Nghệ sĩ thế giới

Lucian Freud: Họa sĩ của những quái thú gợi cảm 19. 05. 10 - 12:51 pm

TRƯƠNG QUẾ CHI (tổng hợp và biên dịch)

 

 

Lucian Freud trong xưởng vẽ

 

Nhân triển lãm tranhcủa Lucian Freud tại Trung tâm nghệ thuật văn hóa quốc gia Centre Pompidou (Pháp) từ 10/03 đến 19/07.

*

Đôi điều về Lucian Freud

Lucian Freud là một họa sĩ người Anh, sinh năm 1922. Cháu của Sigmund Freud.

Sự nghiệp của Lucian Freud trải qua ba thời kỳ chính: thời kỳ siêu thực, thời kỳ hiện thực “néo-romantique” xuất hiện những chân dung ấn tượng và thời kỳ trưởng thành làm nên danh tiếng của nghệ sĩ.

Từ 1974 cho đến nay, Lucian Freud đã có các triển lãm qui mô tại các trung tâm mỹ thuật lớn nhất trên thế giới (Tate London, Fondation La Caixa Barcelona, Museum of Contemporary Art Los Angeles, Centre Pompidou…).

Năm 2008, bức Benefits Supervisor Sleeping (1995) vẽ người phụ nữ béo phì nằm ngủ trên ghế sofa được tỉ phú người nga Roman Abramovitch (ông chủ CLB Chelsea) mua với giá 33,6 triệu USD tại sàn đấu giá Christie, sự việc biến Lucian Freud thành họa sĩ còn sống đắt giá nhất trên thế giới.

Benefits Supervisor Sleeping

Tại sao cần nhìn nhận tác phẩm của họa sĩ 88 tuổi Lucian Freud là những tác phẩm đáng kể của thế kỷ XX? Quay lưng lại với trừu tượng, chối bỏ mọi hành thuật avant-garde, vẫn làm việc trong xưởng vẽ, vẫn sử dụng người mẫu sống, vẫn quay đi quẩn lại giữa tranh khỏa thân classic và chân dung, ai cũng có thể tin rằng Freud là một họa sĩ hoàn toàn cổ điển. Freud lựa chọn một cách vẽ gần như đã lỗi thời và trở thành một ví dụ cho anti-moderne (phản hiện đại).

Tuy nhiên, nghệ thuật của Lucian Freud thật sự lại mang tính cách tân toàn vẹn khi chạm tới tận cùng một trong những đề tài cấm kỵ nhất: sự trần trụi của xác thịt. Freud bày lên toan những cơ thể bất thường, quá khổ đến kỳ dị, những múi thịt chảy nhão đan chồng lên nhau, khuôn mặt đỏ mọng từng mảng như đang bị dị ứng, từng khu ẩm ướt trên cơ thể như vùng dưới cánh tay hay bộ phận sinh dục được đặc tả đến nỗi có cảm giác chúng tỏa ra một thứ mùi riêng biệt… Với Freud, chủ thể kỳ dị được tái hiện một cách trần trụi đến chướng mắt. Người xem luôn bị sốc và hỗn mang giữa hai cảm xúc mâu thuẫn, vừa say mê vừa thấy có phần kinh ghê hình ảnh được tiếp nhận.

Thử nhìn bức Naked Man, Back View; Lucian Freud vẽ Leigh Bowery, biểu tượng của cộng đồng đồng tính nam tại London, chết năm 1994 vì bệnh sida. Trong xưởng vẽ trên đồi Notting Hill, như thường lệ, Freud làm việc vào buổi tối cho tới sáng hôm sau, thời điểm ông có thể say sưa quan sát những nếp thịt đang chùng xuống nghỉ ngơi. Và body performer của Leigh thả lỏng tuyệt đối. Từng cơ thịt giãn ra, cùng thở một nhịp điệu trễ nải mệt mỏi. Sự uể oải choáng ngợp với kích cỡ.

Naked Man, Black View

Cũng không ngạc nhiên khi biết Lucian Freud có một mối liên hệ mật thiết với Francis Bacon, cả hai họa sĩ này đều quan tâm tới chủ thể cơ thể con người và cùng có cái nhìn của một nhà phẫu thuật. Có điều, nếu Bacon chăm chú tới các động thái trên da thịt thì Freud lại để tâm tới tình trạng thuận hàng của một cơ thể, làm trơ ra cái lõi cuối cùng của thân phận con người.

Kate Moss


The Queen

Nhìn xem Lucian Freud đã vẽ siêu mẫu Kate Moss như thế nào? Xa rời hào quang phù phiếm, khuôn mặt gầy gò hốc hác, nằm dài khỏa thân trên một chiếc giường bài trí nghèo nàn của xưởng vẽ. Còn Nữ hoàng Elizabeth dưới cọ của họa sĩ lại không có gì ấn tượng hơn ngoài những nếp nhăn hằn sâu với điệu bộ nghiêm nghị đến kỳ quặc.

Vậy tại sao Lucian Freud? Vì là chính ông ấy, vì là chúng ta, chừng ấy quái thú gợi cảm!

*

Gợi ý :

Link video về các tác phẩm của Lucian Freud được thực hiện bởi trung tâm Pompidou.

 

*

Bài liên quan:

– Lucian Freud: Họa sĩ của những quái thú gợi cảm
– Lucian Freud (1922) – họa sĩ dòng “figurative”

– Vĩnh biệt Lucian Freud – Kẻ duy thực nổi loạn cuối cùng

– Năm tác phẩm đắt nhất của Lucian Freud từ trước tới nay

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả