Điện ảnh

Sự trở lại của các “bánh nhân thịt” 24. 04. 12 - 8:04 am

Pha Lê tổng hợp

Thập niên 80 là “thời kỳ vàng” của các siêu anh hùng cơ bắp cuồn cuộn. Nhưng mùa hè này họ lại xuất hiện trên màn ảnh, với một thế hệ “bánh nhân thịt” (bò) mới. Tại sao vậy?

Giữ đúng lời hứa, diễn viên Arnold Schwarzenegger chính thức xác nhận là sẽ trở lại màn bạc cách đây vài tuần, với một vai trong phim Triplets (Sinh ba) – phần tiếp theo của phim Twins (Sinh đôi) – cùng bạn diễn Eddie Murphy. Nhưng trước khi phim này trình chiếu, chàng diễn viên vốn nổi tiếng với việc ‘làm bẩn’ màn ảnh bằng những xác chết bốc khói và các nguyên âm cụt ngủn (“Ốiii”, “Áaaa”, “Ặc ặc”…) còn đóng vai chính trong phim hành động giật gân The Last Stand, và diễn các pha ‘bom nổ’ quay chậm cho phim “The Expendables 2” cùng Sylvester Stallone. Vậy là gã ‘Thống đốc hủy diệt’ (Governator)* đã có mặt tại nhà của bạn. (Ảnh: Arnold trong phim “Twins” ngày nào…)


Và trong poster phim “The Expendables 2”. Các chàng mặt thịt phải chấp nhận sự thật: khán giả nay không còn khoái những bắp chuột nhô cao như mấy đỉnh núi Himalaya nữa. Nên phim The Expandables đang nằm trong vùng nguy hiểm vì nó cố làm lại những tiết mục cũ mà chẳng có lấy một chất châm biếm nào để “che chở” chính nó. Với những câu thoại mệt mỏi chuyền qua chuyền lại giữa các trai mặc toàn đồ da, bộ phim – theo lời Peter Bardshaw phê bình: “Như được dựng trong một dưỡng đường cho các lão ông kiệt sức nhưng nam tính nhất”. Phần tiếp theo của “The Expandables” còn nhồi thêm nhiều thịt hơn với các tên tuổi như Van Damme và Chuck Norris, chẳng có vẻ gì là ‘một khởi đầu đầy nghệ thuật’ cả. Có lẽ “The Expendables” đã diễn tả được sự tuyệt vọng một cách chính xác nhất, nó là một hành động vớt vát của đội quân nam tính xôi thịt đang bị ‘xiết vòng vây’.


Thế mà mùa hè năm nay vẫn chứng minh rằng: các ngôi sao hành động “bánh nhân thịt” đang trở lại. Hãng Marvel mời khán giả xơi món bánh mì sandwich kẹp ba loại thịt với phim “The Avengers” – có sự tham gia của siêu anh hùng Captain America, Thor, và chàng khổng lồ xanh Hulk (đã giới thiệu qua bài Tin điện ảnh: Joss Whedon lên như diều gặp gió…). (Ảnh: Một cảnh trong phim “The Avengers” với Chris Evans và Chris Hemsworth)


Vào tháng bảy, mật độ ‘thịt cô đặc’ sẽ lên tới điểm báo động với phim “Người nhện” (làm lại) và “The Dark Knight Rises” (phần tiếp theo của phim Người Dơi – The Dark Knight). Nhân vật phản diện của phần “Người Dơi” này là một gã lai DNA thằn lằn, dùng tay trần cuồn cuộn chọc thủng cả nóc xe hơi. Tom Hardy – người đóng vai phản diện trong “Dark Knight Rises” – vẫn đang phải uống nước protein (là protein nguyên chất, dạng lỏng, các võ sĩ đấm bốc hay dùng để tạo cơ bắp). Nghe đâu anh cần tăng đến hơn 13.6kg cơ để nhân vật ‘Bane thằn lằn’ của anh có thể choảng “Người Dơi” một cách ra trò nhất. (Ảnh: nhân vật “Bane thằn lằn” trên bìa tạp chí Empire với dàn cơ “khủng”).


Dĩ nhiên, thời hoàng kim của cái kiểu anh hùng này là hồi thập niên 80s, lúc tiền công diễn viên gần như tỷ lệ thuận với hạng mức cử tạ của họ, và chúng ta còn gọi yêu các diễn viên này bằng những cái tên như Arnie (Arnold), Sly (Slyvester), Dolph (Dolph Lundgren), và Jean-Claude (Van Damme). Nhưng lần này thì các bánh nhân thịt có gì đó khang khác. Họ vượt quá mức cho phép, “chuyển biến” từ những cỗ máy giết người được thoa dầu bóng loáng thành những cựu chiến binh mặt rỗ cố sức níu kéo cơ hội để đóng nốt các vai cuối cùng; không chỉ cố gồng trong phim đâu, mà ở ngoài đời cũng thế, Arnold, 64 tuổi, từng trêu bà con bằng cách tung lên mạng một tấm hình chụp cảnh anh (hay ông?) đang nằm bệnh viện cùng Slyvester Stallone, 65 tuổi, vì hai ông đều bị chấn thương vai. Những “cựu biểu tượng tình dục’ với cơ thể (bắp thịt) kiểu này quả là khó kiếm, nhưng ẩn dưới các hình xăm, lớp da trên các múi bụng của họ trông khô như giấy, sắc mặt thì đỏ lự. Có điều gì đó coi không ổn chút nào. (Ảnh: tấm hình mà Arnold tung lên mạng)


Trước thập niên 80s, nếu một ngôi sao điện ảnh có thân hình cuồn cuộn như trên thì anh ta gần như sẽ đóng vai người có đạo đức cực tốt (như Johnny Weissmuller trong vai Tarzan hoặc Steve Reeves trong vai Hercules). “Văn hóa cơ bắp” là dành riêng cho các anh hùng với dòng máu lai thần thánh, siêu nhân, và những kẻ cướp quý tộc. Theo sau thời này là thời hưng thịnh của các lực sĩ thể hình; lúc Arnie và Lou Ferrigno trở thành đại sứ thể thao cho nền văn hóa đại chúng (họ bắt đầu nổi sau khi tham gia vào bộ phim tài liệu-tâm lý kinh điển về lực sĩ Pumping Iron – 1977)). (Ảnh: Bìa đĩa phim Pumping Iron).


Những chàng cơ bắp này đúng là gặp thời, đúng chỗ, đúng thời điểm: lúc phim hạng B biến thành phim hạng A – khi (Hollywood) phát lời kêu gọi, triệu tập những anh hùng “quá cỡ’ mới mẻ lại hòng giúp nó bảo vệ những gì còn sót lại của ‘chủ nghĩa hiện thực’ thời thập niên 70s. (Ảnh: anh hùng cơ bắp Arnold, phải nói là rất có công với Hollywood một thời).


Khi nước Mỹ bước vào thời cuối của những năm 80s, các anh hùng hành động lắm thịt bắt đầu trông ù lì hẳn trước những gương mặt mới mẻ, nhanh nhẹn hơn, tỷ như Bruce Willis hay Mel Gibson. Schwarzenegger, chiếc bánh nhân thịt duy nhất có chút xíu duyên, bắt đầu chuyển hướng sang thể loại hài. Vào năm 1994, phim Tốc độ ra mắt, và anh chàng đầu đinh, dũng mãnh theo kiểu ‘kín đáo’ tên Keanu Reeves cho khán giả thấy một gương mặt sáng giá mới của các ngôi sao hành động nam. (Ảnh: Keanu (trông lãng tử hơn hẳn các chàng bánh nhân thịt đời trước) và Sandra trong phim “Tốc độ”).


Tất cả chúng ta đều biết những gã đàn ông (cơ bắp) của thập niên 80s sẽ bình luận gì về chuyện này, về thế hệ cơ bắp mới này; nhưng bình luận kiểu nào đi nữa, cuộc chơi của các quý ông ấy cũng đã tới hồi kết. Tính hài hước dần biến mất khỏi phim của Arnold, và sự nghiệp của chàng diễn viên xôi thịt này bắt đầu xuống dốc từ năm 1996 với phim “Eraser”. Năm đó cũng là lần đầu tiên Stallone qua mặt được ‘kẻ hủy hiệt’ Schwarzenegger. Tình hình tệ đến nỗi người ta bắt đầu nhìn diễn viên Steven Seagal như một “giải pháp”. Trong ảnh: (Steven Seagal trong “About the Law”).


Nhớ lại, ngay cả các tác phẩm khá nhất của các bánh nhân thịt hồi thập niên 80s cũng mang chất lố bịch, vì chúng có thiên hướng ngả theo các pha hành động suồng sã. Nhưng cũng trong thời điểm hoàng kim đó, cái thể loại (đáng ra nhố nhăng) lại kiêu căng, tự mãn một cách nghiêm trọng, mà thời đại này chẳng thể chịu đựng kiểu nghiêm trọng đấy nữa: khán giả đơn giản là đã hiểu biết hơn, họ biết tỏng rằng muốn có cơ bắp cuồn cuộn thì phải dùng thuốc, họ biết về những mối quan hệ chính trị của diễn viên, về sự hạn chế của loại anh hùng ‘tứ chi phát triển’ này. Đó chính là lý do vì sao các chàng ‘cử tạ’ chau chuốt của thời nay như Vin Diesel và Dwayne Johnson chỉ có sự nghiệp khập khiễng trong những năm gần đây. (Ảnh: ngôi sao cơ bắp Vin Diesel trong phim “XXX”).


Đó là như chuyên gia thể dục vẫn khuyên bạn: cái lõi bên trong mới là quan trọng; nhưng các bánh nhân thịt kia LẠI không được tự nhiên nữa. Và Johnson – đẹp trai, sôi nổi, quyến rũ – từng cực kỳ hiệu quả trong phim “Vua bò cạp”, “The other guys”, và “Fast five”, nhưng do phải “đơn thân độc mã” giữ chiến tuyến, anh đã thử làm cú chuyển “kiểu Schwarzenegger” – tức gộp các pha hành động chai mặt (như phim “Walking Tall”) với thể loại đánh đấm hài (phim “Tooth Fairy”), để rồi cho ra đời những kết quả đáng thất vọng. (Ảnh: Dwayne Johnson hấp dẫn trong “Vua bò cạp”, một phiên bản của “Xác ướp Ai Cập”).


… Và một Dwayne Johnson chán mớ đời trong phim “Tooth fairy”).


Cả cơ thể cũng không tự nhiên. Chất steroids đã đi kèm với “nổi cơ bắp” từ rất lâu rồi (Stallone từng bị kết tội nhập khẩu hormon tăng trưởng HGH vào Úc hồi năm 2007), nhưng chất này là cần thiết để giúp ‘định hình’ các anh hùng hành động đương đại. HGH từng được tổng hợp từ… xác chết. Thực tế thì thành phần của chất này không khác gì lắm với thuốc Venom mà nhân vật phản diện “Bane thằn lằn” chích vô người để có được sức mạnh ma quỷ trong phim “Người Dơi” sắp chiếu. (Ảnh: cơ thể dùng steroids của Stallone).


Các thứ ‘tiên dược’ đáng nghi ngờ sẽ kích thích nên những dục vọng đáng nghi ngờ, thế mới hiểu tại sao mấy chàng bánh nhân thịt gần đây hầu như đều mang chút gì đó “đen tối”. Bộ phim Bỉ “Rundskop” (Bullhead, Đầu bò) – được đề cử Oscar 2012 cho hạng mục Phim Nước ngoài – có nhân vật chính là một bánh nhân thịt bị thiến: diễn viên Mattias Schoenaerts bộc lộ sức mạnh diễn xuất phi thường khi thủ vai Jackie – anh nông dân Bỉ xài chất kích thích nhiều y như mấy con gia súc mà anh ta nuôi. Nhưng Jackie có lý do chính đáng để tức giận: hai tinh hoàn của anh bị nghiền sau một tai nạn lúc anh còn nhỏ. (Ảnh: Mattias Schoenaerts trong “Đầu Bò”).


Nỗi đau và sự tự ti hẳn là luôn hiện hữu trong đầu các chàng mặt thịt. Nói cho cùng, Stallone trở nên nổi tiếng nhờ hai vai: Rocky Balboa – một nhân vật lúc nào cũng phải gượng đứng lên sau khi bị dập tơi tả, và John Rambo – biểu tượng của lòng tự hào (sứt mẻ) của nước Mỹ sau chiến tranh Việt Nam. Arnie xông lên mở đường với cặp mắt sống động (hơn Stallone), nhưng trong các cảnh bạo lực, cái ‘mạng lưới’ cơ bắp kỳ dị của Arnold để lộ rõ một vẻ gì đó thiếu nhân tính. Thực chất, chính vai Kẻ hủy diệt – một con rô-bốt vô cảm – đã khiến anh nổi tiếng, chứ không phải vai Conan, chàng nô lệ tự do. (Ảnh: Arnold trong “Kẻ hủy diệt” phần 1 với vẻ rô-bốt).


… Và Arnold trong vai Conan đáng yêu, là vai Arnold thủ diễn trước khi đóng “Kẻ hủy diệt”. Đây là vai chính của phim “Conan the barbarian” và “Conan the destroyer”. Hollywood mới làm lại “Conan the barbarian” hồi 2011)


Vào năm 1986 – thời kỳ đỉnh cao của cạnh tranh; trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí GQ, Arnold Schwarzenegger buộc tội rằng Stallone tập trung vào sự nghiệp theo kiểu máy móc, thiếu tình cảm: “Nếu bắp chuột của mày nặng 54 ký – Stallone nói – bắp chuột của tao sẽ nặng 59 ký. Anh ta (Stallone) bị cơ bắp ám ảnh, nó tác động đến trang phục của anh ta, rồi đến cách mà anh ta cố tham gia vào một tổ chức từ thiện. Tất cả đều đến từ ‘Rocky’, chứ không đến từ, bạn biết đấy (Arnold chỉ vào trái tim)… không có tình yêu ở đó. Khán giả nhận ra điều này. Bạn có thể cố giả tạo trong một năm, nhưng 10 năm thì khó đấy. Tôi nghĩ đây là điểm khác nhau giữa hai chúng tôi.” (Trong ảnh: Stallone trong bộ phim “Rambo” mới nhất, ra mắt năm 2008.)


Thú vị thật, thế còn trái tim van heo của Arnie (Arnold từng phẫu thuật thay van tim heo để thế cho van tim ông bị hỏng) có còn chút ‘tình yêu’ nào hay không sau khi ông trở lại với màn ảnh? Suy cho cùng, Stallone đã “chiến đấu” không phải chỉ 10 năm mà tới hơn 20 năm. Lúc các chàng khổng lồ lỗi thời này lết về màn bạc để đấu trận cuối cùng, Hollywood chắc chắn sẽ phải nhìn thấy hình ảnh của chính mình phản chiếu trên các vóc dáng quái gở kia, cuồn cuộn theo kiểu hết xí quách, với nỗi sợ hãi hiện lên trong đôi mắt đỏ ngầu. Có gì đó tương tự giữa những cơ thể này với với một lô lốc các phim bom tấn triệu đô, kinh phí vượt cả mức “nguy hiểm”, “too big too fail” mà. “Quá lớn thì không sập được”, dĩ nhiên câu này người ta hay dùng cho các nhà băng. Có lẽ cái quy mô khổng lồ của toàn bộ việc này chỉ vừa mới lấp ló, và món bánh nhân thịt mới không chỉ là chuyện của Hollywood, mà còn là chính cơ thể phương Tây phồng căng, ăn uống quá độ, được bơm bằng tín dụng (chứ không phải bằng chất creatin – chơi chữ ghép giữa ‘creative’, sáng tạo, với ‘protein’, đạm), đang căng thẳng tự chữa chạy chống lại sự sụp đổ của chính mình.” (Ảnh: diễn viên John Abraham (phải) và Jamwal đối đầu trong phim “Force” cơ bắp hồi năm 2011)


Khi sống trong thời kỳ đen tối của khủng hoảng kinh tế, người xem sẽ muốn quay về nghiền ngẫm quá khứ, các fan cuồng sẽ ước gì đồng hồ quay ngược lại thời 80s cổ xưa; Schwarzenegger, Stallone, và những đồng nghiệp mặt thịt của họ chắc chắn là muốn quay về thời hoàng kim còn hơn cả fan, cái thời mà họ là những vị thần Titans bóng loáng và lực luỡng. Nhưng sự việc giờ chẳng giống như xưa nữa. Chúng ta (khán giả) hiểu quá rõ về cái giá phải trả (cho cơ bắp cuồn cuộn), và còn biết được bí mật lớn đang đập trong trái tim già nua của các bánh nhân thịt: cơ thể của họ không thể lừa dối ai cả. Giống như nhân vật của Arnold nói trong phim “Kẻ hủy diệt 2” – đoạn con rô-bốt tả tơi (trong ảnh) đành chấp nhận ngày hết hạn của nó, tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy vào vạc nung thép trong cảnh cuối của bộ phim – “Giờ thì tôi hiểu tại sao bạn khóc” con rô-bốt nói.

 

*

Chú thích

– Nguyên âm cụt ngủn: ý chê phim hành động của Arnold có chất lượng kém, ít các câu thoại thông minh mà chỉ có những từ la ó như “Ốiii”, “Áaaa”, “Ặc ặc”…

– Governator (Thống đốc hủy diệt): từ ghép của Governor (Thống đốc – Arnold từng giữ chức Thống đốc bang California), và Terminator (Kẻ huỷ diệt – bộ phim làm Arnold trở thành sao)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả