Đã đến lúc phải thay đổi toàn diện: Phần 1- Sai từ con số sai đi
22. 11. 11 - 9:27 am
Đào Mai Trang
Stress - Nguyễn Văn Trung. Gốm nung
Biennale Mỹ thuật trẻ thành phố Hồ Chí Minh là sự kiện mỹ thuật do Hội Mỹ thuật TP. HCM chủ động thực hiện, có sự kết hợp của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Đại học mỹ thuật TP. HCM. Nhớ lại Biennale lần I, tổ chức hồi tháng 12. 2009, có 195 sáng tác được lựa chọn trưng bày chính thức sau vòng sơ loại qua ảnh chụp, với đa dạng hình thức và chất liệu, trong đó hội họa chiếm số lượng áp đảo (160 sáng tác), các tác giả thì độ tuổi từ 35 trở xuống, cư ngụ ở TP. HCM, không phân biệt là người làm việc chuyên nghiệp hay “nghiệp dư” với mỹ thuật, là hội viên của Hội này hoặc không. Biennale lần ấy đã ít nhiều gợi mở ra những hi vọng mới cho giới mỹ thuật và công chúng của lĩnh vực này về một sự kiện mỹ thuật đáng được chờ đợi nhất trong mỗi khoảng thời gian hai năm, cả về quy mô và chất lượng cũng như những dự báo cho bước phát triển tiếp theo của lực lượng sáng tác trẻ của thành phố.
Lần thứ hai, biennale được thực hiện trong năm 2011 với hai vòng sơ loại qua ảnh chụp tác phẩm và tác phẩm thực. Độ tuổi của người tham gia được mở rộng hơn so với lần I: tối đa là 40. Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật TP (chủ tịch hội đồng là họa sĩ Uyên Huy, cũng là Chủ tịch Hội) chịu trách nhiệm về nghệ thuật của sự kiện, cũng như việc tìm ra các tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng. Trong biennale lần II, hội họa vẫn chiếm số lượng áp đảo (79 trong tổng số 122 sáng tác được chọn trưng bày), bên cạnh loại hình điêu khắc, đồ họa và nghệ thuật sắp đặt.
Là một người quan sát trực tiếp sự kiện mỹ thuật đáng được chờ đợi này, người viết bài cũng chung một tâm trạng háo hức và hi vọng. Nhưng sau hai ngày xem xét và ghi nhận về không gian trưng bày cũng như không khí chung của biennale, tôi nhận ra có lẽ, đã đến lúc cần phải có một thay đổi toàn diện trong quy trình tổ chức một sự kiện mỹ thuật quy mô như thế này, để nó trước tiên xứng đáng là một triển lãm có tính mỹ thuật, chứ chưa kỳ vọng là một “biennale”.
"Thời gian đã đi qua" - Đỗ Minh Hiếu, chất liệu tổng hợp
Những sai sót và chênh lệch từ số liệu thống kê
Thông tin do ban tổ chức (BTC) cung cấp về sự kiện này gồm có một Thông cáo báo chí (TCBC) và bài phát biểu khai mạc của vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Theo đó, ngay con số đầu tiên là tổng số sáng tác được chọn trưng bày trong triển lãm này đã không được thống nhất. Theo TCBC, con số này là 133 (gồm 129 tranh, tượng và 4 sắp đặt). Theo bài phát biểu của ông Chủ tịch Hội (trang 3), con số này được ghi tại dòng thứ 5 là 118, nhưng đến dòng 23, sau khi phân loại, nó được tăng lên thành 121. Trong khi đó, người viết bài đã cất công đi chụp hình lại tất cả các sáng tác trưng bày và về tự kiểm kê lại, thấy con số chính xác là… 122!
Series Love - Nguyễn Văn Đủ
Hai bản thông tin từ BTC đều đưa ra một kiểu thông kê tác phẩm lẫn lộn giữa loại hình sáng tác (hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt) với chất liệu sáng tác (sơn dầu, sơn mài, lụa, các dạng đồ họa như in kẽm, in đồng, in litho nhôm, gỗ, gò nhôm, composite, chất liệu tổng hợp…). Bảng thống kê trong TCBC gồm 10 mục: 52 tranh sơn dầu, 4 tranh lụa, 3 gốm, 4 tranh acrylic, 9 tranh sơn mài, 17 tác phẩm chất liệu tổng hợp, 02 tác phẩm digital art, 13 tác phẩm đồ họa, 17 tác phẩm điêu khắc gồm tượng, phù điêu kèm chú thích chất liệu là gò nhôm, đồng, sắt, composite, gốm (?!) và 4 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Như vậy, có thể nói, các sáng tác gốm được xếp vào đồng thời hai mục là “gốm” và “tác phẩm điêu khắc”. Tổng số lượng tác phẩm từ 10 hạng mục thống kê kể trên được cộng lại thành 125 (!). Con số này chênh lệch với chính con số tổng quát được đưa ra ngay phía trên bảng thống kê.
Lam và Đỏ - Phan Hoài Vũ. Chất liệu tổng hợp
Bên cạnh sự chênh lệch không đáng có về mặt số liệu, quy cách thống kê theo kiểu lẫn lộn giữa loại hình tác phẩm và chất liệu tác phẩm cho thấy có sự cẩu thả trong cách làm thông tin về triển lãm mỹ thuật của một cơ quan chuyên ngành mỹ thuật như Hội Mỹ thuật TP. HCM. Đơn cử, riêng trong mục “tác phẩm chất liệu tổng hợp” đã chứa cùng lúc cả hai loại hình là hội họa và điêu khắc. Hay tại sao phải tách riêng mục “gốm” trước rồi lại gộp nó vào trong mục “tác phẩm điêu khắc” trong khi một sáng tác với chất liệu gốm đã là sáng tác điêu khắc rồi?! Riêng trong bản thống kê ở bải phát biểu của ông Chủ tịch Hội lại chỉ còn 9 mục, thiếu mất mục “tác phẩm nghệ thuật sắp đặt” so với bản thống kê ở TCBC.
Phu thê - Hoàng Ngọc Hiến. Gốm
Người viết bài không còn cách nào khác là đi chụp lại hình ảnh và bản ghi tên của từng sáng tác trong triển lãm để làm một thống kê cho riêng mình theo quy chuẩn thông thường là thống kê về loại hình với các ghi chú về chất liệu. Theo đó, loại hình hội họa gồm có 79 sáng tác, bao gồm: 47 tranh sơn dầu, 5 tranh lụa (bao gồm cả 1 bức tranh bộ ba tiêu đề Sửa soạn, bằng chất liệu lụa nhưng lại được BTC ghi chú là sơn dầu, không rõ BTC thực sự xếp bức tranh này vào mục thống kê nào?), 11 tranh sơn mài (riêng trong dạng này còn có 2 bức sơn mài trên toile cùng của tác giả Nguyễn Văn Thạnh nhưng BTC chỉ ghi thông tin chung chung là sơn mài), 4 tranh acrylic, 2 tranh sử dụng kỹ thuật số (digital art) và 10 tranh sử dụng chất liệu tổng hợp; loại hình đồ họa gồm có 11 sáng tác, loại hình nghệ thuật sắp đặt có 3 sáng tác; loại hình điêu khắc có 29 sáng tác, bao gồm 4 gốm, 2 chất liệu tổng hợp bên cạnh các chất liệu khác như gỗ, sắt, đồng, gò nhôm,…
"Xiếc dây", Trần Phương Lan, kẽm màu (chú thích của tác giả), 30 x 30cm (bộ 5 bức). (Ảnh do bạn Trần Phương Lan cung cấp).
Phải nói thêm, các số liệu thống kê tác phẩm của một triển lãm, đặc biệt là khi nó nằm trong một hoạt động định kỳ như biennale này, là rất có ý nghĩa vì chúng không chỉ cho thấy quy mô thực của triển lãm đó mà còn là căn cứ xác đáng cho những đánh giá, nhận định về thực tiễn hoạt động của mỹ thuật địa phương nói chung, của từng loại hình mỹ thuật trong đó nói riêng qua từng giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, nhìn xa hơn, có thể nói rằng, một hệ thống số liệu thống kê chuẩn xác của biennale chắc chắn có giá trị lịch sử cho tương lai mỹ thuật của thành phố. Việc làm này hoàn toàn trong tầm tay của một Hội hoạt động chuyên ngành như Hội Mỹ thuật TP HCM với sự phối hợp của cơ sở đào tạo mỹ thuật lớn nhất khu vực phía Nam là Đại học Mỹ thuật TP. HCM.
á cái Lươngtran này chắc ko phải trần lương nhà ta đâu nhỉ? sai đâu sửa đấy sửa đấy sai đâu, sửa đâu sai đấy... ...xem tiếp
16:56Wednesday,7.12.2011Đăng bởi: hùngtrọc
á cái Lươngtran này chắc ko phải trần lương nhà ta đâu nhỉ? sai đâu sửa đấy sửa đấy sai đâu, sửa đâu sai đấy...
10:44Wednesday,23.11.2011Đăng bởi: Vớ vẩn
Sao lại có nhà thơ...thẩn vào đây ý kiến theo kiểu con..."Cào Cào", "Bò hung" nghe...lung tung, chẳng ăn nhầm gì đến mỹ thuật hết vậy ta. Hic ...xem tiếp
10:44Wednesday,23.11.2011Đăng bởi: Vớ vẩn
Sao lại có nhà thơ...thẩn vào đây ý kiến theo kiểu con..."Cào Cào", "Bò hung" nghe...lung tung, chẳng ăn nhầm gì đến mỹ thuật hết vậy ta. Hic
...xem tiếp