Gẫm & Bình

Nhà buôn cũng là nhà sưu tập –
Nên hay không nên? 02. 01. 12 - 9:52 am

Lindsay Pollock – Như Mai dịch

(SOI: Câu hỏi trên có lẽ chỉ được đặt ra ở những nơi mà ranh giới giữa hai công việc này được phân định rõ ràng. Còn ở ta hình như nhà buôn cũng là nhà sưu tập? Mong bạn nào biết về lĩnh vực này thì tham gia thảo luận thêm).

 

Hồi giữa năm 2010, Larry Gagosian chuyển một kiện các tác phẩm nghệ thuật giá trị cho tiểu vương quốc Abu Dhabi. Triển lãm do chính phủ này tài trợ, có tiêu đề “RSTW”- viết tắt của Rauschenberg, Serra, Twombly, Warhol và Wool, với những tác phẩm của các nghệ sĩ mà nhà buôn này chuyên bán. Gogosian không hề dè dặt: gửi luôn danh sách triển lãm có đến 21 tác phẩm Warhols, 13 tác phẩm Twomblys và 19 Ruschas. Điều làm cho triển lãm này khác biệt với những show linh đình thường thấy của Gagosian là các tác phẩm lần này được lấy thẳng từ bộ sưu tập cá nhân của ông. Và như thế, triển lãm này đặt ra vài câu hỏi: liệu các nhà sưu tập cảm thấy gì về chuyện các nhà buôn gom góp tác phẩm? Liệu các nhà buôn có cạnh tranh với chính khách hàng của mình? Ở đây có vấn đề đạo đức gì? Và cuối cùng, có khi nào bộ sưu tập của một nhà buôn lại dừng chân trong bảo tàng?

Tại triển lãm RSTW với các tác phẩm được nhà buôn cho mượn.

 

Chuyện nhà buôn / nhà sưu tập cũng khá dài dòng. Phần lớn các nhà buôn, về mặt bản năng, đều là những người yêu nghệ thuật, thích gom góp. Chính Gagosian đã thừa nhận mối liên hệ này trong catalogue của triển lãm: “Có một sự tương đồng tự nhiên giữa buôn bán nghệ thuật với sưu tầm nghệ thuật.” Ngay tại New York, năm 1967, bảo tàng MoMA từng được hưởng lợi từ những món quà của nhà buôn Sidney Janis; trong khi đó, khoảng từ năm 1991 đến năm 1996, bảo tàng Metropolitan đã nhận các tác phẩm hiện đại và nghệ thuật Phi châu từ nhà buôn Klas Perls trị giá 60 triệu đô. Hai năm trước, nhà buôn người Anh Anthony d’Offay tặng 725 tác phẩm cho bảo tàng Tate và Hệ thống các bảo tàng quốc gia của Scotland. Còn khi Jeffrey Deitch ngừng buôn nghệ thuật để tiếp quản Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles, vấn đề lớn nhất lại là số phận của bộ sưu tập nghệ thuật của riêng ông.

Trong quá khứ, các bảo tàng thường tránh triển lãm các tác phẩm thuộc sở hữu nhà buôn, ý là để tránh tình trạng nhờ thế mà nâng giá tác phẩm. Nhưng ngày nay, ranh giới giữa nhà buôn và nhà sưu tập khá là mờ nhạt – nhiều nhà sưu tập cũng mua và bán theo kiểu cơ hội như các nhà buôn. Thực tế là Gagosian không phải là chủ gallery duy nhất cho trưng bày bộ sưu tập của riêng mình. Nhà buôn kỳ cựu Richard Feigen từng cho gallery của Đại học Yale mượn 50 tác phẩm hồi đầu năm. Nhà buôn Chicago Richard Gray thì cho Viện nghệ thuật Chicago mượn đến 100 tác phẩm của Degas, Kandinsky và Rubens để triển lãm.

Nhà buôn Larry Gagosian và nhà sưu tập Dasha Zhukova (Ảnh: Patrick McMullan)

 

Nhưng vẫn còn một ranh giới chưa bị vượt qua: phần đông các nhà buôn không nằm trong bản quản lý bào tàng. (Không có luật lệ nào cấm chuyện này trong hệ thống bảo tàng Hoa Kỳ hay Hiệp hội các giám đốc bảo tàng, nhưng trên thực tế việc này tùy thuộc vào các tiêu chuẩn đạo đức riêng của từng cơ sở).

Chuyện nhà buôn sở hữu nhiều tác phẩm chẳng có gì bí mật – các nhà sưu tập nghiêm túc đều biết chuyện này và họ không bận tâm lắm. “Ủng hộ các nghệ sĩ cũng là việc khá quan trọng với cánh nhà buôn”, nhà sưu tập người New York Randy Slifka cho biết.

Nhưng luôn luôn có cơ hội cho hành vi xấu phát triển. Với nhiều người mua, lời than phiền nặng nhất là đám nhà buôn hay giữ những tác phẩm tốt nhất cho bản thân mình, trong khi các tác phẩm đẹp nhất ấy thì họ đã mua được với giá “xa cạ”, nguyên gói. Nhà sưu tập Steve Rosenblum ở Paris không ngại chuyện làm việc với các nhà buôn có sưu tập tác phẩm – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. “Tôi không quan tâm. Tốt cho họ thôi.” Ông nói. “Chuyện không hay duy nhất là họ có thể tiếp cận và mua tác phẩm trước khi khách hàng có thể xem. Câu hỏi ở đây là, họ có gom hết những tác phẩm tốt nhất cho mình trước rồi không? Hay cũng có một sự cân đối nào đó?’.

Một nhà sưu tập New York, người từng mua tác phẩm trong hơn 30 năm và từ chối tiết lộ danh tính, nhớ lại chuyện đến “hang ổ” của một nhà buôn và phát hiện ra người này giữ lại các tác phẩm đẹp hơn những tác phẩm đem ra cho khách hàng.

Rồi còn cả những vấn đề khác nữa. “Tôi không thấy vui vẻ gì khi đi dự hội chợ nghệ thuật mà có các nhà buôn đã đổi chác tác phẩm dưới giá thị trường; đặc biệt là khi phải bay đến những nơi xa xôi, mưa gió, chỉ để biết được tác phẩm đã bán mất rồi, không phải cho bảo tàng, mà cho một tay trong,” một nhà sưu tập thổ lộ.

Về cơ bản, mọi thứ phụ thuộc vào “lương tâm nghề nghiệp” của nhà buôn. Đã có nhiều câu chuyện về nhà buôn thu gom các tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng mà họ đại diện, nhằm đổ bộ xuống thị trường thứ cấp sau đó. Kiểu đầu cơ rất là Vollard (*) này có vẻ như hơi bị thiếu công bằng với cả nghệ sĩ lẫn nhà sưu tập.

Vậy các nhà buôn phải làm gì đây? Có lẽ Jeffrey Deitch có chiến lược hay nhất – theo như một bài trên tờ New Yorker: các bức tường trong nhà của Deitch đều trống trơn. Tất cả những thứ ông sở hữu, ông đều cất kỹ. Các nhà sưu tập nói rằng có lẽ đây là giải pháp tốt nhất. “Các nhà buôn nên mua tác phẩm của các nghệ sĩ họ ủng hộ, nếu họ thực sự tin vào tiềm năng của các nghệ sĩ này. Coi như là một phần tiết kiệm hưu trí vậy,” một nhà sưu tập phát biểu. “Nhưng đừng cho nhà sưu tập biết, nếu không thì rất khó nói chuyện.”

Nhà buôn Jeffrey Deitch ngừng buôn nghệ thuật để tiếp quản Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles.

Tôi nghĩ vấn đề ở đây luôn luôn là sự trung thực,” Richard Gray, người thường đã tìm cách tránh mâu thuẫn theo hướng đơn giản nhất, phát biểu. Mãi đến gần đây ông mới mời khách hàng đến nhà, hoặc chịu nói về bộ sưu tập của riêng mình. “Trước đây chẳng ai biết tôi sưu tập,” ông tiết lộ.

 

*

Chú thích: Ambroise Vollard (1866-1939): Một trong những nhà buôn nghệ thuật quan trọng nhất hồi đầu thế kỷ 20 ở Pháp. Người được xem là có công rất lớn đối với nhiều họa sĩ, tiếng tăm lẫn không có tên tuổi, trong đó có Paul Cézanne, Aristide Maillol, Renoir, Louis Valtat, Pablo Picasso, André Derain, Georges Rouault, Paul Gauguin và Vincent Van Gogh (Wiki)

Ý kiến - Thảo luận

17:02 Monday,2.1.2012 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Chúc mừng năm mới đến Soi cùng các bạn họa sĩ cũng như những người yêu nghệ thuật.
Thiết nghĩ để trả lời chính xác câu hỏi trong bài viết này thì không ai khác những người hàng ngày tiếp xúc và làm việc với nó sẽ hiểu nó và sẽ cho những câu trả lời rõ ràng nhất. Hy vọng được nghe chia sẻ trực tiếp của họ, vì điều này khá nhạy cảm hi hi nhưng nếu vượ
...xem tiếp
17:02 Monday,2.1.2012 Đăng bởi:  Trịnh Minh Tiến
Chúc mừng năm mới đến Soi cùng các bạn họa sĩ cũng như những người yêu nghệ thuật.
Thiết nghĩ để trả lời chính xác câu hỏi trong bài viết này thì không ai khác những người hàng ngày tiếp xúc và làm việc với nó sẽ hiểu nó và sẽ cho những câu trả lời rõ ràng nhất. Hy vọng được nghe chia sẻ trực tiếp của họ, vì điều này khá nhạy cảm hi hi nhưng nếu vượt qua điều này thì rất thiết thực cho các họa sĩ những người trực tiếp sáng tác tác phẩm biết phải làm gì và làm thế nào...:D đỡ mông lung đoán già đoán non để còn chuyên tâm làm ra những tác phẩm đẹp nhất, tốt nhất có giá trị nhất mà không bị thiệt thòi vì thiết hiểu biết.
Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ cá nhân mong nhận được sự ủng hộ cùng ý kiến đóng góp, phản hồi chân thành của các bạn.
-Bản thân lời đề tựa của Soi mình thấy có sự mâu thuẫn : Bởi nó đã có sự rõ ràng rồi mà ở đâu cũng vậy
- Nhà buôn nghệ thuật( không riêng gì tranh, ảnh) là những người trực tiếp sống bằng việc mua qua bán lại những tác phẩm nghệ thuật. Mua rẻ bán đắt...mua tác phẩm của các họa sĩ với giá gốc bán cho người yêu thích hay sưu tập với giá cao hơn.Hay mua qua bán lại với những nhà buôn khác miễn thu được lợi nhuận.
- Nhà sưu tập là những người "có tiền" thay vì đầu tư vào những lịch vực khác như kinh doanh, địa ốc, chứng khoán... họ đầu tư vào nghệ thuật đều nhằm mục đích giữ tiền và sinh lời trong tương lai,có thể bán hoặc không nên chia ra 2 kiểu sưu tập : thừa tiền mua nhằm mục đích thưởng thức, sở hữu, thể hiện đẳng cấp cho hoặc tặng tùy thích( điều này gần giống với khách hàng mua tranh nhưng cao hơn,có ý thức nhằm tích trữ làm tài sản... )và mua khi được giá thì bán lại.
-Còn bảo tàng là sự tổng hợp của tất cả : là khách hàng, là nhà buôn và là nhà sưu tập và kiêm nhà kho bởi gần ai cũng muốn tặng cho bảo tàng cái gì đó miễn phí nhằm mục đích tìm kiếm danh tiếng...
Cách thức kinh doanh cũng như sưu tập là khác nhau muôn hình muôn vẻ rất rất rộng...theo quan điểm, điều kiện,cách nhìn cũng như môi trường của họ.
-Còn về ranh giới thì mình nghĩ là do con người đặt ra chứ bản chất không có ranh giới hay sự mặc định nào cho những vấn đề này chỉ có quy luật chung mà thôi.
Nên khi đọc bài đứng trên khía cạnh nào mà đánh giá cho thật chuẩn xác:
Họ là nhà buôn và cũng là nhà sưu tập...?
Là họa sĩ kiêm nhà buôn, nhà sưu tập, muốn đưa trực tiếp tác phẩm đến người hâm mộ chăng...?
Là nhà buôn biến thành họa sĩ ...? Cái này ở Việt Nam cũng có :D thường thì do tiếp xúc nhiều nên bản năng thôi thúc he he.
Hay nhà sưu tập cũng có thể trở thành nghệ sĩ chứ .
Thế nên để trả lời cho những câu hỏi trên theo mình nghĩ:
1."liệu các nhà sưu tập cảm thấy gì về chuyện các nhà buôn gom góp tác phẩm?" Tất nhiên ai cũng muốn mua một tuyệt tác với giá bèo bọt và trả thấy gì làm thích thú khi mình là người đến sau mà mất nhiều tiền hơn" Trâu chậm uống nước đục hi hi.."
2. "Liệu các nhà buôn có cạnh tranh với chính khách hàng của mình?": Thường thì nhà buôn này cạnh tranh với nhà buôn khác để có những tác phẩm tốt nhất còn ở đây đứng trên khía cạnh nhà buôn cũng là nhà sưu tập ( là đầu cơ tích trữ găm hàng thì đúng hơn ) sẽ không cạnh tranh với khách hàng mà cuối cùng xẻ thịt khách hàng làm khoản hưu trí cơ he he.
3." Ở đây có vấn đề đạo đức gì?" :
Tất nhiên không có vấn đề đạo đức cho mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận.Xã hội ngăm cấm hành động này bởi nó gây ra một thị trường méo mó ảnh hưởng đến lợi ích những người kinh doanh chân chính khác ...
4."Và cuối cùng, có khi nào bộ sưu tập của một nhà buôn lại dừng chân trong bảo tàng?" : Oke nếu bảo tàng là khách hàng trả đủ số tiền mà nhà buôn mong muốn hoặc trong trường hợp một ngày đẹp trời họa sĩ,nhà buôn hay nhà sưu tập đem hiến cho bảo tàng vì một mục đích cao cả là cống hiến cho xã hội ...hay vì nhà nhiều tranh quá đem cho bớt kẻo chật nhà he he.
Việc :"Trong quá khứ, các bảo tàng thường tránh triển lãm các tác phẩm thuộc sở hữu nhà buôn, ý là để tránh tình trạng nhờ thế mà nâng giá tác phẩm" Nếu anh muốn mua những tác phẩm ấy anh hẳn sẽ không muốn tạo điều kiện cho tác phẩm ấy nâng giá là cái chắc và phải tìm mọi cách đì, ép giá nữa ấy chứ.
"phần đông các nhà buôn không nằm trong bản quản lý bào tàng. (Không có luật lệ nào cấm chuyện này trong hệ thống bảo tàng Hoa Kỳ hay Hiệp hội các giám đốc bảo tàng, nhưng trên thực tế việc này tùy thuộc vào các tiêu chuẩn đạo đức riêng của từng cơ sở)." Nếu các nhà buôn nằm trong bảo tàng họ sẽ bán cả bảo tàng chứ chẳng riêng gì các tác phẩm nghệ thuật. Không nói là những người làm quản lý biến thành nhà buôn.
"Nhà sưu tập Steve Rosenblum ở Paris không ngại chuyện làm việc với các nhà buôn có sưu tập tác phẩm – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. “Tôi không quan tâm. Tốt cho họ thôi.” Ông nói. “Chuyện không hay duy nhất là họ có thể tiếp cận và mua tác phẩm trước khi khách hàng có thể xem. Câu hỏi ở đây là, họ có gom hết những tác phẩm tốt nhất cho mình trước rồi không? Hay cũng có một sự cân đối nào đó?’." nhà sưu tập này có suy nghĩ, quan điểm khá rõ ràng, mình thích cách suy nghĩ như thế này.
Vậy nghệ sĩ hay nhà sưu tập, khách hàng là người thua thiệt nhất...hay nhà buôn đây ? Trong cuộc sống hay công việc đều có rủi ro vấn đề là ại chịu được nhiều ai ít nên chia ra những công việc khác nhau mà thôi.
Các nhà sưu tập nói rằng có lẽ đây là giải pháp tốt nhất. “Các nhà buôn nên mua tác phẩm của các nghệ sĩ họ ủng hộ, nếu họ thực sự tin vào tiềm năng của các nghệ sĩ này. Coi như là một phần tiết kiệm hưu trí vậy,” một nhà sưu tập phát biểu. “Nhưng đừng cho nhà sưu tập biết, nếu không thì rất khó nói chuyện.” Vậy đây là điều tốt nhất? ==> Vậy họa sĩ hãy học hỏi và giữ lại cho mình những tác phẩm tốt nhất làm của hưu trí nhé!
Mình nghĩ ai cũng có việc của người đấy và hãy tập trung và chuyên tâm vào việc của mình nhưng cũng đừng quên ngó ngàng xung quanh he he. Làm người có bốn mắt thì tốt hai mắt nhìn trước để thấy đường xa mà bước, một mắt nhìn sau để đề phòng he he, còn một mắt nhìn vào sâu thẳm trong tâm để biết được mình.
Chúc các bạn một tuần vui! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả