Gẫm & Bình

Tranh của Hoàng Duy Vàng: nếu bạn dừng lâu hơn một chút 09. 11. 11 - 6:14 am

Người xem Hà Nội

 

“Tắm trên phố”(2010), sơn dầu, 110 x 150cm. Ảnh: Tịch Ru

 

Những ảnh chụp tranh của Hoàng Duy Vàng trong bài thông báo triển lãm không hề gây được nhiều chú ý. Chúng trượt đi. Chúng làm cho ta có cảm giác hình như đã xem những bức như thế này ở đâu đó và không phải một lần. Đúng là không có gì mới. Và để giới thiệu chúng, bà Natalia Kraevskaia (tên thân mật vẫn gọi là Natasha), với một bài viết dài dành nhiều ưu ái (có lẽ phần nhiều) cho sự chăm chỉ và nỗ lực của một họa sỹ trẻ. Nhưng qua bài viết của Natasha, cũng dễ nhận thấy sự băn khoăn của bà khi nói về tranh của Vàng. Trong bài viết ấy, Natasha cho rằng cái “cách”, hay cái “ trường phái” mà Vàng đang dùng là chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện. Tất nhiên khi tạm nhận định như vậy, Natasha đã bổ sung rằng, “trong kỉ nguyên này, các họa sỹ quyết tâm không sáng tác đúng theo bất kì một loại hình nghệ thuật nào và cố gắng thoát khỏi bất kì chủ nhĩa nghệ thuật nào”.

“Đất nước trong mùa gặt”(2011), sơn dầu, 180 x 400cm. Ảnh: B&G

 

Quả đúng như vậy, khi bước chân vào phòng tranh, ấn tượng ban đầu hoàn toàn chỉ là những bức tranh khổ lớn với sự đầy ứ màu sắc mạnh. Chúng cho thấy sự lao động kiên trì từ bức này sang bức khác; và người xem hoàn toàn an tâm rảo bước vòng quanh nhưng cũng khó nhớ được bức này hay bức khác mình vừa mới xem. Bạn có thể thờ ơ: hình như không có gì mới ngoài chứng tích cho một hoạt động chắc chắn là khá miệt mài với màu sắc và những tấm toan. Dễ nhận thấy sự thờ ơ ấy ngay trong ngày khai mạc: bạn bè, người xem ùa vào phòng tranh, xem, dừng lại trước các bức tranh khá nhanh, và sau đó quay sang tán chuyện với nhau…

Và người xem này cũng nằm trong số đông đó nếu không có một lí do vô tình đã níu chân lại lâu hơn trước một bức tranh khổ lớn. Ngắm nó lâu hơn một chút, đứng đó lâu hơn một chút, không chờ đợi điều gì, không suy đoán điều gì, chỉ đơn giản là ngắm nhìn, chợt nhận thấy một điều thích thú: các màu sắc hỗn độn kia, những nhát bút, vệt màu đang dần dần tự sắp xếp lại theo một trật tự. Cái bề mặt ồn ào, những sự chen lấn tưởng chừng ngẫu hứng đến vô tổ chức của các sắc nóng, sắc lạnh đã dần dần trở nên yên tĩnh, tạo một hiệu ứng khá ngạc nhiên về không gian. Đứng lâu hơn một chút thôi: các lớp màu bắt đầu vượt khỏi không gian giới hạn của bề mặt tranh và bồng bềnh vượt ra khỏi nó. Chúng cho ta cảm giác muốn đến gần và lùa được tay vào giữa những lớp màu. Bức tranh như được dày lên, vượt ra khỏi không gian bức tường treo và trở nên trong vắt, chập chờn như một ảo ảnh. Không thể từ chối: bức tranh đã cho ta cảm giác của một không gian ba chiều.

Ảnh: B&G

 

Đến lúc này, tôi mới hiểu được cảm giác tại sao lại thờ ơ khi xem ảnh chụp lại tranh Vàng, hay khi đi qua quá nhanh trước tranh anh. Ảnh chụp, xem lướt… đã làm mất đi phần lớn giá trị thật của tranh so với những gì nhận thấy khi thực sự đối diện với nó một cách chăm chú. Đứng lâu trước bức tranh thật của Vàng, với kích thước thật của nó, bạn sẽ dần dần cảm nhận được sự yêu thích của anh trên từng cm tranh: đó là cảm giác rất “thô” về chất liệu và phẩm chất rất dày của chất sơn. Thoạt nhìn, những nhát sơn tung tẩy ấy dễ cho người xem nhận xét là “hành động” tùy hứng, tự phát – cái cách mà hình như chính tác giả cũng hiểu nhầm khi đặt tên cho những tác phẩm của mình. Cái tên tranh cố gắng đặt cho bức tranh một trạng thái, một ý nghĩa nào đó mà nhiều khi kiên cưỡng. Đối với tranh của Vàng, tôi nghĩ chả cần đặt tên mà chỉ cần đánh số để phân biệt. Những nhát màu tưởng chừng như đầy tâm trạng như vậy lại tạo ra không nhiều lắm hiệu quả về tính “hành động”. Nếu cứ theo hướng đó, hướng “action painting”, người xem hình như chỉ nhìn thấy sự nhàm chán và dễ lòng quay lưng lại. Nhưng nếu nhìn theo hướng khác, chân chỉ hơn, ta nhận thấy một Hoàng Duy Vàng say mê, cầm mẫn với bề mặt tranh, những lớp màu tưởng chừng như ngẫu hứng lại đang tương tác với nhau theo một quy luật vô hình, tạo nên sự uyển chuyển của các lớp lót và sự gồ lên sống động của các lớp sơn.

Ở một số họa sỹ, để thỏa mãn sự say mê “chơi” bề mặt, để tạo cảm giác về mịn màng hay xù xì, về đậm đặc hay trong suốt, họ thích bổ sung thêm lên bề mặt tranh những vật liệu tạo hiệu ứng, thí dụ cho thêm cát hoặc mùn cưa, chất độn…, có khi cả thuốc súng. Đối với Vàng, bề mặt sống động của những bức tranh này chỉ đơn thuần thực hiện bằng sơn nguyên chất; Vàng cho biết như vậy. Chỉ là những lớp màu được chồng lên nhau và những vệt sơn dày hay mỏng cùng với độ quét của vệt bút.

“Sức mạnh” (2010), sơn dầu, 140 x 150cm. Ảnh: Tịch Ru

 

Song song với triển lãm tranh của Vàng là triển lãm của họa sỹ Lê Kinh Tài. Thoạt nhìn, hai tác giả tưởng chừng như có cùng một cách biểu đạt. Thế nhưng khó có thể so sánh được rằng ai hơn ai. Nhưng bản thân tôi, tôi thích tranh của Vàng hơn. Tất nhiên không phải tất cả các bức, mà chỉ vài bức. Tranh Vàng gây hiệu ứng thị giác thực sự, nó kéo tôi đứng lâu hơn và càng lâu càng phát hiện thêm những điều mới. Tranh của Vàng có cái để xem, tranh của Tài thì tôi đọc. Tranh của Tài vẽ với kích cỡ khá to nhưng khi chụp lên thì nhỏ xíu. Và đặc biệt, xem qua ảnh rồi xem ngoài thật cũng không làm thay đổi nhiều mấy về cảm giác, đến nỗi tôi phải thốt lên: cần gì phải vẽ to như vậy. Tranh của Vàng thì ngược lại: nhìn phiên bản: chán, chẳng muốn xem; nhưng khi đối diện với bức tranh thật: kích cỡ khá lớn của bức tranh thực sự chứa đựng đúng cái nó cần diễn đạt. Tranh của Tài vẫn cần có một vài biểu tượng (những hàm răng, cái mồm ngoác ra) để bấu víu. Tranh của Vàng (loại trừ việc tác giả cố tình đặt tên, làm cho người xem đành phải cố tình hình dung ý nghĩa của nó) thì thuần chất hơn và tất nhiên cũng khó xem hơn.

Ảnh: B&G

 

Tuy nhiên tôi cho rằng, những bức tượng phết màu của Vàng ít ấn tượng, chúng làm giảm đi sự thuyết phục của những bức tranh. Thậm chí chúng làm cho người xem nghĩ rằng tác giả thiếu tự tin về sự chiếm lĩnh không gian khá tốt của những bức tranh đơn thuần bằng màu sắc và bút pháp, khiến anh phải mượn mõ thêm ở hình thức tượng, sắp đặt này.

Cuối cùng, dù thế nào (hi vọng là vậy) thì hội họa cũng sẽ quay trở về cái điểm xuất phát – đó là sự say mê một cách (đầu tiên là) trong trắng, bản năng với màu sắc, với hình, với chất sơn, với toan… Cái từ “nghệ thuật” với một đống lí thuyết của nó cuối cùng chắc sẽ làm cho người ta chán. Lý thuyết nhiều khi như son phấn của những phụ nữ không còn trẻ nữa phải nhờ cậy. Nhưng bên cạnh những người phải vận dụng trường phái, lý thuyết để đỡ đần cho khoản dựng hình, dùng màu, thì vẫn còn nhiều người có khả năng cân chỉnh màu sắc, hình thể và đánh vật một cách không dễ dàng, không thỏa hiệp nửa vời để tạo ra những tác phẩm. Ở Hoàng Duy Vàng, với triển lãm lần này; hình như anh cũng đang đi theo tiêu chí đó. Thế nhưng, hiểu cái tiêu chí ấy không và thích được không, điều đó cũng phụ thuộc rất nhiều ở người xem: lãnh đạm hay nhiệt tình, thông hiểu hay thiên kiến, chăm chú đứng lâu hơn một chút trước bức tranh, hay lơ đễnh liếc mắt rồi bỏ đi. Dù sao, với những người yêu nghề, lời đóng góp nào chắc cũng là đóng góp quý báu cho họa sỹ, để rèn giũa viên ngọc họ ngày càng lấp lánh.

 

*

Bài liên quan:

– 1. 11: HOÀNG DUY VÀNG – ở đâu cũng thế
– Khai mạc Ở ĐÂU CŨNG THẾ – Vẽ kỹ, nhưng xem hơi nhanh

– Tranh của Hoàng Duy Vàng: nếu bạn dừng lâu hơn một chút

Ý kiến - Thảo luận

9:52 Wednesday,9.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Mới xem tranh anh Vàng chúng em hơi lo vì to và nhiều màu quá và hơi giống tạng họa sĩ Lê Kinh Tài nhưng gặp anh hầu chuyện anh ở triển lãm thì đỡ lo vì thực sự anh là kẻ có tư chất và xả thân.

Hân hoan ghê gớm...
...xem tiếp
9:52 Wednesday,9.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Mới xem tranh anh Vàng chúng em hơi lo vì to và nhiều màu quá và hơi giống tạng họa sĩ Lê Kinh Tài nhưng gặp anh hầu chuyện anh ở triển lãm thì đỡ lo vì thực sự anh là kẻ có tư chất và xả thân.

Hân hoan ghê gớm... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả