Gẫm & Bình

Gia Phả – khi lý thuyết xanh hơn
cây đời 01. 03. 11 - 3:14 pm

Giỏ Mây

.

 GIA PHẢ

Triển lãm của họa sĩ Trần Hoàng Sơn
Từ 18. 2 đến 18. 3. 2011
Art Vietnam Gallery
7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội
 

Lý thuyết thì xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi (Goethe)

Chưa có một triển lãm cá nhân nào mà tôi được đọc một màn lý thuyết nghe vòng vèo nhưng cũng thẳng thắn đến vậy, hay nhất là câu nói, ngụ ý: những người bạn là dấu cộng và cũng có thể đem lại những dấu trừ trong đời sống cá nhân ta, và vì những cộng trừ rắc rối ấy mà người ta nên quay về nguồn cội (về làng), về nơi bình yên và tình yêu…

Chính vì vậy, tôi đã đi xem triển lãm theo cách lộn ngược, giống như đọc ngược một tiểu thuyết, từ chương 3 lộn về chương 1, để coi giữa cái lý thuyết “màu xám” ấy và thực tiễn triển lãm ấy nó giống, khác ra sao.

Bắt đầu là tầng 3 – phần cuối của triển lãm, gồm chừng 16 bức chân dung, chủ yếu là các bà già, thêm một ông già và một vị sư. Tất cả đều chung 1 tên tranh (Village People, không có tên tranh tiếng Việt!!!). Tất cả cùng chung một cách trình bày: chân dung có tô màu bên dưới, bên trên là những chùm lá tre trang trí. Các chân dung đều cùng một tư thế: ngồi thẳng, mắt nhìn thẳng về phía trước, như cách ta vẫn được các ông thợ chụp ảnh bảo phải ngồi để còn “làm một tấm” chứng minh thư cho “chuẩn”.

.

Tác giả vẽ rất kỹ. Chất liệu màu tự nhiên trên giấy dó được xử lý công phu, từng chi tiết, từng nét vẽ đều rất chi li, từ nếp nhăn, sợi tóc trắng vương vấn đến chiếc răng đen… Nhìn thật kỹ, ngắm thật lâu, lại thấy tác giả gần như đã triệt tiêu khả năng loang màu một cách tự nhiên của chất liệu giấy này – khả năng này góp phần đem lại cảm giác hư ảnh, huyền ảo rất hấp dẫn của giấy dó. Anh sử dụng chất liệu theo cách của mình, không bận tâm tới đặc điểm tự nhiên đó của giấy, chỉ coi nó như một công cụ thuần túy… Và sự kỹ lưỡng thường đi cùng với sự duy lý. Ngắm nhìn mãi, hết chăm chú chi tiết lại đến toàn cảnh, Giỏ Mây cũng chỉ có thể công nhận rằng tác giả vừa giỏi kỹ thuật vừa kỳ công, hơn ông thợ truyền thần một bực, là thay vì “chụp ảnh chứng minh thư nhân dân”, anh dùng tay vẽ lại từng nhân vật, lại thêm chùm lá tre bên trên cho yên trí rằng đây là “người làng”- theo tên tranh đã được “dịch thô” sang tiếng Việt.

.

Sang tầng 2, phần giữa của triển lãm, là chân dung những người trong gia đình, họ hàng của tác giả. Đoán vậy thôi vì không thể căn cứ vào tên tranh được do tất cả cũng đều chung một tiêu đề tiếng Anh (Portrait). Phần này thật nhiều màu sắc, chân dung chủ yếu là nam giới, mỗi nhân vật lại có một loài hoa đi kèm. Trẻ em thì có hoa hồng, thanh niên thì có hoa cúc, hoa sen, hoa hướng dương, hoa hồng kèm tờ tiền đôla Mỹ; Gần cuối gian trưng bày lại có cả chân dung một bà lão với cành lá tre nhưng được bày kèm thêm một lọ hoa huệ bên dưới sàn (không biết vô tình hay hữu ý, vì đây là cách bày trí gợi đến sự tưởng niệm một nhân vật có thật đã quá cố; nếu vậy, tự dưng một triển lãm nghệ thuật lại đồng thời được trưng dụng cho một việc khác nữa); Một vài bức chân dung tự họa (Giỏ Mây nghĩ thế, vì thấy giống tác giả trên ảnh), thì được thêm cành tre với những dải hoa sen tương tự như hoa sen trang trí trên bệ tượng Phật trong chùa (thứ này cũng đã được lặp đi lặp lại ở một vài bức chân dung khác trên tầng 3)…

.

Chân dung ở tầng 2 này đa dạng hơn về cách thể hiện vẻ ngoài lẫn thần thái nhân vật. Việc sử dụng không chỉ một motif phụ trợ khiến cho người xem có thêm một động tác nữa để làm là cố lý giải ý tứ của tác giả khi lồng ghép các loại hoa khác nhau vào chân dung… Mà không chỉ hoa, có cả chân dung một phụ nữ kèm với mấy con cá đang quẫy đuôi bên dưới… Nhưng ngoài những yếu tố phụ trợ này ra thì còn gì nữa không nhỉ? Ở tầng này Giỏ Mây thấy tác giả hơn các bác vẽ truyền thần ở chỗ vẽ người lại có vẽ thêm hoa, vẽ hoa thì rất giống bông hoa thực ở ngoài đời, nhưng lạ là giống 100% nhưng vẫn không hấp dẫn bằng, vì hình như thiếu đi một sinh khí, một tinh thần được truyền lại từ người vẽ ra chúng…

.

Xuống tầng 1 là chân dung một số người bạn, chính giữa là hình ảnh một cậu thiếu niên dang rộng hai cánh tay, bên dưới là một dải hoa hồng chạy dài. Các chân dung còn lại không có hoa hay lá tre nữa, mà được vẽ kèm với một thứ gì đó gắn bó với nhân vật, người thì có lồng nuôi chim cảnh, người thì có tòa nhà chung cư, người thì có tượng Phật mọc trên đầu, người lại kèm với những hình ảnh thần thánh có trong đình chùa miếu mạo… Ai cũng có đôi môi đỏ chót mà lại toàn là chân dung nam.

.

Hơn 30 bức chân dung con người, có nam, phụ, lão, ấu; có người thường lẫn người tu hành; có người ngoài với người trong nhà… Đây có thể là một xã hội thu nhỏ được không, được quá đi chứ, đủ các thành phần rồi mà. Nhưng sao chừng đó người cũng chỉ dừng lại như một tập hợp chân dung vẽ kỹ lưỡng và có trang trí, còn Giỏ Mây không “đọc” được một câu chuyện xã hội hay thời cuộc nào khác nữa, ngay cả chân dung nội tâm của người được vẽ Giỏ Mây cũng không đọc ra.  Lại hoàn toàn không liên hệ gì được với màn lý thuyết “cộng trừ quan hệ” rất thẳng thắn đính kèm triển lãm… Trong lòng tự hỏi, nếu họa sĩ vẽ thêm 1.000 bức, 10.000 bức nữa thì có gì khác không, có mẫu số chung nào cao hơn, bao trùm hơn cho những chân dung này không, có chạm tới cái không khí mà những con người này đang hít thở không?

.

Khi lượn ra ngoài phố với mớ câu hỏi hỗn độn này, Giỏ Mây tự dưng thấy nhớ… tranh Tàu. Loạt chân dung của Zang Xiaogang cũng là chân dung nhưng là chân dung của cả một thời mà mọi bi kịch bị che bằng những gương mặt nghiêm nghị vô hồn, chỉ cần bước qua một lằn ranh nhỏ xíu thôi là có thể thành một lũ quỷ.

.

Hay tranh của Yue Minjun phản ảnh cả một thời mà bao nhiêu hỉ nộ ái ố, kể cả bi kịch cao nhất của bản thân, cũng bị che bằng những mặt nạ cười nhăn nhở…

.

Còn ở đây, Giỏ Mây có cảm tưởng như mới bước ra từ một hàng truyền thần rất giỏi, rất kỹ, mà nếu phải chọn để vẽ tranh cho ông, bà ở nhà thì Giỏ Mây sẽ chọn ngay. Lại nhớ đến lý thuyết của tác giả trong lời giới thiệu, thấy đây là một trường hợp mà lý thuyết lại xanh tươi hơn thực tiễn (triển lãm)… Nhưng nghĩ lại, hay tại Giỏ Mây đã đi xem triển lãm theo lối ngược?

*

Bài liên quan:

– CÂY PHẢ HỆ: những phép cộng-trừ của quan hệ?
– Tối qua, tại Art Vietnam…
– Gia Phả – lý thuyết xanh hơn cây đời
– KVT: “Family Tree” tại Art Việt Nam
– Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn
– Hóm hỉnh hồng, kiểu Trần Hoàng Sơn…

Ý kiến - Thảo luận

23:46 Thursday,3.3.2011 Đăng bởi:  PẮC TÔNG
Úi giời, Bạn Giỏ Mây xem tranh kỹ thế. Đúng là họa sĩ vẽ chân dung thì kỹ lưỡng, vẽ hoa cũng kỹ nhưng vì kỹ quá nên lại thành ra ướp plastic hết cả. Kỹ nhưng mà không giống lối vẽ Công bút của Pắc Phương chút nào. Và xin bạn Giỏ Mây xem lại tranh chứ PẮC TÔNG tôi thấy "những chùm lá tre" bên trên...như bạn đề cập thì rõ ràng không có kiểu lá tre nào mọc đă
...xem tiếp
23:46 Thursday,3.3.2011 Đăng bởi:  PẮC TÔNG
Úi giời, Bạn Giỏ Mây xem tranh kỹ thế. Đúng là họa sĩ vẽ chân dung thì kỹ lưỡng, vẽ hoa cũng kỹ nhưng vì kỹ quá nên lại thành ra ướp plastic hết cả. Kỹ nhưng mà không giống lối vẽ Công bút của Pắc Phương chút nào. Và xin bạn Giỏ Mây xem lại tranh chứ PẮC TÔNG tôi thấy "những chùm lá tre" bên trên...như bạn đề cập thì rõ ràng không có kiểu lá tre nào mọc đăng đối như thế cả. Đó là kiểu lá mọc trông giống như lá cây dương xỉ hơn. Bên Pắc Phương vẽ kiểu đó thì đi một hơi vì thuộc lắm. chỉ một phất bút đã nhúng đủ đầu mực....KI...A. Xong! 
0:14 Thursday,3.3.2011 Đăng bởi:  hoang hoa
Bạn Giỏ Mây nói: "một bên là vẽ một thời đại thông qua chân dung con người, và chỉ vẽ một bức thôi đã ra ý tưởng ấy; còn một bên là vẽ chân dung thôi, cho giống và người được vẽ thấy thích. Đấy là tinh thần của truyền thần".
Nhưng ở đây tôi không thấy cái tinh thần truyền thần của tranh anh Sơn. Mặc dù ngôn ngữ vẽ không mấy làm mạnh mẽ, nhưng tính nộ
...xem tiếp
0:14 Thursday,3.3.2011 Đăng bởi:  hoang hoa
Bạn Giỏ Mây nói: "một bên là vẽ một thời đại thông qua chân dung con người, và chỉ vẽ một bức thôi đã ra ý tưởng ấy; còn một bên là vẽ chân dung thôi, cho giống và người được vẽ thấy thích. Đấy là tinh thần của truyền thần".
Nhưng ở đây tôi không thấy cái tinh thần truyền thần của tranh anh Sơn. Mặc dù ngôn ngữ vẽ không mấy làm mạnh mẽ, nhưng tính nội tâm của nhân vật hiện lên khá cao. Cái này còn tùy thuộc vào cảm nhận của nhiều người về cái cảm xúc ấy. Trước đây anh Sơn không vẽ kiểu này, anh vẽ sơn mài, nên chưa chắc anh đã vẽ tiếp lối đó. Đó là chuyện của tương lai, hoặc từ cuộc triển lãm này sẽ là động lực để anh phát triển thêm... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả