Ăn uống

Ăn uống qua tranh: Gà quay rùng rợn với giăm-bông… cũng rùng rợn 16. 09. 12 - 8:16 am

Pha Lê

Trước đây, chúng ta chủ yếu toàn “ăn chay” với một đống bánh mì, phó mát, khoai tây… mãi mới nghía được một con . Nhưng kỳ này chúng ta sẽ xơi được một bức tranh vẽ nhiều protein động vật.

Đây là tác phẩm Tĩnh vật với gà quay, giăm-bông, ô-liu, cam, ly rượu, và hoa hồng trên bàn gỗ do Osias Beert vẽ vào khoảng năm 1580. Osias sinh tại Antwerp, Bỉ, và sống ở Hà Lan. Tác phẩm này thuộc thời kỳ Phục hưng, và hơi nhuốm màu gothic, nên trông khá là kỳ quái, rùng rợn. Nhưng thôi, miễn là món ăn thì rùng rợn kiểu nào cũng cho vô bụng được.

Đầu tiên là hai ly rượu, một là rượu trắng, hai là rosé. Bạn nào không thích rượu Tây vì nó chát, hãy thử rosé đi. Phần lớn rượu rosé được lên men loãng để cho ra màu đỏ hồng chứ không phải đỏ bầm, nên rosé uống rất nhẹ nhàng, đặc biệt hợp với phụ nữ. Nếu bạn đãi tiệc và mời nhiều phái đẹp (khoảng 10 Ngọc Trinh chẳng hạn), thì bạn nên mua một chai rosé để lên bàn tiệc, trông sẽ điệu đà và bớt cứng nhắc hơn chai vang đỏ.

Nếu có dịp đến các vùng quê của Pháp, đôi lúc bạn sẽ thấy các gia đình làm rosé theo kiểu thủ công, nghĩa là: pha champagne với… rượu đỏ, hoặc với si-rô. Các hãng làm rượu lớn gần như bị cấm sản xuất rosé kiểu pha chế thủ công này, nhưng lắm dân Pháp khoái uống rosé pha lắm, vì khi pha với champagne thì rosé sẽ lăn tăn vị gas, còn nếu pha với si-rô thì nó còn hơi ngọt nữa, nên các bữa tiệc gia đình cũng thường có rosé pha. Nói chung thì mỗi loại rosé có cái hay của nó, và lợi thế chính của rosé là chúng giúp không khí thêm thân thiện, hoà nhã, vì phụ nữ hay đàn ông đều dùng được. Chứ những bữa tiệc tôi thường lui tới, các ông chỉ toàn mời rượu của các ông, chả nghĩ gì đến các bà các cô.

Thời này, thủy tinh là một chất liệu mới mẻ, lạ mắt. Chắc do vậy nên Osias tự tưởng tượng ra ly rượu trắng với phong cách khá là siêu thực. Còn những ai sành rượu sẽ thích ly có đáy tròn, miệng ly nhỏ để người uống dễ lắc rượu, xem độ cồn và hít mùi thơm của rượu sau khi lắc. Chứ ly như trong tranh thì rót ra rồi uống thôi, lắc là tràn hết ra áo.

 Bên trái hai ly rượu là đĩa ô-liu – một món nhắm nổi tiếng, khi bàn ăn có lắm thịt thì ô-liu sẽ giúp cho bạn bớt ngán. Nhưng ngắm cái đĩa này thì tôi tự hỏi: không biết họa sĩ có ăn ô-liu qua chưa? Vì khi dọn ô-liu, người ta phải dọn thêm một cái chén nhỏ nữa để thực khách có chỗ… nhả hột. Bạn nào đón khách Tây đến nhà chơi, định mời họ dùng ô-liu thì nhớ chi tiết này.

Lại nhắc đến chuyện hột. Bạn nào đi siêu thị, tính mua ô-liu thì làm ơn mua loại nguyên trái có hột, ăn hơi mất công nhưng ngon. chứ loại rút hột sẵn thì vừa bở vừa lạt như nước ốc (còn loại ô-liu nhồi thì ôi thôi, đừng bao giờ mua). Nếu để ăn vã thì ô-liu xanh hợp hơn ô-liu đen, còn dùng cho việc nấu nướng thì ô-liu đen hợp hơn.

Ý, Pháp, và Hy Lạp còn có ô-liu nâu, nhỏ hơn mấy ô-liu thường, rất béo, thơm, nhưng mặn chát, thường chỉ để trộn xà-lách hoặc rắc lên pizza.

 Còn bên phải hai ly rượu, cái gì trông giống chân hà mã thế nhỉ?

Không phải đâu, giăm-bông hun khói từ giò heo đen đấy. Vào mùa Giáng sinh, các siêu thị ở Châu Âu còn trưng nguyên một khúc đùi heo hun khói to tổ chảng. Kiểu hun khói này cho ra một dạng giăm-bông khác, thịt có màu ửng đỏ và lớp mỡ thì na ná mỡ muối, lấy giăm-bông này nhắm với rượu là cực ngon. Mà đấy cũng chỉ là giăm bông từ heo thường thôi, còn heo đen (gần giống heo mọi) như trong tranh lại cho ra giăm-bông thơm và ngọt cực kỳ, mỡ của heo đen cũng ít cholesterol hơn. Loại này gần giống với món giăm-bông Iberico nổi tiếng của Tây Ban Nha. Việt Nam chưa thấy chỗ nào bán Iberico, nhưng các siêu thị chuyên nhập đồ Tây có bán Parma Ham của Ý. Loại này không ngon bằng nhưng cũng được gần 5/10 hoặc 6/10, và cũng rất thích hợp để làm đồ nhắm.

Nhưng dĩ nhiên là không ai khoét một lỗ giữa khúc đùi rồi cắm con dao vô như đang mổ tim khi ăn món này. Muốn cắt nó, bạn phải mua một chiếc thớt đặc biệt, trên thớt có gắn thanh sắt để cố định khúc giăm-bông. Thớt xịn sẽ có đồ cắt quay bằng tay luôn, còn truyền thống thì bác hàng thịt sẽ lấy dao lạng từng miếng mỏng và gói lại cho khách. Giăm-bông heo đen còn có một công dụng nữa: dùng để nấu sốt cà chua hoặc sốt trắng ăn với mì ống của Ý. Vì nó mặn và béo sẵn nên sốt cà sẽ không cần nêm thêm knorr mà vẫn ngon. Tạo hương vị bằng những nguyên liệu tự nhiên lúc nào cũng giúp món ăn thơm ngon hơn là xài hoá chất. Chứ các nhà hàng nổi tiếng bên Tây có biết bột ngọt (mì chính), với Knorr đâu mà món ăn của họ vẫn rất đậm đà đó thôi. Chỉ cần xào giăm-bông với hành tỏi và cà chua, đến khi nhừ thì cho thêm lá húng tây, bảo đảm sốt sẽ ngon ngọt mà không cần nêm nếm gì.

Dưới đĩa giăm-bông là một… con ruồi (hơi mập, có lẽ vì nó là ruồi… Tây?) tác giả có ý gì khi vẽ con ruồi này vào tranh thế nhỉ?

 

Tiếp theo vẫn là món bánh mì quen thuộc. Nhưng dẫu sao thì đây vẫn là bánh mì Hà Lan, nhìn không hấp dẫn bằng bánh mì đen đặc ruột của Nga hay bánh mì vỏ giòn thơm mùi lúa mạch của Pháp. Dĩ nhiên, đối với những ai không quen ăn bánh mì thì sẽ thấy rằng bánh mì Tây nào… cũng thế. Giống như mấy anh Tây cho rằng cơm Việt Nam với cơm Ấn Độ là không có gì khác nhau.

 

Và bây giờ, hãy bàn tới “món chính” hấp dẫn: con gà quay.

Thế kỷ 16 chưa có gà công nghiệp, nên “gà tây” cũng y chang “gà ta” nhà mình: chắc thịt, nhỏ con, đem nướng thường không bị khô. Chân con gà có màu thâm đen, chứng tỏ nó có họ hàng với gà rừng, được thả rong thay vì nhốt chuồng. Hai cánh của con gà quay có kẹp cái gì như nấm thông. Chú gà này được nấu theo kiểu đơn giản mộc mạc, nghĩa là nhổ lông, bỏ bộ lòng, phết tí dầu, rồi tống nguyên con vô lò nướng. Nói chung, toàn Châu Âu ít có ai cầu kỳ như ông Pháp, nướng con gà là phải cắt chân, cắt đầu, nhét bơ dưới da, lấy kim chỉ khâu chỗ hở lại rồi mới đem nướng (như vậy chất ngọt sẽ không chảy ra ngoài và con gà sẽ phồng lên như quả bóng). Gà quay còn cổ và chân “tông hông” như vậy thì không ngon bằng, nhưng đỡ tốn công và tốn thì giờ chuần bị.

Mọi người có đang tự hỏi rằng mấy hạt trắng trắng rải xung quanh đĩa gà và đĩa ô-liu là hạt gì không nhỉ?

Chính là muối hột đấy. Ai cũng biết rằng thời này ở Châu Âu, muối và tiêu đắt như vàng. Bây giờ có chiến tranh vì vàng vì dầu, thì hồi đấy có chiến tranh vì muối và tiêu. Do chúng đắt thế nên khi nấu người ta phải tiết kiệm, ướp ít muối thôi, khi muối tiêu gặp lửa, 30 – 40% vị mặn của nó bay mất hết, thành thử rải muối xung quanh món ăn sau khi nấu để mọi người chấm sẽ đỡ tốn muối hơn là ướp mặn sẵn.

Bên trái đĩa gà quay là một quả cam, chẳng biết nó có ý nghĩa tôn giáo nào không? Hay ý của họa sĩ là sau khi ăn thịt chúng ta nên ăn trái cây cho nó cân bằng? Nhìn quả cam, bỗng dưng thèm món gà quay ướp cam mật ong; chỉ cần bào tí vỏ cam và đem trộn với mật ong, sau đó đem nướng là sẽ có món gà quay thơm mùi cam. Nhưng tính lại thì thấy cam ngày nay toàn ngâm thuốc, vỏ dính lắm chất hoá học, ăn vô sẽ đau bụng… thôi thì “ăn” bằng cách ngắm qua tranh vậy, an toàn hơn.

 

Ý kiến - Thảo luận

17:42 Sunday,16.9.2012 Đăng bởi:  Nguyen Dinh Dang

@Em-có-ý-kiên & Pha Lê:


Tranh tĩnh vật thời Hoàng kim Hà Lan thường chứa đựng các ý nghĩa tượng trưng, chẳng hạn <strong>sự xa hoa bao giờ cũng đi kèm với cạm bẫy</strong>. Vì thế, các tĩnh vật này đòi hỏi người ta không chỉ biết "xem" mà còn phải biết "đọc" tranh nữa! Nhiều khi cái sự "đọc" này không dễ tí nào vì không có từ điển nhất qu
...xem tiếp

17:42 Sunday,16.9.2012 Đăng bởi:  Nguyen Dinh Dang

@Em-có-ý-kiên &amp; Pha Lê:


Tranh tĩnh vật thời Hoàng kim Hà Lan thường chứa đựng các ý nghĩa tượng trưng, chẳng hạn <strong>sự xa hoa bao giờ cũng đi kèm với cạm bẫy</strong>. Vì thế, các tĩnh vật này đòi hỏi người ta không chỉ biết "xem" mà còn phải biết "đọc" tranh nữa! Nhiều khi cái sự "đọc" này không dễ tí nào vì không có từ điển nhất quán.


Tuy vậy, vẫn có một số tượng trưng có thể giải mã được.


Ví dụ trong bức tranh này, con ruồi tượng trưng cho sự phân hủy, ngắn ngủi, chóng tàn của mọi thứ trên đời.


Trái cam tượng trưng cho sự thuần khiết theo truyền thống Thiên Chúa giáo, cho tình yêu của Chúa Jesus với thế giới, nhưng còn có thể bao hàm cả sự sa ngã của con người. Nó gợi cho người ta cần giữ sự chừng mực, vừa phải. Vì thế trái cam còn là trái cây trong các tiệc cưới thời Phục Hưng (Cam ngọt được nhập vào châu Âu từ t.k. 14.). Trong bức tranh "Chân dung Arnolfini" (1434) của Van Eyck - mà nhiều học giả cho là mô tả đám cưới của hai vợ chồng này - có vẽ 1 trái cam trên bệ của sổ và 3 trái cam trên bàn sau lưng người chồng.


Bánh mì tượng trưng cho sự ban phước của Chúa Jesus, vì vậy gợi sự quan tâm tới đạo đức, phẩm hạnh vượt lên trên mọi sự phô trương, khoe khoang.


Hoa hồng thường tượng trưng cho tình yêu và sắc đẹp.


v.v.

 
13:19 Sunday,16.9.2012 Đăng bởi:  phale
@em-co-ykien: đóa hồng đó để làm gì thì chị chịu, giống như con ruồi mập mạp kia. Vẽ ong với hồng trắng thì còn hiểu được, chứ ruồi và hoa hồng thì...

@ Mỹ Vân: như trong tranh này thì vẫn còn sơ sài lắm bạn ơi, hiện nay các nhà hàng lớn luôn có thực đơn 6 món chưa kể phô mai, rượu, đồ nhắm. Hồi xưa thì 8-10 món là thường. Đầu tiên: uống tí rượu, nhắm
...xem tiếp
13:19 Sunday,16.9.2012 Đăng bởi:  phale
@em-co-ykien: đóa hồng đó để làm gì thì chị chịu, giống như con ruồi mập mạp kia. Vẽ ong với hồng trắng thì còn hiểu được, chứ ruồi và hoa hồng thì...

@ Mỹ Vân: như trong tranh này thì vẫn còn sơ sài lắm bạn ơi, hiện nay các nhà hàng lớn luôn có thực đơn 6 món chưa kể phô mai, rượu, đồ nhắm. Hồi xưa thì 8-10 món là thường. Đầu tiên: uống tí rượu, nhắm với ô-liu và giăm-bông (nhắm thôi, mỗi người vài lát mỏng chứ không phải xơi cả tảng thế kia). Sau đó ăn gà nướng với bánh mì. Kết thúc bằng trái cây và phó-mát.

Ý bạn nó là sung khô? Lê chưa giới thiệu sung muối bao giờ. Bạn không tìm thấy sung khô thì dùng nho khô thay thế. Còn nếu ý bạn nói thịt heo muối xông khói, thì Ân Nam có bán serano ham và parma ham, ăn cũng gần gần giống giăm-bông heo đen trong hình. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả