Nghệ sĩ thế giới

Marina Abramovic chủ trương nghệ sĩ nên sống bần hàn 10. 02. 12 - 11:33 pm

Ben Davis – Pha Lê dịch

.

Gala Moca của Marina Abramovic tại L.A, và sự phẫn nộ mà nó gây ra, chắc chắn là một trong những câu chuyện đình đám nhất của giới nghệ thuật năm 2011. Hẳn bạn còn nhớ, hồi tháng 11, qua một bức thư ngỏ, nghệ sĩ múa avant-garde huyền thoại Yvonne Rainer đã tố cáo buổi biểu diễn này – có tên “Tuyên ngôn đời nghệ sĩ”. Tại đây các thực khách ăn uống quây quanh những người mẫu nữ nằm khoả thân dưới các bộ xương ở trên bàn, và một số người mẫu khác được dùng như vật trang trí sống. Sarah Wookey, một vũ công từ chối tham gia vào buổi diễn, cũng viết thư ngỏ giải thích tại sao cô chọn giải pháp ra đi: cô thấy rằng sự kiện trên là một sự bóc lột những vũ công trẻ có triển vọng; họ tham gia mà được trả công rất ít.

.

 

Vào cuối tháng 12, bảo tàng MOCA ở L.A ra mắt một video đen trắng khá là bóng mượt về gala này; trừ việc khiến nguyên cả buổi diễn trông như một clip quảng cáo nước hoa, cái video đó sẽ chẳng thể nào dập tắt nổi cuộc tranh cãi trên. Video bắt đầu với những cảnh quay các khách mời giàu có và nổi tiếng (Eli Broad, Will Ferrell, Gwen Stefani) trên thảm đỏ, ai nấy đều toét miệng cười với đám paparazzi; cùng lúc ấy, giọng của Abramovic ngâm nga tụng rằng nghệ thuật là “oxy của xã hội ta”. Rồi ta thấy cảnh các vị khách mời mặc áo choàng trắng của phòng thí nghiệm để ăn uống xung quanh những vật trang trí sống kỳ dị, một bản nhạc nền quái gở khiến những hình ảnh suy đồi này sặc mùi “Mắt khép hờ” (Eyes Wide Shut)*. Đoạn phim kết thúc với cảnh ca sĩ Deborah Harry hát bài “Trái tim thủy tinh” (Heart of Glass); rồi Deborah cùng với Abramovic cắt một chiếc bánh có hình cơ thể phụ nữ. (Đoạn phim bỏ mất cảnh khán giả hô “bạo hành phụ nữ” khi thấy màn trình diễn này.)

.

.

 

Nhưng thực tình, chính lời dẫn chuyện của Abramovic, trong đó bà giải thích suy nghĩ của mình đằng sau “Tuyên ngôn đời nghệ sĩ“, mới là thứ đã đổ dầu vào lửa. Bà tự tách mình xa ra khỏi chế độ bảo trợ nghệ thuật của chính phủ Châu Âu, ngụ ý rằng bà thích “kiểu Mỹ” hơn, nơi mà “ngành công nghiệp kinh doanh” (tư nhân) ủng hộ nghệ thuật. Bà chỉ ra rằng, thời kỳ Phục Hưng phát triển được là nhờ “Giáo hoàng, giới quý tộc, và vua” (Oài, Marina: sự bảo trợ của “Giáo Hoàng, giới quý tộc, và vua” cũng chính là sự bảo trợ của chính phủ đó thôi)**; rồi Marina còn nói rằng, nghệ sĩ nên làm một “người đầy tớ”. Nhưng không phải loại đầy tớ nào cũng được nhé, bà nói thêm, mà phải là loại chỉ theo đuổi một tầm nhìn trong sáng và đứng trên mọi tính toán kinh tế (tỉ như việc trả tiền cho những ai tham gia vào buổi trình diễn của bà?)

Vậy, tóm gọn: mọi người giận Abramovic vì bà bóc lột các nghệ sĩ biểu diễn cho mình, còn Abramovic thì lại đi kể chuyện bà đánh giá cao sự khôn ngoan của thị trường tự do và/hoặc những phẩm chất tốt đẹp của những thệ thống tiền-hiện-đại được vua chúa cai trị. Dễ tính nhất thì cũng phải nói, đoạn phát biểu này nhạt nhẽo. Nhưng chúng tôi xin tự chép lại toàn bộ lời dẫn của Maria, và gần như “bảo lưu” luôn lối dùng tiếng Anh duyên dáng một cách “đặc trưng” của bà. (Vì thế người dịch cũng xin dịch trúc trắc như tiếng Anh của bà – ND).

.

“Tôi thấy nghệ thuật như là khí oxy của xã hội chúng ta. Tôi đến từ Châu Âu và chúng tôi có một chế độ tài trợ nghệ thuật khác hoàn toàn. Chính phủ chi tiền cho văn hóa. Chế độ ở đây khác hoàn toàn. Điều này khá thú vị, khi bạn nhìn vào quá khứ và suy nghĩ về việc ai thực sự là người chi trả cho văn hóa. Nếu bạn xem xét thời kỳ Phục Hưng, bất cứ một nghệ sĩ lớn nào… – chính Giáo hoàng, giới quý tộc, và vua chúa là những người đã ủng hộ các nghệ sĩ (lớn) này và biến chuyện ủng hộ những tác phẩm bất hủ trên thành hiện thực.

“Ngày nay, chúng ta không có vua, nhưng chúng ta có ngành công nghiệp, có kinh doanh, có ngân hàng. Những thành phần này thực sự có một khoản tiền dồi dào, đây là những người có thể ủng hộ văn hóa. Tôi thấy chức năng của một nghệ sĩ là chức năng của một người đầy tớ. Tôi nghĩ nghệ thuật phải được chia sẻ, nghệ thuật phải được phân phát, nghệ thuật phải đặt ra nhiều câu hỏi, ở một số trường hợp, nghệ thuật phải dự đoán được tương lai, và phải có nhiều tầng ý nghĩa.

“Khi được mời làm một gala kiểu này, tôi thực sự lo lắng về chuyện mình sẽ đóng góp được gì, tôi không thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào với tác phầm của mình và tôi làm cái gì đó khác thường. Tôi không nghĩ rằng mình chỉ nên mua vui. Tôi phải sáng tạo ra một hoàn cảnh mà ở đó, chúng ta không thực sự cảm thấy thoải mái và bạn sẽ có được một trải nghiệm mà mình chưa hề có trước đây.

“Tôi nghĩ ngày nay chúng ta lo lắng nhiều về chuyện ‘nghệ thuật là một dạng hàng hóa’, với thị trường nghệ thuật, với thời đại mà ta đang sống. Tôi nghĩ việc làm sáng tỏ phạm vi của người nghệ sĩ là rất quan trọng, vì vậy mà tôi cần phải viết bản tuyên ngôn này.

“[Nói về Debby Harry] Cả hai chúng tôi là nghệ sĩ biểu diễn, và cả hai đều làm việc với công chúng. Đó là cách, hiến tặng cơ thể cho công chúng, là một cử chỉ tối thượng. [Hình như là nói về khán giả] Họ không chỉ nhìn vào màn trình diễn, họ là một phần của màn trình diễn, và đó là sự khác biệt lớn.”

.

 

Mời các bạn xem đoạn phim đó tại đây.

*

Chú thích:

* “Mắt khép hờ”: Phim do Tom Cruise và Nicole Kidman thủ vai chính, có nhiều cảnh sexy tập thể trên bàn trên ghế.

**Giới vua chúa và Giáo Hoàng (hay Hồng Y Giáo Chủ) là “chính quyền” của các nước Châu Âu xưa. Nước nào nặng về Thiên Chúa giáo thì quyền nằm trong tay Giáo chủ, nước nào không thì quyền nằm trong tay vua. Hệ thống này vẫn còn dai dẳng tới ngày nay. Anh quốc, theo vua, nên các bảo tàng mở cửa miễn phí; Pháp, theo Giáo hoàng, nên các nhà thờ mở cửa miễn phí (thật sự thì Pháp không theo Giáo hoàng nữa nhưng thói quen cũ vẫn được phản ánh qua thể chế).

Ý kiến - Thảo luận

10:44 Monday,13.2.2012 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN – …VUA
Em có ý kiến nói đúng lắm đấy nhé, đúng là thời nay không có Vua theo chức danh cụ thể, nhưng thực ra mỗi một lĩnh vực đều có Vua của nó, Vua ở đây mang tính ước lệ bằng khái niệm ẩn trong suy nghĩ của chúng ta mà thôi, như Vua báo mạng, Vua bán báo, Vua dầu mỏ, Vua thời trang.vv... Nói chung là một con người giỏi nhất của một lĩnh vực nào đó, cho dù lĩnh vực đó
...xem tiếp
10:44 Monday,13.2.2012 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN – …VUA
Em có ý kiến nói đúng lắm đấy nhé, đúng là thời nay không có Vua theo chức danh cụ thể, nhưng thực ra mỗi một lĩnh vực đều có Vua của nó, Vua ở đây mang tính ước lệ bằng khái niệm ẩn trong suy nghĩ của chúng ta mà thôi, như Vua báo mạng, Vua bán báo, Vua dầu mỏ, Vua thời trang.vv... Nói chung là một con người giỏi nhất của một lĩnh vực nào đó, cho dù lĩnh vực đó là gì, miễn là giỏi nhất của lĩnh vực đó, thì ta hiểu đó là Vua... 
20:02 Saturday,11.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Ngày nay, chúng ta KHÔNG CÓ VUA..."

Hình như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng có 1 truyện ngắn nhan đề gần như thế?

Vậy thì, chúng ta tưởng là thời nay (không còn chế độ phong kiến rồi nhé) nên không có VUA, những hóa ra chúng ta vẫn phải làm nô lệ, làm thần dân của rất nhiều ông/bà "VUA" khác, những ông/bà sếp, những ông bà đại gia, những người với quyền lực
...xem tiếp
20:02 Saturday,11.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Ngày nay, chúng ta KHÔNG CÓ VUA..."

Hình như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng có 1 truyện ngắn nhan đề gần như thế?

Vậy thì, chúng ta tưởng là thời nay (không còn chế độ phong kiến rồi nhé) nên không có VUA, những hóa ra chúng ta vẫn phải làm nô lệ, làm thần dân của rất nhiều ông/bà "VUA" khác, những ông/bà sếp, những ông bà đại gia, những người với quyền lực và túi tiền của họ vẫn có thể khiến các nghệ sĩ chúng ta bán đứt linh hồn cho họ?

Đoản thọ ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả