Nghệ sĩ thế giới

Zang Xiaogang: dòng máu vô hồn 26. 07. 10 - 3:44 pm

Lê Thanh Dũng biên dịch

ZHANG XIAOGANG (Trương Hiểu Cương, sinh năm 1958 tại Vân Nam) được thế giới biết đến như một trong những họa sĩ đương đại kiệt xuất của Trung Quốc.

Đã hơn chục năm nay Trương chỉ vẽ những serie tranh sơn dầu dựa trên những bức ảnh cũ kiểu gia đình chụp vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Loạt tranh Dòng dõi: Gia đình lớn bắt đầu từ đầu những năm 1990 và phong cách ấy đã trở thành thương hiệu ủa Trương.

Năm 2007, một trong những bức tranh đó được bán đấu giá 3,8 triệu USD – giá cao nhất cho một tác phẩm của họa sĩ Trung Quốc hiện còn sống.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên những năm 1980, Trương là một người đứng đầu trong nhóm họa sĩ có tên “Trường Tứ Xuyên” chuyên về các tác phẩm siêu thực mang nội dung thâm thúy.

Về sau  ông phát triển cho riêng mình một phong cách tinh tế và nhiều màu sắc hơn, vẽ ra loạt tác phẩm có tên Những bộ mặt giả dối, khám phá sự căng thẳng trong cuộc sống cộng đồng và cá nhân trong và sau Cách mạng văn hóa.

Hai đồng chí và em bé đỏ

Trong các tác phẩm của mình, Trương khôn khéo sử dụng bóng tối, viền nhòe và những cặp mắt ươn ướt cho nhân vật của mình. Các nhân vật thường có nét mặt giống hệt nhau, ám chỉ tính “xã hội chủ nghĩa” trong gia đình và văn hóa Trung Quốc. Trương muốn bóng gió rằng trong cách mạng Văn hóa, Trung Quốc đã bị cuốn vào một cuộc rối loạn tập thể.

Ông hiện sống và làm việc tại Bắc Kinh.

 

 

CÁC TÁC PHẨM CHỌN LỌC CỦA TRƯƠNG HIỂU CƯƠNG

1. Một đại gia đình, 1995

Lấy cảm hứng từ những bức ảnh gia đình trong thời gian Cách mạng văn hóa, cũng như chủ nghĩa siêu thực truyền thống của châu Âu, tranh của Hiểu Cương đi sâu vào khái niệm “đồng nhất” trong trong văn hóa Trung Quốc thời chủ nghĩa xã hội.

Để tác phẩm của mình dựa vào khái niệm “gia đình” một cách gần gũi nhưng có mở rộng, đồng thời đậm tính xã hội- các chân dung của Hiểu Cương mô tả một phả hệ dài vô tận của tổ tiên do ông tưởng tượng ra; họ giống nhau như đúc và chỉ được phân biệt bởi sự khác nhau rất nhỏ.

Thường bó hẹp trong bảng màu đen trắng, những chân dung của Hiểu Cương mang ngôn ngữ của cả nhiếp ảnh lẫn hội họa.
Vẽ từ những bức ảnh chụp trong những tư thế đứng đắn của các hiệu ảnh tầm tầm, với thứ ánh sáng nhờ nhờ tối, những bộ mặt trong tranh Trương không tên, không cả thời gian: Đó là một loạt những câu chuyện riêng tư bị bó trong một công thức nghiêm ngặt.

Thỉnh thoảng một bệt màu chen ngang vào bức tranh làm nên một vết lạ mắt, tựa như một vết ố trên ảnh cũ, một vết bớt trên da, một dấu ấn của xã hội, lại như linh hồn người ngồi làm mẫu còn nấn ná ở lại.

Kết hợp với cái đẹp của tranh than chì truyền thống Trung Quốc, phong cách của Hiểu Cương đung đưa giữa tính phóng đại của thể loại hoạt hình với sự đơn điệu của chủ nghĩa khắc kỷ.

Câm lặng và thuần phục, cả phả hệ trải dài của tranh Trương Hiểu Cương cho thấy sự đồng nhất của các cá thể qua những nét không đổi: đầu quá to, tay quá bé, mũi dài, kiểu tóc chỉ khác đôi chút, cho thấy họ là những con người có họ hàng với nhau và mang những cảm xúc cứng nhắc. Sự bóp méo dị dạng “như ngủ mơ” ấy tạo nên tâm lý phức tạp trong tác phẩm của Hiểu Cương, nhấn mạnh tính chất căng thẳng của  nỗi sợ bị giam hãm, và khơi gợi ở người xem những lời giải đoán như đứng trước những câu chuyện kể.

 

1. Dòng Dõi 2005
Thông qua những con người được “nhân bản hữu tính” của dòng họ, Trương lật lại những khái niệm quen thuộc như: “người khác”, “cái khác”, và “nhận thức”.

Trong Dòng Dõi, hai người ngồi mẫu từ bức tranh phóng tia mắt ra với sự sắc nhọn mà dửng dưng, đối mặt người xem với ánh mắt xa lạ nhưng hợp với sự có mặt rất không tự nhiên của chính họ.

Trong chân dung, người cha và đứa con gái thể hiện một sự giống nhau đến đáng sợ, sự vô cảm lưỡng tính khiến họ như “hứa hẹn” một sự “ăn người”, mà có thể gọi là khai minh về trí tuệ cũng được, gọi là hiểm độc cũng được.

 

2. Giấc mơ của tôi: Ông tướng con 2005
Các nhân vật của Trương thường có khuôn mặt và biểu cảm hệt như nhau, ám chỉ một sự rối loạn tâm lý đám đông.

Trong Giấc mơ của tôi, hình ảnh ông tướng con Hiểu Cương là một đứa bé mặc quân phục và cởi truồng từ bụng xuống minh họa cho sự giằng co giữa lớp vỏ sơn cộng đồng với tính riêng tư dễ tổn thương, giữa giáo điều quan cách với khoa học nhân văn.
Tranh của Trương Hiểu Cương ảm đạm mà hùng tráng: vừa ôm trọn cái lạc quan của một thời đại đã qua, vừa nhắc lại những mất mát đằng sau đó; đứa trẻ tương trưng cho sự ngây thơ bị đánh cắp, vướng víu giữa khát vọng đầy lãng mạn về mô hình công dân lý tưởng với hiện thực không sao đạt được.

 

3. Vô đề 2006

Loạt tranh vô đề của Hiểu Cương phóng đại đến bất thường tính đồng nhất. Khuôn mặt trong tranh to một cách kỳ dị mang một vẻ ma quái phi nhân tính.

Đóng trong khung là một bộ mặt ngây ngô do chụp quá gần, nhân vật của Trương thiếu một tính cách rõ nét; tất cả đều cùng một dạng. Những con người đó là chiến công của ý thức tuân thủ xã hội, vô danh và lẫn lộn với nhau.

Thỉnh thoảng, với những khuôn mặt đổ bóng và các nét hơi nhòa, Trương Hiểu Cương làm tăng cảm giác rẻ rúng, tầm thường; chỉ còn đôi mắt sáng rực nhưng trống rỗng và vô cảm, y như “vô tính”, đóng dấu một cách hoàn hảo sự thành công của việc đã bị khuất phục trước quyền lực ý chí.

Ý kiến - Thảo luận

16:39 Monday,23.8.2010 Đăng bởi:  haimien
(Có thể là) đáp lời Phạm Huy Thông:
"Tôi muốn nói với thế giới chỉ một từ. Bởi không sao nói được từ ấy, tôi đã trở thành nhà văn", một ông nhà thơ Ba Lan nói thế đấy. Suy từ bụng ông này ra bụng ông kia (Trương Hiểu Cương) thì có thể là thế này: "Tôi muốn cho thế giới này xem chỉ một bức tranh. Bởi không sao vẽ ra được bức tranh ấy, tôi mới phải vẽ nh
...xem tiếp
16:39 Monday,23.8.2010 Đăng bởi:  haimien
(Có thể là) đáp lời Phạm Huy Thông:
"Tôi muốn nói với thế giới chỉ một từ. Bởi không sao nói được từ ấy, tôi đã trở thành nhà văn", một ông nhà thơ Ba Lan nói thế đấy. Suy từ bụng ông này ra bụng ông kia (Trương Hiểu Cương) thì có thể là thế này: "Tôi muốn cho thế giới này xem chỉ một bức tranh. Bởi không sao vẽ ra được bức tranh ấy, tôi mới phải vẽ nhiều bức tranh như thế". 
23:20 Monday,26.7.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Họa sĩ trên đây là cây đa cây đề của mỹ thuật Trung Hoa. Tôi thấy những phân tích trong bài viết này rất hay (dù mang giọng điệu PR chính cống). Những ẩn ý trong tranh ông ta rất sâu xa, chỉ dùng xúc cảm mới định được. Tuy nhiên có điều tôi không hiểu ở họa sĩ này, ông ta vẽ từ đầu những năm 1990 đến giờ vẫn những khuôn mặt như thế, vẫn những câu chuyện n
...xem tiếp
23:20 Monday,26.7.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Họa sĩ trên đây là cây đa cây đề của mỹ thuật Trung Hoa. Tôi thấy những phân tích trong bài viết này rất hay (dù mang giọng điệu PR chính cống). Những ẩn ý trong tranh ông ta rất sâu xa, chỉ dùng xúc cảm mới định được. Tuy nhiên có điều tôi không hiểu ở họa sĩ này, ông ta vẽ từ đầu những năm 1990 đến giờ vẫn những khuôn mặt như thế, vẫn những câu chuyện như thế, ông ta có chán không nhỉ, sao thị trường thế giới không ngấy nhỉ. Tôi biết một vài họa sĩ lớn tuổi ở ta, vẽ liền một mạch 20 năm vẫn một đề tài, bức này na ná bức kia. Họ bắt đầu "tự phàn nàn" về sự nhàm chán, thương họ quá. Sao họ không thể đổi khác? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả