Nghệ sĩ thế giới

YOKOHAMA TRIENNALE 2011: Biên giới của nghệ thuật nằm ở đâu? 21. 10. 11 - 6:28 am

Uyên Ly

 

.

(Bài viết và chùm ảnh của Uyên Ly chia sẻ cho độc giả của SOI, sau khi cô có dịp được Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản mời tham gia Yokohama Triennale 2011 với tư cách phóng viên viết về nghệ thuật)

*

YOKOHAMA TRIENNALE 2011 – Triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế được tổ chức ba năm một lần tại Yokohama khai mạc ngày 6 tháng 8 và kết thúc ngày 6 tháng 11 tại thành phố Yokohama, Nhật Bản là một sự kiện nghệ thuật đáng thu hút và tạo được sự đồng cảm lớn ở tầm quốc tế, đặc biệt là khi trước đó, vào ngày 11 tháng 3, trận động đất khủng khiếp gây ra sóng thần và sự cố hạt nhân đã làm lay chuyển cả đất nước này bằng sự sợ hãi và thiệt hại to lớn về kinh tế.

Một điều đáng ngạc nhiên là mặc dù trận động đất đã quét đi 3,5% GDP của Nhật Bản (theo báo Dân Trí), thay vì “thắt lưng buộc bụng”, Nhật Bản vẫn muốn khẳng định hình ảnh của mình thông qua việc quảng bá cho nghệ thuật. Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản Japan Foundation vẫn tiếp tục mời hàng chục nhà báo từ nhiều quốc gia đến với Yokohama. Nụ cười nhiệt thành vẫn nở trên môi những người hướng dẫn cho đoàn nhà báo và bà Tổng giám đốc của Yokohama Triennale, với thái độ bình thản, đã kể lại cho chúng tôi chuyện sự cố động đất làm đảo lộn công việc chuẩn bị cho buổi họp báo quốc tế đầu tiên về Liên hoan nghệ thuật này như thế nào. Với cách làm việc nhẫn nại và kiên quyết, những người Nhật đã cho tôi thấy rằng cách ứng phó tốt nhất với khủng hoảng là tiếp tục bước tới. Nhật Bản đã không thu mình dưỡng bệnh, mà tiếp tục hướng ra bên ngoài thế giới – một sự động viên ngược đáng khâm phục.

A sheet of paper which I was about to draw, as it slipped from my table and fell to the floor – 2008 – Ryan Gander: Tác phẩm sắp đặt bao gồm rất nhiều quả cầu pha lê bên trong có hình một mẩu giấy nhỏ mỏng manh đang trong tư thế rơi xuống. Tên tác phẩm: “Một mẩu giấy mà tôi định dùng để vẽ trượt khỏi bàn của tôi và rơi xuống đất”. Một tác phẩm đẹp và cái tên có tính gợi ý.

 

Về quy mô, Yokohama Triennale 2011 là một sự kiện cỡ trung bình so với các sự kiện quốc tế cùng thể loại – các nhà báo đã có kinh nghiệm “chinh chiến” tại nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế lớn cho tôi biết. Về chất lượng nghệ thuật, có thể nói rằng đây là một sự kiện làm thỏa mãn những người khó tính và hiểu biết. Nơi đây tụ hội tác phẩm của nhiều tên tuổi lớn hiện thời như Damien Hirst, Yoko Ono, những bậc thầy của nghệ thuật đương đại như Méret Oppenheim, Man Ray, Max Ernst, Réne Magritte, những “cây đa cây đề” của nghệ thuật đương đại Nhật Bản được thế giới kính nể như Araki Nobuyoshi, Hiroshi Sugimoto, và rất nhiều tên tuổi ấn tượng khác nữa.

Sự thắc mắc cũng chính là “đề bài” của Yokohama Triennale 2011. Với chủ đề Our magic hour – How much of the world can we know? (tạm dịch: Thời khắc diệu kỳ của chúng ta – Chúng ta có thể hiểu về thế giới đến đâu?), trong bài phát biểu của mình, Giám đốc Nghệ thuật của Liên hoan Miki Akiko cho biết sự kiện này tập trung vào nghệ thuật làm ra những mô típ liên quan đến sự bí ẩn của thế giới, cuộc sống hàng ngày và những thế lực kỳ lạ, về mối quan hệ giữa khoa học và sự không giải thích được, về ranh giới giữa cái thực và không thực, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, về những điều tưởng chừng như bị quên lãng… Đây là một thông điệp quá cởi mở đến mức gây hoang mang khiến tôi không biết đâu là chính, đâu là phụ, nhưng sau khi xem một loạt tác phẩm được sắp xếp một cách lộn xộn đúng với chủ ý của Giám đốc nghệ thuật, tôi cảm thấy thông điệp của triển lãm và cách bố trí tác phẩm cũng giống như cuộc đời ngoài kia, lẫn lộn biết bao nhiêu thông tin, chỉ có người trong cuộc mới tìm ra được điều gì đó cho riêng mình.

Minimal Baroque IX: Cận cảnh một chi tiết tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đẹp của bậc thầy Toya Shigeo. Tên đầy đủ của tác phẩm là Cave V (Minimal Baroque IX) – một khối hình hộp với chiều cao trên hai mét.

 

Sự đa dạng vô bờ bến của hơn 300 tác phẩm cũng như thời gian tác phẩm ra đời trải dài từ cuối thế kỷ 18 cho đến tận năm 2011 của xấp xỉ 80 tác giả (sinh ra trong thế hệ từ 0x (tức là đầu thế kỷ 20) và thậm chí cả trước đó (từ thế kỷ 18) cho đến tận 8x) đã làm cho tôi mệt lử và phải bỏ cuộc khi cố gắng trả lời câu hỏi to đùng: Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật?

Khi không cố tìm câu trả lời nữa, tôi bỗng chợt tìm ra một điều khác, đó thái độ chấp nhận sự phong phú và đa dạng đến gần như không biên giới của nghệ thuật. Tôi lang thang trong cơn bão của những câu chuyện mà các tác phẩm đem đến cho mình và để mặc mình bị cuốn đi theo dòng cảm xúc liên tục thay đổi theo từng bước chân trong triển lãm. Có lúc tôi muốn khóc vì cảm động khi xem series hình chú mèo Chiro chết dần mòn của nhiếp ảnh gia Araki, có lúc lại muốn cười toét miệng như series tác phẩm điêu khắc của Ugo Rondinone, có lúc ngẫm nghĩ một cách khổ sở trước sự cẩu thả cố tình trong tác phẩm sắp đặt của nghệ sỹ trẻ đang nổi Izumi Taro, có lúc mê muội vì vẻ đẹp của tác phẩm video art của Mircea Cantor (Tracking Hapiness), Sigalit Landau (DeadSee) và Joachim Koester (Tarantism); có lúc sững sờ về sự tối giản với bức tường trắng tinh y hệt một bức tường hành lang của Saga Atsushi mà tôi lướt qua ba lần mới nhận ra.

Tracking Happiness: Khán giả đang xem video “Tìm dấu hạnh phúc”. Một nhóm những người phụ nữ trong trang phục màu trắng đi bộ khẽ khàng trong một không gian toàn màu trắng. Họ cầm trong tay những chiếc chổi, vừa đi vừa quét sạch dấu chân của người phụ nữ đi trước mình. Tác phẩm đưa ra câu hỏi về sự tạo thành và xem xét lại lịch sử, và hiện trạng về thông tin trong thời đại máy tính.


DeadSee: Những chiếc đèn được làm từ muối lấy từ Biển Chết – thực chất là chiếc hồ nối giữa Isarel và Jordan. Tác giả người Israel bị tác động bởi lịch sử đất nước và nỗi đau mà nó phải gánh chịu. Bên cạnh tác phẩm bằng muối, tác giả còn làm một tác phẩm video được quay trên Biển Chết, trong đó cơ thể ở trần của người nghệ sĩ bị bao vây bởi vòng tròn được tạo thành từ 500 quả dưa hấu được xâu thành chuỗi (dưa hấu là đặc sản của Israel), trong vòng tròn có những quả dưa hấu bị khoét đỏ rực. Video tạo ra hiệu ứng rất tốt về thị giác, cũng như những chiếc đèn bằng muối rất đẹp, nhưng chúng còn muốn nói điều gì đó sâu hơn thế. Cái tên DeadSee (tạm dịch: Cái nhìn chết) được dùng thay vì Dead Sea (Biển Chết).

 

Và tất nhiên, tôi tò mò trước những cái tên vô cùng nổi bật: Damien Hirst đã làm tôi mãn nhãn với tác phẩm sắp đặt The Tree of Knowledge tuyệt đẹp – hàng nghìn cánh bướm thật đủ màu sắc được nghệ sĩ làm cho giống với những chiếc cửa sổ kính màu trong nhà thờ. Còn Yoko Ono hào phóng không kém, bà tạo sự an ủi sau trận động đất bằng cách thỉnh thoảng gọi điện đến triển lãm để nói chuyện với một vị khách tình cờ bất kỳ qua một bốt điện thoại được đặt tại sảnh lớn của bảo tàng nghệ thuật Yokohama. Tác phẩm này có tên gọi Telephone in Maze.

The Tree of Knowledge: Là tác phẩm phía góc trái của ảnh. Do nghệ sĩ đề nghị không chụp ảnh tác phẩm nên đành phải chụp từ xa. Những cánh bướm thật được sắp xếp theo hình tròn, màu sắc rực rỡ giống như khi ta nhìn vào ống kính vạn hoa, đồng thời trông giống như các cửa sổ kính màu nhà thờ. Mặc dù hình dáng cửa sổ tạo ra không khí có vẻ mộ đạo, sự chói lọi sặc sỡ của màu sắc từ các cánh bướm có vẻ không ăn nhập gì với sự mộ đạo. Một lần nữa Damien Hirst lại sử dụng các hình tượng của khoa học và tôn giáo để tạo ra hiệu quả thị giác ngây ngất nhằm đặt ra câu hỏi về sự sống và cái chết.


Organi, 2008, Massimo Bartolini: Giàn giáo xây dựng từ một khu công trình đã được nghệ sĩ mang vào trong phòng. Từ các thanh kim loại hình ống phát ra những âm thanh giống như tiếng đàn organ ở nhà thờ. Cấu trúc này tạo ra một khung cảnh gây hoang mang trong đó khu xây dựng, nhà thờ và bảo tàng được đặt trong cùng một không gian.

 

Và, không thể không nhắc đến Jun Nguyen Hatsushiba – nghệ sĩ có mẹ người Nhật và bố người Việt. Được mời tham gia Yokohama Triennale, khi nghe tin về trận động đất, Jun Nguyen đã điều chỉnh lại tác phẩm Breathing is Free để chia sẻ nỗi đau với Nhật Bản. Sử dụng công nghệ GPS định vị toàn cầu, anh và những người tình nguyện đã chạy đan chéo giữa các điểm khác nhau tại Yokohama và thành phố Hồ Chí Minh. Những tuyến đường dưới bước chân của họ khi được nối lại với nhau tạo thành hình cây anh đào nở hoa khiến người Nhật cảm động. Việc kết hợp giữa sự chia sẻ kịp thời, vẻ đẹp mang tính biểu tượng (Cây anh đào), việc chạy trên đường (rất thực thể) nhằm thể hiện sự liên hệ trực tiếp với nỗi đau và sự chạy trốn khỏi thảm họa, cộng với sự kỳ diệu của công nghệ đã tạo nên một vị trí đặc biệt cho Jun Nguyễn tại Yokohama Triennale 2011. Đường dẫn đến facebook giới thiệu về tác phẩm của anh được đặt ngay trên trang chủ, góc bên phải, của website chính thức của Liên hoan nghệ thuật này.

Breathing is Free: Một khán giả đang xem tác phẩm video hình cây anh đào Breathing Is Free 12,756.3: Japan, Hopes & Recovery, 1,789km của Jun Nguyen Hatsushiba

 

Tạm biệt Yokohama Triennale, thế giới dường như rộng mở hơn đối với tôi. Điều kỳ lạ là những quan sát đời thường của tôi cũng bắt đầu bị nhuốm màu nghệ thuật – Có lẽ nên vui vì điều này.

Kandor City 3, 2007-2009, Mike Kelley: Những thành phố thu nhỏ của tương lai sáng lấp lánh một cách bí ẩn trong bóng tối. Những hình mẫu trong tác phẩm được sáng tác dựa trên sự mô tả về Kandor – một thành phố hư cấu là quê hương của siêu nhân Superman. Tác giả thường quan tâm đến những kiểu văn hóa khác biệt với số đông, những điều huyền bí và văn hóa của giới trẻ, và trong trường hợp này là những truyện tranh hư cấu nổi tiếng.

 

(Các bạn đọc thêm bài về Mike Kelly: Unpainted Paintings: Trông như đồ bỏ nhưng tôi thích)

One, 2008, Wilfredo Prieto: Chỉ có một viên kim cương duy nhất trong số 28 triệu viên kim cương giả được bày trong phòng. Tác phẩm khiến chúng ta tò mò đâu là viên kim cương thật và thúc đẩy ta tìm ra nó. Điều gì làm nên sự khác biệt giữa thật và giả? Bằng cách kết hợp giữa cái đẹp với ý định châm biếm, tác phẩm dường như muốn nói rằng: “Tin hay không tùy bạn”.


White Corridor, 2011, Saga Atsushi: Bức tường trông bình thường đến nỗi nó dễ dàng bị bỏ qua, tác phẩm tạo nên một sự ngạc nhiên đặc biệt và tạo ra sự suy tưởng sâu sắc một khi ta nhận ra nó. Nghệ sĩ đã sơn lên bức tường, sau đó đánh bóng nó bằng dụng cụ mài nhẵn. Tác phẩm được nhận ra cùng với sự tỉ mỉ và rất nhiều sức lao động, cùng với khả năng chịu đựng đáng kể của nghệ sĩ.


One Sentence, 2011, Yin Xiuzhen: Quần áo của mọi người bao gồm cả áo khoác lẫn đồ lót và tất được cắt thành từng dải vải và cuộn lại thành hình tròn. Tác phẩm bao gồm trang phục của 108 người – thể hiện 108 dục vọng trong đạo Phật. Những vòng tròn quần áo khác nhau về độ lớn nhỏ và màu sắc cho thấy sự khác nhau về hình thể của những người mặc chúng, về mùa nào trong năm, và sự khác nhau về giới tính lẫn văn hóa. Tác giả quan tâm đến những đổi thay xã hội và những mâu thuẫn ở Trung Quốc trong khi kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và toàn cầu hóa lan rộng.


I’ll get you my pretty, 2009, Rina Banerjee: Bên dưới chiếc chao đèn kiểu Ấn đem đến nguồn sáng là sự mô phỏng hình dáng của bản đồ thế giới. Nhìn kỹ, sẽ thấy các chi tiết như các chú lính đồ chơi, hay những hình động vật thu nhỏ, và bên trên là những vỏ sò. Tên tác phẩm được lấy từ truyện Phù thủy xứ OZ đề cập đến những khái niệm mâu thuẫn như người tốt kẻ xấu, Đông và Tây, cá thể và cộng đồng, trẻ em và người lớn…Tác phẩm dẫn chúng ta đến với một thế giới có vẻ thật song lại tràn ngập phép thuật và những điều kỳ diệu.


Untilted – Peter Coffin: Tác phẩm bao gồm 18 hình ảnh trong suốt của các loại quả khác nhau, được tạo ra bằng công nghệ quét 3D với sự hướng dẫn của một chuyên gia. Tác phẩm video 3D đẹp một cách kỳ diệu này là sự kết hợp giữa thực thể thiên nhiên và những tiến bộ mới nhất của công nghệ.


Untitled – Dewar & Gicquel: Tác phẩm điêu khắc được tạo nên từ 20 tấn đất sét có vẻ hài hước và trông như mọc lên từ nền đất. Đồng thời, người xem bị để lại ấn tượng sự khao khát và thôi thúc căn bản của con người trong suốt chiều dài lịch sử, đó là tạo ra một điều gì đó từ con số không.


Prosopopaea, 2010, Rivane Neuenschwander: Tác phẩm giống như một trò chơi dành cho khán giả. Nghệ sĩ chuẩn bị và bày sẵn nhiều tấm bìa cứng có in các chữ cái trong bảng chữ, và khán giả có thể tùy ý sắp xếp các chữ cái thành một thông điệp bất kỳ. Ở một góc khác, một loạt những quả trứng được trưng bày và khán giả được khuyến khích soi trứng trước ánh đèn, một chữ cái được viết bên trong quả trứng sẽ hiện lên dưới ánh đèn – Một góc nhìn khác về sự giao tiếp liên lạc.


Scartching, blood or cat carving, 2007, Ochiai Tam: Một phần nhỏ trong nhóm tác phẩm sắp đặt mang đầy tính hài hước của tác giả. Cùng với một bức tượng chú mèo nằm ngửa trên chiếc đàn organ điện tử, đoạn video cũng như các tác phẩm khác, tác phẩm tạo ra cảm giác về một chú mèo có thật đang loanh quanh đâu đó nhưng trên thực tế không hề có con mèo nào cả. Tác phẩm kích thích trí tưởng tượng về những điều mà chúng ta không thực sự nhìn thấy.


Chopsticks III: Cặp đôi nghệ sĩ Song Dong và Yin Xiuzhen cùng nhau làm một đôi đũa và mỗi người tự làm một chiếc đũa riêng biệt ở hai nơi riêng biệt với điều kiện hai chiếc đũa cùng độ dài (khoảng từ 8 đến 12 mét), sau đó họ ghép hai chiếc đũa lại thành đôi. Kết quả là họ tạo ra hai chiếc có cùng độ dài song cấu trúc hoàn toàn khác nhau.Trong triển lãm, những chiếc đũa được cắt ra thành từng khúc rải rác trong căn phòng, trông giống như những chiếc hộp khiến người xem tò mò. Tác phẩm muốn nói lên điều gì đó về việc tập hợp, ghép đôi, về cách con người liên lạc với nhau và cách họ nhận thông điệp về mình.


A Spoon Made From The Land, 2009, Yamashita Mai & Kobayashi Naoto: Trên đỉnh đống cát là một chiếc thìa nhỏ. Đoạn video bên cạnh cho thấy quá trình làm ra chiếc thìa của hai nghệ sĩ, họ lấy nam châm hút sắt từ trong bãi cát bên bờ biển, sau đó đem về xưởng, nung chảy sắt đã thu được, đổ vào khuôn làm ra chiếc thìa. Một thông điệp nữa từ việc tạo ra điều gì đó từ con số không.


Greenhouse – Music for plant: Ảnh ghi lại buổi trình diễn của nghệ sĩ Peter Coffin (Mỹ) tại liên hoan Yokohama Triennale. Anh chơi nhạc ngẫu hứng tại chỗ trong một nhà kính nhỏ đặt tại địa điểm triển lãm, vừa chơi nhạc vừa mát-xa cho các cây xung quanh mình. Hành động này xuất phát từ một lý thuyết cho rằng âm nhạc sẽ giúp kích thích sự phát triển của cây.

*

Tái bút: Để chia sẻ với bạn đọc, tôi có chụp một số bức ảnh tác phẩm. Tiếc là không thể giới thiệu được hết những gì tôi nhìn thấy, nên đành tạm mở ra những cánh cửa nhỏ xíu bằng ảnh đến với Yokohama Triennale vậy. Của ít lòng nhiều.

*

Chú thích ảnh: Ảnh những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm do người viết chụp lại. Phần chú thích do người viết tóm tắt dẫn giải tác phẩm từ cuốn sách hướng dẫn của Yokohama Triennale cộng với cảm nhận riêng.

 

Ý kiến - Thảo luận

20:44 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  Hừm
Cám ơn bạn Uyên Ly và một bài tường thuật thật hấp dẫn.
...xem tiếp
20:44 Monday,24.10.2011 Đăng bởi:  Hừm
Cám ơn bạn Uyên Ly và một bài tường thuật thật hấp dẫn. 
8:37 Saturday,22.10.2011 Đăng bởi:  mua xuan
Cậu Tiến nói chưa đúng hẳn. Chị bổ sung: Biên giới của nghệ thuật là cơm áo. Không có cơm ăn thì không vẽ được, không có áo mặc thì rét không vẽ được, và không có cà phê thì không buôn dưa lê được. hix.
...xem tiếp
8:37 Saturday,22.10.2011 Đăng bởi:  mua xuan
Cậu Tiến nói chưa đúng hẳn. Chị bổ sung: Biên giới của nghệ thuật là cơm áo. Không có cơm ăn thì không vẽ được, không có áo mặc thì rét không vẽ được, và không có cà phê thì không buôn dưa lê được. hix. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả