Thị trường

Ségalot: Điên, nhưng điên theo cách rất hay 28. 02. 12 - 8:28 am

Hồ Như Mai dịch

 

Nhà buôn nghệ thuật Philippe Ségalot

 

Năm 2006, khi thị trường nghệ thuật đương đại đang nóng đến mức bỏng tay, các tay buôn và những nhà sưu tập chen chúc nhau để trở thành người đầu tiên vào cửa Art Basel (hội chợ nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới), người ta đã thấy Philippe Ségalot ngồi đó ngả ngớn, bình thản và tự tin. Đó là vì Ségalot – một nhà buôn nghệ thuật tư ở New York – đã dựng thành công màn kịch của mọi màn kịch trong thế giới nghệ thuật: ông đã thuê một nghệ sĩ hóa trang của Hollywood đến Basel, biến ông thành một gã ngố hói đầu đeo kính tròn. Rồi, dùng một tấm thẻ giả dành cho nhà tổ chức với khuôn mặt mới của mình trên đó, Ségalot qua mặt cả một đội ngũ bảo vệ hùng hậu để vào được hội chợ trước khi nó mở cửa, “xí” những tác phẩm tốt nhất cho khách hàng của mình trước tất cả mọi người.

Ségalot, 47 tuổi, không làm theo cách những người khác vẫn làm. Trước khi trở thành một nhà buôn tư, ông từng điều hành bộ phận nghệ thuật đương đại ở Christie’s – nơi ông đi tiên phong trong việc rao bán các tác phẩm của Jeff Koons và Maurizio Cattelan trước khi họ trở thành “ngôi sao”. Mặc dù theo lệ, các họa sĩ thường tránh ló mặt đến những buổi đấu giá; nhưng ông đã thuyết phục được rất nhiều nghệ sĩ tham gia vào các cuộc mua bán, nhờ họ sắp đặt tác phẩm của mình ở Christie’s (trước lúc đấu giá diễn ra) sao cho đẹp mắt. Rồi, để quảng bá cho các sự kiện trên và thu hút một thế hệ những người mua mới trẻ trung hơn, ông đã biến Christie’s thành một sàn nhảy disco, tổ chức các buổi tiệc theo chủ đề như Bubble Bash (Đánh bong bóng) hay Think Pink (Nghĩ hồng hào).

Giờ thì Ségalot đã bước vào một thử thách mới: biến Phillips de Pury & Company – một nhà đấu giá đang phải vật lộn để tồn tại – thành một nhà vô địch, ít nhất là trong một đêm. Với cương vị của một “giám tuyển ngắn hạn” (thuê ngoài luồng, theo kiểu tự do), Ségalot đã ra tay tổ chức một buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại, diễn ra vào ngày 8. 11. 2010 ở New York. Nó cũng sẽ đánh dấu lễ khai trương địa điểm mới, rộng 25.000 thước vuông tại Park Avemue của Phillips de Pury.

Nhờ đến một “chuyên gia bên ngoài” để tổ chức một buổi đấu giá nghệ thuật đương đại là điều chưa từng thấy; nó cũng khởi đầu cái chương trình “Carte Blanche” của Phillip de Pury. Đối với một nhà đấu giá có sức lực lẫn tầm cỡ nhỏ hơn nhiều so với các gã khổng lồ như Sotheby’s hay Christie’s, đây được coi là bước đi sáng tạo trong một lĩnh vực kinh doanh đang vật lộn để bám trụ.

Một lần nữa Ségalot đã đem lại những biến đổi không ngờ. Trước khi đem bức tượng của nghệ sĩ Cattelan ra chụp ảnh – một bức bán chân dung của Stephanie Seymour (Stephanie là người mẫu, lúc đó cô đang mắc kẹt giữa một cuộc hôn nhân kèm ly dị lùng nhùng, tai tiếng, lúc lên lúc xuống với nhà tài phiệt báo chí Peter Brant) để đưa lên bìa catalog; Ségalot thuê Frederic Fekkai, thợ làm tóc của các ngôi sao (danh sách khách hàng của Ferderic có luôn cả quý cô Stephanie), để tạo kiểu tóc dài, óng ánh (làm từ các lọn tóc giả lẫn tóc thật) cho bức tượng này.

Bức tượng của Cattelan tại de Pury là một trong ba phiên bản, nó còn là dấu ấn của nghệ sĩ này. Vào năm 2003, trước khi cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt, ngài Brant đã nhờ Cattelan làm một tác phẩm để bổ sung cho bộ sưu tập đồ sộ của ông. Nhìn vào tất cả những “chiến lợi phẩm” của Brant – nào Warhol, Basquiat Richard Prince – Cattelan nảy sinh cảm hứng, muốn sáng tác một “hiện thân” của bà vợ cũ – Stephanie (ý như là bà vợ này cũng nằm trong danh sách “chiến lợi phẩm”?). Nhưng Cattelan có điều kiện đi kèm: “Tôi muốn những người đàn ông khác cũng được chiêm ngưỡng nàng,” Cattelan nói, thế là ba phiên bản ra đời. Ségalot ước tính, riêng phiên bản này phải có giá từ 1.5 đến 2 triệu đôla.

 

Tượng bán thân Stephanie Seymour của Maurizio Catalan được Frederic Fekkai chải tạo kiểu tóc tại Phillips, de Pury.

 

Stephanie là một hình mẫu trong mơ” Ségalot vừa nói vừa nhấp Coca-Cola trong căn hộ nằm ở khu Upper East Side của mình; đây là một không gian hiện đại không chê vào đâu được, với những tác phẩm của Cattelan, Takashi Murakami, Cindy Sherman, Robert Morris và Daniel Buren – những nghệ sĩ từng tham gia vào các cuộc đấu giá do ông tổ chức. “Khi tôi hỏi Maurizio: cách tốt nhất để sắp đặt một bức tượng là gì? Anh ấy nói với tôi mái tóc là phần tối quan trọng. Và do tôi quen Frederic nên tôi nghĩ nhờ anh ấy giúp cũng chẳng hại gì.” (Nhân tiện nói luôn, mái tóc của Ségalot có lẽ cũng là đặc điểm nổi bật nhất của ông: màu nâu sẫm, được chải nếp và sấy khô. Nhằm đập tan các tin đồn về việc nó cũng là một mái tóc giả, một phóng viên từng nắm lấy nó để… giật thử). Khi bức tượng Stephanie được dỡ khỏi thùng, Fekkai (cách gọi thân mật của Frederic) nói trông nó “rất là ghê rợn”, mái tóc giống một mớ bùi nhùi rối tinh rối mù.

Tôi phải mất một thời gian dài chỉ để nhẹ nhàng chải cho tóc được thẳng, dùng một loại keo đặc biệt nhằm tránh cho nó không bị xoăn”, anh nói. Mặc dù từng tạo kiểu cho vô số mái tóc giả, đây là lần đầu tiên anh làm cho tượng. “Mái tóc có thể thay đổi hình dạng của khuôn mặt, ngay cả khuôn mặt một bức tượng,” anh nói thêm. “Chúng tôi muốn cô ấy trông như một nữ thần.”

Việc một nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng được gọi đến Phillips de Pury để tạo kiểu cho một bức tượng không hề làm Simon de Pury – giám đốc của Phillips – bối rối. “Ségalot có một cá tính tuyệt vời,” ông nói, chưa kể đến chuyện: trong suốt những năm công tác ở Christie’s, Ségalot chưa bao giờ bắt chước các đồng nghiệp trầm tính và cứng nhắc của mình. “Tôi nhớ khi Christie’s tổ chức Pink Party, Ségalot đeo một cái đuôi báo màu hồng để đứng đón khách,” ông kể. “Ségalot thực chất thì vô cùng chuyên nghiệp, nhưng lúc nào cũng đem tính hài hước vào những cái mình làm.”

Từ khi Mercury Group, một tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Nga – mua lại cổ phần của bảo tàng vào hai năm trước, Phillips de Pury đã liên tục cố gắng nhằm trở nên sáng tạo hơn; tổ chức các buổi đấu giá theo chủ đề như BRIC (Brazil, Russia, India và China) như một cách tận dụng những thị trường nghệ thuật mới nổi. De Pury cũng mở các phòng đấu giá mới, có phong cách thời thượng (đầu tiên là ở London và giờ là ở Park Avenue). Nhưng đặc biệt, triển lãm ngày 8. 11. 2010 “có thể trở thành một bước ngoặt đối với chúng tôi.” Simon nói. Các mùa trước đây, de Pury thường tụt lại rất xa sau Sotheby’s và Christie’s (cả về số lượng tác phẩm bán được, lẫn số lượng các buổi đấu giá từ tháng 5 đến tháng 11; tính riêng ở New York). Nhưng vào đêm thứ hai, bảo tàng đã mở đầu mùa mới bằng một buổi đấu giá nghệ thuật đương đại.

Phillips đang nỗ lực để trở nên sáng tạo hơn,” Adam Lindermann, một nhà sưu tập ở New York và là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2006 tên Sưu tầm Đương Đại, nói.“Ségalot quen biết rất nhiều, Ông ấy sẽ tận dụng thế mạnh này.”

Đây là một buổi đấu giá với những hạn mức cao hơn hẳn. Từ khi ông de Pury – một cựu chủ tịch của Sotheby’s ở Châu Âu – bắt đầu gia nhập Phillips (lúc này chưa có tên Phillips de Pury) một thập kỉ trước, nhà đấu giá chưa bao giờ bán được nhiều hơn 59 triệu đôla. Nhưng ước lượng thấp nhất cho 33 tác phẩm mà Ségalot đã chọn lọc cho buổi đấu giá lần này phải lên đến 80 triệu đôla.

Và mặc dù không ai ở Sotheby’s hay Christie’s chịu nói thẳng (vì nói xấu đối thủ thì rất không lịch sự), vẫn oán giận việc Ségalot “tái xuất” và đẩy cao cạnh tranh trong thời điểm nền kinh tế vẫn còn lung lay. “Tổ chức một buổi đấu giá duy nhất thôi thì lúc nào cũng dễ,” một chuyên gia đấu giá đùa cợt. Tổ chức một buổi bán hàng – thuyết phục các nhà sưu tập bán đi các tác phẩm nghệ thuật họ trân trọng, sản xuất catalog, rồi tìm người mua – trong vỏn vẹn ba tháng là một thử thách đau đầu với bất cứ dân chuyên nghiệp nào, nhưng Ségalot vẫn rất ung dung. Làm việc từ các văn phòng nhỏ ở New York và Paris, Ségalot với hai cộng sự của mình – Franck Giraud (một cựu quản lý của khu “hiện đại và ấn tượng” của Christie’s) và Lionel Pissaro (chắt của nghệ sĩ Camille Pissaro) – vẫn lặng lẽ thu về hàng triệu đôla từ các tác phẩm nghệ thuật mỗi năm.

Tuy nhiên, việc tự “rước” thử thách về cho mình giống như một dạng ma túy đối với Ségalot. “Tôi từng rất thích công việc mình làm ở Christie’s, và ý tưởng được làm việc thêm lần nữa (dù không ở Christie), khiến tôi rất hứng thú,” ông nói bằng một giọng Pháp nặng và chân thành, mặc dù hơi nhiệt tình thái quá. “Công việc tôi làm hiện giờ rất riêng tư. Chúng tôi không nói về khách hàng hay các phi vụ của mình, vì vậy mà cả thế giới biết đến chúng tôi, cũng như cách chúng tôi làm việc.” Chuyện de Pury bị xếp hạng thấp trong thế giới đấu giá cũng là một yếu tố hấp dẫn. “Nó làm tăng thêm sự thử thách,” ông thừa nhận. “Tôi thích cái ý tưởng là tôi có thể thay đổi vị thế của công ty nhỏ này.”

Lúc nào cũng là một người kín đáo, ông từ chối tiết lộ nguồn của 33 tác phẩm trong cuộc đấu giá này; mặc dù đang rộ lên tin đồn rằng một số tác phẩm được ông lấy trực tiếp từ các nghệ sĩ, số khác từ danh sách khách quen (như Stefan Edlis – nhà sưu tập sống ở Chicago – và Lindermann). Người ta còn nói ông đã thuyết phục được François Pinault, chủ của Christie’s, đưa cho mình một hay hai tác phẩm để bán.

Bản thân cuộc đấu giá cũng phản chiếu rất trung thực sở thích của chính Ségalot. “Tôi không muốn nó giống một buổi đấu giá, mà như buổi rao bán của một bộ sưu tập cá nhân hơn,” ông nói. Buổi đấu giá cũng có một hỗn hợp các tác phẩm của những nghệ sĩ hiếm khi góp mặt trên sàn, như: Robert Morris Lee Lozano, Buren; và một số tên tuổi đang lên như: Matthew Day Jackson. Những tên tuổi lớn như Murakami, với tác phẩm Miss Ko2 – bức tượng về một cô bồi bàn quái dị (cao gần hai mét rưỡi) – được kì vọng sẽ thu về từ 4 đến 6 triệu đôla.

Miss Ko2

 

Nhưng ngôi sao lớn nhất trong tất cả là tác phẩm Men in Her Life, một bức tranh của Warhol vẽ năm 1962 dựa trên hình ảnh Elizabeth Taylor khi đứng giữa các ông chồng, có thể sẽ thu về khoảng 50 triệu đôla. Ségalot “câu” được bức tranh này từ bộ sưu tập cá nhân của gia đình Mugrabi (dòng họ buôn tranh sống tại Manhattan, nổi tiếng vì gom được một bộ sưu tập khổng lồ các tác phẩm của Warhol). “Bố tôi phản đối kịch liệt việc bán bức tranh này, nhưng Ségalot thuyết phục quá tài,” Alberto Mugrabi nói. “Ségalot có thể làm những việc không ai khác có thể làm. Ông ấy điên, nhưng mà điên theo cách rất hay.”

Men in Her Life

 

Alberto Mugrabi đã theo dõi sự nghiệp của Ségalot từ thời kỳ đầu. Trong 5 năm ông làm việc ở Christie’s, Ségalot nổi tiếng vì đã mang về những cái giá kỉ lục cho các nghệ sĩ như Charles Ray, Murakami, Koons và Felix Gonzalez-Torres bằng cách khéo léo lăng xê họ; ông cũng chọn thời điểm lăng xê vô cùng chính xác. Ségalot là người đầu tiên mang những thiết kế nội thất đương đại của các nghệ sĩ như Marc Newson vào các buổi bán đấu giá nghệ thuật. Năm 2000, ông tuyển ba sinh viên của Bard College, giao cho họ việc sắp đặt tác phẩm, nhằm giúp cuộc đấu giá của mình tại Christie’s thêm bắt mắt. “Tôi nhìn thấy chúng (các tác phẩm đấu giá) mỗi ngày“, ông nhớ lại. “Tôi cần những người trẻ tuổi, tài năng; họ sẽ nhìn tác phẩm từ một góc độ hoàn toàn mới mẻ, do đó tôi để bọn họ sắp đặt các gallery.”

Từ khi công ty “Giraud, Pissarro và Ségalot” được thành lập vào năm 2002, Ségalot đã tham dự vào những cuộc mua kỷ lục. Hai năm trước, công ty thực hiện thành công một thương vụ mà các chuyên gia cho là “lớn nhất trong giới nghệ thuật tư”; thay mặt những người thừa kế của nhà buôn huyền thoại Ileana Sonnabend, Ségalot bán được bộ sưu tập trị giá 400 triệu đôla của họ, nhằm giúp họ trả thuế (khi con cái thừa kế gia sản kếch sù, chính phủ Mỹ và Châu Âu ra luật bắt họ đóng thuế, hạn mức tùy theo quốc gia). Nghe nói họ đã đưa các tác phẩm của Koons, Lichtenstein, Twombly và Warhol vào tay những khách hàng sộp nhất của mình, trong đó có Pinault, Sammy Ofer (nhà tài phiệt người Israel), Carlos Slim Helú (tỷ phú truyền thông Mexico). (Ségalot từ chối nêu thêm chi tiết).

Cả ngài de Pury cũng không chịu nói ai sẽ thay thế Ségalot để tổ chức buổi đấu giá nghệ thuật đương đại ở Phillips vào mùa sau. Thiên hạ đồn rằng người này có thể là Sam Keller – cựu giám đốc của Art Basel và Art Basel Miami Beach, hiện đang làm giám đốc cho Beyeler Foundation ở Basel – hoặc có thể là ngài Brant, người hiện có một tổ chức nghệ thuật ở Greenwich, Conn.

Mỗi người sẽ mang một điều khác biệt đến cho cuộc đấu giá,” Ségalot nói. Trong khi đó, vì là một người cầu toàn, bản thân Ségalot đang chạy đôn chạy đáo đem những cuốn catalog đến tận tay nhà in, theo dõi sát những chi tiết giờ chót của buổi đấu giá, và chuyện trò với các khách hàng. “Tôi bị mất ngủ luôn” ông thú nhận. “Tôi quá hồi hộp.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả