi ăn thịt lẫn nhau trong suốt thời gian trưng bày tác phẩm.

“Nhà hát của thế giới”(1993) – Nguồn: CNN

Còn video của Tôn Nguyên (Sun Yuan) và Bành Vũ (Peng Yu)  “Dogs That Cannot Touch Each Other” (Những con chó không thể chạm vào nhau) (2003) ghi hình một tác phẩm trình diễn ở Bắc Kinh, trong đó những con chó đua bị cột vào thiết bị chạy –mặt đối mặt, chúng cố lao vào nhau nhưng vô vọng, và cứ thế mệt lả dần.

“Dogs That Cannot Touch Each Other”

Video của Từ Băng (Xu Bing) “A Case Study in Transference” (Một nghiên cứu về sự truyền vận) (1994) cũng ghi lại một trình diễn của… hai chú heo, một con trên thân viết đầy những từ tiếng Anh vô nghĩa còn con kia thì đầy các kí tự tiếng Hoa tự chế. Chúng đang giao phối nhau trong chuồng trước mặt người xem; heo “Tây” là con đực còn heo “Tàu” là con cái.

“A Case Study in Transference”

Các tác phẩm này khiến những người ủng hộ quyền động vật phẫn nộ: nhóm PETA nổi đóa lên rằng “những ai thấy được tính giải trí khi xem động vật đấu giết nhau là những kẻ bệnh hoạn, Guggenheim nên từ chối mua vui cho ý thích lệch lạc của lũ người ấy”.

Kém gay gắt hơn tí, Hội Phòng chống Ngược đãi Động vật Mỹ (ASPCA) khi nhắc đến tác phẩm “Những chú chó không thể chạm vào nhau” đã tuyên bố rằng: “chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc biểu diễn nghệ thuật, nhưng mạnh mẽ phản đối việc sử dụng động vật trong nghệ thuật hay giải trí nếu nó gây phương hại đến động vật, và ta thấy rõ ràng như vậy trong trường hợp của những video này”.

Đối mặt với chỉ trích, ban đầu Guggenheim cố biện hộ cho “Những chú chó không thể chạm vào nhau”, nói rằng bảo tàng công nhận là “tác phẩm này có thể gây phản cảm”, nhưng nó phản ánh “hoàn cảnh nghệ thuật và chính trị của thời đại và nơi chốn của nó… một tác phẩm nghệ thuật mang chủ ý thách thức và khiêu khích, nó hướng đến việc xem xét và phê phán các hệ thống quyền lực và kiểm soát”.

Tuy nhiên, đến hôm thứ Hai tuần sau đó, bảo tàng chịu thua và công bố sẽ gỡ ba tác phẩm xuống, “vì lo lắng cho sự an toàn của nhân viên, khách tham quan và các nghệ sĩ tham gia”. Họ nói rằng “thật buồn khi chúng tôi buộc phải gỡ các tác phẩm đi”, bảo tàng tuyên bố rằng “quyền tự do biểu đạt luôn và sẽ giữ một giá trị tột bậc với Guggenheim”.

“Qua trao đổi với nghệ sĩ, các giám tuyển đã cân nhắc kĩ càng về việc sẽ nhắc nhớ như thế nào cho sự vắng mặt của các tác phẩm này tại vị trí trưng bày”, một phát ngôn viên cho Guggenheim cho biết.

Những người ủng hộ quyền động vật vốn chẳng ưa các nghệ sĩ sử dụng động vật trong tác phẩm. Điển hình như Damien Hirst trước giờ vẫn bị nhắm đến vì đã dùng bướm, ruồi sống và nhiều xác động vật khác. Bố già của nghệ thuật trình diễn, Joseph Beuys từng giam mình trong một căn phòng cùng với một con chó sói đồng cỏ hoang trong suốt ba ngày khi thực hiện tác phẩm “I Like America and America Likes Me” (Tôi thích nước Mỹ và nước Mỹ thích tôi) (1974)

“I Like America and America Likes Me”

Nhưng vụ lùm xùm này diễn ra vào thời điểm mà nghệ thuật đương đại đang chịu ngày một nhiều sự phản đối, thường là từ các nhóm thiểu số. Nói riêng tại Mỹ, một số tranh cãi đã nổ ra, đa số là về vấn đề chủng tộc và bản sắc, ví dụ như vụ phản đối tranh “Open Casket” (Quan tài mở) (2016) của Dana Schutz trưng bày tại bảo tàng Whitney, rồi vụ tháo gỡ và phá hủy một bức điêu khắc của Sam Durant tại Trung tâm Nghệ thuật Walker – kết quả từ các cuộc biểu tình của những nhà hoạt động xã hội ở Dakota.

“Open Casket”

Nói đơn giản thì lời thỉnh cầu cho quyền tự do biểu đạt của Guggenheim thật yếu ớt. Nhưng điều nổi bật là nguyên tắc của tự do ngôn luận đã bị những nhà phê phán triển lãm này coi rẻ như thế nào, và ít người muốn tập hợp lại để đứng về phía bảo tàng làm sao! Quyền tự do biểu đạt giờ đây có vẻ hoàn toàn dễ lay chuyển khi nó đi quá giới hạn những gì người phản đối yêu mến – “Chúng tôi tin vào quyền tự do ngôn luận. Nhưng…” đã trở thành một đoạn điệp khúc lặp đi lặp lại và các nhà phê bình Guggenheim chẳng chần chừ gạt bỏ cái lập luận về tự do ngôn luận đi.

Viết trên trang ArtNews, giáo sư lịch sử nghệ thuật Stephen F. Eisenman bỉ bai rằng “tự do biểu đạt chẳng liên quan gì ở đây cả”, thay vào đó ông biểu lộ sự phẫn nộ với việc “một nơi được tôn kính như vậy lại trình chiếu… băng ghi hình tác phẩm nghệ thuật có sử dụng, hành hạ và tra tấn thú vật”.

Trong khi đó, khi viết cho tờ New York’s Daily News, Jessica Scott-Reid đã quở trách đặc quyền tự trao của nghệ thuật và nghệ sĩ, “mặc dù thường tồn tại trong thế giới của riêng nó, được ban cho những giấy phép và quyền hạn đặc biệt, nghệ thuật vẫn phải tuân thủ pháp luật, nếu không phải luật của đất nước ấy thì cũng là đạo lý làm người”. Điều các nhà phê bình này có vẻ không nhìn ra là có thể không phải ai cũng có cùng quan điểm với họ – ý kiến của họ không phải “luật của đất nước” cũng chẳng phải “đạo lý con người”.

Nhưng thật đáng lo, chỉ vài người trong giới nghệ thuật lên tiếng bảo vệ cho quyền trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ. Ngải Vị Vị, nghệ sĩ kiêm nhà hoạt động lão làng và một cá nhân thường xuyên hứng chịu kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc, đã lên tiếng phát biểu rằng “tạo áp lực buộc bảo tàng gỡ bỏ tác phẩm cho thấy sự hiểu biết nông cạn về không chỉ quyền động vật mà cả quyền con người”.

“The Importance of Elsewhere – The Kingdom of Heaven” (2006) của Damien Hirst. Tác phẩm bị phản đối vì dùng bươm bướm và động vật. Ănh: MIKE CLARKE/AFP/Getty Images

Quả thật, thứ những kẻ phản đối ít màng tới nhất có vẻ là các tác phẩm nghệ thuật và bản thân các nghệ sĩ, hay địa điểm và thời điểm đã tạo nên họ. Sau thảm sát Thiên An Môn, khi hàng trăm người biểu tình đòi dân chủ bị bắn chết, và những năm đàn áp tiếp theo sau đó, nhiều nghệ sĩ Trung Quốc không được triển lãm tác phẩm của mình, và nhiều người khác thì xuất ngoại.

Từ Băng đến New York sống. Hoàng Vĩnh Phanh thì đang ở Paris hồi vụ Thiên An Môn diễn ra, anh không bao giờ trở về Trung Quốc. Việc các nghệ sĩ này có thể đã tạo ra các tác phẩm phản ánh trải nghiệm ảm đạm của họ về đàn áp chính trị và xã hội – về con người bị “đối xử như động vật” – có vẻ không quan trọng gì với những người phản đối. Điều quan trọng duy nhất là mối lo ngại “đoan chính” của bản thân họ cho động vật – chứ không phải việc bảo vệ quyền của đồng loại được biểu đạt quan điểm về thế giới theo cách của mình, ngay cả khi việc biểu đạt ấy có chướng tai gai mắt đến mấy đi chăng nữa.

Việc này dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng cho bảo tàng, cho các sử gia nghệ thuật và cả chúng ta, công chúng xem nghệ thuật, vì hậu quả từ đó là, những tranh cãi kiểu này đồng nghĩa với việc các tác phẩm từ quá khứ của nghệ thuật, và khả năng học hỏi về lịch sử của một thời kì và một khía cạnh nhất định nào đó của nghệ thuật đều sẽ trở nên khó tiếp cận hơn với chúng ta.

Vụ tranh cãi ở Guggenheim này cũng bộc lộ cho ta thấy các cơ sở văn hóa đang trở nên rụt rè và ngại va chạm như thế nào khi đối mặt với bão lửa phê phán nổ ra vì các vấn đề lôi thôi. Quả thật, khi dẫn lại câu “lo lắng cho an toàn” là lý do mà bảo tàng đưa ra để gỡ tác phẩm, các nhà phê phán đã buộc tội Guggenheim né tránh một cuộc tranh luận thẳng thắn, trong khi họ cũng buộc tội luôn là bảo tàng đã ám chỉ những phê phán của họ là cực đoan quá khích.

Nhưng ta cũng tự hỏi liệu những nhà phê phán Guggenheim sẽ thành thật cỡ nào về việc muốn tranh luận thẳng thắn. Kể ra thì vụ lùm xùm này cũng cho thấy môi trường đàm luận công cộng ở nhiều xã hội phương Tây đang trở nên hẹp hòi và cố chấp như thế nào. Một số quan điểm và ý kiến hiện đang được cho là không chấp nhận được đến nỗi các cơ sở văn hóa cũng khó mà bảo vệ nguyên tắc đa nguyên vốn cho phép trưng bày các tác phẩm có khả năng gây khó chịu hay thậm chí phản cảm với một số người.

Điều thực sự cần thiết hiện giờ là có được một cuộc tranh cãi hoàn toàn thẳng thắn: nơi ta có thể thoải mái thách thức định kiến và giáo điều của những ai tin rằng động vật cũng quan trọng như con người. Chấp nhận được sự bất đồng ấy và tôn trọng rằng nghệ sĩ có thể không cùng quan điểm với ta mới thực sự quan trọng hơn.

*

(Nguồn: CNN. JJ Charlesworth là một nhà phê bình nghệ thuật và biên tập cho trang báo mạng ArtReview.) 

 

Ý kiến - Thảo luận

13:29 Monday,4.12.2017 Đăng bởi:  lethanh
Khái niệm con người bị đối xử như động vật có lẽ cũng khó xem là human. Vì nó là động vật, ta muốn xử thể nào cũng được? Hôm nay nhin một con chó ta mặt khá thông minh chạy giữa những anh giai Việt hả hê ngồi ở chợ ăn hút, vợ bán hàng đâu đó gần mình, thu hoạch. Họ xử với con chó có vẻ kẻ cả, tuy cũng thân thiện. Tôi ngắm con chó và nghĩ rằng các anh giai
...xem tiếp
13:29 Monday,4.12.2017 Đăng bởi:  lethanh
Khái niệm con người bị đối xử như động vật có lẽ cũng khó xem là human. Vì nó là động vật, ta muốn xử thể nào cũng được? Hôm nay nhin một con chó ta mặt khá thông minh chạy giữa những anh giai Việt hả hê ngồi ở chợ ăn hút, vợ bán hàng đâu đó gần mình, thu hoạch. Họ xử với con chó có vẻ kẻ cả, tuy cũng thân thiện. Tôi ngắm con chó và nghĩ rằng các anh giai kia, bất kỳ lúc nào cũng có thể tóm cổ con chó, cắt tiết (vâng, đau đớn, nhưng không có cách dùng từ khác) và trổ tài cầy tơ bẩy món cho bữa đánh chén sau. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả