Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng 21. 11. 22 - 9:02 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1)

Cầm hộ chiếu Việt Nam đi qua cửa khẩu các nước, từ những nước rất quen khách Việt Nam cho đến những nước người ta không biết Việt Nam ở đâu, đều có những chuyện dở khóc dở cười. Tuy nhiên, vì nghĩa vụ mở đường cho con cháu sau này đi lại được dễ dàng hơn, thế hệ chúng mình vẫn cứ tiếp tục chiến đấu, mang Việt Nam ra thế giới. Chuyến này đi qua nhiều nước, thú vị ở chỗ có các điểm chung là đều theo đạo Hồi và nhiều dầu mỏ, nên ghi lại thành bài dưới đây.

MALAYSIA

Mình quá cảnh một đêm ở Kuala Lumpur nên phải nhập cảnh để… ngủ khách sạn. Đến chỗ nhập cảnh là thấy tiếng Việt lao xao. Ở tất cả các quầy, bất luận là Ấn hay Việt đều thấy hành khách, ngoài hộ chiếu thì còn cung kính đưa thêm một tập giấy A4. Thấy mình nói tiếng Việt với con, bạn đằng trước quay lại hỏi: “Anh ơi, lấy hành lý chỗ nào ấy nhỉ?”. Bạn này có cái cờ dẫn tour của hướng dẫn viên du lịch nhét ở túi bên ba lô. Mình thấy kỳ lạ nhưng vẫn trả lời:

– Hành lý ở phía sau, phải nhập cảnh đã mới lấy được em ạ

– Thế em bay tiếp đi Kathmandu thì cứ đưa vé máy bay cho họ để nhập cảnh lấy hành lý phải không ạ?

– Đúng rồi, nếu mà hành lý không đi thẳng điểm cuối.

Bạn vào một quầy và nhà mình vào một quầy. Cán bộ Immigration của Malaysia mặc đồ đen từ đầu đến chân, đeo dây xích bạc sáng loáng nhưng trông vẫn giống bảo vệ tiệm vàng thế nào ấy. Mình đưa nhõn có 3 quyển hộ chiếu, anh này hơi ngạc nhiên nhưng vẫn hỏi:

– Anh đi đâu tiếp?
– Tôi đi Oman
– Vé?
– (Đưa tờ A4)
– Đặt phòng khách sạn?
– (Đưa thêm tờ A4)

Anh ra hiệu cho nhìn vào camera chụp ảnh. Bụp! Bụp! Bụp. Ba con dấu là vào.

Ở quầy bên cạnh, người ta đang hỏi một chị Việt Nam trung niên: “Chị đi Kathmandu làm gì?”, “Đi Kathmandu”, “Tôi hỏi là đi Kathmandu làm gì?”, “Đi Kathmandu”, “XXX, đi LÀM GÌ chứ có hỏi ĐI ĐÂU đâu?”, À à “du lịch”.

Chúng tôi lấy xong hành lý rồi thì cậu hướng dẫn viên và chị nọ vẫn chưa được vào. Cậu hướng dẫn viên xem chừng không được nhập cảnh, đang lấy điện thoại gọi, trong khi cả đoàn mặc đồng phục thì đã nhập cảnh đứng bên này!

Sánh vai cùng các cường quốc năm châu ở sân bay Kuala Lumpur. Ảnh: Đặng Thái

Trong một diễn biến khác, một chị Việt Nam khác, đang ngồi ghế thì nhặt được một quyển hộ chiếu Việt Nam của ai bỏ quên: “Anh xem giúp em, hộ chiếu người này không biết ở đâu mà ghi nơi cấp là Oen-ling-tơn.” Mình thật thà:

– Rơi mất hộ chiếu thì chết rồi, còn đi đâu nữa, em đem nộp cho cảnh sát sân bay thôi.

– Không được anh ạ, giá mà rơi ở Mỹ hay châu Âu thì em nộp ngay chứ những nước thế này thì một là họ cũng kệ, hai là họ nghi ngờ thì còn rắc rối thêm cho bạn này. Em đang nhờ đại lý ở Việt Nam để tra thông tin của bạn này vì bay cùng chuyến với chúng em.

– Cái này thì hãng họ mới biết chứ đại lý làm sao tra được! Nhưng tra ra thì cũng liên lạc làm sao được vì số Việt Nam có gọi được đâu. Nếu có Zalo thì may ra.

– Nên em cứ đứng đây từ nãy giờ xem bạn ấy có quay lại không

Bạn ấy không quay lại và bạn hướng dẫn viên cũng không được vào.

Đi từ máy bay đến nơi nhập cảnh: 15 phút
Thời gian nhập cảnh: 15 phút
Giá 1 lít xăng 95 ở Malaysia: 2.05 MYR bằng 45 cent Mỹ (10.700 VND).

OMAN

Sân bay mới xây tuy trang trí đơn giản nhưng rất đẹp và sáng loáng, sàn lát đá granite bóng lộn. Khu nhập cảnh chia làm hai: một bên cho người có thẻ cư trú và một bên cho khách quốc tế, công dân Oman và các nước GCC vùng Vịnh chỉ có đúng 1 quầy riêng. Phía thẻ cư trú thì đông nghịt nhân dân tiểu lục địa Ấn Độ anh hùng và vợ con cha mẹ đi cùng.

Chà, chưa từng thấy ở đâu có cái quầy nhập cảnh đẹp như vậy. Quầy hình bầu dục (khác hình hộp thông thường), ốp gỗ vân và ốp hoa văn khắc trên những tấm thép trang trí mài nhẵn rất xịn. Chỗ ngăn cách hành khách đứng giữa hai quầy thôi mà cũng làm bằng một thanh đá màu vàng kem vân nâu đỏ, cong cong như chiếc ngà voi, hai đầu bịt inox. Nhưng tốc độ xử lý của các anh thì không mê được. Lúc đầu tưởng là do hộ chiếu nước ngoài cần kiểm tra kĩ nên lâu, nhưng nhìn sang hàng Oman & GCC có mỗi một bác mặc áo dài, đội vòng đen, vải phủ trắng toát, đúng đại gia Ả Rập, vẫn chờ mòn mỏi. Người ngồi trong quầy cũng nhìn lơ đãng ra khoảng không là đủ biết đúng hệt Việt Nam ta, vì máy tính nó tải chậm quá!

Khu vực nhập cảnh phía có thẻ cư trú. Cái máy bên phải là máy… xông tinh dầu, đặt khắp sân bay, khiến không gian thơm nức mùi trầm hương quyến rũ. Từ đây trở xuống đều là ảnh chụp trộm. Ảnh: Đặng Thái

Một nhà chồng Tây (có visa lao động) và vợ châu Á cũng bị hỏi khá lâu, giấy A4 lôi ra cả cục. Trong quầy là các anh mặc quân phục màu nâu đất, đội mũ bê-rê đen, nhưng dường như quyền to hơn là ở mấy anh dân sự chắp tay sau đít đứng bên ngoài, mặc áo dishdasha trắng, quấn khăn rằn masar.

Đến lượt nhà mình, sau cú sốc nhẹ đầu tiên khi nhìn thấy quốc huy nước ta, anh immigration mân mê một lúc rồi giở đi giở lại hết các trang (trắng trơn), anh bất thần giật mình tỉnh ra, hỏi:

– Người anh em, cậu đã đi Oman lần nào chưa?

– Chưa, chúng tớ là khách du lịch, lần đầu tiên mới đến Oman. Tớ có visa online của Oman loại 1 năm, nhập cảnh nhiều lần đây. (Muốn có visa này phải có visa Mỹ, Schengen, Canada, Nhật, Anh hoặc Úc)

Anh trầm ngâm suy nghĩ mà không hỏi gì, nhìn nét mặt và hành động thì chắc là: tại sao hộ chiếu trắng trơn thế này (đại dịch 2 năm nay anh ạ), sao lại nhà này lấy visa nhập cảnh nhiều lần nhỉ (để tôi từ Iran về ông ạ), nước mình có cái quái gì mà du lịch 1 năm (chính sách của nước các ông cho thì tôi xin thế thôi).

– Thế sao người anh em không có visa Úc trong hộ chiếu?

– Úc người ta không dán visa vào hộ chiếu 10 năm anh rồi người anh em. Đây, visa trên điện thoại.

Anh quay lưng lại và kêu một tiếng thật dõng dạc: “Việt Nammmmm” khiến cả sân bay nghe thấy. Anh ngúng nguẩy quay mông đi đến chỗ một người anh em khác giàu kinh nghiệm hơn. Khi quay lại, anh hỏi là có thẻ căn cước của Úc không? Úc không cấp thẻ căn cước (nước gì quái đản thế nhỉ? – anh nghĩ), có bằng lái xe thôi ạ. Thế thì dùng tạm. Anh cho bằng lái của hai vợ chồng lên máy quét, lần đầu tiên thấy nhập cảnh dùng bằng lái xe luôn!

Ở quầy bên cạnh, anh cầm hộ chiếu tuyết tùng Li-băng vẫn đang ra sức vung tay giải thích.

Đi từ máy bay đến nơi nhập cảnh: 15 phút
Thời gian nhập cảnh: 30 phút
Giá 1 lít xăng 95 ở Oman: 0.239 OMR bằng 62 cent Mỹ (14.700 VND).

UAE

Khu nhập cảnh Abu Dhabi nhỏ thôi, nhưng rất hiện đại. Nhà có trẻ nhỏ được ưu tiên đi trước. Có cả một hàng riêng cho phụ nữ trùm khăn! Máy chụp ảnh là màn hình đứng, có hướng dẫn nhìn vào đâu, quét vân tay chỉ cần lướt bàn tay ngang qua màn quét là xong. Ngồi trong quầy là một anh mặc trang phục “dân tộc” Ả Rập, có quầy khác thì mặc quân phục. Cầm hộ chiếu xong anh chẳng hỏi thêm gì, bụp bụp bụp, anh dập cho ba dập là… ra.

Khu vực xuất cảnh ở Abu Dhabi, tương tự khu nhập cảnh. Ảnh: Đặng Thái

Đi từ máy bay đến nơi nhập cảnh: 5 phút
Thời gian nhập cảnh: 5 phút
Giá 1 lít xăng 95 ở UAE: 3.3 AED bằng 90 cent Mỹ (21.400 VND).

KAZAKHSTAN

Một số người Việt Nam đi trước (Covid) có nói rằng Kazakhstan miễn visa nên nhập cảnh rất dễ dàng khiến mình tự tin hơn hẳn. Dù sao mình vẫn cẩn thận, chọn bay đến Astana, vì ở thủ đô của nước giàu nhất Trung Á mà người ta không tra ra công dân Việt Nam được miễn visa thì còn ở đâu tra được nữa phải không ạ?

Khu vực nhập cảnh sân bay Astana. Ôi những quầy nhôm kính, giống hệt nhau từ Moskva đến Nội Bài. Dải hoa văn trên kính cũng là dải hoa văn trên quốc kỳ, dán không sót chỗ nào khắp cả nước, chắc vì… không còn hoa văn nào khác. Ảnh: Đặng Thái

Nhà mình nhanh chóng đến quầy Immigration xếp ở hàng đầu tiên, đứng cạnh một ông công an xuất nhập cảnh nặng tầm 90 kg, mặt căng bóng nhưng lạnh như tiền, tay cầm bộ đàm và đội cái mũ to như cái chảo chống dính. Mình nhẹ nhàng mà dứt khoát đút 3 quyển hộ chiếu lọt khe. Trong quầy là một chị công an, khẽ nhướn lông mày, trừng trừng nhìn mấy quyển sổ vài giây, vuốt ve chúng âu yếm, khung cảnh này mình đã gặp lắm lần nhưng lần này tự nhiên thấy lạ vì chị ngoảnh đít, mở cửa đi ra ngoài. Thứ cuối cùng mà chúng ta muốn thấy ở quầy xuất nhập cảnh là mông của nhân viên xuất nhập cảnh phải không các bác?

Chị ong nâu bay đi đâu rất lâu, quầy bên cạnh thì đóng dấu bồm bộp như công chứng ở phường. Chị quay lại mặt vẫn rất đăm chiêu, tra hồ sơ gì đấy bằng giấy, lôi ra một quyển sổ dày bịch lại tra. Xong chị lại quét hộ chiếu. Khổ nỗi passport gia đình em đều làm ở Đại sứ quán nên là loại lởm, chị sẽ không quét được đâu. Y như rằng chị phải nhập dữ liệu bằng tay. Tưởng chị nhập dữ liệu thế là xong rồi, đùng cái chị quay ra hỏi visa? Visa? NO VISA?

Mình hỏi: “Вы понимаете по английский?”, chị ngơ ngẩn một lúc rồi “Niết, niết” liên tục. “Google Translate?” Chị đưa ra điện thoại, mình đánh vào “Công dân Việt Nam được miễn visa 30 ngày đi du lịch”, nói kèm theo “Tourist”. Chị đưa tay phật một phát chỉ vào ông hộ pháp đứng cạnh. Ông hộ pháp dẫn cả nhà đi về cuối sảnh. Vừa đi ông vừa hỏi đúng 1 từ: “Diplomatic? Diplomatic?”, “No, no, tua-rít, (tua-rít cũng có quyền mặc đẹp chứ bộ!)”.

Trong buồng kính cuối sảnh là một anh chàng trẻ hơn, mặc áo có chữ Immigration Police trên lưng. Thế hệ Kazakh tương lai đây rồi. Lại hỏi: “Đồng chí có biết tiếng Anh không?”, nhưng câu trả lời vẫn là “Niết!”. Bạn này gõ máy tính rất lâu, xong lại bấm điện thoại nhắn tin cho ai đó để xin ý kiến, Tổng cục tình báo chăng? Và có biết 2 chữ: “One moment”. Sau một cơ số cái moment thì bạn đứng dậy, dẫn nhà mình quay trở lại chỗ anh hộ pháp, nói gì đó tạm dịch: “Em tra Google thì thấy Wikipedia bảo là công dân Việt Nam nhập cảnh không cần visa anh ạ”. Anh hộ pháp không tin vào sự thật phũ phàng, bàng hoàng ra mặt, một tay bộ đàm, một tay điện thoại, mặt rất đau khổ, quả này chắc phải gọi đến Thứ trưởng ngoại giao rồi. Một lúc sau từ trong phòng anh lao ra, hét toáng lên: “Transit? Transit?” Em gật lấy gật để:

– Transit đây, transit đây, mai đi Uzbekistan rồi, các anh khỏi tiễn. Kazakhstan. Uzbekistan. Kyrgyzstan.

Hai ông lại nghệt mặt ra nhìn nhau. Lần này chắc gọi Bộ trưởng. Anh béo vừa nghe điện thoại vừa như tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn:

– Ticket? Ticket?
– Đây, có ticket đây, sao đ’ hỏi từ đầu.

Đưa từng tờ A4, ngày mai đi Shymkent này, gật gù, gật gù, mấy hôm nữa từ Samarkand đi Almaty này. Đang lo ông này hỏi đi Almaty làm cđg, thì ông ấy ”À” một tiếng rõ to vào điện thoại rồi ngay lập tức đưa tay mời, hướng về bà chị ban đầu. Mình lúc này khệnh khạng đi trong chiến thắng, tay gõ gõ vào đồng hồ ý bảo các ông làm ăn thế này, nửa đêm đến nơi rồi. Anh béo vừa cúi đầu mở dây vừa nói “Excuse me, excuse me” (ý nói “Sorry”).

Mấy trăm hành khách lúc này đã nhập cảnh hết. Bà chị lúc này có biểu cảm rất buồn cười, nửa mừng nửa lo, vừa cười vừa sột soạt tra hồ sơ giấy tiếp. Anh béo thì đổi sang cười, còn cho thằng con mình nghịch bộ đàm nữa mới thân thiện chứ. Bà chị dập được ba con dấu xong, đưa hộ chiếu ra và bất ngờ cười: “Welcome to Kazakhstan!” Trên rìa con dấu mờ mờ chữ “Nur-Sultan” vừa đi vào quá khứ từ nửa tháng trước.

Điều mình lo nhất không phải không được nhập cảnh mà là ông lái xe của khách sạn đứng đợi mòn mỏi. Máy bay delay 2 tiếng, xong lại tiếng rưỡi quả nhập cảnh. Giờ đã là nửa đêm. Ra đến ngoài thấy một anh chàng mặt trắng bệch, chạy hớt ha hớt hải khắp sân bay, tay cầm giấy tên khách, mình không cần nhìn tên mà túm lại ngay. Anh này thở không ra hơi, mừng hơn bắt được vàng, tíu tít xách hành lý. Ngoài trời, mùa thu Astana 1 độ C!

Đi từ máy bay đến nơi nhập cảnh: 5 phút
Thời gian nhập cảnh: 1 tiếng 30 phút
Giá 1 lít xăng 95 ở Kazakhstan: 219 KZT bằng 46 cent Mỹ (10.900 VND).

KYRGYZSTAN

Khu vực nhập cảnh cửa khẩu Kyrgyzstan. Ảnh: Đặng Thái

Anh lính biên phòng Kyrgyz sau cú giật mình như thường lệ, thì lại khiến chúng tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi, trầm sâu trong tiếng đất trời: “Việt Nammmmmmm!”. Có tiếng đáp lại từ phía sau. Anh quay lưng đi ra một chỗ kín đáo. Một phút sau anh quay lại: “Tua-rít?”. Mình gật: “Tu-rít-sờ-tốp” (туристов). Lại cười rất tươi: “Tua-rít?”. “Đa, đa, tu-rít-sờ-tốp”. Tưởng đâu phải dùng quyền trợ giúp gọi điện thoại cho người thân thì anh kêu tên từng người bằng tiếng Việt để dùng webcam chụp ảnh. Thằng con cũng hiểu ra là đã đến cuối đường hầm, vẫy tay rối rít: “Bái bai!”. Anh lính cười tít mắt: “Bái bai”.

Về đến khách sạn, mình nhắn Whatsapp cho anh lãnh sự. Cảm ơn anh vì cuối cùng lại may không phải gọi anh, và tấm tắc khen biên phòng Kyrgyz. Anh lãnh sự nhẹ nhàng nhắn lại: “Làm gì có mùa xuân đấy, đó là tớ đã gọi điện trước cho tay trưởng đồn, nói là hôm nay có thượng khách từ Việt Nam sẽ qua, liệu mà đón tiếp cho cẩn thận!”.

Bên cầu biên giới (bọc kính hoàn toàn) giữa Kazakhstan và Kyrgyzstan. Ảnh: Đặng Thái

Đi từ bên Kazakh sang đến nơi nhập cảnh: 5 phút
Thời gian nhập cảnh: 5 phút
Giá 1 lít xăng 95 ở Kyrgyzstan: 64.91 KGS bằng 77 cent Mỹ (19.100 VND).

Phụ lục:

AUSTRALIA

Khu nhập cảnh chia làm ba: một dãy là cửa tự động cho hộ chiếu điện tử, Trung Quốc cầm hộ chiếu đường lưỡi bò giờ đi hết lối này; một dãy cho công dân Úc và đồng minh giàu có gồm New Zealand, Anh, Singapore và Mỹ (không có Canada); một dãy dành cho công dân hạng hai và nhân dân cần lao khắp địa cầu.

Cả ba dãy đều đông nghịt người. Dãy công dân Úc là trẻ con nheo nhóc và đông nhất, địu sau lưng bố, bế trước ngực mẹ, ngồi xe đẩy, đu lủng lẳng trên tay hoặc vừa tự đeo ba lô vừa khóc. Anh cán bộ xuất nhập cảnh trẻ măng còn chưa có đồng phục, mặc tạm cái áo phản quang. Đây có lẽ là thành phần vừa được tuyển dụng vào theo thông báo của chính quyền mới về việc tuyển cấp tốc cán bộ immigration để xử lý 1 triệu hồ sơ visa tồn đọng sau mười năm Đảng Tự Do chống nhập cư cầm quyền cố tình chây ì.

Mình nói với anh chàng đeo kính mặt còn tàn nhang:

– Cậu có biết là chúng tớ mừng thế nào khi thấy cậu không? (dù sắp bị đội kiểm dịch hạch sách cho tới bến tiếp)

– (Cười khúc khích) Thật á?

– Sau khi đi qua quá nhiều cửa khẩu ở nước ngoài, thật mừng khi về đến đây.

Không có tiếng đóng dấu quen thuộc, anh nhẹ nhàng đưa lại hộ chiếu:

– (Cười ngơ ngác) Chúc cả nhà ngủ ngon tối nay!

Đi từ máy bay đến nơi nhập cảnh: 45 phút
Thời gian nhập cảnh: 5 phút
Giá 1 lít xăng 95 ở Australia: 2 AUD bằng 1.3 đô Mỹ (32.000 VND).

*

(Còn tiếp bài 3)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

8:16 Friday,22.9.2023 Đăng bởi:  Phan Huyền
Đọc bài anh viết như được mở mang thêm kiến thức về các nước trên thế giới. Cách anh kể chuyện thật gần gũi, hài hước và hay tuyệt.
Cám ơn anh Đặng Thái rất nhiều.
...xem tiếp
8:16 Friday,22.9.2023 Đăng bởi:  Phan Huyền
Đọc bài anh viết như được mở mang thêm kiến thức về các nước trên thế giới. Cách anh kể chuyện thật gần gũi, hài hước và hay tuyệt.
Cám ơn anh Đặng Thái rất nhiều. 
16:42 Thursday,22.12.2022 Đăng bởi:  Là Vân
Loạt bài hay quá! Như xem phim thám hiểm. Cảm ơn anh Đặng Thái.
...xem tiếp
16:42 Thursday,22.12.2022 Đăng bởi:  Là Vân
Loạt bài hay quá! Như xem phim thám hiểm. Cảm ơn anh Đặng Thái. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả