Nghệ sĩ thế giới

M.F.Husain: Picasso chết tha hương 30. 07. 11 - 7:26 am

Julia Halperin - Như Mai dịch

 

Từ painting4art.blogspot.com

Magbool Fida Husain, họa sĩ có tranh bán chạy nhất ở Ấn Độ, vừa qua đời sáng sớm thứ Năm 9. 6. 2011 vừa qua ở London trong một cơn nhồi máu cơ tim, sau nhiều tháng đau ốm. Ông thọ 95 tuổi.

Husain được gọi là “Picasso của Ấn độ”. Trong những năm gần đây, ông đã trở thành đích ngắm của những đợt công kích gay gắt từ phía những người Hindu theo chủ nghĩa quốc gia và những nhóm tôn giáo bảo thủ; họ phản đối những bức tranh của Husain vẽ các nữ thần Hindu khỏa thân.

Một bức vẽ thần nữ Hindu khỏa thân của M.F

Năm 2006, Husain tự đày mình đi xa để tránh một loạt những lời đe dọa ám sát và chồng hồ sơ hơn 800 bộ kiện cáo về các tội liên quan đến tục tĩu khiêu dâm. Ông sống cả ở London lẫn Dubai cho tới năm 2010 khi nhận lời mời tị nạn của Qatar và trở thành một công dân Qatar.

Mặc dù từng nhận được ba trong số bốn giải thưởng cao nhất dành cho công dân Ấn Độ trong cuộc đời, Hussain chưa bao giờ trở lại cố quốc từ năm 2006. Ông nói với báo giới rằng chính phủ bảo thủ của Ấn Độ chưa nỗ lực đủ để đảm bảo sự an toàn cho ông. “Nếu mọi thứ ổn thỏa, tôi sẽ về. Nhưng nếu không thì đành thế thôi. Tôi làm được gì nào?” Ông trả lời New York Times năm 2008, sau khi rút lại thông báo rằng mình sẽ về Ấn Độ.

Đây là một mất mát không sao bù đắp được,Ram Rahman, một người bạn của Husain, nhiếp ảnh gia và nhà hoạt động xã hội phát biểu với báo Times of IndiaThật bất hạnh khi nghệ sĩ nổi tiếng nhất Ấn Độ lại không thể trở về nhà trước khi qua đời.”

Người phản đối xé ảnh M.F

Husain, thường được biết đến với tên viết tắt “MF”, sinh năm 1915 trong một gia đình Hồi giáo ở miền Trung Ấn Độ. Ông từng học nghệ thuật trong một thời gian ngắn ngủi, trước khi chuyển đến Mumbai lúc 22 tuổi và trở thành họa sĩ vẽ biển quảng cáo phim. Ông nổi lên vào cuối những năm 1940, khi đó ông tham gia vào nhóm các nghệ sĩ cấp tiến Progressive Artists’ Group – một cộng đồng họa sĩ Ấn khuyến khích việc khai thác kỹ thuật của cả phương Tây lẫn phương Đông.

“Ngựa, người cưỡi ngựa, và người khỏa thân”, vẽ năm 1981

Ngoài vẽ tranh, Husain còn làm nhiếp ảnh và phim. Ông đã làm hai bộ phim Bollywood, mặc dù không có bộ nào thành công về doanh thu; hồi ký của ông hiện đang được chuyển thể thành phim, lấy tựa đề The Making of the Painter.

Năm 1967, M.F làm một bộ phim tài liệu có tên “Qua con mắt một họa sĩ”. Phim được giải Gấu Vàng ở liên hoan phim quốc tế Berlin

Là nghệ sĩ có tranh được trả giá cao nhất của Ấn Độ, tranh của Husain từng bán với giá triệu đô. Tác phẩm nhị bình Battle of Ganga and Jamuna (Trận chiến Ganga và Jamuna) lập kỷ lục thế giới tại đấu giá Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Nam Á 2008 của nhà Christie với giá 1.6 triệu đô, ngay cả khi những người phản đối xếp hàng đầy đường bên ngoài nhà đấu giá. Trong cùng năm đó, Tòa án Tối cao Ấn độ xóa một số bản án dành cho Husain.

“Trận chiến Ganga và Jamuna”

Gần đây nhất, tác phẩm của Husain lại gây tranh cãi ở hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ năm nay, đến nỗi tranh của ông phải mang đi cất sau khi gallery nhận được nhiều lời đe dọa. Sau đó mấy ngày tranh lại được mang ra, thế cũng coi là một thắng lợi rồi – bởi những kỳ hội chợ trước chính quyền còn công khai cấm chuyện trưng bày tranh M.F vì lo ngại khủng bố từ những phần tử Ấn độ giáo cực đoan. Chuyện này từng khiến cho nhiều nhân vật nổi bật trong giới nghệ thuật quốc tế như Robert Storr phải lên tiếng tại hội chợ 2008, rằng “nếu một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Ấn độ không thể có mặt tại đây, thì người ta nên nghĩ lại lần nữa về việc tại sao lại thế.”

“Ấn thứ sáu” – một tác phẩm của M.F dựa trên đề tài tôn giáo (“Và tôi thấy, khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, một cơn động đất lớn xuất hiện; mặt trời trở nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt trăng cũng trở nên như huyết. Các vì sao trên trời sa xuống đất, như những trái xanh của một cây vả bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống. Trời bị dời đi như quyển sách cuốn tròn, hết thảy các núi các đảo đều bị quăng khỏi chỗ…” – Sách Apocalipse 6)

Theo như nhà phê bình S Kalidas, hai tuần trước khi chết Husain vẫn còn vẽ. Nghệ sĩ này nổi tiếng hay nhảy lò cò chân đất tại các buổi tiệc, có một bộ sưu tập xe thể thao ấn tượng, trong đó có một chiếc Bugatti tự mua làm quà sinh nhật 95 tuổi cho mình.

Husain không bao giờ già đi.” Nghệ sĩ Ấn Độ Anjolie Ela Menon phát biểu với đài BBC. “Ông luôn giữ được năng lượng, sự hài hước và khả năng làm việc phi thường. Ông là người làm việc không ngơi nghỉ, hay nói rằng mình không có một phòng ngủ chỉ để mà ngủ. Anh thực sự là một kẻ du mục, một tên gypsy chính hiệu”.

M.F ở Qatar

Ý kiến - Thảo luận

22:19 Monday,1.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Ông là nghệ sĩ đại diện cho nhân dân Ấn Độ sao? Thất vọng.
...xem tiếp
22:19 Monday,1.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Ông là nghệ sĩ đại diện cho nhân dân Ấn Độ sao? Thất vọng. 
13:39 Sunday,31.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Husain chết tha hương, nhưng chắc chắn tên tuổi ông vẫn còn sống rất lâu với nhân dân Ấn Độ.

Ở ta, nhiều "nghệ sĩ" còn sống nhăn tại quê nhà nhưng đã "bán linh hồn cho quỷ" thì thực ra với nhân dân họ đã chết từ lâu rồi.

Ôi, quê tôi...
...xem tiếp
13:39 Sunday,31.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Husain chết tha hương, nhưng chắc chắn tên tuổi ông vẫn còn sống rất lâu với nhân dân Ấn Độ.

Ở ta, nhiều "nghệ sĩ" còn sống nhăn tại quê nhà nhưng đã "bán linh hồn cho quỷ" thì thực ra với nhân dân họ đã chết từ lâu rồi.

Ôi, quê tôi... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả