|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞĐi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ 05. 08. 20 - 10:10 pmĐặng TháiTranh kính ở ga Novoslobodskaya dùng kỹ thuật cổ điển của cửa kính nhà thờ , nhưng dưới cảm hứng mỹ thuật xã hội chủ nghĩa mới, thay vì các thánh trên đầu lại là những người lao động trong các ngành nghề khác nhau, ví dụ như ông trí thức trong bức tranh kính đây ngồi với quả địa cầu, chịu ảnh hưởng của tranh Hà Lan thế kỷ XVI. Mỹ thuật Xô Viết được phát triển trên cái nền rất vững chắc của hội họa phương Tây cổ điển với rất nhiều họa sĩ nổi danh từ thời Sa hoàng. Muốn hiểu được tâm hồn Nga, không gì nhanh hơn và đầy thẩm mỹ hơn là đi xem bảo tàng tranh. Hễ mình đã xem cái gì là muốn xem cho thật kĩ nên trong lịch trình chỉ lựa chọn một trong hai hoặc bảo tàng Tretyakov hoặc bảo tàng Pushkin. Bảo tàng Tretyakov là đặc Nga còn Bảo tàng Pushkin là châu Âu với khá nhiều danh họa Tây Âu. Vì sẽ còn đi Bảo tàng Hermitage ở Xanh nên mình bỏ qua Pushkin lần này. Bảo tàng nằm gần ga cùng tên Tretyakovskaya. Mình chọn ngày Bảo tàng đóng cửa lúc 9h nên đi khá thong thả. 4h chiều mà trời mới bắt đầu nắng to, không khí mát mẻ chỉ khoảng 22°C cực kỳ dễ chịu. Ngay giữa những con phố đi bộ lát gạch đá kín mít mà vẫn đầy bóng cây xanh mát rượi. Trong sân của các tòa nhà công sở là những cây cổ thụ rất to, vươn qua hàng rào tỏa bóng mát ra đường. Có một đài phun nước nhỏ với ít cây xanh như kiểu vườn hoa, người ta ngồi tán chuyện rất nhiều, các quán ăn xung quanh cũng bắt đầu thấy khách, nhưng cực kỳ êm ả, không ồn ào, người ta như đều thì thầm tâm sự với nhau cả, người đi lại trên phố đông, vui vẻ mà không có tiếng cười nói ầm ĩ. Không gian rất thích, mình quyết định dành hẳn một tiếng chỉ để ngồi nhìn người qua lại dưới ánh nắng chiều. Thành phố khổng lồ này quả thật rất dễ mến bởi những góc (không nhỏ lắm) như vậy. Màu nắng hay là màu tóc em? Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Tretyakov là nơi lưu trữ những tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng nhất của nước Nga, nhiều bức tranh đã trở thành biểu tượng. Việt Nam ta có lẽ đã nhiều người đi và xem rất kĩ rồi nên mình chỉ đăng một số bức tranh thấy thích mà thôi. Mình dành khoảng 4 tiếng để xem bảo tàng, không thể xem kĩ từng ngóc ngách được nhưng nhìn chung cũng đã đi hết các phòng và xem kĩ một số phòng. Mình rất ấn tượng và nhận thấy những đóng góp của giới thượng lưu và người giàu ở Nga trước đây cho di sản mỹ thuật của nước Nga. Lối vào bảo tàng, qua cửa an ninh, phải đi xuống tầng hầm sau đó mới lại lộn một lèo lên tầng. Vé vào cửa 1 người lớn là 500 rúp (bát phở tái đập và cốc nước chanh mới ăn lúc trưa là 450 rúp để tiện so sánh). Tầng hầm ốp và lát hoàn toàn bằng đá. Cái toa-lét đúng là rất sang chảnh khi tất tần tật phủ đá từ sàn đến trần, vòi nước mạ vàng, nom mà không dám… tiểu. Các bác ở Bảo tàng lich sử Việt Nam Tràng Tiền chắc cũng từng đi tiểu ở đây nên về làm toa-lét giống hệt dưới tầng hầm, trông khá lịch sự, nhưng dùng đá granite rẻ thôi nên không thể hoành tráng như chỗ này được. Tranh sơn dầu nếu xem ảnh chụp thì không bao giờ có thể mô tả được cái rung động khi thực sự đứng trước nó. Nghĩ cũng lạ, tranh đẹp thì nhiều nhưng lại phụ thuộc vào cách trưng bày, có những bức rất đẹp, vẽ rất kĩ, nếu chỉ trông thoáng qua thì bình thường, lại bị treo vào góc, không ai ngó tới, nhưng nếu tranh đẹp thật thì quả vẫn có người mò ra mà đứng xem dù họa sĩ không nổi tiếng; trái lại có những bức treo ở phòng chính trang hoàng lộng lẫy mà xem kĩ thì rất thường. Thì ra phòng trưng bày tranh cũng như cuộc đời. Ấy là chưa nói đến sự thiên vị chủ quan của những người quản lý, giám tuyển, quyết định tranh nào ngồi chỗ nào. Xem chừng ở đây tranh không hề đổi vị trí sau một thời gian, hay sau một đời giám đốc mới, người vào vật nào chỗ ấy, bởi cách tìm một bức tranh nào đấy nhanh nhất là hỏi mấy bác gái ngồi trông trong phòng – một đặc trưng Liên Xô ở tất cả các bảo tàng, các bác ấy nhớ vanh vách bức nào ở đâu như chừng tranh vẫn ở đấy cả trăm năm nay rồi. Ngay vào đầu mình đã bị mê bức selfie này luôn. Chân dung tự họa vẽ năm 1909 mà trông tươi mới và trẻ trung, tràn đấy sức sống. Mình chưa từng thấy bức tự họa nào của phụ nữ thời ấy mà trông hiện đại như bức này. Tác giả là họa sĩ Zinaida Serebriakova. Gia đình nàng cũng bị tịch thu biệt thự sau Cách mạng, phải đi thuê nhà, nhưng vì cả hai vợ chồng đều có tài nên vẫn được chế độ mới trọng dụng, giao cho vẽ tranh tường trang trí ga Kazansky ở Moskva. Đúng là nàng đẹp nên nàng sinh được ba đứa con như thiên thần. Nhưng mà hồng nhan bạc mệnh, đùng một cái năm 1919, chồng Zinaida Serebriakova ốm chết. Nàng một nách bốn con và mẹ già, không kế sinh nhai. Không còn màu dầu để vẽ, nàng có bức House of Cards (1919), trông mấy đứa trẻ con buồn thê thảm. Cũng như năm 54 ở ta, sau Cách mạng 1917, các tòa nhà ở các thành phố của Nga được chia thành các buồng nhỏ, một dạng nhà tập thể cho cán bộ công nhân viên chức ở chung. Zinaida Serebriakova chuyển về một căn hộ cũ của gia đình ở Xanh, tòa nhà này giờ nhồi nhét thêm rất nhiều công nhân viên, nghệ sĩ của Nhà hát kịch Moskva. Thế là trong cái rủi có cái may, Zinaida Serebriakova nhận được việc trang trí cho nhà hát và vẽ rất nhiều về đề tài sau cánh gà. May nhất là nàng “nhét” được bé gái Tatiana (trong tranh) vào đoàn của Nhà hát. Với tài năng, năm 1924, nàng được mời sang Paris để vẽ một dự án tranh tường trang trí rất lớn. Thế là nàng quyết định “tuột xích”, hai đứa con trai lớn trong bức tranh trên lần lượt được tuồn sang Pháp năm 1926, 1928. Còn cô em gái và đứa em trai út kẹt ở lại, sau Tatiana thành nghệ sĩ ưu tú. Zinaida Serebriakova chấp nhận cảnh không quốc tịch, dùng hộ chiếu Nansen đến hai mươi năm sau (1947) mới nhập quốc tịch Pháp. Ngày xưa người ta coi trọng cái việc này lắm, như bác Trần Văn Khê nhà mình cũng thế, thà không quốc tịch chứ không nhận quốc tịch Pháp, chả như bây giờ.. Đến tận năm 1960, hai mẹ con mới được gặp lại và năm 1966 tranh của bà mới được triển lãm và hoan nghênh nhiệt liệt ở Liên Xô. Câu chuyện này là một ví dụ điển hình cho việc chảy máu chất xám và lãng phí tài năng ở Liên Xô do những biến động chính trị. Dĩ nhiên có một điểm sáng ở đây là em Tatiana vẫn được Nhà nước nuôi dưỡng tài năng và trở thành nghệ sĩ có tiếng, phải như một số nước mà mẹ thế thì sự nghiệp của em coi như chấm hết. Bức Cô gái với những quả đào (1887) này thì quá nổi tiếng rồi, được đặt trang trọng giữa phòng, coi như kiệt tác hàng quốc bảo. Ánh sáng trong tranh rất ảo diệu. Đến thời kỳ này thì nhận thức và kỹ thuật vẽ về không gian 3D và ánh sáng trong mỹ thuật của người phương Tây đã quá chuẩn xác, như ảnh chụp. Các nền mỹ thuật Đông Á vẫn cách xa cả trăm năm. Năm 2016, triển lãm tranh của Valentin Serov ở bảo tàng Tretyakov có cả Nga Thái Tông đến dự, người xem xếp hàng dài dằng dặc dưới tuyết, chen nhau hỏng một cánh cửa bảo tàng. Mà trong những tác phẩm của Serov thì bức này là đỉnh cao. Một điểm khá ấn tượng các bảo tàng ở Nga lại là cái sàn gỗ. Tất cả đều là gỗ thịt, màu thật và cực kỳ đa dạng, khác gỗ công nghiệp màu đều chằn chặn. Sàn được ghép bằng những thanh nhỏ hoặc các mảnh nhỏ chứ không phải các tấm lớn, thành vô vàn hình dạng khác nhau rất kỳ công, mỗi một phòng lại có một kiểu ghép khác nhau. Ngoài việc đi xem tranh thì mình cũng xem cả người xem tranh. Trong ảnh dưới đây ngoài sự khổng lồ của bức tranh Nga hoàng úy lạo dân chúng kia và cái sàn gỗ thì đôi tình nhân ăn mặc lịch sự đi hẹn hò vào một chiều thứ sáu, nắm tay nhau trong bảo tàng mới là điều đáng nói. Đây là cảnh ở Việt Nam mình chưa bao giờ được nhìn thấy dù Thứ sáu hay Chủ nhật nhưng ở Hàn Quốc thì đã thấy có những đôi nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trong Bảo tàng lịch sử. Hay như hai mẹ con đây. Hai mẹ con xem rất kĩ và thằng cu cũng chịu im lặng cho mẹ nó xem, rất nể là hai tiếng sau vẫn thấy chị này đang đi xem dù đeo guốc cao. Chú thích tranh ở bảo tàng này rất sơ sài, không hề ghi kích thước và chất liệu, chú thích được làm qua nhiều thời kỳ nên kiểu dáng mẫu mã khá lộ cộ và gắn thẳng lên khung tranh. Bảng chú thích to hơn màu trắng là mới lắp, nhưng toàn tiếng Nga và cũng không hề ghi chú chất liệu hay kích thước. Bảng giới thiệu về bức tranh nào nổi tiếng hay thời kỳ mỹ thuật thì được in giấy A4 và ép plastic, cắm trong một cái hộp và không có tiếng nước ngoài. Nhìn chung về kỹ thuật trưng bày thì lạc hậu còn thua Bảo tàng Mỹ thuật ở ta. Tranh chân dung rất nhiều và đẹp. Ở Việt Nam giờ có bỏ tiền trăm triệu ra cũng khó để có chân dung tử tế, vì khá nhiều người chỉ mải mê râu ria, hoa lá, trường phái này trường phái nọ để che đi sự yếu kém về kỹ thuật. Để vẽ được những tranh chân dung này phải có kỹ thuật rất vững, vẽ rất cẩn thận nhiều lớp màu, chưa nói đến cảm xúc, những gia đình giàu có ở Tây cứ có chân dung mấy đời để lại cho con cháu hàng trăm năm mà tranh không hỏng (và không lỗi mốt) là thế. Chỉ nhìn bàn tay đang nắm kia cũng thấy rõ con người của nhà văn. Braz Iosif Emmanuilovich là họa sĩ đã đi du học Đức, Hà Lan, Pháp rồi về Xanh mở trường, bà Zinaida Serebryakova đã nói trên cũng là học trò của ông. Bức tranh dưới đây cùng một loạt chân dung của các nhà văn nghệ sĩ đương thời do chính Pavel Mikhailovich Tretyakov (chủ của bảo tàng này) đặt hàng, làm bộ sưu tập của những văn nghệ sĩ thời đó, mấy ai chịu chơi được như ông! Một trong những phòng hoành tráng nhất được dành cho Mikhail Vrubel. Trước giờ chỉ được biết Vrubel qua sách chứ hôm đó mới được nhìn tận mắt, cứ há hốc mồm mà xem. Những tranh khổ lớn của ông cực kỳ ấn tượng, dù ai không tìm hiểu sâu về mỹ thuật thì hẳn cũng thấy cái gì đấy dữ dội, mãnh liệt trong này. Nhìn thoáng thì thấy rối rắm chứ nhìn thật gần mới thấy người họa sĩ kì công đến thế nào với từng xăng-ti-mét trên tranh, nếu xét về độ kĩ thì Pollock nên gọi bằng cụ. Cả phòng sơn màu xanh cổ vịt trầm tối càng làm cho tranh ông huyền bí, nhất là những bức Demon, nhìn con quỷ trong tranh thấy buồn ơi là sầu. Đi bộ mỏi chân và xem hết mấy bức nổi tiếng khác như Mùa thu vàng và Người đàn bà xa lạ rồi thì khách cũng vãn và thấy mấy bác gái ngồi canh tranh nóng ruột muốn về ăn cơm lắm rồi nên mình cũng phải ra về. * ĐI LX xem WC: - Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ - Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky - Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng - Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka - Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy - Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga - Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga - Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan - Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất - Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ - Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn - Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi - Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý - Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga - Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào? - Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông Ý kiến - Thảo luận
17:03
Monday,7.9.2020
Đăng bởi:
candid
17:03
Monday,7.9.2020
Đăng bởi:
candid
Bức Chân dung tự họa xem giật mình thật, cứ tưởng tranh mới vẽ.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp