Ăn uống

Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga 11. 05. 19 - 12:22 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Nước Nga ngày nay tràn ngập các quán cà phê, thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ trên phố, nhiều nhà hàng từ trung bình cho đến cực kỳ sang trọng và đắt đỏ chuyên ẩm thực của đủ các nước châu Âu, nhưng những quán ăn nhỏ phục vụ món Nga vẫn cực kỳ đông khách. Không chỉ khách du lịch mà người Nga cũng phải e dè với giá cả trong nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các thành phố lớn vì kinh tế không mấy khả quan, đồng rúp Nga vỡ trận.

Ở Nga đặc biệt có những hệ thống cửa hàng chỉ bán đồ ăn nhanh kiểu Nga. Nhưng chất lượng thì không đồng nhất. Có những hàng chỉ đơn giản là lấy đồ ăn từ tủ lạnh hoặc tủ đá ra để cho vào lò vi sóng quay, mà cũng chẳng rẻ tí nào. Có chuỗi Mu-mu có nhiều món nhưng giá cũng không hề rẻ mà nhiều món ghi trên thực đơn cho có, chứ hỏi đến là hết.

Đồ ăn của một chuỗi nhà hàng rất nhiều chi nhánh nhưng dở tệ: Súp borscht màu đỏ không người lái làm nóng bằng lò vi sóng và cho hai thìa kem chua thẳng từ tủ lạnh vào thành hai cục nổi lềnh bềnh! Bánh khoai tây cũng quay lò vi sóng ăn dẻo như… xôi! Ảnh: Đặng Thái

Sau khi thử mấy chỗ, bị chém đẹp mà thức ăn không ra gì, tôi mới tìm ra một “hệ thống” gọi là Stolovaya và quyết định trung thành ngày hai bữa ở đây. Stolovaya giống như các hàng cơm bình dân ở ta, dịch nghĩa là căng-tin hoặc quán ăn tự phục vụ, mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn, thậm chí đến nửa đêm. Loại hình ăn uống này mới xuất hiện và phổ biến thời Liên Xô nên thực chất phải gọi là bếp ăn tập thể. Nó xuất phát từ ý tưởng của Lê Tiên Hoàng nhằm giải phóng sức lao động cho phụ nữ, thúc đẩy nam nữ bình quyền, tại sao phụ nữ cũng phải lao động mà về nhà lại còn phải nấu ăn?

Hai suất cơm mua của Stolovaya ở ga tàu với giá 150 rúp/ suất nằm trên tầng 2. Ảnh: Đặng Thái

Ban đầu stolovaya có mặt ở các thành phố nhằm phục vụ tầng lớp lao động chân tay, công nhân nên ưu thế là rất rẻ. Sau nhiều lần gọi món, tôi rút ra kinh nghiệm rằng nếu biết tính toán có thể chỉ mất 100 rúp (40.000VND) mà vẫn được ăn một bữa đủ cơm canh rau thịt. Bây giờ thì các stolovaya không còn của Nhà nước nữa mà hầu như của tư nhân mở nhưng tên thì vẫn giữ theo kiểu Stolovaya số 1, số 47… Vì vậy stolovaya không chỉ giúp bạn có những bữa ăn vừa miệng giá hợp lý mà còn là một trải nghiệm đặc trưng Nga.

Một bữa ăn tự chọn ở Stolovaya. Ảnh: Đặng Thái

Giống như bảo tàng và nhà hát, các stolovaya này cũng “đồng bộ” trên cả nước với cùng một cách bài trí, phục vụ cho đến những cô bán hàng mập mạp mặc đồng phục (có đội mũ vải) sau tủ kính. Có rất nhiều stolovaya ở các thành phố lớn và cả các ga tàu hỏa liên tỉnh, tra mạng là tìm ra ngay, đi trên phố cũng có thể bắt gặp, chỉ cần bạn thuộc mặt chữ столовая viết bằng tiếng Nga.

Một cửa hàng stolovaya trên mặt phố lớn. Càng trên phố lớn thì giá càng chát dù thức ăn thì cũng giống nhau. Ảnh: Đặng Thái

Trong hầu hết các quán tôi vào, không hề bắt gặp khách nước ngoài hay người châu Á, có lẽ thông tin không phổ biến nên nhiều người chưa biết tới. Cách thức lấy đồ ăn như sau: mỗi người lấy một cái khay nhựa, đặt lên cái giá bằng inox và người đi đến đâu chọn món thì trượt cái khay theo, kết thúc ở chỗ thanh toán tiền, tất cả các món đều có bảng tên và giá tiền, tất cả nhân viên đều mặc đồng phục sạch sẽ, đeo tạp dề.

Khu vực chọn thức ăn điển hình của một Stolovaya. Ảnh từ trang này 

Đầu tiên là tủ kính salad và súp nguội, bạn có thể mở kính ra để lấy luôn. Rồi đến các tủ kính lớn đựng thức ăn đang được giữ nóng, các món ăn hoàn toàn thuần Nga và cực kỳ đa dạng, thịt viên Nga, gà nướng, thịt xiên nướng shashlik, bò hầm, gan xào và có hôm tôi còn được ăn thử cả cá kho rất ngon, màu đường thắng giống món Việt nhưng dĩ nhiên là không có nước mắm!

Một tủ kính salad và tráng miệng trong stolovaya. Ảnh: Đặng Thái

Các món rau thì ít hơn, rất nhiều loại rau muối chua như dưa chuột và cả nấm, nhưng đặc biệt là có rau củ luộc và chỉ rắc ít muối, là một món ăn người Việt nghĩ rằng không thể đơn giản hơn nhưng lại khó tìm hơn lên trời ở Tây và ở Trung Quốc (vì người ta không thích ăn !?). Rồi đến tủ tinh bột: cơm, mì, kiều mạch, khoai tây bảy món… và cuối cùng là tủ đồ ngọt với đủ loại bánh cực kì bắt mắt, mỗi miếng bánh chia sẵn trên một đĩa và các loại nước uống đã rót sẵn ra từng cốc, khó mà có thể bỏ qua cốc kampot nước trái cây khô ngọt dịu hay nước lúa mạch lên men kvas thơm nồng.

Độc đáo nhất là có quả lò vi sóng trong khu vực ngồi ăn với biển ghi: bạn có thể hâm nóng thức ăn tại đây. Không biết là dành cho đồ của khách mang theo ăn kèm hay đồ của quán bán (!?). Ảnh: Đặng Thái

Thế rốt cục đặc trưng món Nga là gì? Thì là…

Thì là cái gì? Thì là thì là chứ còn cái gì nữa. Món gì ở Nga cũng cho rau thì là. Thậm chí những món mà bạn không hề đề phòng như pizza và sushi đều có thì là! Rất may là mình thích ăn chứ nếu ai không thích thì là thì việc sống và ăn uống ở Nga đúng là ác mộng. Ở Việt Nam thì là chỉ có mỗi một công dụng là nấu với cá. Có lần mình ăn đồ chay ở chùa thì thấy có cho thì là vào khoai tây, ăn rất ngon, sang Nga mới biết khoai tây lúc nào cũng cho thì là. Vậy nên xa-lát Nga đúng điệu thì sau khi trộn xong phải “vẩy” thêm một nhúm thì là lên mới chuẩn.

Nói về khoai tây thì ở Nga có rất nhiều chủng loại khoai tây, từ nhỏ như đốt ngón tay cái đến dài như củ khoai lang. Cách nấu cũng đa dạng và gần như là một loại lương thực, không phải là tinh bột ăn kèm như nhiều nước, đặc biệt là hay có khoai luộc và khoai tây thái miếng dài xào mỡ để ăn thay cơm. Tinh bột ăn chính cũng đa dạng, không khô khan bánh mì như Tây: có cơm, có kiều mạch và… nui luộc, xúc vào đĩa ăn như cơm!

Một bữa cơm trong Stolovaya với cơm pilaf, khoai tây nghiền ăn với gan gà xào và bò hầm khoai tây. Ảnh: Đặng Thái

Món đặc trưng Nga cuối cùng cần nhắc đến hẳn là trứng cá muối (Икра – Ikra). Chưa thấy ở đâu mà trứng cá muối bán nhiều như ở Nga (khi nào đi Iran sẽ kiểm chứng xem có bán nhiều hơn không); vỉa hè, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, METRO, GUM… đâu đâu cũng có bán và thượng vàng hạ cám không biết đâu mà lần. Cái bánh blini tôi mua tại nhà ga trong ảnh có nhân là loại trứng cá hồi màu cam to nhất, rẻ nhất, khi bánh chín rồi mới thấy người ta cho trứng vào và gập lại. Tanh và mặn kinh khủng!

Một suất pelmeni và blini trứng cá với giá 1000 rúp nằm ngay tầng 1 nhà ga. Ảnh: Đặng Thái

Ở Nga thì không thấy trứng cá giả nhưng ở hàng ăn ga tàu thì trứng bị vứt vạ vật khắp nơi, nhiều khi quên cho vào tủ lạnh nên trứng cá méo mó và chảy dầu. Còn lại trứng cá ở những chỗ ngon thì đắt lòi; gian hàng đặc sản Nga ở tầng 1 của GUM Moskva vắng tanh vì ai xem qua giá cũng lắc đầu lè lưỡi. Về sau tôi đành mua trong siêu thị METRO, có những tủ kính be bé đựng những hộp trứng cá nhỏ xinh, nhắm rượu vodka rất ngon nhưng quy ra tiền ăn stolovaya thì chắc phải đủ ăn hai tháng! Vậy nên trứng cá nhiều nhưng dân Nga cũng không mua mấy.

Bù lại vodka thì rẻ như nước lọc đóng chai. Ngay cả loại vodka beluga hình con cá tầm cũng vẫn rất rẻ, và bán khắp nơi, không quy định phải bán riêng tại cửa hàng có giấy phép như ở Tây. Nhập gia tùy tục, Việt kiều Nga uống rượu chẳng khác gì dân Nga, mấy ông sâu rượu ở Việt Nam gặp đội Việt kiều Nga là tắt điện.

Tóm lại là đồ Nga đa dạng và có nhiều cách chế biến khá giống người Việt mình nấu cơm ở nhà. Nên đi Nga thì không tội gì nấu nướng, vào các siêu thị có rất nhiều đồ ngon, nấu nóng hằng ngày, chỉ tay năm ngón, chọn món là xong.

Một bữa sáng mua ở siêu thị, hơi nhiều thịt: thịt bọc trứng, bầu nhồi thịt, bắp cải cuốn thịt. Trông hơi mất mỹ quan vì đang đánh chén mới nhớ ra nghĩa vụ chụp ảnh cho Soi. Ảnh: Đặng Thái

Để kết thúc bài viết xin dùng một câu chuyện cười Liên Xô:

Bộ Chính trị Liên Xô quyết tâm giải quyết vấn nạn thiếu hụt mặt hàng bơ dai dẳng nên đã chỉ thị cho các nhà khoa học Xô viết phát triển một công nghệ để có thể biến đổi thành phần hóa học của phân thành bơ, và yêu cầu phải hoàn thành trước hoặc đúng dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Sau sáu tháng, Bộ Chính trị yêu cầu báo cáo tiến độ. Các nhà khoa học báo cáo là họ đã hoàn thành được 50% dự án.Trung ương Đảng yêu cầu giải trình rõ hơn. Báo cáo khoa học của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô kết luận: “Thành phẩm đã có thể phết được lên bánh mì, nhưng chưa ăn được”.

*

(Còn tiếp bài 8)

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả