Bàn luận

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt 24. 09. 11 - 9:54 am

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

(SOI: Mời các bạn đọc bài “Xây tượng đài 410 tỉ đồng: Chưa thấy lãng phí !?” rất hay, trên Người Lao Động hôm thứ Năm 22. 9. 2011. Soi xin phép được dán lại phòng trường hợp bài trên báo gốc không hiện ra được, và tô đậm những câu mà Soi muốn các bạn lưu ý. Phần ý kiến của Soi ở cuối bài.)

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Cục trưởng Nhiếp ảnh và Triển lãm, nói rằng các công trình xây dựng phần lớn đều đội giá, không thể nói riêng tượng đài

Phóng viên (PV): Sau khi Báo Người Lao Động số ra các ngày 14, 15, 16-9 đăng loạt bài “Xây tượng đài 410 tỉ đồng” phản ánh tỉnh Quảng Nam đang triển khai xây dựng công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng với kinh phí hơn 410 tỉ đồng, hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến tỏ thái độ không đồng tình, cho rằng đó là một sự lãng phí. Còn quan điểm của ông, với tư cách đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành?
Ông Vi Kiến Thành (VKT): Nói quy mô lớn, kinh phí lớn thì phải căn cứ vào chuẩn nào đó. Phải có một cái gì đó làm chuẩn, căn cứ vào đó để nói nó lớn hay nhỏ. Lãng phí hay không cần phải có chuẩn, cứ nói chung chung là lãng phí thì rất khó.
Nếu nói về số tiền, nghe lớn như thế thì dư luận có thể sẽ phản ứng vì người ta không biết hơn 410 tỉ đồng ấy được dùng vào những hạng mục gì, cần phải cụ thể ra. Tôi được biết nó gồm rất nhiều hạng mục, trong đó phần mỹ thuật, thân tượng và 8 cột trụ biểu chỉ chiếm một phần, khoảng hơn 225 tỉ đồng. Số tiền 410 tỉ đồng được sử dụng cho nhiều khâu: giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công, không gian môi trường, cảnh quan… trong tổng thể công trình. Cách gọi của Việt Nam mình là công trình tượng đài nên nghĩ tất cả tiền đầu tư là cho việc xây tượng, kinh phí còn đầu tư cho rất nhiều điều khác. Tôi cũng tiết lộ là quy trình thẩm định công trình này rất chặt chẽ, bài bản, đơn giá định mức được Bộ Xây dựng xây dựng thành một bộ đơn giá riêng tính rất chi li. Giá thành cho các công trình dân dụng hiện nay đã là 14 – 15 triệu đồng/m2, trong khi công trình đặc biệt này khoảng 20 triệu đồng/m2, so với xây dựng dân dụng thì nó cũng không mấy khác biệt. Mọi người nói giá cao, tôi không hiểu cao trên cơ sở nào?
Nếu nói nhỏ-to, tức là đã có so sánh, mà so sánh trong lĩnh vực khác thì có thể sẽ có những điều đáng nói hơn rất nhiều. Với một công trình có ý nghĩa quốc gia như thế, cần nhìn một cách khách quan.


PV
: Cao ở đây không phải là sự so sánh đắt, rẻ về đơn giá giữa công trình này hay công trình khác mà là số tiền quá lớn để đầu tư cho một tượng đài. Ông nghĩ sao về điều này?
VKT: Nói thế sẽ rơi vào vô cùng. Mỗi công trình, sự kiện người ta làm đều có những tính toán, cân nhắc và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tượng đài này được Chính phủ phê duyệt.


PV
: Nhưng Chính phủ chỉ phê duyệt dự toán mấy chục tỉ đồng chứ không phải mức đội lên thêm 330 tỉ đồng như bây giờ?
VKT: Thời điểm Chính phủ phê duyệt đã cách đây mấy năm và quy mô lúc ấy cũng chỉ là cấp tỉnh chứ chưa như bây giờ. Sau khi  thấy nội dung ý nghĩa và tầm vóc của nó, công trình được nâng lên tầm quốc gia. Việc trượt giá vài năm cũng khiến giá bị đội lên. Một chi tiết nữa cũng cần nhấn mạnh là công trình đã thay đổi chất liệu từ sa thạch sang chất liệu đá hoa cương với độ bền vững gấp vài lần. Đây là công trình vĩnh cửu nên cần được đầu tư chất liệu tốt.


PV
: Trước quan điểm của số đông cho rằng nên dùng số tiền khổng lồ này cho việc phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông nghĩ sao?
VKT: Tôi sẽ chọn cả hai phương án. Đó là hai khía cạnh, một là vật chất cụ thể, một là tôn vinh tinh thần. Không thể cụ thể hóa được.


PV
: Nhưng nếu điều kiện chỉ cho phép để làm một việc?
VKT: Đất nước ta có bề dày truyền thống yêu nước và sự đóng góp của các mẹ là rất lớn, không cho phép được chọn một thứ.


PV
: Nếu phương án của ông là vậy thì có nghĩa là phải hạ thấp độ “khổng lồ” về kinh phí của tượng đài để có nguồn tiền lo phụng dưỡng các mẹ?
VKT: Tôi đã nói từ đầu, căn cứ vào đâu để nói là công trình lớn?


PV
: Căn cứ vào con số đầu tư cho một công trình tượng đài tại một tỉnh nghèo?
VKT: Các bạn đã tính 1 km quốc lộ là bao nhiêu tiền chưa? Nếu so sánh như thế thì sẽ thấy con số này là đắt hay rẻ.


PV
: Ông đã nói nhiều thứ lãng phí nhưng hạn chế được sự lãng phí nào thì tốt chút đó?
VKT: Bản thân tôi chưa nhìn thấy sự lãng phí ở đây, đó là dư luận nói.


PV
: Theo đánh giá của ông, tại sao việc xây dựng tượng đài luôn bị đội giá?
VKT: Hãy chỉ cho tôi tượng đài nào một cách cụ thể.


PV: Tượng đài Điện Biên Phủ chắc chắn là một ví dụ sinh động!?
VKT: Theo tôi, ở đây cần có một cái nhìn khách quan. Các công trình xây dựng phần lớn đều đội giá, không thể nói riêng tượng đài. Nói như vậy, tượng đài biến thành tội đồ. Giá cả trượt quá nhanh, thời gian xây dựng bị kéo dài do kinh phí rót rất chậm cũng là một lý do. Thêm nữa, khả năng tiên lượng dự toán của đội ngũ chuyên môn cũng còn hạn chế. Tất cả cộng lại đã khiến chi phí bị đội lên.
Riêng về tượng đài Điện Biên Phủ thì báo chí đã nói nhiều rồi, người làm sai cũng đã lãnh hậu quả.

Hoàng Lan Anh thực hiện

Hay!

Ông Vi Kiến Thành này, trong một bài mà mâu thuẫn tứ tung. Tiếc là bạn Hoàng Lan Anh, có thể do quá khớp trước sự dữ tợn của ông, nên tuy đã can trường mà vẫn chưa khai thác hết những mâu thuẫn này, vặn lại ông một mẻ.

1. Ông vừa bảo: “Tôi cũng tiết lộ là quy trình thẩm định công trình này rất chặt chẽ, bài bản, đơn giá định mức được Bộ Xây dựng xây dựng thành một bộ đơn giá riêng tính rất chi li“, thì ngay lập tức, bên dưới, ông đã giải thích công trình đội giá vì phải thay đổi nhiều, từ quy mô, tới chất liệu, tới trượt giá… Nếu chặt chẽ, chi li như ông nói thì sao lại thay đổi nhiều đến thế, giá lại đội lên tới gần 8 lần như thế? Trong đơn giá cũng phải tính tới độ trượt giá rồi chứ?

2. Quan trọng nhất, ông bảo, “Mỗi công trình, sự kiện người ta làm đều có những tính toán, cân nhắc và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tượng đài này được Chính phủ phê duyệt.” Nếu có cân nhắc và đi qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt, không hiểu ông Vi Kiến Thành và Quảng Nam có trong tay các văn bản chứng tỏ Thủ tướng đã phê duyệt ĐIỀU CHỈNH dự án không? Thay đổi nhiều đến thế cơ mà, không thể gọi là “bổ sung” được. Theo luật thì ai phê duyệt dự án, người đó sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án. Trong trường hợp này, nếu đúng như báo Đất Việt đưa, Chủ tịch Quảng Nam có vượt cấp không, khi dám phê duyệt điều chỉnh một dự án mà Thủ tướng đã phê duyệt? Nhỡ đâu (và cầu Trời) Thủ tướng (với phó Thủ tướng người Quảng Nam) không đồng ý thì sao? Nghe đồn nếu Thủ tướng chưa phê duyệt điều chỉnh thì dự án này chưa được tiến hành đâu, và dự án mà thay đổi quy mô tới mức này thì không gọi là “điều chỉnh” nữa, phải xin Thủ tướng duyệt như một dự án mới cơ, ông Thành ạ!

3. Về quy mô công trình, bên trên ông Vi Kiến Thành vừa nói, “Đây là công trình có ý nghĩa quốc gia…  đây là công trình vĩnh cửu…“, để biện hộ cho việc tăng tiền; một tí sau ông đã vặn lại phóng viên, “Căn cứ vào đây để nói đây là công trình lớn?“. Thưa ông Vi Kiến Thành, giờ ông xác định đi, công trình này có lớn hay là không?

4. Ông Vi Kiến Thành có một câu nói bất hủ trong bài này, hy vọng là Hoàng Lan Anh ghi đúng: “Bản thân tôi chưa nhìn thấy sự lãng phí ở đây, đó là dư luận nói.” Ông là quan chức, một ngày giao ban tình hình đất nước mấy ngày, nghe biết bao nhiêu cảnh nghèo cảnh khổ, bất cân đối giàu nghèo trên đất nước ta (hay các cuộc giao ban văn hóa không bàn tới việc này hè?). Thế mà ông không thấy đây là lãng phí. Ông hệt như anh con trai một cái nhà nghèo nhất xóm, cơm không đủ ăn, vay nợ liên miên, thế mà vẫn thấy việc vung tiền mua Lexus là bình thường, thử hỏi còn tư cách làm con không?

5. Ngoài ra, Soi nhận thấy ông Vi Kiến Thành tuy quan chức văn hóa mà có một khả năng đối thoại mang tính hù dọa cao đối với phóng viên (nữ?). Đọc cả bài phỏng vấn thấy toát lên một tinh thần hằm hè, với những câu hỏi vặn mà phóng viên nào yếu bóng vía sẽ lúng túng ngay. May mà Hoàng Lan Anh của chúng ta can đảm, khi đưa ra thí dụ về tượng đài Điện Biên Phủ. Đến câu này, Vi Kiến Thành, như rất nhiều quan chức khác, đã trả lời một cách vô trách nhiệm, “Báo chí đã nói nhiều rồi, người làm sai cũng đã lãnh hậu quả”, tức là ông không cần nêu chính kiến của ông nữa.

Ủa, sao vụ tượng đài Mẹ Thứ, báo chí nói nhiều thì ông bảo là “dư luận nói” và ông bất chấp; còn vụ Điện Biên Phủ thì ông lại dùng báo chí như một thế lực được kiểm chứng và đáng tin?

Một Cục trưởng mà như thế này, nền Mỹ thuật Việt Nam liệu có hy vọng gì vào cơ chế, hội đoàn không? Hay nghệ sĩ đành tự cậy vào bản thân hoặc nhắm đến những tổ chức nước ngoài có con mắt xanh (theo đúng nghĩa đen) mà trao gởi?

Cuối cùng, mời các bạn xem thêm hai bài rất hay quanh vụ này, một bài của anh Phạm Trung bên Viện Mỹ thuật, một bài của nhà văn Nguyên Ngọc – một người rất nặng tình, tâm huyết với Quảng Nam.

 

*

Ý KIẾN BẠN NGUYỄN MINH TÀI: (Đây là cmt của bạn Tài, Soi xin đưa luôn vào bài cho dễ theo dõi):

Mình ở Gia Lai, không rõ xây tượng đài thì có thuộc nhóm “đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước” không. Nếu đúng thì ở Ủy ban mình, các dự án mỗi khi thay đổi vẫn phải tuân theo như sau (theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu):

– Khi điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công hoặc vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định; những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại; (theo mình chủ đầu tư trong trường hợp tượng Mẹ Thứ là Quảng Nam, người quyết định đầu tư là Chính phủ, tức là phải trình lại dự án cho Chính phủ chứ Chủ tịch Quảng Nam không đủ thẩm quyền).

– Khi dự án cần được điều chỉnh có tổng mức đầu tư tăng vượt mức được ủy quyền, phân cấp phê duyệt, mà mức vượt có chênh lệch không quá 5% so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu thì cấp phê duyệt ban đầu được phép phê duyệt điều chỉnh. (Cấp phê duyệt ban đầu cao nhất của dự án Mẹ Thứ là Thủ tướng thì giờ vượt quá 5% mức đầu tư ban đầu, Thủ tướng dĩ nhiên phải phê duyệt lại thôi)

– Nếu tổng dự toán được điều chỉnh vượt tổng dự toán đã được phê duyệt và vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép bằng văn bản; (tức là phải có văn bản của Thủ tướng chính phủ cho phép làm tượng Mẹ Thứ 410 tỉ đồng. Hình như Quảng Nam chỉ có quyết định của Thủ tướng hồi 2008 với mức 51 tỉ?)

– Trường hợp thay đổi thiết kế trái với thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định; (Tượng đài Mẹ Thứ đã thay đổi thiết kế so với ban đầu nên cần phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định lại).

Mình tóm tắt thế, có thể bạn nào có ý kiến gì khác thì góp, nhưng theo mình thì dự án này không thể gọi là “bổ sung” cũng không thể gọi là “điều chỉnh” vì tổng mức đầu tư đã đội lên gấp 7, 8 lần. Nói chung là cần có Thủ tướng phê duyệt lại.

Về mặt mỹ thuật thì mình không biết nên không bàn.

 

*

Bài liên quan:

– Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt
– Gửi những quan chức đã lâu không làm nghệ sĩ

– Đọc báo cuối tuần 27. 9. 2011: Thủ tướng ơi, cẩn thận!

– Tản mạn chuyện tượng đài và đài kỷ niệm

– Hóa ra chúng mình bị lừa à?

 

Ý kiến - Thảo luận

22:03 Thursday,5.7.2012 Đăng bởi:  hai mien
Ở quê tôi, một tỉnh miền Trung; và ở đất nước tôi hình chữ S, hàng bao thế kỷ qua cho đến tận hôm nay, đâu đâu cũng thấy đói nghèo và khổ đau. Ông Vi Kiến Thành có thể dựng cho quê tôi, nước tôi một cái tượng đài mang biểu tượng của nghèo đói và khổ đau vĩnh cửu không ạ? Hòm hòm cũng chừng đó tiền, độ dăm trăm tỉ thôi.
...xem tiếp
22:03 Thursday,5.7.2012 Đăng bởi:  hai mien
Ở quê tôi, một tỉnh miền Trung; và ở đất nước tôi hình chữ S, hàng bao thế kỷ qua cho đến tận hôm nay, đâu đâu cũng thấy đói nghèo và khổ đau. Ông Vi Kiến Thành có thể dựng cho quê tôi, nước tôi một cái tượng đài mang biểu tượng của nghèo đói và khổ đau vĩnh cửu không ạ? Hòm hòm cũng chừng đó tiền, độ dăm trăm tỉ thôi. 
14:21 Monday,26.9.2011 Đăng bởi:  Duong Zoi
Vi Kiến Thành là một người học vẽ (không gọi là Họa Sỹ) vì tôi chưa thấy tác phẩm nào độc đáo của ông ta, là một quan chức (vì nắm trọng trách của Cục mỹ thuật), là một người không có khả năng đối thoại, vì trả lời phỏng vấn rất bất nhất, nên suy cho cùng có thể gọi một cái tên đơn giản là: lãnh đạo bất tài vô dụng. Loại này đầy rẫy ở Việt Na
...xem tiếp
14:21 Monday,26.9.2011 Đăng bởi:  Duong Zoi
Vi Kiến Thành là một người học vẽ (không gọi là Họa Sỹ) vì tôi chưa thấy tác phẩm nào độc đáo của ông ta, là một quan chức (vì nắm trọng trách của Cục mỹ thuật), là một người không có khả năng đối thoại, vì trả lời phỏng vấn rất bất nhất, nên suy cho cùng có thể gọi một cái tên đơn giản là: lãnh đạo bất tài vô dụng. Loại này đầy rẫy ở Việt Nam. Thật đau xót cho đất nước. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả