Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga 12. 11. 22 - 12:47 pm

Đặng Thái

Chuyến đi mở hàng cho việc tái khởi động sau đại dịch của mình là Oman và Kazakhstan. Tại sao lại có sự kết hợp giữa hai nước không cùng chủ đề như thế? Mời các bạn cùng theo dõi.

Mình có tay đồng nghiệp cũ là người Iran nhưng cũng đã thành Iran kiều sau mười mấy năm xa xứ. Gửi hồ sơ visa đến Đại sứ quán Iran xong thì mới nhấc máy gọi điện thông báo cho ông bạn. Tay này kinh ngạc vì nghe thấy có người đi du lịch Iran, lại vác cả vợ con theo, càng không tin Iran có cấp visa du lịch. Mình bảo là ông lạc hậu quá rồi, người ta đi Iran đầy, ảnh chụp đẹp lắm.

Đến hôm có visa, mình gửi cho hắn. Buổi tối thì chị vợ hắn gọi điện như hỏi cung: Đi đâu? Làm gì? Tại sao đi? Mang bao nhiêu tiền? Mình lại tưởng chị này làm thêm ngoài giờ cho Vệ binh Cách mạng nhưng hoá ra là anh chị lo cho nhà mình. Không phải lo chuyện an toàn, vì cả hai đều biết Iran an toàn, người dân thân thiện Trung Đông mà chị lo chính quyền quan liêu nó hạch sách làm mất hình ảnh đất nước chị. Thế là chị điều nhà ngoại ra sân bay đón, nhà chồng lo chỗ ở (phải nằng nặc từ chối), dặn bố đẻ cho mượn thẻ ngân hàng nội địa để tiêu, chị sợ mình không biết ngồi xí xổm, sợ mua thảm bị đắt nên dặn ông chú dẫn đi hàng quen… Mình vừa buồn cười vừa cảm mến sự nhiệt tình ấy.

Tấm thiệp mời trên bàn, thời gian địa điểm rõ ràng… Ảnh: Đặng Thái

Chuyến đi mà thành công trót lọt thì mình sẽ ngồi cùng ông bố tay bạn làm quan to của chế độ cũ để bàn về chính quyền Cách mạng, chụp ảnh hút shisha với mấy cô em vợ hắn để đăng Instagram, bài viết này, lúc ấy sẽ đề tặng bác Sáng Ánh. Thế mà đến một ngày trước hôm đi thì báo chí bắt đầu rần rần tin biểu tình ở Iran do một thằng cha cảnh sát gạt trúng vào má làm chết một cô gái người Kurd đang bị tạm giam vì tội quấn khăn “lả lơi”. Đêm trước Đổi mới… à quên đêm trước khi ra sân bay thì vợ chồng hắn gọi:

– Đm, hay thôi nhà ông bà để khi khác đi Iran vậy.

– Iran biểu tình cả 5 năm nay rồi có hết đâu

Chị vợ sốt sắng nhảy vào:

– Nhưng mà lần này khác, thành bạo động rồi, cảnh sát nó múc dân giãy đành đạch ngay trên phố. Đại học Tehran gần chỗ ông bà đặt phòng là điểm nóng nhất, ngày trước tôi dạy ở đấy tôi biết.

– Thế nhà tôi tránh Tehran, đi Isfahan là chính vậy

– Isfahan còn nát hơn Tehran

– Yên tâm, nhà tôi đi nhiều rồi, sợ đếch gì, cứ trùm khăn che tai là được

– Thế thì ông bà cầm lấy số máy bàn này của ông già tôi, sang đến nơi thì tìm bốt điện thoại công cộng mà gọi, nó cắt sóng di động rồi, chắc sẽ cắt internet đến nơi thôi, Whatsapp các kiểu bị chặn rồi.

Hai vợ chồng mình đêm đấy như ngồi trên đống lửa, vừa tức vừa tiếc, cãi nhau chí choé, ông bà nội ngoại ở Việt Nam cũng nắm được tình hình, Zalo ting ting liên tục. Dự định ban đầu là qua Oman để đi Iran rồi khi về thì lượt phượt qua Oman chơi một hai bữa. Máy bay từ Úc hạ cánh xuống Malaysia thì hội nghị hai bên thống nhất được việc không đi Iran nữa. Xung quanh Oman chỉ có mỗi Kazakhstan và Kyrgyzstan là miễn visa cho hộ chiếu xanh lá dong quyền lực. Vậy là chuyến này đi toàn những nước ngồi trên đống dầu và được Allah phù hộ.

“Ta nhất quyết xăng Ba Tư đắt hơn xăng Ka-dắc
Mường tượng rằng caviar Kazakh ngon hơn trứng cá muối Iran”

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

Mình ngồi trong khách sạn ở Oman để tìm vé máy bay. Ngoài cửa sổ là muôn trùng núi đá dưới nắng chói chang và trăm ngàn ngôi nhà hình hộp trắng muốt xếp cạnh nhau như trong truyện cổ Ả Rập; trên tivi, tổng thống Raisi mới đi New York về đang gân cổ uý lạo dân chúng còn cảnh sau là lửa bập bùng cắc cùm cum trên đường phố Shiraz. Vấn đề là không có đường bay từ Oman đi Kazakhstan, kiểu gì cũng phải quá cảnh UAE. Các hãng Emirates và Etihad có vẻ vẫn như vừa loạng choạng đứng dậy sau cơn dịch thập tử nhất sinh nên ghế thì không nhiều mà giá cao chót vót. Cuối cùng một anh hùng xuất hiện, 2 người lớn 1 trẻ con, bay sang Astana (6 tiếng) cả hành lý, cả thuế phí mới có 400 USD. Đó là hãng Wizz Air. Nhưng anh hùng nào mà chẳng có tật: phải nhập cảnh UAE để lấy hành lý và vé bay tiếp. Bay với các hãng sang chảnh của UAE thì dễ rồi, họ nâng khách như nâng trứng nhưng mà bay hãng giá rẻ thì họ lại coi mình như các nước tiểu lục địa Ấn Độ anh em. Tức là phải xin visa transit. Visa UAE phải có người bảo lãnh, còn có vài ngày, xin visa kiểu quái gì cho kịp?

Abu Dhabi từ trên cao. Đất cát phân lô bán nền nhiều quá bác Sáng Ánh ơi! Ảnh: Đặng Thái

Rất may là nhân dân Ấn Độ anh hùng ngoài dạy đại số tuyến tính trên Youtube, còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trên Tripadvisor. Có anh mách nước một mẹo rất hay là cứ vào trang xin visa của hãng Etihad, điềm nhiên như mình nhiều tiền đi hãng này, rồi quất con vé giá rẻ với đặt phòng khách sạn của mình vào là xong. Thế là mình mua vé trước khi có visa, “Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!”. Nộp visa trên mạng lúc 12h đêm thì 2h sáng dậy đi toilet đã thấy visa của hai vợ chồng về, còn thằng con thì yêu cầu bổ sung giấy khai sinh. Các anh ngủ ngày cày đêm, làm việc thần tốc vậy nhẽ nào chả tiến bộ nhất vùng Vịnh!

Bao nhiêu công học tiếng Farsi, giờ lại phải tải các bài học tiếng Nga về điện thoại để vừa lái xe vừa học vì nghe giang hồ đồn rằng muốn sống sót trở về qua các nước “-stan” thì nên dắt túi ít tiếng Nga. Có điều, cảnh núi non sa mạc ở Oman khá là thú vị nên chữ Nga rơi tong tỏng hết, chẳng được chữ nào vào đầu. Mà lo gì, những nước giàu như Kazakhstan, giao dịch quốc tế nhiều, chắc có lẽ tiếng Anh cũng dần thông dụng rồi.

Một cung đường và núi điển hình ở Oman. Ảnh: albinfo

Được miễn sao vẫn đòi mua

Vào đến Kazakhstan rồi (chuyện vào thế nào kể ở bài sau) vì lại lo chuyện đi Kyrgyzstan. Chẳng là có một hiệp định khá lạ đời, kí năm 1981 từ thời Liên Xô, rằng công dân Việt Nam không những được phép nhập cảnh Cộng hoà XHCN Xô viết Kyrgyz thoải mái không cần visa mà còn được định cư miễn phí cả đời, do thời ấy không có hộ chiếu Nhà nước cử đi thì đố mà đi được nên không cần thị thực. Liên Xô sụp đổ, không ai buồn sửa hiệp định thế là công dân Việt Nam vẫn nghiễm nhiên được vào Kyrgyzstan thoải mái. Về lý là vậy, nhưng thực tế số người Việt Nam sang Kyrgyzstan du lịch vẫn còn quá ít nên suốt hàng chục năm qua, mỗi lần dân du lịch bụi Việt Nam sang nhập cảnh là một lần phải chiến đấu với biên phòng Kyrgyz mệt nghỉ để nhập cảnh. Biên phòng Kyrgyz vừa thiếu thông tin mà cũng vừa giả vờ không biết để đòi tiền. Kỷ lục nhất là năm 2019 có đến 3 nhóm Việt Nam cùng kẹt giữa biên giới Tajikistan và Kyrgyzstan trên núi hoang vu cao 4200m và phải làm một việc kỳ khôi là cử một anh Việt kiều Mỹ trong đoàn nhập cảnh Kyrgyzstan làm giấy mời du lịch rồi mang ngược trở lại.

Đến năm 2021 đã có quy định mới là miễn visa 60 ngày cho công dân Việt Nam nhưng dịch giã đã ai đi đường bộ vào Kyrgyzstan đâu mà biết. Đọc mấy chuyện như vậy thấy hãi hùng quá, lần này lại đèo bòng thêm vợ dại con thơ nên mình quyết định đến Đại sứ quán Kyrgyzstan ở Kazakhstan để xin visa cho chắc cái dạ.

Đại sứ quán là một toà biệt thự nhỏ xinh khá trang nhã… nằm lọt thỏm giữa một đại công trường xây dựng chung cư, đất đá ngổn ngang, lần mò mãi mới vào tới nơi.

Đại sứ quán Kyrgyzstan ở Astana. Phải xoay xở mãi mới chụp được bức ảnh không có ống cống bi, gạch đá bê tông ngổn ngang. Ảnh: Đặng Thái

Anh cảnh vệ hỏi han xong thì dẫn mình vào nhưng không phải vào trong toà biệt thự mà sang bên cạnh, một cái nhà cấp 4 xây cơi nới trông như gian bếp vậy. Trước gian nhà này là hai đồng chí đang đứng hút thuốc. “Aнглийский?” (Ăng-lít-sờ-ki?), anh già hơn chỉ vào anh trẻ hơn. Mình bảo:

– Anh là lãnh sự, vậy bác này chẳng nhẽ là đại sứ?

– Ông này cũng là lãnh sự, nhưng tương lai chắc là thành Đại sứ đấy!

– Ngày xưa em cũng nộp hồ sơ trường Ngoại giao, cũng ước mơ thành lãnh sự. Thế mà số phận lại xô đẩy đi Úc.

– Số cậu thế là may đấy. Làm gì thì làm, đừng làm nghề lãnh sự!

Nhân dân bắt đầu lục tục kéo đến, trông ai cũng toát lên vẻ vất vả. Hai anh vào hai phòng, thông nhau bởi một ô kính kín. Gõ máy lạch cạch.

– Công dân Việt Nam không cần visa đồng chí nhé.

– Dạ vâng, em biết là như thế, nhưng người ta nói là qua cửa khẩu Kyrgyz thì nhiều khi bộ đội biên phòng người ta không nắm rõ luật nên lại không cho qua. Anh cứ cho em xin cái thị thực quá cảnh, loại 4 ngày, như thế em yên chí.

– Nhưng mà không có quy chế để cấp visa cho cậu vì được miễn mà

– Đây anh xem trên trang web của Bộ ngoại giao Kyrgyzstan có danh sách các nước được cấp visa theo diện đơn giản hoá, Вьетнам đây ạ

Cán bộ lãnh sự với cuộn giấy lau tay khá to. Ảnh: Đặng Thái

Anh đọc văn bản mà không tin là có quy định như vậy dù có vẻ không ngạc nhiên lắm với hệ thống luật pháp củ chuối của nước mình. Anh bắt đầu nhấc máy và liên tu bất tận các cuộc điện thoại đến và đi, cả việc của mình và cả việc của nhân dân Kyrgyzstan nói chung. Có một cuộc chắc là gọi về Bộ Ngoại giao, vì ông trong điện thoại hỏi đại ý: “XX đấy à, giờ đang nước nào rồi, vẫn Kazakhstan hả?”, “Vâng em vẫn kẹt ở Kazakhstan đây”. Kết luận: Luật của Bộ Ngoại giao mâu thuẫn, vẫn chưa sửa nhưng mà không thể cấp visa được.

– Thế lúc họ GÂY KHÓ KHĂN cho em ở cửa khẩu thì biết làm thế nào ạ, em còn phải bế con, chứ nếu mình em thì em chiến đấu đến cùng.

– Giá cậu đi đường hàng không thì ở sân bay Manas có cán bộ chuyên thị thực họ sẽ biết, đi cửa khẩu đường bộ thì… thôi không sao, tớ có biết tay Trưởng đồn cửa khẩu Korday, bây giờ tớ sẽ cho cậu số điện thoại cá nhân của tớ, với điều kiện về sau không được cho ai khác số điện thoại này (ý nói anh em Việt Nam khác). Đến cửa khẩu nếu chúng nó hành tỏi, cậu gọi cho tớ, tớ sẽ đe chúng nó, nhưng mà tớ nghĩ chắc là sẽ đi bình thường thôi không sao đâu.

Hứa đi hứa lại mãi anh ấy mới rụt rè viết tay cho mình số điện thoại. Trước lạ sau quen, bắt đầu từ hỏi đi Kyrgyzstan làm gì, đến có biết đi chơi chỗ nào thì đẹp không, có phải Youtuber không (thời gian đi chơi còn không đủ, thời gian đâu mà làm Youtube!). Rồi anh cho một tấm bản đồ du lịch rất to bằng tiếng Anh, của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc cho khách Hàn Quốc, nói phải đi những chỗ này này, rồi tìm các thông tin trên mạng gửi qua Whatsapp, nhiệt tình vô cùng. Mình thì sốt ruột vì thấy mấy bà cụ đang ngồi đợi ngoài hành lang. Trước khi ra về vẫn còn dặn là cố gắng qua cửa khẩu vào ban ngày chứ đừng nửa đêm dựng anh ấy dậy. Ước mơ giản dị của anh ấy là đi holiday tại nhà, chỉ cần không có ai gọi điện. Cũng là phận công chức, anh em đồng cảm, bùi ngùi chia tay không hẹn ngày gặp lại.

(Còn tiếp bài 2)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

21:59 Wednesday,7.12.2022 Đăng bởi:  Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em
Em ngày nhớ đêm mong bác Đặng Thái viết bài mà. Mỗi lần vật vã quá thì lại lôi series bài của bác đem ra đọc lại, mỗi lần đọc lại học được vài điều mới mẻ.
...xem tiếp
21:59 Wednesday,7.12.2022 Đăng bởi:  Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em
Em ngày nhớ đêm mong bác Đặng Thái viết bài mà. Mỗi lần vật vã quá thì lại lôi series bài của bác đem ra đọc lại, mỗi lần đọc lại học được vài điều mới mẻ. 
12:58 Saturday,3.12.2022 Đăng bởi:  Đặng Thái
Cảm ơn Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em vẫn nhiệt tình ủng hộ suốt những năm qua!
...xem tiếp
12:58 Saturday,3.12.2022 Đăng bởi:  Đặng Thái
Cảm ơn Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em vẫn nhiệt tình ủng hộ suốt những năm qua! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả