|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞOman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch 27. 02. 23 - 10:44 amĐặng Thái(Tiếp theo bài 6) Máy bay hạ cánh xuống thành phố Astana lúc 10 rưỡi tối. Astana là thủ đô của nước Cộng hoà Kazakhstan, thành phố mới đổi lại tên cũ này được hai tuần sau 3 năm mang tên Nur-Sultan. Mọi thứ từ bảng tên cán bộ xuất nhập cảnh đến con dấu trên hộ chiếu vẫn ghi Nur-sultan. Năm 2020, chính quyền Kazakhstan yêu cầu IATA đổi mã quốc tế của sân bay từ TSE sang NQZ. Tselinograd (“Thành phố đất vỡ hoang”) là tên thời Liên Xô, còn Nursultan là tên mới, QZ là viết tắt của Qazaqstan viết theo bảng chữ cái mới (công bố năm 2017, sửa đổi năm 2018 và chính thức ra mắt năm 2021) theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ để “thoát Nga”. Trên đường từ sân bay về chỗ nghỉ đường xá rộng thênh thang, 6 đến 8 làn thẳng tuốt, chưa kể 4 làn phụ ở hai bên. Điều đáng ngạc nhiên hơn là tuy nửa đêm nhưng xe cộ đi lại rất nhiều so với nửa đêm Việt Nam hay Úc hay cả Dubai. Các toà nhà mặt tiền hai bên đường trông đều mới (và) cứng với đèn neon hắt sáng, đèn LED giăng như mắc cửi, chạy dọc thân nhà cao tầng xanh đỏ tím vàng đủ loại màu. Cứ một đoạn lại có một loạt toà nhà cùng một thiết kế, phần (giả) tân cổ điển, phần hiện đại, phần Xô viết cứ như đi qua Vin City, Trung Hoà-Nhân Chính và Giảng Võ cùng lúc vậy. Đi quá Đền thờ lớn Astana rực rỡ ánh đèn một lúc là đến hàng loạt các quán bar sáng đèn, tuy đa phần là Karaoke bar nhưng chắc chắn là bia rượu thì vô tư rồi, khá là lạ ở một nước Hồi giáo (dù mới chiếm 70% dân số). Hai hàng cây hai bên đường cũng được chiếu sáng xanh lét hàng mấy cây số, chưa nói đèn đường trên đầu sáng choang, các bác đốt điện thế này nhẽ nào Kazakhstan chẳng dùng điện bình quân gấp 2-3 lần các nước phát triển trong OECD. Nhiều xe chứng tỏ dân giàu, nhưng cũng khá nhiều xe cũ trên đường. Nhân đây cũng nói qua về xe cộ. Di chuyển trong các thành phố ở các nước nói tiếng Nga thì cần tải app Yandex Go để đặt xe công nghệ. Giá taxi Yandex rẻ, khoảng 1200 KZT (60k VND) cho 7 km – 25 phút. Astana mang tiếng là thành phố được quy hoạch mới hoàn toàn nhưng vì đường quá lắm ô bàn cờ nên suốt ngày chỉ dừng đèn đỏ và xe con thì rất nhiều. Các bác tài lái xe đều có cái máy cảnh báo bắn tốc độ nhưng thực tế là đi qua cái ngã tư nào nó cũng kêu “Camera! Camera!” và cảnh sát thì chỉ cần đi 5 phút lại thấy nên di chuyển trong thành phố rất mất thời gian cho những quãng đường không xa lắm. Mặc dù vậy các bác tài vẫn lái siêu ẩu, nhất là dân Uzbek. Xe Yandex gọi chỉ tầm 3-5 phút là đến, nếu phải chờ mình thì họ được tính tiền (vài trăm VND một phút) nên họ chả vội tìm hay gọi mình như bên Nga. Có mấy loại xe: Carpool: rẻ nhất, đi chung xe, nghĩa là ngoài mình còn đón thêm khách nữa dọc đường, đây chính là ý tưởng nguyên thuỷ của Uber nhưng rất không nên đi vì vòng vèo cực lâu. Economy: là loại thường đi vì rẻ hơn và nhiều xe hơn nhưng cũng gặp phải những con xe Lada hoặc xe Nhật đời Tống nhìn mà không dám bước vào. Đặc biệt là không thể biết trước ghế lái sẽ đặt bên nào, lái xe thường trẻ và ẩu, có khi còn hút thuốc phì phèo, mỗi chuyến đi là một lần đánh bạc vậy. Comfort: là loại có xe tử tế dù cũ hay mới cứng, lái xe cũng đàng hoàng hơn vì xe này họ phải thuê của bọn trùm (12,000 tenge một ngày) nên lo giữ gìn, mà thực tế giá chỉ hơn có 100-200 tenge/một cuốc nên tội gì mà không đi. Lượng xe tràn ra đường nửa đêm ở thành phố có 1 triệu dân này cho ngay cảm giác tiềm tàng rằng có gì đó không đúng: một là quy hoạch sai, hai là hệ thống giao thông công cộng như ***. Kiến trúc sư Kisho Kurokawa, bậc thầy Nhật Bản, người sáng lập trường phái Metabolism (Chuyển hoá luận) đã thắng giải cuộc thi Quy hoạch chung thủ đô mới của Kazakhstan năm 1998. Quả thật, quy hoạch này đã dùng số liệu dự đoán rằng thành phố Akmola 300.000 dân vào năm 1997 sẽ trở thành thủ đô Astana 1 triệu dân vào năm 2030. Thực tế, Astana đã vượt mốc 1 triệu dân vào năm 2020 với tỉ lệ sở hữu xe là 360/1000 dân, cao hơn cả London và Baku. Trong khi trên đường lác đác vài cái xe buýt. Hệ thống tàu điện trên cao của Astana khởi công năm 2011 với dự định hoàn thành kịp phục vụ Triển lãm EXPO 2017. Thế nhưng không có vốn. Năm 2015, Thủ tướng Karim Masimov sang Bắc Kinh vay ưu đãi dưới Sáng kiến Vành đai Con đường 1,6 tỉ USD (80% dự án) để nhà thầu Trung Quốc đưa người sang làm 22km đường sắt đô thị. Năm 2022, hàng loạt trụ bê tông (đỡ đường tàu) chình ình giữa đường, trơ gan cùng tuế nguyệt được nhân dân Kazakh gọi là Tượng đài tôn vinh tham nhũng ở Kazakhstan. Vì thế nên taxi là phương tiện di chuyển chính của nhà mình ở Kazakhstan. Hầu hết tài xế là người Kazakh, không nói được quá 10 từ tiếng Anh nhưng cũng bập bõm và thông qua Google Dịch được nhiều thông tin thú vị. Đầu tiên là ai cũng bất ngờ vì mình không biết… tiếng Nga. Khi lên xe cũng có lúc họ nhận ra mình không phải dân địa phương thông qua cách ăn mặc nhưng mỗi người lại gán cho mình một mục đích sống mới. Ngoại trừ ông cán bộ xuất nhập cảnh cho rằng mình là cán bộ ngoại giao thì các bác tài tự cho mình đủ nghề: thương nhân, đi dự hội nghị, tiếp viên hàng không, nghiên cứu sinh và cả mafia! Không ai nghĩ mình là khách du lịch! Mình thấy người Kazakh chào nhau “salam aleikum” thì cũng bắt chước chào tài xế. Chào như vậy thì họ mặc nhiên nghĩ mình người Kazakh và cứ thế bắn tiếng Kazakh. Khi nói rằng mình đi du lịch thì tất cả đều à ra. Có một bác tài bảo: “Bad time. Bad time”. Qua Google Dịch, bác nói: “Do người Nga thời điểm này sang quá đông nên vé tàu xe và phòng nghỉ đắt đỏ lắm”. Mình đinh ninh rằng bấy giờ là mùa thu, do người Nga năm nay không đi nước ngoài được nên đổ xô sang các nước Xô viết cũ du lịch. Nhưng ngoài khách Nga ra thì quả thật không có khách nước ngoài, ngành du lịch đóng góp không đáng kể vào nền kinh tế (hơn 1.5%) nên tài xế họ ngạc nhiên là phải. Mình nhận phòng ở một khách sạn nhỏ, không gần trung tâm lắm, vậy mà khách khứa ra vào liên tục, chỉ là không ai nói với ai gì nhiều, cứ lẳng lặng rầm rì, có người còn xách theo cả cái lồng đựng chó to tướng. Khách đông thế này thì đúng là khách Nga đã cứu ngành du lịch Kazakhstan sau đại dịch. Trước khi đến, mình nhắn tin trôi chảy với lễ tân… bằng Google Dịch nên khi nhận phòng họ cứ bắn tiếng Nga như tiểu liên. Khi thấy hộ chiếu lá dong thì à ồ ngạc nhiên và thấy mình đánh vần menu ăn sáng thì cười rinh rích. Ngay tối hôm sau mình có một chuyến bay đi Shymkent (thành phố lớn thứ ba) lúc 21h40 và đường ra sân bay là 18km. Sau 1 tiếng vừa đi vừa dừng, mình cũng đến nơi… 5 phút sau giờ quầy check-in hành lý đóng cửa, sạch bách không còn một dấu vết gì của hãng SCAT giá rẻ! Mình chạy trong hốt hoảng để tìm ra quầy vé của hãng. “Chịu rồi! tối nay, ngày mai đều không có chuyến bay” hai bà người Nga thong thả lắc đầu. Mình quyết định thay đổi kế hoạch để đi Almaty (cố đố và là thành phố lớn nhất) vì giữa hai thành phố lớn nhất máy bay chắc chắn nhiều, trên bảng thông tin thấy có bốn chuyến của bốn hãng. Tất cả các hãng gặp được, nhân viên đều lắc đầu. “Thế cho tôi đi bất kì thành phố nào cũng được, miễn là đi khỏi Astana này!” vẫn lắc đầu. Tìm trên mạng, không chỉ hôm nay mà ngày mai cũng không còn một ghế nào cả. “Sao lại có chuyện vô lý như vậy?” Tôi thầm nghĩ. Cô nhân viên cao to xinh đẹp của hãng FlyArystan sau một hồi điều tra lý lịch mình vui vẻ thì nói anh ngồi xuống đây cạnh em, đợi thêm đến 1h sáng xem mấy chuyến tới có ai bỏ vé không thì em bán vé giờ chót cho (với giá gấp 3 bình thường). Nhưng thấy bảo còn vợ con dưới nhà thì cô đổi ngay thái độ, khuyên là nên về đi để mua vé ngày kia vì cả ngày hôm nay máy bay nào cũng đầy kín khách, mơ đấy mà có 3 ghế. Đành quay sang tìm vé tàu hoả nhưng đi tàu hết 15 hoặc 20 tiếng tuỳ vào loại tàu. Một anh thanh niên khuyên nên đi máy bay thì hơn. Mình đành bỏ cuộc ở sân bay lúc 12h đêm. Về đến khách sạn thì phòng đã dọn sạch như mới để đón khách, lễ tân cho ở tiếp phòng cũ vì đã trả tiền đêm nay nhưng khi mình muốn đặt phòng thêm một ngày mai nữa thì giá bỗng nhảy lên hơn gấp đôi (từ 18.000 tenge lên 38.000)! Và thử lên mạng xem thì phòng rẻ nhất ngày mai quanh thành phố là 45.000! Hai người đàn ông Nga bước vào hỏi xem còn phòng không. Mình phải vồ lấy chìa khoá phòng ngay lập tức. Đến đây thì mình bắt đầu vỡ ra câu chuyện người Nga “đi du lịch” khi nhìn thấy đống giấy photo hộ chiếu khách Nga trong quầy lễ tân. Tất cả khách không có một người phụ nữ nào! Mình bóp trán mà nhận ra rằng lệnh tổng động viên một phần ở Nga vừa ban hành tuần trước và người ta đang tìm mọi cách để xuất cảnh khỏi Nga bằng cả tiểu ngạch và chính ngạch. Người Nga đi Kazakhstan thậm chí còn không cần hộ chiều quốc tế. Lúc lên phòng mới thấy phòng bên có đến 5 người lớn ở. 7h sáng mình ngủ dậy, mò xuống lễ tân nhờ đặt hộ vé tàu cho chắc chắn vì trang mua vé bằng tiếng Nga. Chật vật hàng tiếng đồng hồ cũng đến được trang thanh toán sau khi có sự giúp đỡ của mấy người Nga đang bồn chồn ngồi ở sảnh. Điểm duy nhất để phân biệt người Nga quốc tịch Nga và người Nga quốc tịch Kazakh là người Nga-Nga biết một ít tiếng Anh, đủ để nghe nói ở mức tối thiểu. Vé tàu qua một đêm bỗng bốc hơi như mây như khói, mình hốt hoảng mua bất kì vé nào còn sót lại cho tối nay. Nhưng cuối cùng không thanh toán được bằng thẻ phát hành ở Việt Nam hay ở Úc. Mình nói tôi có tiền mặt đây, ai trả hộ bằng thẻ với không thì hết vé mất (tổng 2 triệu VNĐ), 5 người của khách sạn đều có lí do và lắc đầu. Mình túm lấy ngay một anh Nga khác đang tay xách nách mang từ trên tầng xuống, và mặc dù mới đến, còn chưa thuộc tỉ giá tiền Kazakh, không biết có đủ tiền rúp trong thẻ không, anh vẫn thử thanh toán hộ hai lần, nhưng thẻ Nga hệ thống cũng không chấp nhận! Vậy đấy, những lúc khó khăn nhất, trên đường “tự cứu” mình, người Nga vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ kẻ lạ. Nghe tôi phàn nàn, anh cười nhạt: “Thôi ông thông cảm cho mấy người ở đây, lương họ chắc thấp nên họ không dám tiêu khoản tiền lớn vậy”. Mình phải đi ra tận ga mua vé tàu, mất đứt nửa ngày, và dĩ nhiên, chỉ còn vé ngày hôm sau. (Còn tiếp bài 8) * Oman-Kazakhstan: - Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga - Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng - Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa - Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm! - Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi - Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa - Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch - Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to? - Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường - Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia - Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|