Gẫm & Bình

Triển lãm cực kitsch “Indonesian Eye” chẳng gây ấn tượng gì 03. 11. 11 - 8:14 am

Coline Milliard - Hồ Như Mai dịch

 

“Thành công tập thể” của Samsul Arifin (2010), gỗ, nhựa, thép sơn

LONDON – Dạo quanh triển lãm Indonesian Eye (Con mắt Indonesia) diễn ra tại Saatchi Gallery, một câu hỏi lâu nay tôi vẫn hay tự hỏi bỗng nảy ra lại: liệu một nhà phê bình nghệ thuật phương Tây (chưa nói gì đến một đối tượng công chúng bình thường) có thể “hiểu” được thứ nghệ thuật ở phía bên kia địa cầu hay không? Liệu nghệ thuật đương đại có thực sự vượt qua được những khác biệt văn hóa? Hay cái niềm tin rằng ta có thể thưởng thức được các tác phẩm nghệ thuật, bất kể nguồn gốc cũng chỉ là một thứ ảo tưởng của thời đại toàn cầu hóa? Trong thời buổi luôn có sự tìm kiếm thị trường và nghệ sĩ mới, đây quả thực là một vấn đề gai góc, và có lẽ là hơi bị lỗi mốt, nhưng điều đó không có nghĩa là không quan trọng.

"Gần như là trận sốt xuân" của Eddie Hara (2010), acrylic trên canvas


Indonesian Eye, Fantasies and Realities
(Con mắt Indonesia, Tưởng tượng và Thực tế) là triển lãm lớn đầu tiên về nghệ thuật đương đại Indonesia ở Anh. Chuyện quan trọng chứ chẳng chơi. Indonesia, đất nước có dân số đứng hàng thứ tư trên thế giới, cũng là một trong những tay chơi nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. “Các tác phẩm của Indonesia tại những cuộc đấu giá nghệ thuật đương đại và hiện đại của Đông Nam Á chiếm đến khoảng 68% doanh số của Christie’s và Sotheby’s,” như Patricia Chen viết trong The Art Newspaper. Nghệ thuật Indonesia ngày càng phổ biến ở phương Tây, và các triển lãm thì mọc lên như nấm từ Paris đến Milan.

“Hàng xóm mới từ ngoài hành tinh” của Wedhar Riyadi (2009), acrylic, in digital print trên canvas

Nhưng khi xem triển lãm này, tôi thực sự thấy hoang mang trước những bức tranh biểu hiện hậu hiện đại và các tác phẩm điêu khắc có phần kỳ quái. Phải chăng vì tôi không có cùng nền tảng văn hóa với các nghệ sĩ, hay vì các tác phẩm thực sự không có gì ấn tượng? Nhưng tôi phải hiểu sao đây, chẳng hạn với tác phẩm bán trừu tượng của Samsul Arifin, Time After Time (2010), mơ hồ gợi nhớ tới những tác phẩm dựa trên graffiti của Basquiat? Và tại sao lại có một con búp bê vải nằm dưới bức tranh? Nó đóng vai trò gì trong thần thoại ở xứ sở của tác giả, nó liên quan gì tới một bức tranh toàn cảnh lớn hơn, của Indonesia, hay bất cứ thứ gì khác? Câu hỏi của tôi không được trả lời, và cuốn catalogue cũng không có tác dụng mấy, ngoài chuyện giải thích việc nghệ sĩ rất khoái những đồ văn phòng phẩm của thập niên 80.

Time After Time (2010)

Tranh của Eddie Hara và Wedhar Riyadi cũng có một cảm giác thập niên 80 tương tự như thế. Tác phẩm Lost in Wasteland (2010) (Lạc vào bãi hoang) mô tả một robot kiểu Keith Haring và những kẻ đồng hành giống người. Bức tranh khá xinh, theo kiểu xinh xắn manga Nhật Bản. Nghệ thuật đường phố, môi trường, sự bão hòa về hình ảnh đều được chứa đựng trong một phương trình bằng hình ảnh của tác phẩm, nhưng tất cả những điểm này không va đập với nhau để tạo nên một tổng thể thỏa đáng.

Lost in Wasteland (2010) của Eddie Hara và Wedhar Riyadi

Cũng như thế, bức ảnh Jackie Chan (hay đồng nghiệp nào đó của anh) trong tác phẩm in kỹ thuật số và acrylic trên canvas của Riyadi, có tựa đề Give me Your Best Flavour and I will Bite You (2008) – chân của Jackie Chan bị gặm mất, miệng thốt lên Oh my God – khá là hài hước, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó.

Give me Your Best Flavour and I will Bite You (2008)

Tác phẩm điêu khắc sắp đặt War Of Java, Do you Remember?#1 (2008) (Trận chiến Java, bạn còn nhớ không? #1) có năm chiếc mũ cối đầu nhọn treo trên năm đôi ghệt và ủng, bốn bộ trong số đó có thêm một cây súng. Hẳn là những chiến binh ma. Trên mỗi bộ như vậy lại có một chiếc máy thu âm, phát ra những bài diễn văn giận dữ, chắc cũng liên quan gì đến một tình huống chiến sự nào đó. Nhưng tôi không thể biết được nội dung chính xác ở đây là gì bằng cách hỏi nhân viên gallery hay đọc catalogue. Chỉ có mỗi tựa đề và những bộ quân phục có ghi ngày tháng cho tôi biết rằng tác phẩm có liên quan đến Cuộc chiến Java, sau này tôi tìm hiểu thì biết được đây là cuộc chiến dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Diponegoro chống lại thực dân Hà Lan hồi đầu thế kỷ 19.

War Of Java, Do you Remember?#1

Tác phẩm châm biếm iType (2005), của Wiyoga Muhardanto, một chiếc máy đánh chữ sơn trắng được đặt trên chiếc bệ mới tinh có gắn logo Apple sáng bóng, thật hiệu quả vì nó khá đơn giản, một kiểu trêu chọc sự “Apple hóa” trong thiết kế. Và chiếc đàn guitar của Rudi Mantofani với chín phím, tựa đề Lost Note (2007) (Nốt nhạc lạc mất) có cái duyên của sự phi lý.

iType (2005), của Wiyoga Muhardanto

Nốt nhạc lạc mất của Rudi Mantofani (2007), gỗ, guitar điện, sơn

Nhưng xét theo những tiêu chuẩn có phần định kiến về văn hóa của tôi, thì chỉ có một nghệ sĩ thực sự nổi bật: Angki Purbandono. Purbandono dùng một chiếc máy scan dẹp để tạo ra các tác phẩm mà anh gọi là “scanographies”, những bức tranh cực kỳ chi tiết nhưng không có độ sâu trường ảnh. Bộ sưu tập đầu bàn chải răng mòn trong tác phẩm Brush! (2008) khá là cuốn hút về mặt bố cục, với những màu sắc công nghiệp được làm nổi bật, lại vừa khá xúc động. Mỗi chiếc bàn chải có vẻ như chứa đựng tính cách của người chủ giả tưởng của nó: người thì cẩn thận chăm chút, người thì cẩu thả, người thì bủn xỉn. Tác phẩm như một bức chân dung tập hợp về những lề thói hằng ngày. Tôi ước gì Purbandono có nhiều tác phẩm hơn được chọn. Rõ là vẫn còn nhiều thứ để khám phá.

Tác phẩm “Brush!” (2008), ảnh scan, in trên nền giấy trong, sắp đặt hộp đèn neon.

 

*

Bài liên quan:

– Triển lãm cực kitsch ‘Indonesian Eye” chẳng gây ấn tượng gì
– Nghệ thuật vùng ngoại vi: Đằng nào cũng chết?

Ý kiến - Thảo luận

7:26 Friday,4.11.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Ừ trước một vấn đề thì mỗi người một quan điểm mà. Tính tớ đa nghi thì tớ nghĩ thế. Mà tớ nghĩ thế thì tớ nói thế. Phải viết thế nào cho đỡ giống "báo chí quốc doanh" đây.
Mà Em có ý kiến cũng nói, có khi bà/chị CôLin này dùng đám nghệ sĩ Indo lớ ngớ để thí tốt choảng nhau với nhà Saatchi cũng nên. Suy đoán của bạn ấy thế chẳng nhẽ cũng là "báo chí
...xem tiếp
7:26 Friday,4.11.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Ừ trước một vấn đề thì mỗi người một quan điểm mà. Tính tớ đa nghi thì tớ nghĩ thế. Mà tớ nghĩ thế thì tớ nói thế. Phải viết thế nào cho đỡ giống "báo chí quốc doanh" đây.
Mà Em có ý kiến cũng nói, có khi bà/chị CôLin này dùng đám nghệ sĩ Indo lớ ngớ để thí tốt choảng nhau với nhà Saatchi cũng nên. Suy đoán của bạn ấy thế chẳng nhẽ cũng là "báo chí quốc doanh", không hợp để nói ở đây sao? 
6:28 Friday,4.11.2011 Đăng bởi:  chuyên gia chép tranh
Nhất trí với em-có-ý-kiến. Còn câu này của Thông: "Bọn khoai Tây nó ít khi làm gì không mục đích. Bọn nó chê là có mưu đồ đấy". Nói về nghệ thuật mà giống hệt báo quốc doanh VN kiểu chống phương Tây, chống "diễn biến hòa bình" nhỉ?
...xem tiếp
6:28 Friday,4.11.2011 Đăng bởi:  chuyên gia chép tranh
Nhất trí với em-có-ý-kiến. Còn câu này của Thông: "Bọn khoai Tây nó ít khi làm gì không mục đích. Bọn nó chê là có mưu đồ đấy". Nói về nghệ thuật mà giống hệt báo quốc doanh VN kiểu chống phương Tây, chống "diễn biến hòa bình" nhỉ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả