|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnĐã đến lúc phải thay đổi toàn diện: Phần 3 – Những dấu hỏi về chất lượng nghệ thuật và “tính trẻ” 26. 11. 11 - 11:31 pmĐào Mai Trang(Tiếp theo: Phần 2- Những thiếu sót và nhầm lẫn trong trưng bày)
Giải Nhất được trao cho tác giả Trần Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Mỹ thuật TP. HCM với bức sơn dầu Góc khuất 1 (160cm x 230cm). Bức tranh vẽ hiện thực nhưng kết hợp thủ pháp đồng hiện, đưa chân dung, dáng vẻ của những con người bình dân ở nhiểu góc khuất trong đời sống thường nhật này về cùng trên một bề mặt toile. Những vệt nắng vàng trải rộng xen kẽ với những mảng màu thẫm lại, tạo cảm giác về nhịp điệu trong không gian. Nhịp điệu này đối ngược lại với dáng vẻ tĩnh lặng của các nhân vật làm cho thời gian như ngưng đọng trên gương mặt, dáng điệu của họ, không gian quanh họ nhưng quánh đặc lại. Bức tranh đòi hỏi phải được ngắm nhìn lâu hơn nhưng cái không gian trưng bày quanh nó khó cho phép người xem thực hiện việc này: Bức tranh khổ lớn, nhưng chắn ngay phía trước nó là một sáng tác sắp đặt.
Giải Nhì dành cho một sáng tác sắp đặt có tiêu đề Tìm… lạc… soi và bản ngã của nhóm 4 tác giả Trần Ngọc Quỳnh Anh, Võ Ngọc Lam Chi, Đinh Thị Thanh Tuyền, Trình Bích Vân. Cũng như cái tiêu đề đậm tính chất văn chương, bản dẫn giải về sáng tác này được viết như một lời tự sự với rất nhiều dấu ‘…’ nói về sự bấn loạn, hoang mang của một cá nhân khi đang cảm nhận rõ nét sự mất mát của tính cá nhân trong con người mình, sự mất mát chính mình. Tác phẩm gồm một cột trụ dựng bằng 4 tấm gương ở quanh bốn phía, xung quanh nó có treo những tấm giấy trắng có bề mặt phía trong được gắn các mảnh gương vỡ. Các tấm giấy này được treo cách nhau một đoạn đều và tạo thành một vòng tròn xung quanh trụ gương. Người xem có thể soi thấy mình trong trụ gương đó đồng thời cũng thấy hình ảnh rạn vỡ của mình qua những mảnh gương vỡ trên các tấm giấy phía đối diện. Những sự chồng chéo, cắt vụn của hình ảnh một hoặc nhiều người xem đem lại hiệu ứng thị giác thú vị, gợi ra đa chiều ý nghĩ về mối liên quan giữa hình ảnh bản thân mỗi người cũng như ảo ảnh về chính mình trong đời sống. Sáng tác này khá cô đọng, gây hứng thú cho người thưởng thức. Tuy nhiên, bản dẫn giải đặt ngay bên cạnh đó lại quá dài dòng, nhiều cảm xúc đến mức không cần thiết. Vô hình chung, bản dẫn giải lại làm giảm sức hấp dẫn của sáng tác.
Giải Nhì còn lại dành cho sáng tác điêu khắc tiêu đề Chọi trâu (chất liệu composite của Trần Mai Hữu Quý). Tác giả sáng tạo trong việc tạo ra một vòng tròn lễ hội chọi trâu với hình ảnh trung tâm là đôi trâu đang căng sức chọi nhau, xung quanh nó là quang cảnh lễ hội được diễn tả khá chi tiết, nhiều nhân vật, đa dạng dáng vẻ, mỗi người một việc như cầm cờ, mang phướn, gõ trống, reo hò cổ vũ. Vòng tròn lễ hội gợi cảm giác về sự vui vẻ, đầm ấm, quần tụ. Mặc dầu vậy, chất liệu composite phủ thêm lớp nhũ giả đồng đen làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của sáng tác vì gây ra cảm giác về sự tạm bợ.
Bộ 5 bức khắc kẽm màu Xiếc dây của Trần Thị Phương Lan giành giải của trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM là một sáng tác gây ấn tượng về khả năng làm chủ kỹ thuật đồ họa của tác giả. Kích thước tranh nhỏ, được tính toán cẩn trọng về bố cục và hình khối. Các nét khắc sắc sảo mà bay bổng đem lại một tạo hình hiện đại, sống động. Tuy chỉ dừng lại là miêu tả các động tác của diễn viên xiếc dây nhưng bộ tranh cho thấy tác giả có khả năng quan sát tinh tế và khái quát được chủ đề thể hiện. Khả năng làm chủ kỹ thuật và chất liệu cùng sự tinh tế trong biểu cảm sẽ tạo điều kiện cho tác giả đi xa hơn trong sáng tạo. Do triển lãm không có chủ đề xuyên suốt nên sáng tác trưng bày ở đây rất đa dạng. Từ tranh phong cảnh đến chân dung phiếm chỉ, chân dung tự họa. Từ tranh miêu tả hiện thực đến tranh theo trường phái trừu tượng, biểu hiện. Dễ dàng nhận ra nhiều sáng tác hội họa trong triển lãm vốn là bài làm của sinh viên nên kỹ thuật thể hiện còn tồn tại khá nhiều vấn đề phải bàn. Có sáng tác lụa thậm chí khiến giáo viên hướng dẫn tác giả còn cảm thấy “sốc” vì “học trò làm giống thầy quá, cả từ cách làm bo và khung tranh đều tông màu đỏ” (trao đổi riêng giữa người viết bài với họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, giảng viên khoa Lụa , Đại học Mỹ thuật TP.HCM trong buổi khai mạc triển lãm, ngày 10. 11. 2011). Phải chăng, kỹ thuật chưa điêu luyện nên nội dung và nghệ thuật của sáng tác cũng phải được đơn giản hóa đi, ít nhiều dẫn đến tình trạng lặp lại và nhàm chán.
Điêu khắc thì hạn hẹp hơn về chủ đề, trong đó sáng tác về tình cảm đôi lứa, vợ chồng, gia đình chiếm ưu thế. Không có nhiều thử nghiệm thú vị về chất liệu hay tạo hình. Có bức điêu khắc còn cho thấy có một sự nhầm lẫn đến mức khó hiểu về phương diện kiến thức lịch sử của tác giả: hình ảnh trong sáng tác này là rõ ràng là nhân vật Don Quixote, đầu đội mũ hiệp sĩ, tay phải giơ cao thanh kiếm, tay trái cầm cương ngựa nhưng lại có tiêu đề là Phù Đổng (tiêu đề sáng tác của Châu Trâm Anh) – tên làng nơi sinh ra truyền thuyết Thánh Gióng – nhân vật quen thuộc với mỗi người dân Việt từ tấm bé, một chàng trai cao lớn dũng mãnh nhổ cả bụi tre đánh đuổi giặc xâm lăng. Sự nhầm lẫn này có lẽ cũng cần được BTC giải thích một cách thấu đáo vì ít nhất, sáng tác cũng đã lọt qua hai vòng tuyển chọn của Hội đồng nghệ thuật.
Ba sáng tác nghệ thuật sắp đặt chú trọng vào khía cạnh tinh thần con người, từ vấn đề bản ngã đến “sống ảo” (tiêu đề sáng tác của nhóm Happy!!! gồm 6 người) và vấn đề mang tầm văn hóa chung như Phương Đông (tiêu đề sáng tác của nhóm hai tác giả Huỳnh Văn Lai và Ngụy Ngọc Mai). Tuy nhiên, ngoại trừ tác phẩm được giải Nhì đề cập ở phần trên, hai sáng tác còn lại thiên về tính trang trí, minh họa ý tưởng nên chất lượng nghệ thuật không cao. Nhìn chung, ngoài một số sáng tác được giải thưởng có sức hấp dẫn nhất định hoặc về chủ đề hoặc về chất lượng tạo hình, đa phần sáng tác ở đây đem lại cảm nhận chung là thiếu hụt về nhiều mặt, từ khả năng kỹ thuật, chất lượng tạo hình đến tinh thần chứa đựng trong đó. Chính vì vậy toàn bộ triển lãm không toát lên được sức trẻ với khát vọng sáng tạo hay thử nghiệm táo bạo; cũng thấy thiếu vắng ở đây một sự nhiệt thành dành cho nghệ thuật của những người trẻ, những người đang ở độ tuổi sáng tạo sung sức nhất (từ 40 tuổi trở xuống). Thay lời kết Biennale nay đã là một định chế nghệ thuật với rất nhiều ràng buộc về tiêu chuẩn cho quy mô và chất lượng. Trong giới hạn họat động của một Hội mỹ thuật địa phương, cho dù địa phương đó là trung tâm lớn về kinh tế – xã hội – văn hóa của cả nước như TP.HCM, thì những ràng buộc hành chính theo cơ chế địa phương là không thể tránh khỏi và chúng có thể phần nào giới hạn các phương thức và quy mô của một sự kiện mỹ thuật như biennale Mỹ thuật trẻ TP.HCM này. Chính vì vậy, người viết bài này cũng cho rằng, không nên gọi đây là một “biennale” vì nó dễ gây hiểu lầm về tính chất của sự kiện, thay vào đó có thể coi đây là một triển lãm tập thể dành cho các nghệ sĩ mỹ thuật trẻ ở TP.HCM (ý kiến của Phạm Trung trong bài viết Biennale Mỹ thuật trẻ TP. HCM lần I, Nghiên cứu mỹ thuật, Viện Mỹ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 4 (tháng 12 – 2009). Nhưng dù là ở hình thức nào thì BTC sự kiện này cũng nên phải xem xét lại toàn bộ quy trình tổ chức của mình để tạo cho sự kiện lần tới một diện mạo khả dĩ. Điều này, xin được nhắc lại, là hoàn toàn nằm trong tầm tay của một Hội Mỹ thuật địa phương vào hàng lớn nhất trong số các hội mỹ thuật địa phương, có một bề dày hoạt động nhất định, với sự tham gia điều hành và góp sức của nhiều bậc họa sĩ, điêu khắc gia tài năng. * Một số hình chụp tác phẩm trong Biennale do bạn Trần Phương Lan cung cấp cho SOI:
* Bài liên quan: – Biennale Mỹ thuật trẻ TP.HCM lần II: Thật khó tin! Ý kiến - Thảo luận
22:13
Sunday,4.12.2011
Đăng bởi:
kim nhật châu
22:13
Sunday,4.12.2011
Đăng bởi:
kim nhật châu
hic em thất vọng với khi ban tổ chức coi thường tranh cua bon em như cỏ rác ?? thôi thì đành im lặng vậy ban tổ chức triển lãm toàn họa sĩ không mà như vậy thì chán chết!!!
9:50
Sunday,27.11.2011
Đăng bởi:
Em-co-y-kien
Tên tác phẩm ấn tượng nhất:
PHÙ ĐỔNG (TÂY-BAN-NHA) ...xem tiếp
9:50
Sunday,27.11.2011
Đăng bởi:
Em-co-y-kien
Tên tác phẩm ấn tượng nhất:
PHÙ ĐỔNG (TÂY-BAN-NHA)
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp