LONDON – Bức “Chân dung Henrietta Moraes” (165 x 142cm) của Francis Bacon (1909-1992), vẽ năm 1963 sẽ được nhà Christie’s mang ra đấu giá vào ngày 14. 2. 2012, trong phiên đấu giá Nghệ thuật Đương đại và Hậu chiến. Bức tranh vẽ người mẫu, đồng thời là bạn thân của họa sĩ, suốt ba mươi năm nay nằm trong bộ sưu tập riêng, lần đầu tiên được đem ra cho công chúng ngắm.
NEW YORK – Mire G 67 (Boléro), do Jean Dubuffet vẽ ngày 11. 5. 1983. Acrylic trên giấy bồi canvas. 67 cm x 100 cm. Từ 20. 1 đến 10. 3. 2012, Pace Gallery giới thiệu triển lãm “Jean Dubuffet: Hai năm cuối cùng”. Trong hai năm cuối đời, tranh của Dubuffet – họa sĩ của trường phái “low art” bùng nổ một cảm xúc thô tháp, là những đường xoắn xuýt uyển chuyển, màu sắc chói chang, dường như vẽ từ một thực tại khác.
NEW YORK – Giới thiệu cho triển lãm “Jean Dubuffet: Hai năm cuối cùng”, gallery Pace bình luận: “Xem những tác phẩm cuối đời của Dubuffet là xem toàn bộ Dubuffet, xem những lý thuyết của ông cô đặc lại trong một sức mạnh mãnh liệt, đưa tới những nhát cọ hoang dã, lung linh, như có thể vượt thoát khỏi những giới hạn bao vây chúng.” Trong ảnh là chi tiết bức Mire G 111 (Kowloon), vẽ 4. 4. 1983. Acrylic trên canvas, 200.7 cm x 200 cm
LONDON – Từ 16 đến 27. 1. 2012, tại Bảo tàng Nhân loại, London, nhà Christie’s giới thiệu “Những nhà sưu tập thế hệ Y” là một triển lãm gồm các tác phẩm mượn của 30 nhà sưu tập trẻ, với đủ thể loại, từ tác phẩm của các bậc thầy, tới nghệ thuật đương đại, thiết kế, điêu khắc, đồ nội thất, đồ vải, và ảnh. Trong ảnh, tác phẩm Jogo da Velha, 1997 của Cildo Meireles, 63.5 x 63 cm, thuộc bộ sưu tập của Mariana T. Carvalho.
LONDON – Triển lãm công cộng “Những nhà sưu tập thế hệ Y” mà Christie’s tổ chức là một cơ hội độc nhất vô nhị cho khách tham quan tìm hiểu về thẩm mỹ đa dạng và sâu sắc của thế hệ đương đại những người sưu tập nghệ thuật, đồng thời khám phá một loạt những tên tuổi nghệ sĩ mới toanh bên cạnh những tên tuổi đã đình đám. Trong ảnh là tác phẩm “Untitled”, 2008, chất liệu tổng hợp trên canvas, acrylic glass, của Anselm Reyle (sinh.1970), thuộc bộ sưu tập của Christian Frahm.
CAMBRIDGE – Triển lãm “Những người phụ nữ của Vermeer: Bí mật và Yên lặng”, đã kết thúc hôm 15. 1. 2012 sau ba tháng trưng bày. Triển lãm được coi là thành công lớn nhất từ trước tới nay của bảo tàng Fitzwilliam, thu hút tới hơn 150,000 khách tham quan. Cao điểm là ngày cuối cùng có tới 6.000 khách. Tự hào nhất đối với nhà triển lãm là có được bức “The Lacemaker” (Người làm đăng ten) của Vermeer treo ở đây, mà theo họ, “là một trải nghiệm phi thường mà du khách sẽ còn phải nhớ suốt nhiều năm.” Trong ảnh là bức “The Lacemaker” (vẽ khoảng1669-70), sơn dầu, 24 x 21 cm, của Johannes Vermeer, mượn của bảo tàng Louvre, Paris
CAMBRIDGE – Triển lãm “Những người phụ nữ của Vermeer: Bí mật và Yên lặng” không chỉ trưng bày tranh Vermeer mà còn bày cả tranh những người đương thời với ông. Trong suốt 20 năm cuối đời, Vermeer được coi là bậc thầy của Thời kỳ Vàng Hà Lan, nhưng thời kỳ này sở dĩ kỳ thú là bởi có rất nhiều tên tuổi cùng đóng góp, phong phú và rực rỡ. Khách tham quan đến triển lãm còn được khám phá các kiệt tác của những bậc thầy khác, như Gerard Ter Borch, Pieter de Hooch, Nicholas Maes và Jacobus Vrel. Trong ảnh là bức “Người đàn bà bên cửa sổ, vẫy một cô gái” của Jacobus Vrel (1654-1670?), vẽ khoảng 1650. Sơn dầu trên panel, 47.5 x 39.2 cm