Tin-ảnh: Trắng là da, đen cũng là da
18. 11. 11 - 6:47 am
Pha Lê dịch
PITTSBURGH - Bảo tàng Carnegie Museum of Art tại thành phố Pittsburgh sẽ có cuộc triển lãm ảnh "Teenie Harris, Photographer: an American Story" (Nhiếp ảnh gia Teenie Harris: câu chuyện nước Mỹ) từ tháng 11 đến 7. 4. 2012. Đây là cuộc triển lãm kỷ niệm đầu tiên của Charles "Teenie" Harris - một người Mỹ gốc Phi, vinh danh bộ tác phẩm chân dung được xem là đầy đủ nhất về cuộc sống cũng như những trải nghiệm mà cộng đồng người Mỹ gốc Phi phải trải qua vào thế kỷ 20. Trong hình là "Bé gái đọc truyện tranh trong sạp báo", do Harris chụp.
Gần 1000 bức ảnh "đỉnh" nhất của Harris sẽ được đem ra trưng bày. Bảo tàng Carnegie còn mở nhạc Jazz (nhạc đặc trưng của người da đen) để đi kèm với những tấm hình. Với hơn 40 năm làm phóng viên cho tờ Pittsburgh Courier, Teenie Harris (1908 - 1998) đã chụp hơn 80.000 tấm hình về cuộc sống của những người Mỹ gốc Phi. Chủ đề của ông đi từ cuộc sống hàng ngày của những người bình thường đến những nhân vật có quyền lực, từ tiệc sinh nhật đến biểu tình phản đối vì nhân quyền. Tấm hình "Đàn dương cầm" này cho thấy ông còn chụp cả nghệ sĩ, nhà báo v.v... Bên góc trái là nhà báo Frank Bolden, và ngoài cùng bên phải, áo trắng, là ca sĩ nhạc Jazz Sarah Vaughan lẫy lừng.
Màu da nào thì cũng là người với đầy đủ quyền như bao người khác, và Harris cho thấy họ cũng làm những việc như bao công dân Mỹ khác làm; cũng vui chơi, học hành, như hai nữ sinh viên trong tấm "Hai cô gái trẻ ăn táo caramel" này.
Thậm chí họ còn nhập ngũ, tham gia vào quân đội Mỹ, chẳng khác gì người da trắng, như trong tấm "Lính bộ binh diễu hành" mà Harris chụp ở đại lộ Fifth Avenue tại New York.
Và dĩ nhiên họ có biểu tình đòi sự công bằng cho mình. Tác phẩm này chụp cảnh những người biểu tình da đen (và trắng, dù không nhiều), biểu tình đòi bình đẳng và tự do trước cửa công ty Thiết bị An toàn cho Thợ mỏ (Mines Safety Appliances).
Đó là những người Mỹ gốc Phi của thế kỷ 20, còn thế kỷ 21 thì sao? Cuộc triển lãm "The Black List" (Danh Sách Đen) sẽ trưng bày 50 tấm ảnh chân dung những người da đen nổi tiếng, đã và đang đóng góp nhiều cho cộng đồng, tại Bảo tàng Chân dung Quốc Gia tại Smithsonian, Washington, từ 28. 10. 2011 đến 22. 4. 2012. Bô ảnh do nhiếp ảnh gia Timothy Greenfield-Sanders thực hiện. Trong hình là diễn viên da đen Whoopi Goldberg.
Thomas Greenfield-Sanders (1952) là một nhiếp ảnh gia chân dung của Mỹ, được mọi người biết đến nhờ cách chụp hình rất gần gũi, ngay cả khi ông chụp chân dung cho các nguyên thủ quốc gia hay những nhân vật nổi tiếng, những biểu tượng văn hoá của thế giới. Ông đậu bằng đại học tại Columbia University, và lấy bằng Thạc sĩ phim ảnh tại AFI (American Film Institute). Nhưng chuyển sang nhiếp ảnh khi trường AFI nhờ ông chụp chân dung (theo kiểu hình thẻ) của những đạo diễn, diễn viên ngôi sao để đưa vào sổ lưu trữ. Ông nhận ra rằng mình khoái chụp hình Hitchcock hơn là làm phim với Hitchcock. Ông thổ lộ với tờ Associate Press rằng mình đã chụp đủ thứ người rồi, nghệ sĩ có, ca sĩ có, chính trị gia có, thậm chí còn chụp hình... cấp 3; ông thấy việc chụp chân dung những nhân vật da đen rất thú vị, nhưng vốn là người da trắng, ông tự hỏi không biết mình có chụp chủ đề này thành công không. Dĩ nhiên là được, màu da nào thì cũng công bằng mà! Trong ảnh là tấm hình chân dung của nhà văn từng đoạt giải Pulitzer, bà Toni Morrison, do Timothy chụp.
Triển lãm "Danh Sách Đen" có rất nhiều những gương mặt gốc Phi đã thành công trong ngành giải trí, chính trị, thể thao, văn hóa, và kinh doanh. Trong hình là vận động viên Tennis kỳ cựu Serena Williams. Thomas Greenfield-Sanders nói rằng phải có hình của "ngôi sao" đi kèm với hình của những người da đen khác, vì chỉ có "sao" mới được kéo người xem bình thường vào bảo tàng, và từ đó họ sẽ biết thêm về những gương mặt còn lại.
Nhiếp ảnh gia chụp nhiếp ảnh gia. Đây là bức chân dung của nhiếp ảnh gia Lorna Simpson, do Timothy chụp. "Danh Sách Đen" thường được dùng để chỉ những thành phần bị chính phủ bài trừ, cho vô sổ xấu. Ông Timothy dùng tên này với ý muốn thay đổi nghĩa bóng của từ "đen". Nói chung thì đen cũng là da, trắng cũng là da, vàng cũng là da mà. Ông Timothy nói thêm, ông muốn đưa tổng thống Obama vào danh sách đen của mình, nhưng việc này ngày càng khó thực hiện, có lẽ ông nên chờ tới lúc Obama nghỉ hưu.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
11:35Friday,18.11.2011Đăng bởi: Em-co-y-kien
Cám ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh gia, cám ơn Pha-Lê.
Nhớ mấy câu trong bài thơ của nhà thơ Định Hải được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc:
"Màu hoa nào-Cũng quý cũng thơm!"
"Màu da nào-Cũng quý cũng thơm!"
(tất nhiên trừ hoa giả da giả thơm lắm nhưng không quý). ...xem tiếp
11:35Friday,18.11.2011Đăng bởi: Em-co-y-kien
Cám ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh gia, cám ơn Pha-Lê.
Nhớ mấy câu trong bài thơ của nhà thơ Định Hải được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc:
"Màu hoa nào-Cũng quý cũng thơm!"
"Màu da nào-Cũng quý cũng thơm!"
(tất nhiên trừ hoa giả da giả thơm lắm nhưng không quý).
Nhớ mấy câu trong bài thơ của nhà thơ Định Hải được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc:
"Màu hoa nào-Cũng quý cũng thơm!"
"Màu da nào-Cũng quý cũng thơm!"
(tất nhiên trừ hoa giả da giả thơm lắm nhưng không quý).
...xem tiếp