Điện ảnh

Phim ngoài rạp: TUYẾT HOA BÍ PHIẾN
Từ một tiểu thuyết hay thành một bộ phim dở 13. 10. 11 - 10:20 am

Pha Lê tổng hợp

 

Poster phim “Tuyết Hoa bí phiến”

 

Phim chiếu ở:

Hà Nội: (đến 22.10)
TT Chiếu Phim Quốc Gia (87 Láng Hạ, Ba Đình)
Megastar (Vincom City, 191 Bà Triệu)

TP HCM: (đến 22.10)
Megastar Hùng Vương (126 Hùng Vương, Q.5)

(Lưu ý: Vì phim không ăn khách lắm nên tôi ngờ rạp có thể ngừng chiếu trước 22. 10)

*

Đạo diễn Wayne Wang không thuộc hàng “Top” của Hollywood, nhưng ông thực sự là người có tài, nên tôi không hiểu nổi tại sao bộ phim mới nhất của ông – Tuyết Hoa bí phiến – lại có thể chán đến như vậy.

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, lẽ ra bộ phim phải có một cốt truyện độc đáo, cuốn hút; nhưng kịch bản được chỉnh sửa (bậy bạ) quá nhiều, biến tác phẩm này thành một bộ phim nửa mùa, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, cổ trang không ra cổ trang.

Truyện phim kể về hai cô bạn thân thời hiện đại ở thành phố Thượng Hải tên Lily (Lý Băng Băng đóng) và Sophia (Jeon Ji-Hyun đóng). Hai cô mến nhau từ hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, nhưng không hiểu vì sao mà bây giờ cả hai không gặp nhau nữa. Lúc mở đầu phim, Lily đang ăn mừng tại một nhà hàng sang trọng vì vừa được thăng chức, cô cũng sẽ sang định cư ở New York để tiếp tục sự nghiệp của mình. Sophia, sau bao năm xa cách, chạy đến nhà hàng và gọi điện cho Lily, nhưng Lily không nhấc máy. Thất vọng đạp xe về, Sophia bị tai nạn và được chuyển vô bệnh viện trong tình trạng hôn mê (diễn viên Hàn Quốc luôn luôn hôn mê?).

Lily ăn mừng tại nhà hàng

 

Sophia và Lily thân nhau từ lúc còn là học sinh đến lúc trưởng thành và đi làm, nhưng điều gì đã khiến hai cô tránh mặt nhau?

 

Bệnh viện gọi cho Lily. Biết tin cô bạn lâu năm có thể sẽ không tỉnh dậy, cô rất buồn. Lily dẹp chuyện đi New York sang một bên, và quyết ở lại để tìm hiểu xem mấy năm gần đây Sophia đã làm gì. Cô phát hiện ra một tập bản thảo, có tên Tuyết Hoa bí phiến – một tiểu thuyết do chính Sophia viết.

Truyện trong bản thảo: Bách Hợp (cũng Lý Băng Băng đóng) là một cô bé con nhà nghèo, sống vào thời thế kỷ 19 tại Trung Quốc; còn Tuyết Hoa (cũng Jeon Ji-Huyn đóng) là tiểu thư đài các. Hai bé sinh cùng năm, và bị bố mẹ bó chân trong cùng một ngày. Tuy gia thế chênh lệch, cả hai được chọn làm lão đồng của nhau vì “hợp mạng”. Trong một xã hội mà phụ nữ là “tài sản” của đàn ông, thì “lão đồng” là một dạng quan hệ giúp họ tồn tại trong xã hội. Hai phụ nữ ký kết làm lão đồng để giúp đỡ nhau về tinh thần, chia sẻ khó khăn cho nhau, dùng nữ thư (chữ viết bí mật của phụ nữ) để gởi gắm cho nhau những tâm sự của mình. Lúc lớn lên, dù bị chồng đánh đập, gia đình vướng phải chuyện buồn, hay đất nước lâm vào cảnh loạn lạc; Bách Hợp và Tuyết Hoa luôn kề vai sát cánh để giúp nhau vượt qua khó khăn.

Lý Băng Băng và Ji-Huyn trong vai Bách Hợp, Tuyết Hoa

 

Đọc bản thảo, Lily cảm thấy tình bạn (?) của Tuyết Hoa và Bách Hợp rất giống với tình cảm mà cô và Sophia dành cho nhau. Bộ phim liên tục chuyển cảnh giữa thời xưa và thời hiện đại, giữa Lily/Sophia và Tuyết Hoa/Bách Hợp.

Truyện gốc (theo tiểu thuyết của nhà văn Lisa See) thì không có hai nhân vật thời hiện đại, mà chỉ tập trung vào Tuyết Hoa/Bách Hợp thôi. Dĩ nhiên, phim không phải truyện, nên đạo diễn muốn đổi thế nào thì tùy. Nhưng cái đám cưới giữa thời xưa/thời nay làm không được khéo, khiến thời nào cũng có vấn đề.

Thời xưa:

Tuyết Hoa và Bách hợp được “mai mối” để làm lão đồng của nhau, nhưng lý do gì khiến cả hai thân nhau quá mức như vậy? (Ngoài lý do lãng xẹt là “mạng của chúng hợp”). Tuổi trẻ của hai cô bé được nhắc đến một cách qua loa, không có chi tiết nào nhấn mạnh tại sao hai cô lại thương nhau thế. Tôi có cảm giác như ông đạo diễn hơi bị độc tài, “buộc” người xem chấp nhận mối quan hệ này một cách ngoan ngoãn.

Bách Hợp – nhờ có đôi chân đẹp (nghĩa là bó chặt đến mức đi không nổi) – lấy được một anh chồng thương gia giàu. Cô tiểu thư Tuyết Hoa thì lại kém may mắn, phải đi lấy một anh đồ tể chuyên giết mổ lợn, vì bố của cô nghiện thuốc phiện nên gia cảnh lụn bại. Đối với một phim về “phụ nữ đoàn kết để tồn tại trong xã hội mà đàn ông làm chủ” thì các nhân vật nam mờ nhạt không tưởng tượng nổi. Họ vừa xuất hiện ít, vừa một chiều (cũng dạng hầm hè, ít nói, vũ phu); làm tôi cảm thấy như đạo diễn cho họ vào nhằm tạo cớ cho hai phụ nữ kể khổ, rồi ôm ấp, vuốt ve nhau.

Ông chồng nhạt nhẽo vuốt ve đôi chân bó của Bách Hợp trong đêm tân hôn, sau cảnh vuốt này, đạo diễn cắt sang cảnh… có bầu một cách cẩu thả.

 

Bách Hợp đọc lá thư (viết trên quạt) do Tuyết Hoa gửi trong một căn phòng tối tối, buồn buồn.

 

Một số đoạn quay nội cảnh không đến nỗi tệ, nhưng ngoại cảnh (quay đường phố, nhà cửa thời xưa ở Trung Quốc) thì chỉ liếc sơ là cũng biết đó là cảnh dựng (ẩu) trong studio. Ngôi nhà của chồng cô Tuyết Hoa trông giả tạo cực kỳ, nó chẳng khác đống giấy cạc-tông được dán lại rồi phết sơn lên là mấy. Phim điện ảnh mà còn thua một số phim truyền hình nhiều tập. Những cảnh quay tại nhà chồng của Bách Hợp thì chỉ luẩn quẩn trong phòng khách, một góc của nhà bếp, và phòng ngủ. Thế mạnh của phim cổ trang Trung Quốc nằm ở màu sắc và nét độc đáo của một nền văn hóa đặc biệt giàu có (tuy cổ lỗ, nhưng từng gây ảnh hưởng lớn đến văn hóa Châu Á). Còn trong phim này thì màu sắc lẫn văn hóa đều sơ sài. Chẳng ai bắt đạo diễn phải dựng lại Tử Cấm Thành, nhưng ít ra một con phố hay một ngôi nhà cũng nên làm cho đàng hoàng.

Tuyết Hoa đọc thư của Bách Hợp. Cảnh nền hơi bị giả tạo, rõ thất vọng.

 

Thời nay:

Trong thời xưa, Tuyết Hoa/Bách Hợp quen nhau khi còn bé, và hai diễn viên nhí đóng hai vai này. Thời nay, hai cô quen nhau khi học phổ thông. Vai “học sinh” vẫn do Lý Băng Băng và Ji-Huyn đóng. Không phải xúc phạm, nhưng kẹp tóc nhí nhảnh để vào vai teen khiến hai cô trông như đang cưa sừng làm nghé. Tôi không chê ai già; vào năm 2009, Ji-Huyn có thủ vai một con ma cà rồng đội lốt nữ sinh trong phim Blood: The last vampire, nhìn cô rất trẻ trung, dễ thương. Nhưng lần này, chẳng biết do thời gian hay do hóa trang kém, mà cả Lý Băng Băng lẫn Ji-Huyn trông như hai bà cụ non.

Biết rằng Mỹ có chi tiền cho bộ phim, nhưng cớ gì phải làm họ hài lòng bằng cách bắt Lý Băng Băng và Ji-Huyn nói những câu tiếng Anh nửa mùa? Cứ cho hai cô nói tiếng Tàu có phải tự nhiên hơn không (dù tiếng Tàu của Ji-Huyn là được lồng vào). Cách phát âm trèo trẹo cộng với sự dùng ngoại ngữ không cần thiết làm người xem lắc đầu ngán ngẩm.

Cô Lily được đồng nghiệp Sebastian yêu, còn cô Sophia thì có anh bạn trai người Úc tên Arthur. Nhưng hai vai nam này cũng cùng số phận với các vai nam khác: mờ nhạt, một chiều, có mức độ sử dụng ngang tầm với bàn với ghế.

Tài tử người Úc Hugh Jackman xuất hiện được gần 5 phút để đóng vai bạn trai Arthur của Sophia. Nhưng ngay cả Hugh cũng không khiến cho vai này được nổi bật hơn chút nào. Có tài tử nổi tiếng trong tay mà không biết tận dụng, phí phạm quá.

 

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ cãi: những thứ này không quan trọng, điểm chính của phim là về mối quan hệ giữa hai cô. Xin hỏi: đây là quan hệ kiểu gì? Bộ phim đã sai lầm khi bỏ xó cuộc sống của phụ nữ Trung Quốc. Thay vì đào sâu tìm hiểu những vấn nạn xã hội, điều kiện sống của phái nữ, chế độ phụ hệ hà khắc, hay cách mà “lão đồng” giúp họ chống chọi với thể chế bất công (những yếu tố có sẵn trong tiểu thuyết cùng tên); thì phim lại quay lòng vòng giữa “mối quan hệ” của Lily/Sophia, giữa Tuyết Hoa/Bách Hợp mà chẳng “dám” nói rõ đây là quan hệ gì.

Trong phim, có những đoạn hai cô vì nhau mà “hy sinh” hạnh phúc của bản thân. Nói thẳng thừng, dù là bạn “nối khố”, mức độ của sự “hy sinh” này không thực tế. Ngay cả người yêu cũng còn không làm được như vậy cho nhau, huống hồ bạn. Những cặp “lão đồng” hồi xưa chắc chắn cũng chẳng thế. Cặp Tuyết Hoa/Bách Hợp sống trong chế độ cũ, nên sự bấu víu vào nhau còn một chút gì đó hiểu được, chứ cặp Lily/Sophia thì như hai fan cuồng của nhau mà chẳng có sự giải thích nào. Lý Băng Băng cũng như Ji-Huyn diễn xuất không tệ, nhưng vai mập mờ như thế này khiến họ chẳng có đất dụng võ (chưa kể cái đoạn nói tiếng Anh dở hơi). Đạo diễn mà không biết nhân vật mình làm gì, muốn gì, thì diễn viên làm sao biết được?

Rất nhiều bài báo “tố” đây là phim đồng tính nữ, đến nỗi đạo diễn phải đứng ra đính chính là “không đúng”. Quả thật, phim có nhiều cảnh ôm ấp “vượt quá mức bạn bè”, nhưng chưa có cảnh nào đủ nóng để dán mác đồng tính cho mối quan hệ này.

Một cảnh ôm nhau trong phim

 

Sao mà đạo diễn nhát thế nhỉ?

Tôi thì cứ cho rằng, nếu phải thêm một yếu tố vào phim để nó trông có lý hơn thì cứ thêm. Nếu hai cặp nữ trong phim yêu nhau thật, thì phim sẽ chuyển từ thể loại Lịch sử sang thể loại Tình cảm; tuy chệch nhiều so với tiểu thuyết gốc, nhưng ít ra nó sẽ làm những cái vô lý trở thành có lý, giải thích được mối quan hệ của hai cô, không chừng còn giúp người ta “tha thứ” cho những nhân vật nam nhạt nhẽo mà đạo diễn bày lên. Đằng này phim lại lởn vởn giữa hai thể loại, theo kiểu nửa mùa, khiến lịch sử không ra lịch sử, tình cảm không ra tình cảm. Thiết nghĩ, phim đồng tính nữ đầu tiên được quay vào năm 1931 (ở Đức), và ngày nay đề tài trên đã cho ra mắt rất nhiều phim điện ảnh/truyền hình hấp dẫn (có thể tìm thấy dễ dàng ở các tiệm băng đĩa lậu). Phim Trung Quốc về đề tài này cũng nhan nhản, nên ông Wayne Wang có gì mà phải sợ? Wayne từng bạo tay làm phim The Joy Luck Club, nói về cuộc sống của các thế hệ phụ nữ Trung Quốc, thẳng thắn đối mặt với những đề tài mà các phụ nữ già trẻ tránh nói tới (nhưng lại rất nhẹ nhàng, không hề áp đặt). Chẳng hiểu tại sao sau một phim như thế, Wayne lại làm một tác phẩm nhát gừng như phim này.

*

Một vài lời than phiền:

Tuy có hơi lạc đề, nhưng cái này liên quan tới chất lượng phim

Theo những gì tôi đã chứng kiến, cụm rạp Megastar hình như nhập máy digital công nghệ mới về để chiếu tất cả các dạng phim. Tôi không có thiện cảm với loại máy này. Nó chỉ chiếu được đúng 2 dạng: phim digital, và phim 3-D. Nếu chiếu những phim bình thường khác (tức không có bản digital hay bản 3-D) bằng máy này, chất lượng hình ảnh của chúng bị giảm mười mươi. Các bài báo ở Mỹ (như bài của Ty Burr trên tờ Boston Globe và Roger Ebert trên Chicago Sun Times), đã cảnh báo rằng máy 3-D Digital projector (nhất là những máy của hãng Sony), sẽ cho ra những thước phim 2-D cực tệ, thua xa máy chiếu Celluloid truyền thống. Nếu dùng máy digital chiếu phim thường, nhưng ống kính 3-D được gỡ ra, chất lượng sẽ bị giảm khoảng 10%-15%; nếu hôm đó kém may mắn gặp phải người chiếu phim lười, để nguyên cái ống kính 3-D mà chiếu phim 2-D, thì bạn sẽ mua vé vào rạp để xem một tác phẩm với “chất lượng của đĩa lậu”. Vấn đề kỹ thuật rất dài dòng, nói chung thì cái ống kính 3-D không đơn giản chỉ là một thứ dễ dàng tháo ra rồi gắn lại như ráp hình lego, những ai làm công tác chiếu cũng chẳng phải chuyên gia máy móc nên sẽ có lúc ẩu. Các hãng lớn hiện nay không thích bỏ tiền ra mua một lúc nhiều loại máy chiếu nên chỉ nhập duy nhất đúng một thứ cho đủ loại phim (tiền vé xem phim 3-D cao hơn nên các hãng đua nhau nhập máy digital để thu lợi).

Ở TP.HCM, tôi chỉ đến Megastar để xem những bản digital, còn lại thì ghé Diamond hoặc Galaxy (bạn nào có thêm thông tin/ý kiến về chất lượng hình ảnh tại các hệ thống rạp khác, xin mời đóng góp thêm cho SOI). Nhưng mỗi Megastar Hùng Vương ở TP.HCM là thấy chiếu “Tuyết hoa bí phiến”; nên khi xem phim tại đây, hãy lưu ý rằng một số cảnh nền trông sẽ mờ mờ. Nhưng nếu phim có chất lượng xám xịt một cách đáng nghi, thì đó là do ống kính 3-D chưa được tháo ra; gặp phải trường hợp này, bạn nên đứng dậy đòi lại tiền vé.

Ý kiến - Thảo luận

12:11 Thursday,13.10.2011 Đăng bởi:  Pha Lê
Thông ơi

Khi lên mạng xem lịch chiếu phim, thì những phim nào có bản Digital sẽ có ghi chú sau tên

ví dụ:

What's your number:

8:00 10:10 12: 30

What's your number (digital)

8:00 10:10 12:30

Thì có nghĩa phim "what's your number" này có bản thường và bản Digital, 2 bản chiếu cùng giờ với nhau :)
...xem tiếp
12:11 Thursday,13.10.2011 Đăng bởi:  Pha Lê
Thông ơi

Khi lên mạng xem lịch chiếu phim, thì những phim nào có bản Digital sẽ có ghi chú sau tên

ví dụ:

What's your number:

8:00 10:10 12: 30

What's your number (digital)

8:00 10:10 12:30

Thì có nghĩa phim "what's your number" này có bản thường và bản Digital, 2 bản chiếu cùng giờ với nhau :) 
11:19 Thursday,13.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em sợ nhất mỗi lần đi xem chiển lãm được chiêm ngưỡng các đàn anh nghệ sĩ trình diễn những hoạt cảnh in hệt xi-nê "Anh hùng nói điêu" dựa theo chưởng Tàu của văn sĩ Ung Dung.

Yêu ơi là yêu các nghệ sĩ hồn nhiên làng mình!
...xem tiếp
11:19 Thursday,13.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em sợ nhất mỗi lần đi xem chiển lãm được chiêm ngưỡng các đàn anh nghệ sĩ trình diễn những hoạt cảnh in hệt xi-nê "Anh hùng nói điêu" dựa theo chưởng Tàu của văn sĩ Ung Dung.

Yêu ơi là yêu các nghệ sĩ hồn nhiên làng mình! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả