|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞĐi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất 11. 07. 20 - 9:57 amĐặng TháiNhân việc ngồi nghe đài chỉ toàn tin tức corona virus, nước Mỹ, Trump như mọi ngày… thì bỗng xuất hiện một tin quốc tế là nước Nga sửa hiến pháp; lại quyết định tiếp tục gửi bài cho Soi về chuyến đi Nga tròn hai năm trước mà mãi chưa viết hết. Bài này tổng hợp những trải nghiệm về hệ thống tàu điện ngầm ở Moskva (đại diện cho ở Nga vì Sankt-Peterburg cũng tương tự). ** Ngày đầu tiên đặt chân lên nước Nga là một ngày đen đủi với những trải nghiệm khủng khiếp mà đến giờ mình vẫn còn nhớ. Sau cả tiếng vật vã đợi đóng dấu hộ chiếu nhập cảnh (dù đã đi hàng ưu tiên dành cho cổ động viên World Cup) và phát hiện ra mất toàn bộ hành lý ký gửi thì cuối cùng cũng hít được bầu không khí mùa hè nước Nga sau khi thoát ra khỏi sân bay Sheremetyevo đông nghịt người (với nội thất giống ga Nội địa sân bay Nội Bài một cách kì lạ: từ băng chuyền, sàn gạch, trần nhà đến những cái cột ốp tấm nhôm màu xanh nhợt nhạt. Mấy cái quầy xuất nhập cảnh khung nhôm kính giống đến bật cười.) Thấy mới 5 rưỡi chiều, trời mùa hè vẫn còn sáng, mình quyết định không đi tắc-xi hay tàu express vào thành phố mà chọn đi xe bus từ sân bay đến ga Rechnoy vokzal để xuống metro về nhà nghỉ, vừa ngắm cảnh thành phố vừa trải nghiệm tàu điện ngầm Moskva. Và đấy là quyết định ngu dốt nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Xe buýt chỉ mới ra khỏi sân bay là tắc đường kẹt cứng. Một số điểm dừng xe buýt thả khách xuống ở chỗ đồng không mông quạnh không một bóng người, chỉ thấy cỏ, mà hãi. Mình ngồi vật vờ như con mực một nắng trong xe buýt chèn chật kín người, không điều hòa, nắng mùa hè nóng hầm hập, quần trùng áo dài ướt nhẹp mồ hôi vì lúc đi bên Úc đang giữa mùa đông (quần áo ngắn tay đã để hết trong hành lý ký gửi). Lúc đầu tưởng rằng đi giờ tan tầm thì đường mới tắc, sau mới biết đường ra sân bay này lúc nào cũng tắc, dù giữa trưa hay sáng sớm. Xe buýt vừa bò vừa lách giữa dòng xe vô tận, sau 1 tiếng 30 phút thì cũng đến ga Rechnoy vokzal. Và chào đón con mực héo quắt là đoàn tàu đầu tiên trên nước Nga rầm rập lao tới, tàu metro mang tên Pobeda (Chiến thắng). Quả thực là tàu vẫn giữ nguyên hiện trạng từ năm 1946, khi nó chạy thì ồn và rung đến mức như đang ngồi trong nhà máy cơ khí. Thấy mình bịt tai, mấy em gái Nga che miệng cười nghiêng ngả (hay tại tàu lắc?). Ấn tượng đầu tiên là kinh hoàng, không hiểu sao nhiều người khen metro Nga. Về sau mới nhận ra là tàu trên tuyến Belorusskaya xanh lá cây này toàn tàu cũ như vậy. Bản đồ metro của Moskva thể hiện một hệ thống tuyến tàu vô cùng khoa học, lấy khu vực Quảng trường đỏ nằm ở trung tâm, các tuyến tàu xòe ra các hướng như nan hoa xe đạp. Có hai tuyến tàu chạy thành vòng tròn, một vòng to khổng lồ ngoại ô, một vòng bé hơn nội đô, kết nối tất cả các nan hoa để hành khách có thể đổi sang bất kì tuyến nào mà không cần đổi tàu quá hai lần. Nhà nghỉ nằm ở ga Schelkovskaya ở cuối tuyến số 3 xanh lam, đếm thấy có 8 ga từ trung tâm cứ tưởng gần, đến lúc đi mới thấy tàu đi xa ơi là xa, lâu ơi là lâu, bụng kêu òng ọc mà vẫn chưa đến nơi. Đấy là chưa kể ga metro ở Nga cực kỳ to, những ga nào có nhiều tuyến giao nhau, mặc dù cùng một tên, một ga nhưng đi từ sân ga này sang sân ga kia là cả quãng đường và không hề có thang máy. Nỗi đau chồng chất “nỗi đau” khi mình đi một đôi giày da bóng lộn. Đến ga Schelkovskaya thì trời đã xẩm tối, lên đến mặt đất thì cảnh vật khác xa trong Google Maps Street View, mãi mới nhận ra ga xe khách Moskva đã bị đập đi hoàn toàn và quây tôn lại. Nhận ra thêm một sự thật phũ phàng nữa là ở Mát chẳng có đêm trắng, trời vẫn tối như thường, 8 giờ kém trời đã bắt đầu tối. Bao nhiêu năm ở Úc chưa từng ăn KFC nhưng cuối cùng lần này KFC đã cứu đói lúc nguy cấp. Ngày tồi tệ này còn kéo dài đến nửa đêm nhưng vì bài chỉ nói về tàu điện ngầm nên tạm dừng ở đây. Sau cuộc hành tẩu đêm đó, hành trình sáng hôm sau bắt đầu gần Khu triển lãm VDNKh . Ga Metro VDNKh ở bên kia đường, phải xuống hầm đi bộ. Phía sau là bức tượng Tàu con thoi bay vút lên không trung của Bảo tàng Du hành vũ trụ. Trên đường có xe buýt lốp cao su nhưng chạy điện rất phổ biến ở Đông Âu và Áo. Phía sau không hiểu sao có quả máy kéo, thấy gắn biểu tượng của thành phố Moskva, chắc là xe đang đi thi hành công vụ. Dãy đèn chùm trong ga trông rất hay nhưng về mặt thực tiễn thì không kinh tế chút nào, vì những cái đèn này chỉ để dùng riêng cho ga này, nếu có hỏng hóc thì lấy đâu ra đồ thay thế, một là phải sửa, hai là làm mới, bởi vậy chi phí duy tu bảo dưỡng hệ thống metro này chắc chắn sẽ khổng lồ. Mỗi một ga tàu lại có một thiết kế khác nhau, xây vào một khoảng thời gian khác nhau, nếu chứa toàn bộ những “phụ tùng” để thay thế thì không biết nhà kho của Công ty Metro to thế nào. Bởi vậy người ta cố gắng làm những chi tiết ở nhà ga bền nhất, ít phải bảo dưỡng nhất có thể, nhưng khó có gì là bền mãi. Nhiều người thường nói các ga metro ở phương Tây đơn giản và xấu hơn ở Nga nhiều nhưng dưới con mắt người trong nghề như mình thì nó thực dụng hơn và đồng bộ hơn. Đơn cử thực tế là mình thấy rất nhiều mảng đá ốp ở các ga metro Moksva đã bong tróc, sứt mẻ chìa ra những cạnh sắc nhưng không được sửa, đơn giản vì chi phí quá lớn để chỉ ốp lại một miếng đá với hình dạng vặn vẹo, chưa kể là còn không tìm được đúng màu đá ấy nữa nên trông sẽ chắp vá. Vậy nên những ga metro của Mát được mệnh danh là những “Cung điện của nhân dân” cũng đúng vì nó quá xa xỉ cho những công trình công cộng, những nơi cần đơn giản để bảo dưỡng sửa chữa với chi phí thấp nhất và thời gian nhanh nhất. Cần lưu ý rằng đi metro ở Nga phải đi giày tốt, hầu hết người trên tàu mình thấy đều đi giày bệt hoặc giày thể thao, đàn ông đi giày da cũng là loại đế mềm, đơn giản vì phải đi bộ và leo thang bộ rất nhiều. Ví dụ trên bản đồ, ga Novoslobodskaya (tuyến vòng tròn) nối liền với ga Mendeleyevskaya (tuyến xám), trên google map cho ra khoảng cách giữa hai ga trên mặt đất là 300m, nghe thì rất gần nhưng nếu tính cả đường đi trong ga thì phải 700m là ít. Chưa kể đến một chuyện rất đau lòng là nếu bạn lên mặt đất nhầm cửa, thì đích đến của bạn tự dưng xa thêm nửa cây số (250m đi từ ga đến lối lên + 250m từ lối lên ấy đi ngược lại trên mặt đất). Muốn không lên mặt đất nhầm hướng thì phải biết đọc chữ Nga để xem bản đồ treo dưới ga, nhưng nhiều khi xem bản đồ cũng không ích gì vì hai phía cửa lên cùng là trên một con phố nhưng mà cách xa nhau cả 500 mét! Vậy nên cách tốt nhất là mang giày tốt và chai nước to! Đi bộ từ ga Chekhovskaya qua ga Tverskaya thấy có bức tượng đồng lớn. Cứ tưởng là Chekhov, về nhà đọc hóa ra lại là Maxim Gorky. Thì ra mấy ông Nga cũng giống Việt Nam ta, trường tiểu học Bà Triệu thì ở phố Tô Hiến Thành, còn trường tiểu học Tô Hiến Thành thì lại ở Kim Ngưu, Trường THCS Hồng Hà ở phố Minh Khai, còn trường THCS Minh Khai thì lại ở phố Kim Ngưu, cứ thế và thế, tên trường lúc nào cũng khác tên đường mà quanh đi quẩn lại chỉ có mấy cái tên cứ đặt mãi, thành phố nào cũng có đường Trần Hưng Đạo! 10h tối, cạnh tượng Gorky vẫn có một đội chơi đàn hăng say. Gió thốc lên từ dưới nhà ga do rất nhiều đoàn tàu chạy qua chỗ này, ba ga giao nhau, váy bay tứ tung và các bạn vẫn kéo vĩ nhiệt tình. Ga tàu điện ngầm thường là nơi những người có thu nhập thấp nhất ở đô thị bám lấy kiếm sống bằng đủ cách, nhưng các ga tàu ở Moskva tương đối vắng những người như thế cho đến khi gặp các bạn (có lẽ là sinh viên) này. Hay là có chiến dịch ra quân giữ gìn trật tự đô thị nhân dịp World Cup? Tuyến nào nhiều tàu mới thì có tên các ga bằng chữ Latinh và đọc tên ga bằng tiếng Anh luôn. Người đi tàu buổi tối muộn đã vãn, nhưng số người rời khỏi trung tâm vẫn quá đông so với tầm giờ đó ở Úc, và tàu vẫn đều đặn 2 phút một chuyến. Hướng tàu về trung tâm có khi thấy số người đếm trên đầu ngón tay. Có hai điểm lẽ ra nên làm ở đây: – Càng về đêm vắng khách thì tàu nên tháo bớt toa, như bên Úc tàu đêm chỉ còn 2-3 toa, ở đây vẫn kéo dằng dặc hàng chục toa, tốn thêm điện và sức kéo không cần thiết – Các sân ga metro ở Mát dài kinh khủng vì tàu rất dài, tuy nhiên hai cầu thang lên xuống lại ở hai đầu sân ga, ở Úc họ thiết kế cầu thang đi xuống giữa sân ga nên sẽ giảm được một nửa thời gian và khoảng cách đi bộ. Một điểm đặc biệt ở các nhà ga nơi đây là tàu nhiều nên không bao giờ cảnh thấy ai vội vã chạy cho kịp tàu, người ta cứ đi thong thả, trưa không vội tối không cần, về khoản này thì người Nga vẫn sướng hơn nhân dân cần lao ở các nước Tư bản. Có lẽ metro là doanh nghiệp Nhà nước nên không cần tối ưu hóa hay tiết kiệm, đã có bao cấp cứ vô tư đi, tuy nhiên nó vô lý ở chỗ người dân cả nước đóng thuế để bù lỗ cho dân ở mấy thành phố lớn có metro được hưởng! Về đến ga cuối, lên khỏi bậc thang là rất nhiều các cụ già ngồi bán hoa, người nhiều một xô, người ít thì vài bó trên tay. Mọi người ngồi nói chuyện vui vẻ, không có gì là tranh giành khách của nhau nhưng cũng không thấy ai mua nhiều vì đã hơn 11h đêm. Nghĩ cảnh nếu là bà mình mà phải ra ngồi đây bán hoa cũng thấy xót xa. Dĩ nhiên sẽ có người nói rằng các cụ ra bán cho vui, ngồi tụ họp hóng mát, nói chuyện tranh thủ kiếm thêm ít tiền mà không mất bao nhiêu vốn nhưng nếu cuộc sống đủ đầy, lương hưu dư dả thì người ta sẽ ngồi nhà xem tivi giờ này chứ không ai ra đây. Người về hưu ở Nga rất khó khăn với đồng lương hưu còm cõi, khoảng 10.000 rúp/tháng mà trong lúc đồng rúp mất giá, vật giá leo thang, mình ăn một bữa hết 900 thì các bác bảo người già sống làm sao?
* ĐI LX xem WC: - Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ - Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky - Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng - Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka - Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy - Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga - Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga - Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan - Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất - Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ - Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn - Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi - Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý - Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga - Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào? - Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|